Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Năm, với chỉ số NASDAQ giảm 4,3% và S&P 500 giảm 3,5%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát năm của Mỹ giảm còn 2,4% trong tháng 3, thấp hơn mức dự báo 2,6% của các nhà kinh tế và giảm so với 2,8% của tháng 2. Các số liệu này được thu thập trước khi cuộc chiến thương mại của Donald Trump với Trung Quốc thực sự leo thang.
Liên minh châu Âu cho biết đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do “hiện đại và đầy tham vọng” với UAE. Trước đó, khối này đã đình chỉ các biện pháp thuế trả đũa đối với Mỹ trong 90 ngày, sau khi ông Trump tạm hoãn nhiều mức thuế vào thứ Tư. Châu Âu đã công bố các mức thuế trị giá khoảng €21 tỷ (23 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ để đáp trả mức thuế 25% đối với thép và nhôm. Trong khi đó, các biện pháp thuế trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ đã có hiệu lực.
Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật ngân sách với tỷ lệ sít sao, mở đường cho chương trình nghị sự đầy tham vọng về tài khóa và nhập cư của ông Trump, làm thất bại một cuộc nổi loạn của các nghị sĩ Cộng hòa đe dọa chặn dự luật. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã hứa với các thành viên bảo thủ về tài khoá trong Hạ viện rằng họ sẽ cắt giảm chi tiêu, nhưng các cam kết này không có trong văn bản — điều có thể dẫn đến tranh cãi trong tương lai.
Một tòa án ở Tanzania đã buộc tội phản quốc đối với lãnh đạo phe đối lập Tundu Lissu trước cuộc bầu cử vào tháng 10. Tội danh này có mức án cao nhất là tử hình. Ông Lissu đã bị bắt tại một cuộc mít tinh vào ngày 9 tháng 4 khi đang vận động cải cách bầu cử. Ông từng sống sót sau các vụ ám sát vào năm 2020 khi là ứng viên tổng thống của đảng mình, Chadema. Tổng thống Samia Suluhu Hassan gần đây đã mạnh tay đàn áp phe đối lập.
Prada, một hãng thời trang cao cấp của Ý, sẽ mua lại Versace, một nhà bán lẻ hàng xa xỉ khác của Ý, với giá 1,25 tỷ euro (1,4 tỷ đô). Capri Holdings, chủ sở hữu hiện tại của Versace, đã trả 2,1 tỷ USD để mua công ty này vào năm 2019, nhưng kể từ đó gặp nhiều khó khăn. Doanh số của Versace giảm 15% so với cùng kỳ năm trước trong quý cuối cùng của năm 2024. Theo báo cáo, Prada đã đàm phán được mức chiết khấu lớn sau đợt sụt giảm thị trường chứng khoán do các mức thuế của ông Trump gây ra.
Israel xác nhận bắt đầu đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này nhằm “duy trì ổn định trong khu vực” ở Syria, nơi lực lượng vũ trang cả hai bên gần đây đã cáo buộc nhau đang chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận các cuộc đàm phán này. Vào thứ Sáu, tân tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga đã thả Ksenia Karelina, một vũ công ba lê người Mỹ gốc Nga, người bị kết án 12 năm tù vì tội phản quốc sau khi cô quyên góp 51,80 USD cho một tổ chức từ thiện ủng hộ Ukraine. Đổi lại, Mỹ đã thả Artur Petrov, một công dân song tịch Đức-Nga, người bị cáo buộc buôn lậu vi điện tử của Mỹ sang Nga. Trong khi đó, hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Con số trong ngày: 9,5%, là mức tăng của chỉ số S&P 500 sau khi Donald Trump hoãn áp thuế.
TIÊU ĐIỂM
Mỹ ngày càng xa cách Ukraine
Một nhân vật vắng mặt đáng chú ý tại sự kiện sắp tới của Nhóm Liên lạc Quốc phòng về Ukraine sẽ là bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth. Nhóm gồm gần 60 quốc gia này điều phối hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Người tiền nhiệm của ông Hegseth, Lloyd Austin, đã chủ trì 25 cuộc họp của nhóm. Ông Hegseth dự kiến sẽ tham dự cuộc họp vào thứ Sáu tại Brussels qua liên kết video, nhưng việc ông không có mặt trực tiếp cho thấy chính quyền Trump không có ý định yêu cầu Quốc hội gửi thêm viện trợ cho Ukraine.
