Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các nhà lãnh đạo châu Âu đồng loạt lên tiếng ủng hộ Volodymyr Zelensky sau khi Donald Trump gọi ông là “một nhà độc tài không qua bầu cử” vào thứ Tư. Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, cho biết ông sẽ đến Kyiv để “tái khẳng định” ủng hộ Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ tuyên bố của ông Trump rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về chiến tranh. Các nhân vật đối lập ở Ukraine cũng bác bỏ lời kêu gọi tổ chức bầu cử, cho rằng điều đó là “bất khả thi và vô đạo đức” trong thời chiến.
Cảnh sát Israel cho biết họ đang điều tra một “vụ tấn công khủng bố” sau khi ba chiếc xe buýt trống phát nổ ở thành phố Bat Yam về phía nam Tel Aviv. Không có thương vong nào được ghi nhận. Vụ việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Hamas trao trả thi thể của bốn con tin Israel, bao gồm một người mẹ và hai đứa con; thủ tướng Binyamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ “tính sổ” với những kẻ giết họ.
Thượng viện Mỹ phê chuẩn Kash Patel làm giám đốc FBI với tỷ lệ phiếu sít sao 51-49. Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa phản đối ông. Patel là một nhân vật gây tranh cãi vì lập trường chính trị cực đoan và ủng hộ các thuyết âm mưu. Ông từng gọi FBI — cơ quan mà ông hiện đang lãnh đạo — là “một trong những lực lượng xảo quyệt và quyền lực nhất của nhà nước ngầm.”
Truyền thông địa phương cho biết Nga đã chiếm lại 800 km² ở Kursk, đảo ngược 64% lãnh thổ mà Ukraine giành được trong cuộc phản công năm ngoái. Ở Ukraine, các cuộc tấn công của Nga đã khiến ít nhất bảy người thiệt mạng và 30 người bị thương. Những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất diễn ra ở hai thành phố Kherson và Kharkiv. Ngoài ra 49.000 người ở Odessa bị mất điện sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Mercedes-Benz cảnh báo lợi nhuận sẽ giảm mạnh trong năm 2025. Biên lợi nhuận hoạt động của hãng đã giảm từ 12,6% năm 2023 xuống còn 8,1% trong năm 2024 và có thể tiếp tục giảm xuống 6% trong năm nay. Nhà sản xuất ô tô Đức đang gặp khó khăn do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và châu Âu; và căng thẳng thương mại gia tăng sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Công ty đã công bố kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất 10% cho tới năm 2027.
Mexico đã bắt giữ José Ángel Canobbio, một nhân vật cấp cao trong băng đảng ma túy Sinaloa. Canobbio, còn được gọi là “El Güerito” (gã tóc vàng nhỏ), được cho là người phụ trách an ninh cho con trai của Joaquín “El Chapo” Guzmán, trùm ma túy khét tiếng. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền Trump chính thức tuyên bố Sinaloa là tổ chức khủng bố nước ngoài.
Con số trong ngày: 18 tỷ USD, là số tiền mà các công ty tư vấn lớn nhất của Mỹ thu từ chính phủ liên bang vào năm ngoái, tăng từ 5 tỷ USD một thập niên trước.
TIÊU ĐIỂM
Các nước Ả Rập họp bàn về Gaza
Dư chấn từ kế hoạch của tổng thống Donald Trump đối với Gaza — về một cuộc tiếp quản của Mỹ và việc trục xuất người Palestine — vẫn đang lan rộng khắp Trung Đông. Các nhà lãnh đạo Ả Rập từ Ai Cập, Jordan và một số quốc gia vùng Vịnh sẽ đến Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, vào thứ Sáu để thảo luận về các phương án thay thế. Các đề xuất bao gồm một quỹ 20 tỷ USD để tái thiết dải Gaza trong ba năm và một chính quyền Palestine độc lập với cả Hamas và Nhà nước Palestine cùng tham gia.
Syria và Lebanon cũng đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ vùng Vịnh để tái thiết đất nước. Nhiều công ty, đặc biệt là ở Ai Cập, đang háo hức giành hợp đồng. Nhưng các dự án tái thiết sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Israel vẫn đang ngăn nguồn cung găng tay phẫu thuật, nhà di động, và kho hàng di động vào Gaza, vì cho rằng Hamas có thể sử dụng chúng với mục đích xấu. Việc đưa máy móc hạng nặng vào sẽ rất khó khăn khi Hamas vẫn kiểm soát tình hình trên thực địa. Ý tưởng gây sốc của ông Trump đã thúc đẩy các quốc gia Ả Rập đoàn kết (có lẽ đó là ý định của ông). Nhưng một kế hoạch hậu chiến còn lâu mới được định hình rõ ràng.
