Thế giới hôm nay: 03/03/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau hội nghị thượng đỉnh an ninh tại London, thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết các đồng minh châu Âu sẽ thành lập một “liên minh các bên sẵn lòng” để “đảm bảo hòa bình” ở Ukraine. Ông nói rằng Anh, Pháp và các nước khác đã đồng ý xây dựng một kế hoạch với Ukraine nhằm chấm dứt giao tranh, sau đó sẽ trình bày kế hoạch này với Mỹ. Ông cũng công bố một thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) để Ukraine mua tên lửa.

Các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị kêu gọi tăng cường chi tiêu quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết châu Âu cần “khẩn cấp tái vũ trang” và các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này tại một cuộc họp vào thứ Năm. Trong khi đó, tổng thư ký NATO Mark Rutte nói một số nước châu Âu sẽ sớm công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng.

Israel đã chặn viện trợ vào Gaza khi triển vọng gia hạn lệnh ngừng bắn với Hamas lung lay. Trước đó, thủ tướng Binyamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ chấp nhận một đề xuất sửa đổi nhằm kéo dài lệnh ngừng bắn 42 ngày ban đầu, được cho là do Mỹ đề xuất. Song Hamas cho biết họ muốn chuyển trực tiếp sang giai đoạn hai của thỏa thuận ban đầu, bao gồm các cuộc đàm phán về việc chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh.

Quốc hội Iran đã bỏ phiếu buộc bộ trưởng kinh tế Abdolnaser Hemmati rời khỏi chức vụ. Những người phản đối đổ lỗi cho ông về đà mất giá gần đây của đồng rial. Động thái này là thất bại của tổng thống Masoud Pezeshkian, người vừa thừa nhận rằng hy vọng đã tan vỡ về việc khởi động lại đàm phán hạt nhân với Mỹ sẽ giúp nới lỏng trừng phạt. Tháng trước, lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã bác bỏ khả năng đàm phán.

NEOS, một đảng tự do của Áo, đã phê chuẩn thỏa thuận liên minh với đảng trung hữu ÖVP và đảng Dân chủ Xã hội SPÖ. Quyết định này sẽ cho phép thành lập chính phủ ở Áo sau năm tháng bế tắc kể từ cuộc bầu cử mà đảng cực hữu FPÖ giành được nhiều phiếu nhất. Christian Stocker, lãnh đạo ÖVP, có khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.

Bộ trưởng thương mại Mỹ, Howard Lutnick, cho biết Mỹ sẽ áp thuế đối với CanadaMexico từ thứ Ba theo kế hoạch. Song ông cũng nói thêm là Donald Trump đang cân nhắc mức thuế cuối cùng. Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ hoãn áp thuế 25% đối với hai nước láng giềng trong một tháng, sau khi các nhà lãnh đạo của họ cam kết tăng cường an ninh biên giới.

Tàu vũ trụ Blue Ghost, thuộc công ty Firefly Aerospace của Mỹ, đã hạ cánh an toàn xuống Mặt Trăng. Đây là sứ mệnh thương mại thứ hai tiếp cận bề mặt hành tinh này. Tàu vũ trụ, được phóng với sự hợp tác của NASA, sẽ khám phá khu vực quanh miệng núi lửa Sea of Crises. Trong vài ngày tới, Intuitive Machines, một công ty vũ trụ tư nhân khác, cũng sẽ cố gắng hạ cánh một tàu xuống gần cực nam của Mặt Trăng.

Con số trong ngày: 53, là số người trở thành tỷ phú trong năm 2023 nhờ thừa kế tài sản, theo ngân hàng UBS.

TIÊU ĐIỂM

Một tuần nhiều sự kiện ở Trung Quốc

Những ngày sắp tới sẽ đầy biến động đối với kinh tế Trung Quốc. Vào thứ Ba, Mỹ sẽ áp mức thuế mới 10% lên hàng hóa Trung Quốc, chỉ một tháng sau khi mức thuế tương tự có hiệu lực vào ngày 4 tháng 2. Mối đe dọa này đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Vào thứ Tư, hàng nghìn đại biểu sẽ tụ họp tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp thường niên của Nhân Đại. Các đại biểu sẽ nghe công bố về quy mô kích thích tài khóa mà chính phủ dự kiến triển khai trong năm nay nhằm ngăn chặn tình trạng giảm phát.

