Vì sao Putin và Zelensky đều sẽ không dễ dàng thỏa hiệp?

Nguồn: Triệu Long, 赵隆:美俄关系重启?中国会面临怎样的局势?, Guancha, 20/02/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai tuyên bố đã có cuộc đối thoại “hiệu quả” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thông tin xung quanh vấn đề Nga-Ukraine trở nên bùng nổ. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cùng Đặc phái viên Mỹ về Nga và Ukraine Kellogg đã nối nhau bày tỏ quan điểm tại châu Âu, đây gần như là một “sự sỉ nhục” đối với các nước đồng minh châu Âu.

Tiếp đó, vào ngày 18/2, Mỹ và Nga đã gặp nhau tại Saudi Arabia mà không có sự tham dự của châu Âu và Ukraine. Hai bên đều tỏ ra khá hài lòng với hơn 4 giờ đàm phán và đã đạt được đồng thuận về 4 nguyên tắc.

Châu Âu lúc này đã mở các cuộc họp khẩn nhưng vẫn chưa đưa ra phương án ứng phó sơ bộ. Zelensky, người vốn dự tính đến Saudi Arabia vào ngày 19, đã từ UAE đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 18 để tham dự cuộc hội đàm với Erdogan; ông cho biết chuyến đi tới Saudi Arabia sẽ được hoãn đến ngày 10/3.

Cục diện ván cờ này vẫn còn là một ẩn số.

Đóng băng xung đột hay hòa bình lâu dài, liệu tất cả các bên có đạt được mục tiêu?

Trong vấn đề ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, Trump đã thực thi “chính sách ngoại giao overhead” với châu Âu, trực tiếp đối thoại và đàm phán với Nga, đồng thời công khai tuyên bố thông qua các quan chức cấp cao rằng “châu Âu sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai”. Điều này đã tạo ra một cú sốc lớn cho chính giới và giới chiến lược châu Âu.

Nhằm ứng phó với sự điều chỉnh chính sách của Trump, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã họp khẩn tại Paris để thảo luận về các vấn đề như tình hình Ukraine và an ninh tập thể châu Âu. Tuy nhiên theo tôi, thái độ của chính quyền Trump không phải là nhất thời, mà có một chuỗi logic rõ ràng đằng sau khoảng cách trong lập trường giữa Mỹ và châu Âu.

Một mặt, Mỹ và châu Âu có những yêu cầu không nhất quán đối với việc “đóng băng xung đột”. Theo quan điểm của Trump, bất kỳ bên nào tham gia đàm phán đều cần phải đồng ý rằng, Ukraine khó có thể khôi phục lại đường biên giới năm 2014 hay thậm chí là năm 1991 thông qua các biện pháp quân sự, và cần phải kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt để kịp thời chấm dứt tổn thất. Tuy nhiên, không ít nước châu Âu lại có lập trường rằng, lệnh ngừng bắn dựa trên đường tiếp xúc chẳng khác nào “chiến thắng của Nga” và khó có thể đưa đến “một nền hòa bình công bằng và lâu dài”, và chỉ cần Ukraine không từ bỏ kháng cự thì họ phải hỗ trợ đến cùng.

Mặt khác, một số nước châu Âu bị coi là “hòn đá cản đường” đối với “kế hoạch ngừng bắn” của Trump. Chẳng hạn, Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng việc gia nhập NATO là điều không thực tế đối với Ukraine, trong khi Anh và một số nước Đông Âu lại luôn kiên định trong việc ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Trump còn đề xuất rằng, các nước châu Âu cần triển khai quân đội để thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau lệnh ngừng bắn, nhưng Đức và các nước khác phản đối điều này. Ngoài ra, các ý tưởng của Trump, chẳng hạn như việc thông qua áp lực cực đại buộc Ukraine phải đưa ra những thỏa hiệp quan trọng và tìm cách trao đổi lợi ích với Nga để đạt được một “thỏa thuận lớn”, cũng vấp phải trở ngại từ châu Âu với lý do đạo đức và trách nhiệm quốc tế.