Thừa nhận thực tế mới, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Tư cho biết Ukraine sẵn sàng chi 30–50 tỷ USD để mua vũ khí mà chỉ Mỹ mới có thể cung cấp. Số này bao gồm các tên lửa đánh chặn phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo, một số loại tên lửa chống radar, và hệ thống tên lửa chính xác tầm xa HIMARS. Hiện chưa rõ nguồn tiền sẽ đến từ đâu. Song ông Zelensky có thể đang hy vọng rằng những gì châu Âu không thể tự cung cấp thì họ có thể mua thay cho Ukraine.
Nước Anh tương đối yên bình giữa cơn bão thương mại
Chỉ trong vài tuần, những lời đe dọa thuế quan của Donald Trump đã làm rung chuyển thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Tại Anh, chỉ số FTSE 250 vẫn giảm gần 5% kể từ khi hỗn loạn bắt đầu vào ngày 2 tháng 4. Song so với nhiều nước khác, Anh đang ở vị trí đáng mơ ước: hầu hết xuất khẩu của họ, đặc biệt sang Mỹ, là các dịch vụ như ngân hàng, luật, và du lịch — những lĩnh vực chưa bị ông Trump nhắm tới. Và ngay cả trước khi Trump cho rút lại thuế vào thứ Tư, Anh cũng nằm trong nhóm thuế quan thấp nhất, đối mặt với mức thuế 10% cho phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Một loạt số liệu kinh tế mới sẽ được công bố sớm: GDP vào thứ Sáu, thất nghiệp và lạm phát vào tuần sau. Những con số này sẽ không phản ánh nhiều về tình hình kinh tế Anh hiện tại, nhưng sẽ cung cấp gợi ý về mức độ vững vàng của nền kinh tế trước làn sóng hỗn loạn mới nhất.
IMF lại giải cứu Argentina
Vào thứ Sáu, ban điều hành IMF gần như chắc chắn sẽ thông qua một chương trình trị giá 20 tỷ USD với Argentina; đây sẽ là chương trình thứ 23 được ký kết kể từ năm 1958. Mỗi chương trình đều đi kèm lời hứa long trọng về ổn định từ chính phủ nhưng thường kết thúc trong hỗn loạn kinh tế. Lần này tổng thống Javier Milei khẳng định mọi thứ sẽ khác. Ông có phần đáng tin vì đã cắt giảm mạnh chi tiêu và kéo lạm phát giảm mạnh.
Chương trình mới dự kiến sẽ yêu cầu thay đổi cơ chế kiểm soát tỷ giá hối đoái chặt chẽ của Argentina. Đồng peso bị định giá quá cao là điểm yếu lớn trong chính sách kinh tế của ông Milei, nên cần có sự điều chỉnh. Song việc này rất khó. Nếu thả nổi quá nhiều, lạm phát có thể tăng vọt, làm ảnh hưởng đến triển vọng của các đồng minh của ông Milei trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, từ đó làm suy yếu niềm tin thị trường. Nếu thả quá ít, các nhà giao dịch có thể đặt cược chống lại đồng peso, buộc ngân hàng trung ương phải tiếp tục tiêu tốn dự trữ ngoại hối để giữ giá. Tình hình hỗn loạn chung của kinh tế toàn cầu do Donald Trump gây ra càng khiến mọi việc thêm khó khăn.
Phép thử đối với nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ
Ekrem Imamoglu, lãnh đạo phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đang bị giam giữ, dự kiến sẽ xuất hiện trước tòa vào thứ Sáu, lần đầu tiên kể từ khi bị bắt vào tháng 3. Ông Imamoglu là thị trưởng Istanbul và là hy vọng lớn nhất của Đảng Nhân dân Cộng hòa để hướng tới đánh bại nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Ông đã bị bỏ tù với cáo buộc tham nhũng bị cho là ngụy tạo vào tháng trước. Những cáo buộc mà ông sẽ phải đối mặt vào thứ Sáu liên quan đến việc ông chỉ trích công tố viên trưởng Istanbul — người đã tham gia nhiều vụ án nhắm vào đối thủ của ông Erdogan, bao gồm cả một ứng viên tổng thống khác là Selahattin Demirtas.
Ông Demirtas, cựu lãnh đạo có sức lôi cuốn của đảng người Kurd lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị giam giữ từ năm 2016. Ông Imamoglu có khả năng sẽ chịu chung số phận. Đối mặt với hàng loạt cáo trạng, ông có thể phải đối mặt với án tù 23 năm ngay cả trước khi cảnh sát gõ cửa nhà ông vào ngày 19 tháng 3. Ông Erdogan chắc chắn sẽ không để ông ra tù sớm.