Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trong chuyến thăm Nhà Trắng, tổng thống El Salvador Nayib Bukele tuyên bố một người đàn ông bị trục xuất nhầm từ bang Maryland sẽ không được trả về, bất chấp phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Chính quyền của Donald Trump đã tích cực trục xuất những người bị cáo buộc là thành viên băng đảng tới một nhà tù an ninh cao ở quốc gia Trung Mỹ này. Ông Trump cam kết sẽ giúp El Salvador xây thêm nhà tù mới — và trục xuất thêm nhiều người nhập cư bất hợp pháp.
Pfizer đã dừng phát triển một loại thuốc điều trị béo phì, có tên là danuglipron, sau khi nghi ngờ thuốc này gây tổn thương gan ở một bệnh nhân tham gia thử nghiệm. Gã khổng lồ dược phẩm Mỹ đang cố gắng thâm nhập vào thị trường thuốc giảm cân, trong bối cảnh doanh số các sản phẩm điều trị COVID-19 của hãng sụt giảm. Nhà đầu tư hiện đổ xô sang đối thủ Eli Lilly, giúp cổ phiếu của hãng tăng 1,7% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.
Một nhóm các doanh nghiệp Mỹ đã kiện chính quyền Trump nhằm ngăn chặn các mức thuế quan quy mô lớn của ông, lập luận rằng chính quyền đã vượt quá thẩm quyền khi áp đặt các mức thuế này. Ông Trump công bố thuế mới vào ngày 2 tháng 4 sau khi viện dẫn luật quyền lực kinh tế khẩn cấp mà không tham vấn Quốc hội. Đơn kiện cho rằng các mối đe dọa mà ông Trump đưa ra — thâm hụt thương mại — “không cấu thành một tình trạng khẩn cấp.”
Nga thừa nhận đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào thành phố Sumy của Ukraine hôm Chủ Nhật, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, dường như trái ngược với tuyên bố trước đó của ông Trump rằng vụ tấn công là “một sai lầm.” Trong bối cảnh đàm phán hòa bình của Mỹ không có tiến triển, Nga vẫn khẳng định họ nhắm mục tiêu vào các chỉ huy quân sự ở Sumy. Trước đó, Friedrich Merz, thủ tướng sắp nhậm chức của Đức, đã gọi vụ tấn công là một “tội ác chiến tranh có chủ đích và tính toán kỹ lưỡng.”
Goldman Sachs vượt kỳ vọng quý đầu năm 2025 khi các nhà giao dịch của hãng hưởng lợi từ biến động thị trường chứng khoán do chính sách kinh tế của ông Trump gây ra. Ngân hàng Phố Wall ghi nhận lợi nhuận 4,7 tỷ USD. Mảng cổ phiếu có quý kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay: doanh thu tăng 27% so với ba tháng đầu năm 2024. Hôm thứ Sáu, các đối thủ của hãng là JPMorgan Chase và Morgan Stanley cũng công bố kết quả kinh doanh khả quan.
Trong khi đó, doanh số của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, sụt giảm trong quý đầu năm. Doanh thu từ mảng thời trang và đồ da — mảng lớn nhất của hãng — giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số hàng xa xỉ đã có xu hướng giảm ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm tình hình thêm bất ổn. Trong báo cáo quý, LVMH thừa nhận môi trường “địa chính trị và kinh tế bị gián đoạn.”
Con số trong ngày: 560 tấn, là tổng lượng vàng trang sức mà người Ấn Độ mua trong năm ngoái, nhiều nhất thế giới.
TIÊU ĐIỂM
Lãnh đạo Trung Quốc công du Đông Nam Á
Tuần này Tập Cận Bình sẽ đến thăm Đông Nam Á, một khu vực đang lao đao vì các mức thuế “đối ứng” của Donald Trump. Hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt chân đến Việt Nam, nước bị ông Trump áp thuế 46% trước khi tạm dừng kế hoạch. Ông Tập kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam và cảnh báo sẽ không có “bên thắng” trong một “cuộc chiến thương mại và thuế quan.” Ông sẽ đến Malaysia vào thứ Ba. Campuchia, chặng dừng chân cuối cùng, đang bị Mỹ đe dọa với mức thuế 49% — một trong những mức cao nhất. (Hiện nay Trung Quốc đang chịu mức thuế 145% từ Mỹ.)
Chính sách hỗn loạn của Mỹ có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Trong chuyến đi này, ông Tập sẽ công bố các khoản đầu tư vào hạ tầng và sản xuất công nghệ cao của Đông Nam Á. Ông theo đuổi một chiến lược dài hạn nhằm gắn kết sâu sắc hơn các nền kinh tế trong khu vực với Trung Quốc.
