Trung Quốc đã thắng vòng đầu tiên của cuộc chiến thuế quan

Nguồn: John Ross, 罗思义:拜特朗普关税战所赐,中国对美经济增速优势扩大, Guancha, 17/04/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Trong vòng đối đầu đầu tiên, Trung Quốc đã giành chiến thắng mang tính giai đoạn

Trong năm 2025, lợi thế tăng trưởng của Trung Quốc so với Mỹ sẽ được nới rộng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong bối cảnh chính sách thuế quan của chính quyền Trump làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, lợi thế tăng trưởng của Trung Quốc so với Mỹ sẽ càng được củng cố hơn nữa. Điều này sẽ gây ra những tác động quốc tế đáng kể đến cuộc chiến thuế quan của Trump, và do đó trở thành một thực tế quan trọng để đánh giá tình hình quốc tế.

Lấy một dự báo kinh tế của Mỹ làm ví dụ. Vào tháng 11 năm ngoái, Goldman Sachs đã dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Trung Quốc sẽ nhanh hơn Mỹ 2 điểm phần trăm (dự báo Trung Quốc ​​tăng trưởng 4,5% và Mỹ tăng trưởng 2,5%). Tuy nhiên, trong dự báo mới công bố vào ngày 10/4, Goldman Sachs đã tăng gần gấp đôi mức chênh lệch tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc so với Mỹ, lên gần 3,5 điểm phần trăm (tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 4,0% và của Mỹ là 0,5%). Dự báo này thậm chí được đưa ra trước khi số liệu công bố cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong quý I đã tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nói cách khác, trước đây Goldman Sachs từng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2025 của Trung Quốc sẽ cao hơn 80% so với Mỹ, nhưng hiện tại lại dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cao hơn Mỹ tới 700%.

Tuy vậy, phân tích của Goldman hoàn toàn phù hợp với phân tích từ nhiều nhà phân tích kinh tế lớn khác của Mỹ. Do đó, Trung Quốc và các quốc gia khác cần hiểu rõ tác động toàn diện của những dự báo này một cách đầy đủ và chính xác nhất có thể.

Điều này khẳng định quan điểm của Trung Quốc rằng cuộc chiến thương mại của Trump sẽ chỉ dẫn đến tình huống đôi bên cùng thua, đây là điều mà Trung Quốc không mong muốn. Chính quyền Trump tốt hơn hết nên trở lại con đường hợp lý và hợp tác để đạt được lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, kết quả của vòng đối đầu đầu tiên và kết luận từ các nhà phân tích Mỹ đều chứng minh rằng, Trung Quốc rõ ràng đã giành chiến thắng mang tính giai đoạn.

Lợi thế tăng trưởng của Trung Quốc so với Mỹ đã được nởi rộng nhờ chính sách thuế quan của Trump

Điều quan trọng cần hiểu là, nền kinh tế Mỹ đã được dự báo sẽ chậm lại vào năm 2025, thậm chí từ trước khi Trump ban hành các thông báo áp thuế quan không phù hợp. Nguyên nhân là bởi, trong khoảng thời gian phục hồi sau đại dịch COVID-19, chu kỳ kinh tế của Mỹ trong những năm gần đây đã ở vào giai đoạn đi lên với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung và dài hạn.

Tính theo đường trung bình động 5 năm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của Mỹ là 2,4%; tính theo đường trung bình động 10 năm, con số này là 2,2%. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, khi Mỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của nước này là 3,6% – trong đó, năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 2,9% và 2,8%. Với xu hướng này (tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây của Mỹ cao hơn tốc độ tăng trưởng trung và dài hạn), nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2025 ngay cả khi Trump không áp dụng thuế quan. Bài viết trước đây của tác giả trên Guancha với ​​tiêu đề Muốn hiểu chiến lược Trung Quốc của Trump, trước tiên phải biết sự thật về sự suy thoái kinh tế ở Mỹ đã tiến hành phân tích chi tiết về vấn đề này.

Ở đây, chúng ta so sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ. Năm 2024, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,0% và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8%. Điều này có nghĩa, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhanh hơn Mỹ 2,2 điểm phần trăm. Hay nói cách khác, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn Mỹ gần 80%.

Nếu Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,0% vào năm 2025, trong khi nền kinh tế Mỹ chậm lại so với mức 2,8%, thì trong mọi trường hợp, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ.

