Tại sao Mỹ mới là bên yếu thế trong thương chiến với Trung Quốc?

Nguồn: Adam S. Posen, “Trade Wars Are Easy to Lose,” Foreign Affairs, 09/04/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng dòng tweet nổi tiếng này vào năm 2018, “Khi một quốc gia (Mỹ) để mất hàng tỷ đô la trong thương mại với hầu hết các quốc gia mà họ làm ăn cùng, thì thương chiến là điều tốt và dễ dẫn đến chiến thắng.” Và khi chính quyền Trump áp thuế hơn 100% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, khơi mào cho một cuộc thương chiến mới thậm chí còn nguy hiểm hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã đưa ra lời biện minh tương tự: “Tôi nghĩ hành động leo thang của Trung Quốc là một sai lầm lớn, bởi họ chỉ có một đôi hai trong ván bài này. Chúng ta mất gì khi Trung Quốc tăng thuế đối với chúng ta? Chúng ta xuất khẩu sang họ một phần năm những gì họ xuất khẩu sang chúng ta, nên đó là một ván bài thua đối với họ.”

Tóm lại, chính quyền Trump tin rằng họ nắm giữ cái mà các nhà lý thuyết trò chơi gọi là ưu thế leo thang (escalation dominance) đối với Trung Quốc và bất kỳ nền kinh tế nào khác mà họ có thâm hụt thương mại song phương. Theo một báo cáo của Tập đoàn RAND, ưu thế leo thang có nghĩa là “một bên tham chiến có khả năng leo thang xung đột theo những cách gây bất lợi hoặc tốn kém cho đối phương, trong khi đối phương không thể làm điều tương tự để đáp trả.” Nếu logic của chính quyền Mỹ đúng, thì Trung Quốc, Canada, và bất kỳ quốc gia nào khác dám trả đũa thuế quan của Mỹ thực sự đang chơi một ván bài nắm chắc phần thua.

Nhưng vấn đề là logic này sai: Trung Quốc mới là bên có ưu thế leo thang trong cuộc thương chiến này. Mỹ nhập khẩu nhiều loại hàng hóa quan trọng từ Trung Quốc mà họ không thể thay thế trong tương lai gần, hoặc sản xuất trong nước với chi phí thấp hơn mức cắt cổ. Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc có thể là lý do để hành động, nhưng phát động thương chiến trước khi giảm phụ thuộc là công thức gần như chắc chắn dẫn đến thất bại, với cái giá khổng lồ. Nói theo cách của Bessent thì Washington, chứ không phải Bắc Kinh, mới là bên đang đặt cược tất cả vào một ván bài thua.

LẬT BÀI NGỬA

Những tuyên bố của chính quyền Trump là không có cơ sở vì hai lý do. Một là, cả hai bên đều phải chịu tổn thất trong một cuộc thương chiến, vì cả hai đều mất quyền tiếp cận những thứ mà nền kinh tế của họ muốn và cần, cũng như những thứ mà các công ty và người dân của họ sẵn sàng mua. Giống như việc phát động chiến tranh quân sự, thương chiến là một hành động phá hoại gây rủi ro cho lực lượng và hậu phương của chính kẻ tấn công: chỉ khi bên phòng thủ không tin rằng họ có thể trả đũa theo cách gây hại cho kẻ tấn công, họ mới đầu hàng.

Phép loại suy từ những ván bài poker của Bessent gây hiểu lầm, vì poker là trò chơi có tổng bằng không: tôi thắng chỉ khi bạn thua; bạn thắng chỉ khi tôi thua. Nhưng thương mại là một trò chơi có tổng dương: trong hầu hết các tình huống, bạn càng làm tốt thì tôi càng làm tốt, và ngược lại. Trong poker, bạn chẳng nhận được gì cho khoản tiền cược của mình, trừ phi bạn thắng; nhưng trong thương mại, bạn nhận lại ngay lập tức dưới dạng hàng hóa và dịch vụ bạn mua.