Song khu vực này chưa từ bỏ Mỹ. Campuchia, Malaysia, và Việt Nam đều đang ráo riết đàm phán với ông Trump. Và các quan chức Đông Nam Á lo lắng về một mối đe dọa ngày càng lớn: rằng các nhà sản xuất Trung Quốc, không thể bán hàng sang Mỹ, sẽ trút sản phẩm dư thừa sang khu vực của họ.
Israel mở rộng chiến dịch tại Gaza
Israel dường như đã sẵn sàng mở rộng chiến dịch quân sự ở miền nam Gaza. Lực lượng của họ đã buộc phần lớn cư dân Rafah — một thành phố gần biên giới với Ai Cập — phải sơ tán. Vào ngày 12 tháng 4, họ yêu cầu người dân ở thành phố lân cận Khan Younis di tản, sau khi tên lửa được bắn ra từ khu vực này. “Gaza sẽ trở nên nhỏ hơn và bị cô lập hơn,” bộ trưởng quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cảnh báo.
Song vẫn chưa rõ liệu Israel có triển khai một chiến dịch tổng lực nhắm vào Hamas hay không. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel, trung tướng Eyal Zamir, đã cảnh báo chính phủ rằng ông không có đủ binh lính để thực hiện nhiệm vụ đó. Sau 18 tháng chiến tranh, các lực lượng dự bị của Israel đã kiệt sức. Một đề xuất từ Ai Cập có thể mở ra lối thoát: Hamas sẽ thả một số con tin Israel để đổi lấy tù nhân Palestine, cùng một lệnh ngừng bắn tạm thời và các cuộc đàm phán hướng đến ngừng bắn dài hạn. Dù vậy, kế hoạch của Israel với Gaza — và liệu có bao gồm một thỏa thuận với Hamas hay không — vẫn còn chưa rõ ràng.
Tâm lý bi quan về kinh tế Đức gia tăng
Hôm thứ Ba, ZEW — một viện nghiên cứu kinh tế của Đức — sẽ công bố chỉ số kỳ vọng kinh tế, một thước đo tâm lý nhà đầu tư được theo dõi sát sao, cho tháng 4. Chỉ số này phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng, lạm phát, và lãi suất trong sáu tháng tới. Nó tăng vọt lên 51,6 điểm trong tháng 3 — mức cao nhất ba năm — so với 26 điểm của tháng 2. Đây là do tâm lý lạc quan về cải cách cơ cấu của chính phủ trung hữu sắp tới do Friedrich Merz lãnh đạo.
Nhưng đà lạc quan đang phai nhạt. Thuế mới của Mỹ có thể làm chao đảo nền kinh tế trọng xuất khẩu của Đức. Các nhà sản xuất ô tô đặc biệt lo lắng: Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất của Volkswagen, BMW, Mercedes, và Porsche. Tâm lý bi quan đang ăn sâu: các viện nghiên cứu kinh tế hiện cảnh báo Đức có thể rơi vào suy thoái ba năm liên tiếp — lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến. Sau một khoảnh khắc lạc quan vì lời hứa của chính phủ Merz, dữ liệu công bố hôm nay sẽ cho thấy tác động tâm lý do chính sách thuế của ông Trump gây ra.
Nỗ lực ngoại giao vì hòa bình tại Sudan
Các bộ trưởng ngoại giao từ gần 20 quốc gia sẽ nhóm họp tại London vào thứ Ba để thảo luận về cuộc nội chiến tàn khốc ở Sudan. Cuộc họp là nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết xung đột kéo dài hai năm đã khiến 12 triệu người phải di dời và gây ra nạn đói nghiêm trọng. Anh, đồng chủ trì hội nghị cùng Đức và Pháp, gia nhập danh sách ngày càng dài các nước đã tổ chức các cuộc đàm phán nhằm tăng viện trợ, chấm dứt chiến sự, hoặc cả hai.
Không bên nào trong hai phe chính của cuộc chiến Sudan — quân đội quốc gia hoặc Lực lượng Hỗ trợ Nhanh — được mời tham dự. Mục tiêu của hội nghị là thuyết phục các cường quốc nước ngoài đang hậu thuẫn các phe giao chiến ủng hộ một lệnh ngừng bắn. Trong số đó có UAE, nước đang ủng hộ RSF. Tuần trước, quân đội Sudan đã kiện UAE ra Tòa án Công lý Quốc tế vì hỗ trợ các hành vi tàn bạo của RSF. Sự hiện diện của UAE tại London có khả năng khiến các cuộc đối thoại trở nên khó xử.