Nhật Bản mong chờ lạm phát
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) muốn thấy lạm phát dai dẳng, trái ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương khác. Họ sẽ theo dõi sát sao khi cơ quan thống kê của Nhật công bố số liệu lạm phát tháng 1 vào thứ Sáu. Ngân hàng muốn có bằng chứng cho thấy “chu kỳ lành mạnh” của tăng lương và giá — yếu tố cần thiết để Nhật Bản thoát khỏi hàng thập kỷ giảm phát — đang tiếp diễn.
Điều này sẽ giúp BoJ bỏ chính sách lãi suất siêu thấp, vốn được duy trì ngay cả khi lạm phát liên tục vượt mục tiêu 2%. Ngân hàng đã thận trọng không hành động quá nhanh vì có thể khiến đồng yên tăng giá sớm, làm suy yếu kỳ vọng lạm phát. Nhưng dữ liệu kinh tế gần đây đang ủng hộ BoJ. Sau khi giá bán buôn tăng vượt dự báo vào tuần trước, thị trường đang kỳ vọng BoJ sẽ đạt được điều họ mong muốn.
Sudan có thể có hai nhà nước
Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự của Sudan đã chiến đấu với quân đội quốc gia trong hai năm qua, sắp chính thức thành lập chính phủ tại các khu vực họ kiểm soát. Vào thứ Sáu, một số nhóm nổi dậy và các chính trị gia đối lập với chính phủ Sudan dự kiến sẽ ký một hiến chương chính trị tại Nairobi, thủ đô của Kenya. Phó lãnh đạo của RSF, Abdul Rahim Dagalo, dự kiến sẽ có mặt. Anh trai của ông, Muhammad Hamdan Dagalo (còn được biết đến nhiều hơn với biệt danh Hemedti), là thủ lĩnh của RSF và được cho là đang ở Nairobi nhưng không xuất hiện trước công chúng. Cả hai quân phiệt này đều đang bị Mỹ áp trừng phạt vì thanh trừng sắc tộc và có khả năng đã phạm tội diệt chủng ở Darfur.
Chính phủ nổi dậy sẽ không đặt thủ đô ở Khartoum, thủ đô của Sudan. Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) đang trên đà giành lại thành phố này từ tay RSF. Tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo SAF, và là tổng thống trên thực tế của Sudan, vừa lần đầu xuất hiện tại đây kể từ năm 2023. Hôm 9 tháng 2, SAF đã cam kết thành lập một chính phủ “kỹ trị.” Sudan dường như đang trên bờ vực chia cắt.
Tương lai bất định của USAID
Lệnh tạm hoãn của tòa án liên bang đối với việc giải thể USAID, cơ quan viện trợ của Mỹ, sẽ hết hạn vào thứ Sáu. Hôm 4 tháng 2, USAID thông báo với nhân viên rằng họ sẽ được nghỉ phép có lương. Tòa án sau đó chặn điều này, dù văn phòng USAID vẫn đóng cửa. Hàng nghìn nhân viên, bao gồm cả nhà thầu ở nước ngoài, đã bị sa thải. Hàng nghìn công chức khác vẫn chưa rõ số phận trong khi tòa án quyết định liệu Donald Trump có quyền đơn phương giải thể cơ quan này hay không.
Chính quyền Trump đã gây ra hỗn loạn khi vào ngày 20 tháng 1 — ngày đầu của ông ở cương vị tổng thống — cho đóng băng toàn bộ các khoản thanh toán của USAID. Một lệnh khác của tòa đã ngăn điều này. Nhưng hầu như toàn bộ nguồn tài trợ vẫn bị đóng băng. Chính phủ tuyên bố hành động của họ là hợp pháp vì mỗi khoản thanh toán đang được xem xét riêng lẻ. Song các luật sư đại diện cho các nhà thầu của USAID không chấp nhận lập luận này: họ muốn tòa án tuyên chính phủ tội vi phạm lệnh của tòa.