Điều đáng chú ý là, chính sách thuế quan của Trump đã khiến dự báo tăng trưởng của Mỹ bị hạ thấp, qua đó giúp Trung Quốc tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ. Có thể thấy điều này ngay cả trong các dự báo được đưa ra bởi các tổ chức ưu ái Mỹ và có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc. Sự thay đổi này sẽ tạo ra tác động đáng kể đến nhận thức của mọi người về tình hình quốc tế.

Như đã đề cập ở trên, dự báo của ngân hàng đầu tư hàng đầu Mỹ Goldman Sachs là một ví dụ điển hình cho quá trình này. Vào tháng 11/2024, Goldman Sachs dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ vào năm 2025 là 2,5% và của Trung Quốc là 4,5% (Goldman Sachs không đồng tình với quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2025). Nhưng sau tuyên bố áp thuế quan của Trump vào ngày 10/4, Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo, cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP vào năm 2025 của Trung Quốc sẽ là 4,0% và của Mỹ sẽ là 0,5%. Dự báo này của Goldman Sachs thậm chí còn được đưa ra dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái kinh tế – họ ước tính xác suất Mỹ rơi vào tình huống tồi tệ hơn, cụ thể là suy thoái, là 45%.

Nói cách khác, vào tháng 11 năm ngoái, Goldman Sachs đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP vào năm 2025 của Trung Quốc sẽ nhanh hơn 80% so với Mỹ. Hiện tại, họ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ cao hơn Mỹ 700%. Dù dự báo này có thể hơi bị phóng đại, thì sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ cũng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với tình hình ở Trung Quốc (giả định rằng kinh tế Trung Quốc thực sự chậm lại).

Các nhà kinh tế Mỹ không lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ

Ở Mỹ, dự báo của Goldman Sachs mang tính đại diện. Ví dụ, dựa trên mô hình “GDP Now” mới nhất của mình, Cục Dự trữ Liên bang Atlanta dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 2,4% trong quý I năm 2025. Tương tự, ngay cả khi dự báo này bị phóng đại và các yếu tố cơ bản của nền kinh tế không nhất định chỉ ra rằng sẽ xuất hiện sự suy thoái nghiêm trọng như vậy, thì dự báo này rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đáng kể.

Bản thân giới truyền thông Mỹ chủ yếu tập trung vào câu hỏi: Liệu nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại đáng kể hay sẽ thực sự rơi vào suy thoái?

Trong một bài viết có tiêu đề rõ ràng là Triển vọng kinh tế đã xấu đi nhanh chóng chỉ sau ba tháng Trump nhậm chức, tờ The Wall Street Journal đã công bố một cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 8/4 với 64 nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ. Vì đây là cuộc khảo sát được thực hiện bởi một ấn phẩm chính thống của Mỹ với rất nhiều các nhà kinh tế, nội dung của nó rất đáng được trích dẫn. Cuộc khảo sát này cho thấy:

“Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, các nhà kinh tế đã hạ thấp đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế, trong khi lại nâng dự báo về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp…

Các nhà kinh tế dự báo rằng, dựa trên ước tính trung bình của cuộc khảo sát, GDP quý IV năm 2025 của Mỹ sau khi được điều chỉnh theo lạm phát sẽ chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước…

Họ cũng nâng xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới lên 45%, từ mức 22% hồi tháng 1…

Kể từ khi chiến tranh thương mại leo thang vào ngày 2/4, làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán đã gia tăng và lợi suất trái phiếu cũng tăng cao. Dữ liệu do Đại học Michigan công bố hôm thứ Sáu cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, trong khi kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình đạt mức cao mới kể từ đầu thập niên 1980…

Nhìn chung, các nhà kinh tế dự báo rằng, mức thuế quan trung bình của Mỹ vào năm 2025 sẽ tăng khoảng 19 điểm phần trăm. Vào hồi tháng 1, họ cho rằng mức tăng chỉ là 10 điểm phần trăm. Theo Tax Foundation, mức thuế quan trung bình thực tế vào năm ngoái chỉ khoảng 2,4%.

Các nhà kinh tế dự báo mức thuế quan mới của Trump sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 của Mỹ giảm 1,2 điểm phần trăm và khiến tỷ lệ lạm phát tăng 1,1 điểm phần trăm. Do đó, các nhà kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng vào tháng 12/2025 sẽ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,7% được dự báo hồi tháng 1.

Theo tờ The Wall Street Journal, Tổng thống Trump được cho là thừa nhận riêng rằng thuế quan có thể gây ra suy thoái, nhưng cũng cho biết ông không muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.”