Trước khi hai sự kiện trên diễn ra, một cuộc khảo sát hàng tháng về chỉ số nhà quản lý mua hàng do tạp chí Caixin công bố vào thứ Hai sẽ tiết lộ tình hình sản xuất trong tháng trước. Một cuộc khảo sát tương tự do chính phủ thực hiện và công bố vào ngày 1 tháng 3 cho thấy nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mối lo ngại lớn nhất là các mức thuế cao hơn và gói kích thích không đủ mạnh sẽ bóp nghẹt đà phục hồi này ngay từ đầu. Đối với nền kinh tế Trung Quốc, sóng gió vẫn chưa kết thúc trong tuần này.

Nga tăng cường thêm drone ở Ukraine

Ngoại giao xuyên Đại Tây Dương đang chìm trong hỗn loạn khi Mỹ theo đuổi các cuộc đàm phán song phương với Nga, còn châu Âu thì vất vả tìm cách hỗ trợ Ukraine. Thế nhưng tình hình trên chiến trường hầu như không thay đổi. Trong suốt năm qua, Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ với cái giá rất đắt. Những bước tiến này đã chậm lại trong vài tuần gần đây, nhưng vẫn chưa rõ liệu đó chỉ là một khoảng dừng tạm thời trước đợt tấn công mới khi thời tiết cải thiện hay là dấu hiệu của sự kiệt sức — ít nhất là trong ngắn hạn.

Ukraine cũng đang đối mặt với vấn đề nhân lực nghiêm trọng. Nhưng thách thức lớn nhất của nước này là số lượng máy bay không người lái Nga tăng đáng kể. Các nguồn tin tình báo ước tính sản lượng máy bay không người lái cảm tử dòng Shahed của Nga gần đây đã tăng gấp ba lần, lên 150 chiếc mỗi ngày. Một số mẫu mới bay nhanh hơn và mang theo lượng chất nổ lớn hơn nhiều lần. Số ngày có ít nhất 100 máy bay không người lái tấn công vào Ukraine đã tăng gấp đôi trong tháng trước so với tháng 1, lên 22 ngày. Phần lớn bị bắn hạ, song ngày càng có nhiều chiếc lọt qua hệ thống phòng thủ.

Đảng Tự do Canada bất ngờ trở lại đường đua

Chiến dịch tìm người thay thế Justin Trudeau làm lãnh đạo Đảng Tự do Canada đã bước vào tuần cuối cùng. Người chiến thắng sẽ trở thành thủ tướng trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong năm nay. Trước đây thăm dò dư luận cho thấy Đảng Bảo thủ sẽ giành chiến thắng dễ dàng. Nhưng giờ đây điều đó không còn chắc chắn. Chỉ mới hai tháng trước, lãnh đạo phe Bảo thủ, Pierre Poilievre, vẫn dẫn trước tới 20 điểm phần trăm. Khoảng cách này hiện đã thu hẹp hơn một nửa hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn trong một số cuộc khảo sát.

Quyết định từ chức của ông Trudeau đã làm thay đổi cuộc đua. Những bình luận gây tranh cãi của Donald Trump — cho rằng Canada nên trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ để tránh bị áp thuế — cũng vậy. Sự xuất hiện của Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, với tư cách là ứng viên hàng đầu thay thế ông Trudeau, đã giúp nâng cao cơ hội của Đảng Tự do. Một số cuộc thăm dò có tên ông Carney thậm chí còn cho thấy đảng này đang dẫn trước. Nếu Carney giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn lãnh đạo Đảng Tự do vào ngày 9 tháng 3, ông có thể sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử trong vòng vài tuần tới.

Tin tốt cho kinh tế châu Âu

Lạm phát ở Mỹ đang gia tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại về điều tương tự ở châu Âu. Nền kinh tế khu vực vốn đã suy yếu, và giảm lãi suất là cần thiết để giúp chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của châu Âu trở nên bớt tốn kém hơn.

Các số liệu nhanh được công bố hôm nay về lạm phát của khu vực đồng euro trong tháng 2 có thể sẽ mang lại một chút nhẹ nhõm. Pháp đã báo cáo mức giảm mạnh trong tỷ lệ lạm phát năm, từ 1,8% xuống còn 0,9%; tại Ý, con số này cũng thấp hơn kỳ vọng, đạt 1,7%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tổng thể ở Đức vẫn là 2,8%, một phần do giá thực phẩm. Song lạm phát cơ bản — không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động — đã giảm xuống còn 2,6% so với mức 3,3% của tháng 12. Đây có thể là đủ để Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào thứ Năm.