Chính quyền Trump tin rằng bạn nhập khẩu càng nhiều thì bạn càng ít bị đe dọa – rằng vì Mỹ có thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc hơn Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, nên Mỹ ít bị tổn thương hơn. Đây là một điều sai về mặt sự thật, chứ không phải vấn đề quan điểm. Ngăn chặn thương mại sẽ làm giảm thu nhập thực tế và sức mua của một quốc gia; các quốc gia xuất khẩu để kiếm tiền mua những thứ họ không có hoặc quá đắt để sản xuất trong nước.

Hơn nữa, ngay cả khi bạn chỉ tập trung vào cán cân thương mại song phương, như chính quyền Trump đã làm, thì nó vẫn là một điềm xấu cho Mỹ trong cuộc thương chiến với Trung Quốc. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc là 199,2 tỷ đô la, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 462,5 tỷ đô la, theo đó thâm hụt thương mại là 263,3 tỷ đô la. Nếu xem cán cân thương mại song phương là công cụ dự đoán bên nào sẽ “thắng” trong một cuộc thương chiến, thì lợi thế nằm ở nền kinh tế thặng dư, không phải nền kinh tế thâm hụt. Trung Quốc, quốc gia thặng dư, đang từ bỏ doanh số, hay đơn giản là tiền, trong khi Mỹ, quốc gia thâm hụt, đang từ bỏ hàng hóa và dịch vụ mà họ không thể sản xuất một cách cạnh tranh hoặc hoàn toàn không thể sản xuất trong nước. Tiền có tính thanh khoản cao: nếu bạn mất thu nhập, bạn có thể cắt giảm chi tiêu, tìm kiếm doanh số ở nơi khác, phân tán gánh nặng trên cả nước, hoặc rút tiền tiết kiệm (ví dụ, bằng cách kích thích tài khóa). Giống như hầu hết các quốc gia có thặng dư thương mại tổng thể, Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn đầu tư – theo nghĩa nào đó, họ có quá nhiều tiền tiết kiệm. Việc điều chỉnh sẽ tương đối dễ dàng. Sẽ không có tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nào xảy ra, và họ có thể thay thế phần lớn lượng hàng thường bán sang Mỹ bằng doanh số bán hàng trong nước hoặc sang các nước khác.

Trong khi đó, các quốc gia có thâm hụt thương mại tổng thể, như Mỹ, chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm. Trong các cuộc thương chiến, họ từ bỏ hoặc cắt giảm nguồn cung những thứ họ cần (vì thuế quan làm cho chúng đắt hơn), và những thứ này không có tính thanh khoản cao, hoặc dễ dàng thay thế như tiền. Do đó, người ta sẽ cảm nhận được tác động lên các ngành công nghiệp, địa điểm, hoặc hộ gia đình cụ thể, những người phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt, đôi khi là thiếu hụt những mặt hàng thiết yếu mà một vài trong số đó không thể thay thế trong ngắn hạn. Các quốc gia thâm hụt thương mại cũng nhập khẩu vốn – điều đó khiến Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi trong tâm lý về độ tin cậy của chính phủ và về sức hấp dẫn của họ như một nơi để kinh doanh. Khi chính quyền Trump đưa ra các quyết định thất thường để áp đặt mức tăng thuế khổng lồ và gây bất ổn lớn cho chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, kết quả sẽ là giảm đầu tư vào Mỹ, từ đó làm tăng lãi suất nợ của nước này.

VỀ THÂM HỤT VÀ ƯU THẾ

Nói ngắn gọn, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng trong một cuộc thương chiến quy mô lớn với Trung Quốc, gây ra bởi mức thuế quan hiện tại do Trump áp đặt, ở mức hơn 100%. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất nhiều hơn nền kinh tế Trung Quốc, và sự tổn thất sẽ chỉ tăng lên nếu Mỹ leo thang. Chính quyền Trump có thể nghĩ rằng họ đang hành động cứng rắn, nhưng trên thực tế, họ đang đặt nền kinh tế Mỹ vào thế phụ thuộc vào sự leo thang của Trung Quốc.

Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các đầu vào quan trọng, từ các thành phần cơ bản của hầu hết các loại dược phẩm, đến các chất bán dẫn giá rẻ được sử dụng trong xe hơi và đồ gia dụng, đến các khoáng sản quan trọng cho các quy trình công nghiệp bao gồm sản xuất vũ khí. Cú sốc cung từ việc giảm mạnh hoặc xóa bỏ hoàn toàn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như Trump muốn đạt được, sẽ đồng nghĩa với đình lạm, cơn ác mộng kinh tế vĩ mô từng xuất hiện trong thập niên 1970 và trong đại dịch COVID, khi nền kinh tế suy thoái và lạm phát tăng cùng lúc đó. Trong tình huống như vậy, một tình huống gần kề hơn nhiều người nghĩ, Cục Dự trữ Liên bang và các nhà hoạch định chính sách tài khóa sẽ chỉ còn lại những lựa chọn tồi tệ và hầu như không có cơ hội ngăn chặn tình trạng thất nghiệp ngoại trừ việc tiếp tục tăng lạm phát.

Khi nói đến chiến tranh quân sự, nếu bạn có lý do để sợ bị xâm lược, thì việc khiêu khích đối thủ trước khi bạn tự trang bị vũ khí là hành động tự sát. Về cơ bản, đó chính là rủi ro mà cuộc tấn công kinh tế của Trump có nguy cơ gây ra: vì nền kinh tế Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc (dược phẩm, chip điện tử giá rẻ, khoáng sản quan trọng), nên việc không đảm bảo có các nhà cung cấp thay thế hoặc sản xuất trong nước đủ mạnh trước khi cắt đứt thương mại là hành động cực kỳ liều lĩnh. Bằng cách làm điều ngược lại, chính quyền Trump đang tự chuốc lấy chính xác loại thiệt hại mà họ nói rằng mình muốn ngăn chặn.

Tất cả những điều này vẫn có thể được cho là một chiến thuật đàm phán, bất chấp những tuyên bố và hành động lặp đi lặp lại của Trump và Bessent. Nhưng ngay cả thế thì chiến thuật này sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Như tôi đã cảnh báo trên Foreign Affairs vào tháng 10 năm ngoái, vấn đề cơ bản với cách tiếp cận kinh tế của Trump là người ta buộc phải đưa ra đủ những lời đe dọa tự gây tổn hại cho mình để tạo dựng lòng tin, điều này đồng nghĩa với việc thị trường và các hộ gia đình Mỹ sẽ phải sống trong tình trạng bất ổn kéo dài. Người Mỹ và người nước ngoài sẽ đầu tư ít hơn thay vì nhiều hơn vào nền kinh tế Mỹ, và họ sẽ không còn tin tưởng chính phủ Mỹ sẽ thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào, khiến việc đạt được một thỏa thuận đàm phán hoặc thỏa thuận giảm leo thang trở nên khó khăn. Kết quả là, năng lực sản xuất của Mỹ sẽ suy giảm thay vì cải thiện, theo đó chỉ làm tăng đòn bẩy mà Trung Quốc và các nước khác có đối với Mỹ.

Tóm lại thì, chính quyền Trump đang lao vào một cuộc chiến kinh tế chẳng khác nào Chiến tranh Việt Nam – một cuộc chiến do họ tự chọn, mà sớm muộn gì cũng dẫn đến một vũng lầy, làm suy giảm niềm tin trong và ngoài nước vào uy tín và năng lực của nước Mỹ – và chúng ta đều biết kết cục của cuộc chiến đó như thế nào.

Adam S. Posen là Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.