Tác động đến Trung Quốc

Ngay cả khi không đi sâu vào các chi tiết của dự báo trên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể dự đoán được tốc độ tăng trưởng trung và dài hạn của Mỹ dựa trên các lý do được phân tích trong bài viết Muốn hiểu chiến lược Trung Quốc của Trump, trước tiên phải biết sự thật về sự suy thoái kinh tế ở Mỹ của tôi, bởi vì có một mối tương quan cực kỳ mật thiết giữa tỷ lệ hình thành vốn cố định trong GDP và tốc độ tăng trưởng GDP. Chính nhờ đó, chúng ta có thể dự đoán một cách thực tế rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2025, bởi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trước đó đã cao hơn tốc độ tăng trưởng trong trung và dài hạn suốt nhiều năm liên tiếp.

Tuy nhiên, rất khó để dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của Mỹ, vì có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến điều này. Ngoài ra, dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, cũng không thể dự đoán chính xác mức độ nghiêm trọng của sự giảm tốc kinh tế Mỹ trong năm 2025. Nhiều yếu tố thứ cấp có thể tác động đến tình hình này và cần được phân tích trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, từ đây có thể rút ra bốn kết luận có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc.

Trước hết, câu hỏi rằng liệu nền kinh tế Mỹ chỉ chậm lại hay sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2025 không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ.

Mặc dù giới truyền thông Mỹ có thể cố gắng coi năm 2025 như một cột mốc ranh giới mang tính quyết định, tuyên bố rằng sẽ là một “thành công to lớn” nếu nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái, nhưng đây không phải là vấn đề then chốt. Giới truyền thông Trung Quốc không nên bị phân tâm bởi quan điểm đó khi thảo luận về vấn đề này ở cả trong và ngoài nước. Khi so sánh với quốc tế, việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nghiêm trọng (hai quý liên tiếp tăng trưởng âm) hay chỉ đơn giản là tăng trưởng chậm lại, hoàn toàn chỉ là vấn đề thứ yếu. Điều rõ ràng và quan trọng là, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ trong năm 2025.

Thứ hai, sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ, vốn đã xảy ra ngay từ trước khi Trump công bố mức thuế quan, cho thấy những tuyên bố như của The Economist rằng “Mỹ đang bỏ xa các quốc gia khác”, hay của The Wall Street Journal rằng “nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ”, đều là những lời nói dối có chủ ý, những thông tin sai lệch hoặc những phát biểu không dựa trên kiểm chứng thực tế. Sự thật đã chứng minh điều này một cách đầy đủ. Thật đáng chê trách khi một số phương tiện truyền thông Trung Quốc lại coi những lời lẽ như vậy là chân lý, thay vì phân tích tình hình thực tế.

Thứ ba, trong vài năm qua, tác giả đã viết rất nhiều bài phân tích về nền kinh tế Mỹ, đồng thời bác bỏ các phương pháp phân tích theo chủ nghĩa ấn tượng tồn tại trong giới truyền thông Mỹ và một số phương tiện truyền thông Trung Quốc. Các phương pháp này không chỉ phóng đại quá mức về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, mà ngay cả trong khuôn khổ này, cũng không phân biệt được giai đoạn tăng trưởng nhanh của một chu kỳ kinh tế (kiểu tăng trưởng mà chắc chắn chỉ là tạm thời và theo sau chắc chắn sẽ là sự giảm tốc), từ đó dẫn đến những kết luận sai lầm rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang gia tăng đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng trong trung và dài hạn của Mỹ vẫn có mối tương quan với tỷ lệ hình thành vốn cố định trong GDP, như đã được thể hiện trong bài viết Muốn hiểu chiến lược Trung Quốc của Trump, trước tiên phải biết sự thật về sự suy thoái kinh tế ở Mỹ của tôi và nhiều bài phân tích khác. Những sự kiện gần đây một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của việc loại bỏ phương pháp phân tích dựa trên chủ nghĩa ấn tượng đầy sai lầm khi phân tích nền kinh tế Mỹ, mà thay vào đó là tiến hành phân tích khách quan dựa trên các yếu tố thực sự quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Thứ tư, chính sách của Trung Quốc tất nhiên do nhân dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định, chứ không phải bởi người ngoài. Tuy nhiên, với tư cách là một cường quốc, các chính sách của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác, và phản ứng của các quốc gia khác cũng sẽ tác động ngược lại Trung Quốc. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong bối cảnh này, rõ ràng rằng những phán đoán chính xác của Trung Quốc không chỉ tạo ra ảnh hưởng tích cực về mặt khách quan, mà còn tạo ra tác động tích cực đến nhận thức chung của cộng đồng quốc tế – Trump đã thất bại ngay trong vòng đầu tiên của cuộc chiến thuế quan mà ông phát động. Điều này không chỉ được phản ánh qua những biến động dữ dội trên thị trường tài chính Mỹ, sự rớt giá mạnh mẽ của cổ phiếu và trái phiếu Mỹ, mà quan trọng hơn là dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 đã bị hạ thấp đáng kể.

Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh vào an ninh kinh tế, tức dự đoán chính xác rằng Mỹ sẽ thực thi các chính sách bắt nạt, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng và các tuyến kinh tế huyết mạch của Trung Quốc. Thực tế đã chứng minh quyết định này là hoàn toàn đúng đắn, tạo nên sự tương phản rõ rệt với những nhà hoạch định ở các quốc gia và khu vực đã đặt niềm tin mù quáng vào “sự nhân từ” của Mỹ.

Trung Quốc cho rằng việc đảm bảo sự phát triển của chính mình là rất quan trọng và từ chối tin vào những lời tuyên truyền phóng đại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ, điều này đã được chứng minh là hoàn toàn hợp lý. Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại vào năm 2025 không phải do bất kỳ hành động nào của Trung Quốc, thậm chí cũng không phải do chính sách thuế quan của Trump, mà là kết quả từ những biến động của chu kỳ kinh tế cùng những yếu tố quan trọng và có thể lường trước được đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Do đó, rõ ràng là Trung Quốc không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến Mỹ ngay cả khi họ muốn (và trên thực tế, Trung Quốc không có ý định làm vậy). Sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ bắt nguồn từ những vấn đề riêng của nước này. Tất cả những gì Trung Quốc cần làm là tập trung vào công việc của mình. Phản ứng kiên quyết và rõ ràng của Trung Quốc đối với chính sách thuế quan bắt nạt của Trump, nhờ vào sự phân tích tình hình chính xác, đã đảm bảo chiến thắng cho Trung Quốc trong vòng đầu tiên của cuộc chiến thuế quan này. Với sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ trong năm 2025.

Đây mới là vòng đầu tiên của cuộc chiến thuế quan

Nếu Trump, sau thất bại ở vòng đầu tiên, có thể tỉnh táo nhận ra vấn đề, từ bỏ cuộc chiến thuế quan mang tính hủy diệt này và khôn ngoan quay lại với con đường hợp tác cùng có lợi, phù hợp với lợi ích của Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác, thì đây sẽ là điều đáng mừng cho tất cả mọi người. Điều này phù hợp với lợi ích của người dân Mỹ, bởi việc Trump áp đặt thuế quan sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại và dân thường ở Mỹ sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả.

Tiếc rằng, việc kỳ vọng điều này xảy ra là không khôn ngoan và thiếu thực tế. Bằng chứng cho thấy, chính quyền Trump hiện đang quyết tâm tiếp tục nhắm vào Trung Quốc, cố gắng cản trở sự phát triển kinh tế của nước này, và Mỹ sẽ chỉ ngừng các hành động nhắm vào Trung Quốc nếu họ tiếp tục thất bại trong việc theo đuổi các chính sách tương tự.

Mặc dù chính quyền Trump đã thua trong vòng đối đầu đầu tiên, nhưng phán đoán của ông về tình hình hiện tại là sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc. Chính quyền Trump sẽ thử các chiến lược mới để khắc phục ảnh hưởng của thất bại trong vòng đầu tiên.

Việc Trung Quốc giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc chiến thuế quan chắc chắn phù hợp với lợi ích của người dân Trung Quốc, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích của nhiều quốc gia khác, bởi các biện pháp ứng phó của Trung Quốc đã chỉ ra rằng việc Mỹ phát động một cuộc chiến thương mại toàn cầu chẳng khác nào “tự lấy đá đập chân mình”, qua đó làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ hơn trong nội bộ nước Mỹ và buộc Trump phải trì hoãn việc thử một số biện pháp thuế quan mà ông đề xuất. Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng lợi thế tăng trưởng so với Mỹ trong năm 2025, điều này sẽ gây thêm áp lực cho chính quyền Trump.

Vì vậy, khi ứng phó với cuộc chiến thuế quan của Trump, điều quan trọng là phải giữ được nhận thức tỉnh táo và chuẩn bị kỹ lưỡng như trong vòng đối đầu đầu tiên. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của Trung Quốc mà còn phù hợp với lợi ích của các quốc gia khác.

Tác giả John Ross là cựu giám đốc của Văn phòng Kinh tế và Chính sách Kinh doanh London và là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc.