Lợi thế của Trung Quốc từ lỗ hổng an ninh mạng của Mỹ

Nguồn: James Palmer, “U.S. Cybersecurity Weakness Benefits China”,  Foreign Policy, 25/03/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Vụ rò rỉ tin nhắn trong nhóm chat của chính quyền Trump cho thấy Trung Quốc có lẽ đang chiếm ưu thế trong chiến tranh thông tin.

Tiêu điểm tuần này: Vụ rò rỉ nhóm chat của chính quyền Trump phản ánh nguy cơ Mỹ đánh mất vị thế về an ninh mạng trước Trung Quốc; Bắc Kinh có thể tạm ngừng mua dầu từ Venezuela khi Trump đe dọa áp thêm thuế quan; Làn sóng phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ở Trung Quốc sau khi DeepSeek ra mắt.

Phải chăng Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về an ninh mạng?

Biên tập viên Jeffrey Goldberg của báo Atlantic vô tình được thêm vào nhóm chat trên Signal, nơi các quan chức cấp cao Mỹ đang bàn kế hoạch tấn công lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen. Sự kiện này một lần nữa cho thấy năng lực an ninh mạng Mỹ đang ở mức đáng báo động.

Những lỗ hổng an ninh mạng của Mỹ chính là lợi thế cho Bắc Kinh – đối thủ chính của Washington trên không gian mạng. Chúng có thể giúp Trung Quốc giành lợi thế then chốt khi tiến hành các vụ tấn công mạng có chủ đích nhắm vào các tổ chức của Mỹ. Trong chiến tranh thông tin, Bắc Kinh từ lâu đã chiếm ưu thế so với Washington, đơn giản vì Mỹ là xã hội mở còn Trung Quốc là xã hội khép kín.

Không một quan chức Trung Quốc nào lại vô tình thêm nhà báo vào nhóm chat – đơn giản vì họ chẳng bao giờ lưu số phóng viên. Nếu có, nhà báo đó cũng sẽ e dè không dám đưa tin. Giới lãnh đạo Trung Quốc tránh xa các phương tiện điện tử khi bàn về vấn đề nhạy cảm, họ vừa sợ gián điệp Mỹ, vừa ngại bị giám sát trong nội bộ, và luôn ưu tiên trao đổi trực tiếp nếu có thể.

Nhưng vụ việc được mệnh danh là “Signalgate” này không chỉ đơn thuần phản ánh những điểm yếu vốn mang tính tất yếu của một xã hội mở. Vấn đề không chỉ nằm ở việc thêm nhầm Goldberg vào nhóm chat, mà ở chỗ các quan chức đã thảo luận thông tin tối mật trên một ứng dụng bên thứ ba và có lẽ là trên các thiết bị cá nhân không được bảo mật. (Signal, một ứng dụng có mã hóa, tuy không bị cấm trên thiết bị công vụ nhưng cũng không được khuyến khích sử dụng).

Cách đây một thập kỷ, Mỹ đã chịu những tổn thất tình báo nghiêm trọng tại Trung Quốc vì CIA đánh giá thấp năng lực của Trung Quốc. Trước một đối thủ ngang tầm, có trình độ cao và thường xuyên xâm nhập vào hệ thống viễn thông nước ngoài, những thất bại về mặt an ninh như vụ “Signalgate” chẳng khác nào trao bóng cho Trung Quốc còn khung thành để trống.

Suy cho cùng, nhóm chat “Houthi PC small group” có lẽ không phải là nhóm duy nhất sử dụng ứng dụng bên thứ ba, trong khi lẽ ra những cuộc thảo luận như vậy phải được giới hạn trong kênh nội bộ được bảo mật nghiêm ngặt. Chính quyền Trump rò rỉ thông tin quá nhiều, ngay từ chính tổng thống.

Chính quyền Trump làm suy yếu năng lực an ninh mạng của Mỹ thông qua việc cắt giảm ngân sách tại các cơ quan quan trọng và dường như từ bỏ các cuộc đối đầu trực tuyến với Nga. Trước khi Donald Trump nhậm chức, chiến dịch tấn công mạng của Trung Quốc mang tên “Salt Typhoon” (Bão Muối) đã làm dấy lên hoang mang ở Washington, nhưng tổng thống nhanh chóng giải tán uỷ ban điều tra vụ việc – có thể vì ông Trump cảm thấy bị đe doạ trước các cuộc điều tra về thông tin sai lệch và sự can thiệp từ nước ngoài.

Các cơ quan tình báo Mỹ cũng không tránh được đợt công kích của chính quyền Trump nhằm vào đội ngũ công chức. Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk đứng đầu đã để lộ thông tin tình báo nhạy cảm và tạo ra nhiều lỗ hổng để tình báo nước ngoài khai thác. (Những vụ rò rỉ sắp tới có thể khiến vụ tấn công mạng của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) năm 2015 trở nên không đáng kể).

Việc chính quyền Trump công kích các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập cũng đang cản trở nỗ lực giải quyết tình trạng phân biệt đối xử người Mỹ gốc Hoa trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Người Mỹ gốc Hoa gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xin cấp quyền an ninh và thường bị ngăn cản làm những việc liên quan đến Trung Quốc. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, vì những người này có khả năng ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa tốt hơn so với các ứng viên khác – chúng rất hữu dụng trong phân tích tình báo.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt với thách thức tương tự. Dù nhiều công dân Trung Quốc thông thạo tiếng Anh và từng sống ở Mỹ, nỗi ám ảnh về gián điệp khiến bất kỳ ai có liên hệ với nước ngoài đều dễ bị các quan chức gắn mác “không đáng tin”. Thông tin bị kiểm soát chặt chẽ cũng khiến việc chia sẻ hiểu biết giữa các bên trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu những quan chức phụ trách an ninh mạng của Mỹ lộ liễu và vô năng đến mức vi phạm các quy tắc. Trung Quốc vốn đã có lợi thế; và có thể sớm vươn lên một đẳng cấp khác so với đối thủ chính của họ.