Nhìn từ góc độ lý trí và thực tế, lệnh ngừng bắn ở Ukraine cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình và tái thiết sau đó đều sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của châu Âu. Do đó, những tuyên bố này của chính phủ Mỹ không đồng nghĩa với việc châu Âu thực sự bị gạt ra ngoài. Xét theo phong cách “thương nhân” của Trump, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ nhân cơ hội này sử dụng “tư cách” ngồi vào bàn đàm phán của châu Âu để làm con bài mặc cả, buộc châu Âu phải chủ động tăng chi tiêu quân sự hoặc thậm chí thỏa hiệp với Mỹ về các vấn đề kinh tế và thương mại, qua đó thực hiện mục tiêu là để chính người châu Âu duy trì an ninh ở châu Âu và tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Việc liệu châu Âu có thể ứng phó được với áp lực này hay không phụ thuộc vào khả năng thống nhất lập trường và phối hợp hành động của họ.

Về cơ bản, nếu châu Âu coi “kế hoạch ngừng bắn” của Trump là quá thiên vị Nga, vậy thì chỉ cần EU hoặc các cường quốc châu Âu thống nhất lập trường, họ vẫn có thể đóng vai trò “đầu tàu” trong việc viện trợ cho Ukraine bằng cách nâng mức trần chi tiêu quân sự, phát hành trái phiếu quốc phòng hay tăng mua vũ khí từ Mỹ. Trong vấn đề này, điều châu Âu thiếu không phải sức mạnh kinh tế, mà là ý chí chính trị.

Nhưng cần lưu ý rằng, mặc dù Trump đã thực sự coi lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình trong tương lai gần, nhưng cũng cần phải thấy rằng, việc nối lại đàm phán chỉ là điểm khởi đầu của một quá trình lâu dài nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine.

Theo các thông tin về “kế hoạch hòa bình” của Trump mà truyền thông tiết lộ, việc đạt được lệnh ngừng bắn dựa trên đường tiếp xúc không phải là điều không thể chấp nhận được đối với cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sẽ rất khó để đáp ứng các yêu cầu cốt lõi của Nga và Ukraine về các vấn đề như chủ quyền của Crimea, phạm vi và chức năng của khu phi quân sự, việc “trao đổi” các lãnh thổ do Nga và Ukraine kiểm soát, cam kết không gia nhập NATO của Ukraine, các hoạt động gìn giữ hòa bình và thiết kế đảm bảo an ninh cuối cùng.

Đồng thời, cả Trump và Putin đều có phong cách ngoại giao muốn chiếm thế chủ đạo. Putin quan tâm nhiều hơn đến các sắp xếp hậu chiến, bao gồm việc xác định vị thế trung lập của Ukraine thông qua các sửa đổi hiến pháp, hạn chế quy mô quân đội Ukraine và quân đội nước ngoài đồn trú tại đây, dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Nga và đạt được các cam kết cụ thể từ Mỹ về cấu trúc an ninh khu vực sau chiến tranh.

Trump thì quan tâm nhiều hơn đến việc nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ không còn phải chịu những chi phí quá mức từ Ukraine thông qua một “giao dịch”. Mặt khác, Ukraine có thể quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để cân bằng giữa “chủ quyền” và “quản trị”, làm thế nào để đạt được sự đảm bảo an ninh lâu dài và đáng tin cậy, cũng như làm thế nào để hội nhập vào châu Âu nhanh hơn. Đã có sự chênh lệch giữa các bên về mức độ ưu tiên của các vấn đề.

Tất nhiên, bản thân việc đàm phán chính là nghệ thuật thương lượng. Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào năm 2022, và nó sẽ giúp cả hai bên trình ra những ý tưởng thực sự của mình. Các cuộc gặp trong tương lai giữa Trump và Putin cũng sẽ giúp làm dịu những khác biệt lập trường nêu trên; nhưng do cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài trong 3 năm, với việc Nga và Ukraine phải chịu hàng triệu thương vong, còn Mỹ và châu Âu phải chi hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế, vậy nên tất cả các bên đều sẽ không dễ dàng nhượng bộ các yêu cầu cốt lõi của mình, sự đan cài giữa áp lực và thỏa hiệp nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong nhiều vòng.

So với “hòa bình lâu dài” hay các đảm bảo an ninh mà Nga, Ukraine và thậm chí cả châu Âu nhấn mạnh, “kế hoạch hòa bình” của Trump tập trung nhiều hơn vào các kết quả ngắn hạn. Nói chung, chỉ cần đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời thông qua cái gọi là “kế hoạch 100 ngày”, bất kể cơ chế hòa bình và đảm bảo an ninh ở Ukraine có được thiết lập hay không, thì đã đủ để Trump coi đó là chiến thắng và tuyên bố mình là “vị tổng thống hòa bình”.

Vì sao Putin và Zelensky đều sẽ không dễ dàng thỏa hiệp?

Chắc chắn rằng, “sự nóng lòng muốn chấm dứt chiến tranh” của Trump mang lại cho Nga nhiều không gian hơn để xem xét chính sách về vấn đề “chiến và hòa”. Xét theo sự tăng trưởng của ngân sách quốc phòng, sự thăng tiến không ngừng của năng lực công nghiệp quân sự và việc tăng cường tuyển dụng lính hợp đồng, Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ chiến lược “vừa đánh vừa đàm, ép buộc hòa bình bằng chiến tranh”.

Nga không chỉ muốn lệnh ngừng bắn hay đóng băng đơn thuần, mà còn hy vọng gắn lệnh ngừng bắn với các vấn đề liên quan đến những sắp xếp hậu chiến và việc tái lập trật tự địa chính trị, an ninh của toàn bộ khu vực. Như tôi đã từng đề cập, điều Putin muốn không phải là “Thỏa thuận Minsk mới” mà là “Khung Yalta mới”.

Tất nhiên, ở một mức độ nào đó, lệnh ngừng bắn phù hợp với lợi ích Nga, bởi mặc dù có lợi thế tương đối trên chiến trường, nhưng Nga vẫn chưa đạt được đến bước có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chỉ thông qua “chiến thắng trên chiến trường”. Nhưng nếu kế hoạch ngừng bắn cuối cùng không nêu rõ rằng Ukraine không thể gia nhập NATO, không bao gồm các cuộc đàm phán Mỹ-Nga xoay quanh việc tái cấu trúc khung an ninh ở châu Âu và khu vực Á-Âu nhằm đảm bảo sự ổn định chiến lược toàn cầu, không bao gồm việc đạt được các cam kết an ninh mang tính ràng buộc và không giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến khu vực Kursk do Ukraine kiểm soát, thì theo quan điểm của Nga, lệnh ngừng bắn này chỉ đơn thuần là cơ hội để Ukraine tìm kiếm sự nghỉ ngơi trên chiến trường.

Đồng thời, việc “kế hoạch ngừng bắn” của Trump có thể đáp ứng được yêu cầu của Putin ở mức độ nào cũng phụ thuộc vào những đánh giá động thái của Nga. Lập trường cứng rắn hiện nay của Nga không phải là hoàn toàn không thể thay đổi. Điều quan trọng là thái độ cứng rắn đối với châu Âu của Trump và vị thế vững chắc của ông trong nước (Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và hào quang đắc cử vẫn còn trong công chúng) sẽ không kéo dài mãi mãi.

Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, nếu những nỗ lực nhằm nhanh chóng đóng băng xung đột của Trump tiếp tục gặp trở ngại, ông có thể sẽ mất kiên nhẫn và thay đổi quan điểm. Tương tự, nếu không đạt được tiến triển đáng kể nào trong năm nay, không gian chính sách của Trump sẽ bị thu hẹp khi áp lực từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới xuất hiện. Hơn nữa, Nga luôn muốn làm suy yếu mối đe dọa tới từ liên minh xuyên Đại Tây Dương, và nước này cũng sẽ coi những khác biệt giữa Mỹ và châu Âu về cuộc khủng hoảng Ukraine là cơ hội để khai thác.

Xét đến những yếu tố này, Nga nhiều khả năng sẽ không dễ dàng từ bỏ “cơ hội” hiện tại, mà sẽ lợi dụng thái độ của Trump và giữ tâm thế “muốn đánh thì đánh, muốn đàm thì đàm”, đồng thời sử dụng cả biện pháp mềm mỏng và cứng rắn để chấm dứt giai đoạn chiến tranh “nóng” xoay quanh các yêu cầu cốt lõi của Nga.

Ngược lại, Ukraine đang ở thế bất lợi trong cuộc chơi đa phương xoay quanh lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh hiện nay. Một mặt, khoảng cách lớn trong chính sách đối với Ukraine giữa Trump và Biden, cũng như cách tiếp cận thực dụng của Trump nhằm tìm kiếm lợi nhuận tương đương trong việc viện trợ cho Ukraine, đều có thể sẽ làm suy yếu kỳ vọng giành chiến thắng trên chiến trường của Zelensky. Vì vậy, Ukraine đã có những thỏa hiệp tương ứng về các vấn đề như giành lại lãnh thổ bằng biện pháp quân sự và từ chối đàm phán với Putin.

Mặt khác, đối diện với nguy cơ rằng những khác biệt giữa Mỹ và châu Âu có thể “bị giao dịch”, Ukraine nhiều khả năng sẽ ràng buộc hơn nữa lập trường và lợi ích của mình với châu Âu. Nếu mô hình đàm phán 4 bên giữa Mỹ, Nga, châu Âu và Ukraine đến cuối cùng vẫn không thể thực hiện được, vậy thì Ukraine ít nhất sẽ cố gắng tạo ra một cục diện mà có thể điều phối các lập trường một cách chặt chẽ với sự hậu thuẫn của châu Âu, đồng thời thúc đẩy châu Âu cung cấp các cam kết bảo đảm an ninh và hỗ trợ kinh tế có ràng buộc, trong đó bao gồm những lợi ích thực tế như việc nhanh chóng gia nhập EU.

Đồng thời, quân đội Ukraine có thể sẽ duy trì thế công và thủ ở tiền tuyến (đặc biệt là theo hướng Kursk), thậm chí chứng minh năng lực của mình thông qua tác chiến bất đối xứng như máy bay không người lái, nhằm tăng thế mặc cả cũng như tránh rơi vào thế hoàn toàn bị động trước những thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có tiếng nói lo ngại rằng, liệu Zelensky có trở thành vấn đề thay vì giải pháp?

Tuyên bố công khai trước đó của Putin rằng Nga không phản đối việc đàm phán với bất kỳ ai ở Ukraine, bao gồm cả Zelensky, nhưng hoài nghi về tính hợp pháp của văn bản mà Zelensky cuối cùng sẽ ký; bởi theo Hiến pháp Ukraine, Tổng thống Ukraine không có quyền kéo dài nhiệm kỳ của mình ngay cả khi đất nước ở vào tình trạng chiến tranh, chỉ Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine mới có thể gia hạn nhiệm kỳ của tổng thống; Ukraine không tổ chức bầu cử như bình thường, vậy nên Zelensky không có quyền đại diện cho Ukraine ký kết bất kỳ văn bản nào với Nga.

Đồng thời, Trump mới đây đã chỉ trích gay gắt Zelensky rằng “Đã ba năm rồi, lẽ ra ông nên dừng cuộc chiến từ lâu rồi”, thậm chí còn nói rằng đáng ra Zelensky không nên bắt đầu cuộc chiến. Xét theo điều này, nếu Zelensky bị Mỹ coi là trở ngại cho các cuộc đàm phán trong tương lai, liệu ông có trở thành “quân tốt thí”?

Trên thực tế, những động thái tương tự của Mỹ và Nga về nhu cầu tổ chức bầu cử ở Ukraine sau lệnh ngừng bắn cho thấy, cả hai bên đều tin rằng cần xử lý hai vấn đề chính là “đàm phán ngừng bắn” và “đàm phán hòa bình” theo từng giai đoạn và theo các mục tiêu khác nhau. Đây không phải là tin tốt cho chính phủ Zelensky.

Ngay trong nội bộ Ukraine cũng có sự đồng thuận về việc tổ chức bầu cử tổng thống sau chiến tranh. Vào tháng 11/2023, các phe phái khác nhau của Verkhovna Rada Ukraine đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc của các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng sau khi xung đột và tình trạng chiến tranh kết thúc, đồng thời đảm bảo có đủ thời gian, ít nhất 6 tháng sau khi tình trạng chiến tranh kết thúc, để tiến hành công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua hình tượng mạnh mẽ mà Zelensky đã xây dựng trong 3 năm tranh đấu vừa qua, đặc biệt là khả năng lãnh đạo được thể hiện trong giai đoạn đầu vốn đã nhận được sự đánh giá cao của giới truyền thông và chính giới phương Tây. Dù có những bất đồng với Trump, nhưng xét đến sự ủng hộ trong nước và danh tiếng quốc tế mà Zelensky nhận được, thì việc thách thức vai trò lãnh đạo của ông vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nhất định.