Tin tức đang được quan tâm

Trung Quốc cân nhắc biện pháp đáp trả thuế quan. Vào hôm thứ Hai, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 25% lên bất kỳ quốc gia nào mua dầu Venezuela, dự kiến có hiệu lực từ ngày 2 tháng 4. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc – một trong những nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Venezuela – tạm ngừng mua dầu.

Giống với nhiều chi tiết khác trong kế hoạch thuế quan mà ông Trump thay đổi liên tục, hiện chưa rõ liệu mức thuế 25% này sẽ cộng thêm vào mức thuế hiện hành đối với hàng hoá Trung Quốc hay không – nhưng khả năng là rất cao. Trump từng gợi ý về việc “linh hoạt” khi đàm phán với Trung Quốc.

Trong lúc này, Trung Quốc chủ yếu “giữ lực” – họ đưa ra những hành động đáp trả có chừng mực và chờ xem mức độ chịu đựng của người tiêu dùng Mỹ đến đâu. Bắc Kinh đã có động thái đáp trả và đang cố gắng đảm bảo rằng các tập đoàn lớn như Walmart sẽ chuyển chi phí gia tăng sang người tiêu dùng Mỹ thay vì gây áp lực lên các nhà cung ứng Trung Quốc để họ phải gánh chịu chúng.

Khủng hoảng sông Lỗi Thủy (Leishui River). Một con sông ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, đang bị ô nhiễm với nồng độ thallium cao, một kim loại nặng là sản phẩm phụ của nhiều hoạt động công nghiệp. Sự việc này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí. Sông Lỗi Thuỷ là nguồn cung cấp nước cho hơn 4 triệu người dân thành phố Sâm Châu (Chenzhou).

Một sự quan tâm như vậy từ giới truyền thông thường cho thấy thảm họa đã đến mức độ không thể che giấu. Đây là dấu hiệu trước một loạt tuyên bố ngắn gọn rằng “tình hình đã được kiểm soát” trước khi kiểm duyệt nghiêm ngặt bắt đầu được triển khai. Phản ứng khẩn cấp của chính quyền được đưa ra sau một tuần kể từ khi sự kiện này lần đầu tiên được đề cập đến trên mạng xã hội.

Ô nhiễm nguồn nước tại Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng, với tình trạng các con sông nhiễm thallium tái diễn liên tục. Môi trường từng là lĩnh vực hiếm hoi mà chính phủ “nhắm mắt làm ngơ” trước các cuộc biểu tình và hoạt động phản đối – nhưng điều này đã chấm dứt ngay trong những năm đầu Chủ tịch Tập Cận Bình cầm quyền.

Công nghệ và Kinh doanh

Cơn sốt AI tại Bắc Kinh. Dù đột ngột nhưng làn sóng phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn sau khi công ty AI DeepSeek ra mắt một phiên bản tiên tiến vào tháng 1. Dường như mỗi tuần lại xuất hiện thêm những mô hình mới. Với giả định rằng LLM thực sự là một công nghệ đột phá chứ không phải là một bong bóng công nghệ khác của Thung lũng Silicon, Trung Quốc có vẻ đang đứng trước hai con đường lựa chọn.

Con đường thứ nhất là phương pháp mà Trung Quốc đã áp dụng thành công để phát triển những gã khổng lồ internet như Alibaba: để các công ty dẫn đầu vươn lên từ cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sau đó chính phủ mới can thiệp mạnh tay để kiểm soát những công ty chiến thắng cuộc đua. Con đường thứ hai (ít thành công hơn) là để chính phủ trực tiếp kiểm soát, với điển hình là những thất bại của Trung Quốc trong nỗ lực phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn.

Hiện tại, Bắc Kinh có vẻ đang lựa chọn con đường thứ nhất. Tuy nhiên, khi AI ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, giới lãnh đạo chính trị có thể cảm thấy rằng họ cần phải can thiệp nhiều hơn vào quá trình hoạch định, điều này có thể dẫn đến một sự chững lại.

Ảnh hưởng của tiền số (crypto). Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tornado Cash – công ty chuyên ẩn danh các giao dịch tiền điện tử làm giới chức khó truy vết hơn. Các nhóm ủng hộ tiền số có ảnh hưởng lớn trong Nhà Trắng. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem đây là hành động mang tính khiêu khích – dù đội ngũ của Trump có thể đã không lường trước được những hậu quả về mặt địa chính trị.

Thứ nhất, trước khi Bắc Kinh thực thi lệnh cấm giao dịch và đào tiền số, người dân dùng tiền mã hóa để tránh các quy định kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt của Trung Quốc. Một thủ thuật phổ biến là dùng nhân dân tệ thanh toán chi phí điện cho hoạt động đào coin, sau đó bán bitcoin đào được đổi lấy đô la Mỹ. Trung Quốc có “lợi ích tự thân” khi truy vết các giao dịch đó.

Thứ hai, Tornado Cash có mặt trong các vụ lừa đảo kiểu “mổ heo” (pig butchering) do những kẻ lừa đảo trực tuyến chủ mưu – những kẻ này phần lớn hoạt động ở Đông Nam Á và thường xuyên sử dụng lao động cưỡng bức. Trung Quốc và Thái Lan gần đây đã tiến hành thêm một chiến dịch trấn áp các đường dây tội phạm có tổ chức điều hành những vụ lừa đảo kiểu này. Do đó, Bắc Kinh sẽ không vui chút nào khi thấy Washington trao trả lại một công cụ đắc lực cho tội phạm.