Đồng thời, do đặc thù của tình hình chiến tranh và môi trường chính trị trong nước, người dân nhìn chung có xu hướng ủng hộ chính quyền hiện tại để duy trì sự thống nhất về chính trị và quân sự, trong khi sự gắn kết của phe đối lập là tương đối yếu ớt. Hiện tại, lực lượng chính trị chính thống và người dân Ukraine không mấy hài lòng với “kế hoạch ngừng bắn” của Trump, và Zelensky vẫn có nền tảng chính trị vững chắc. Chỉ cần không công khai thách thức Trump hoặc làm mất lòng Mỹ, Zelensky khó có thể trở thành “quân tốt thí” chỉ vì “không nghe lời”.

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng cứ kéo dài và sự mệt mỏi trên chiến trường khiến công chúng cho rằng không có triển vọng chiến thắng rõ ràng, thì những lời kêu gọi cải cách hoặc thay đổi lãnh đạo có thể sẽ nhận được sự ủng hộ. Theo cuộc thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS), tính đến tháng 12/2024, tỷ lệ người dân Ukraine tin tưởng Zelensky là 52%, trong khi tỷ lệ ủng hộ từng lên tới 90% vào tháng 3/2022. Nếu “kế hoạch ngừng bắn” hiện tại của Trump được thực hiện, Zelensky không chỉ phải chấp nhận thực tế rằng gần 1/5 lãnh thổ sẽ do Nga kiểm soát, phải tổ chức bầu cử tổng thống sau khi ngừng bắn, mà còn thiếu một cơ chế đảm bảo an ninh tập thể tương tự như NATO. Điều này sẽ khiến hình tượng nhà lãnh đạo mạnh mẽ của ông bị ảnh hưởng, từ đó gây tác động đến bối cảnh chính trị của Ukraine trong tương lai. Đây cũng là lý do chính khiến Zelensky không thể dễ dàng thỏa hiệp về các vấn đề như chủ quyền lãnh thổ và an ninh.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cục diện ra sao nếu quan hệ Mỹ-Nga tan băng?

Ngày 13/2, khi đưa tin về cuộc điện đàm giữa Trump và Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đã đưa ra một tuyên bố thu hút sự chú ý rằng, Ukraine chắc chắn sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh dưới một hình thức nào đó, châu Âu vẫn chưa chắc chắn, nhưng sẽ có một cơ chế đàm phán song phương riêng giữa Nga và Mỹ. Có thể lý giải điều này như thế nào? Việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nga có phải là vấn đề quan trọng nhất trong tất cả các vấn đề hay không?

Sự tham gia của nhiều bên vào các cuộc đàm phán rõ ràng không phù hợp với mục tiêu ưu tiên hiệu quả của Trump và khó có thể đạt được lệnh ngừng bắn một cách nhanh chóng. “Kế hoạch ngừng bắn” của Trump có nền tảng là sự lãnh đạo đơn phương của Mỹ và theo đuổi việc “đánh nhanh, thắng nhanh”. Về mặt hình thức, Mỹ không hứng thú với các hội nghị thượng đỉnh hòa bình có sự tham gia của nhiều bên và kém hiệu quả. Có vẻ như Trump hy vọng sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán song phương Mỹ-Nga và Mỹ-Ukraine thông qua cách tiếp cận song song (dual-track), và buộc các bên liên quan phải chấp nhận kế hoạch của Mỹ bằng cách “xử lý từng bên một”.

Xét đến việc châu Âu có lập trường khác xa so với Mỹ và Nga về nhiều vấn đề như ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh, cũng như rất khó để hình thành tiếng nói thống nhất trong nội bộ, đối với Trump thì điều này sẽ cản trở quá trình đàm phán. Điều đáng chú ý là Mỹ và Nga có thái độ tương tự nhau trong vấn đề “châu Âu không cần tham gia đàm phán”, và Trump cũng có thể sử dụng điểm này như một điều kiện để thu hút Nga quay lại bàn đàm phán.

Về việc làm tan băng quan hệ Mỹ-Nga, cả hai bên đều có rất nhiều điều ngăn trở. Đối với Nga, mô hình kiềm chế và đối đầu toàn diện với Nga mà Mỹ thực thi dưới thời Biden đã cố kết. Hai nước đã liên tiếp rút khỏi hầu hết các hiệp ước kiểm soát vũ khí, sự tin tưởng lẫn nhau giữa giới tinh hoa chính trị đã trở về số không, khiến cho việc đảo ngược quán tính của tư duy đối đầu trở nên khó khăn. Thái độ “từ chối bị phương Tây lừa gạt một lần nữa” của giới tinh hoa chính trị và người dân Nga có thể tạo ra tác động quan trọng.

Trước khi có kế hoạch ngừng bắn rõ ràng, bất kỳ sự nới lỏng đơn phương nào của Trump trong chính sách đối với Nga đều sẽ đối mặt với rủi ro. Đồng thời, Trump cần sử dụng “mối đe dọa của Nga” để tiếp tục tăng cường sự phụ thuộc an ninh của châu Âu vào Mỹ và buộc NATO phải chịu nhiều chi phí an ninh hơn. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng quá cao vào kết quả của cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ-Nga sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Ngay cả khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn, thì đối đầu và kiềm chế ở các lĩnh vực khác vẫn sẽ tiếp tục.

Trước đây, Trump từng đề xuất rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Nhưng xét theo chiến lược và tiến triển hiện tại, Trump có lẽ không muốn Trung Quốc tham gia đàm phán với tư cách là “bên trung gian” và phá hỏng câu chuyện về “lệnh ngừng bắn do Trump dẫn đầu”, cũng như không muốn bị bất kỳ bên nào, trong đó có Trung Quốc, giành mất “ánh hào quang”.

Đồng thời, trong khi từ chối triển khai quân đội Mỹ tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình sau lệnh ngừng bắn, Mỹ lại mong Trung Quốc sẽ trở thành bên tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh hoặc gìn giữ hòa bình, đồng thời cũng mong Trung Quốc cung cấp hỗ trợ vật chất cho công cuộc tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Nói một cách đơn giản, Trump muốn Trung Quốc đóng góp vào việc thực hiện suôn sẻ “kế hoạch hòa bình” của mình, nhưng không muốn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và diễn ngôn trong quan hệ nước lớn và các vấn đề khu vực.

Trên thực tế, lập trường nhất quán của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là thúc đẩy đàm phán vì hòa bình, đối thoại và đàm phán là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ở một mức độ nào đó, thái độ của Trump đối với lệnh ngừng bắn và nhiều điểm chính trong “kế hoạch hòa bình” của ông trùng khớp với lập trường và văn bản công bố trước đó của Trung Quốc. Đây là điều khá trớ trêu đối với nhiều chính khách và phương tiện truyền thông trước đây từng chỉ trích lập trường của Trung Quốc. Theo tình hình hiện nay, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan để đảm bảo giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và đạt được một thỏa thuận hòa bình công bằng, lâu dài và có tính ràng buộc.

Xét đến thời gian kéo dài và cái giá tàn khốc của cuộc khủng hoảng, nếu Trump quá nóng lòng muốn đạt được thành quả và thúc đẩy đóng băng xung đột trong khi tránh né những mối quan tâm cốt lõi của hai bên đương sự và các bên liên quan, mà thỏa thuận ngừng bắn tạm thời lại thiếu đi sự thực thi và giám sát hiệu quả, vậy thì miền Đông Ukraine rất có thể sẽ trở thành “Dải Gaza” tiếp theo với các cuộc giao tranh liên miên. Điều đó sẽ không thể mang lại hòa bình đích thực và lâu dài. Nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ vì sự mất kiên nhẫn của Trump, cục diện sẽ quay trở lại giai đoạn chiến tranh “nóng” đầy khốc liệt.

Vì vậy, việc nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Mỹ và Nga có lẽ chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tác giả Triệu Long là giám đốc và nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Toàn cầu thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải.