Nguồn: Diêu Viễn Mai, 姚远梅:印巴局势已超越克什米尔争端,上升为“婆罗多帝国”领土之争, Guancha, 08/05/2025.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Gần đây, tại khu du lịch Pahalgam thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã xảy ra một vụ nổ súng khiến hàng chục người thương vong. Điều này khiến tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan đột ngột trở nên xấu đi, đồng thời cũng thu hút sự chú ý của toàn thế giới và gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan đang diễn ra như thế nào? Nó sẽ tác động ra sao đến Trung Quốc? Liệu một cuộc chiến tranh toàn diện có nổ ra không?
Để tháo được chuông thì phải tìm người treo chuông. Bài viết này sẽ hệ thống hóa một số sự thật khách quan liên quan đến vụ xả súng ở Pahalgam, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trên.
Vụ nổ súng ở Pahalgam: Bằng chứng về “vụ tấn công khủng bố” vẫn còn là bí ẩn
Vào ngày 22/4/2025, một vụ xả súng nhắm vào khách du lịch đã bất ngờ xảy ra tại Pahalgam, một khu nghỉ dưỡng ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Các nhân chứng cho biết, một số tay súng đã lên kế hoạch nổ súng vào khách du lịch ở cự ly gần, chủ yếu nhắm vào nam giới.
Kể từ khi Ấn Độ đơn phương chấm dứt Điều 370 và 35A của Hiến pháp Ấn Độ vào năm 2019 nhằm bãi bỏ “vị thế đặc biệt” của tiểu bang Jammu và Kashmir, chính phủ trung ương Ấn Độ đã trực tiếp kiểm soát vùng Kashmir thuộc quản lý của nước này. Cùng với sự phát triển các nguồn tài nguyên du lịch địa phương của chính phủ Ấn Độ, an ninh ở đây rất nghiêm ngặt. Vẫn chưa rõ các tay súng này, với vũ trang ngay giữa ban ngày, đã làm cách nào để qua mặt lực lượng an ninh địa phương.
Sau vụ việc, cảnh sát Ấn Độ đã ngay lập tức coi đây là một “cuộc tấn công khủng bố”. Tiếp đó, các phương tiện truyền thông Ấn Độ như The Times of India, Indian Express, The Hindu, India Today và Wion TV đồng loạt đưa tin rằng tổ chức “khủng bố” TRF (The Resistance Front J&K, TRF) đã nhận trách nhiệm về vụ việc này do không hài lòng với chính sách Kashmir của chính phủ Ấn Độ (chỉ việc chấm dứt Điều 370 của Hiến pháp Ấn Độ vào năm 2019 nhằm bãi bỏ “vị thế đặc biệt” của Kashmir), vốn đã dẫn đến việc một lượng lớn người Ấn Độ đổ vào Kashmir, làm thay đổi cơ cấu dân số địa phương.
Song song với đó, truyền thông Ấn Độ tiếp tục đưa tin rộng rãi về TRF và các thành viên của nó, mối quan hệ giữa TRF với Lashkar-e-Taiba, và mối quan hệ giữa Lashkar-e-Taiba với Pakistan. Kết quả, tổ chức TRF, vốn bị phía Ấn Độ coi là một tổ chức “khủng bố”, đã trở thành tâm điểm của thế giới chỉ sau một đêm.
Sau khi biết tin, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã rút ngắn chuyến thăm tới Ả Rập Xê Út và nhanh chóng trở về nước. Tối ngày 23/4, Thủ tướng Modi đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban An ninh Nội các để thảo luận về vụ việc này. Ngày hôm sau, với lý do “vụ tấn công khủng bố” này là kết quả của việc Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố loạt biện pháp đáp trả nghiêm khắc với Pakistan, bao gồm đình chỉ Hiệp định nước sông Ấn, đóng cửa các cửa khẩu biên giới, trục xuất nhân sự Pakistan và giảm số lượng nhà ngoại giao Pakistan tại Ấn Độ. Cùng ngày, Pakistan cũng tuyên bố các biện pháp đáp trả tương ứng với Ấn Độ. Từ đó, cục diện căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã nhanh chóng leo thang.
Thế nhưng, khi thế giới bên ngoài đang tin vào tuyên bố của Ấn Độ, tình hình đột nhiên chuyển hướng. Vào ngày 25/4, tài khoản của TRF đã công khai tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội Telegram rằng, họ không liên quan đến vụ xả súng ở Pahalgam. Tổ chức này cũng bày tỏ, tuyên bố của Ấn Độ rằng TRF chịu trách nhiệm về vụ việc là kết quả của sự thao túng từ phía Ấn Độ.
TRF còn chỉ ra rằng, Ấn Độ đã từng nhiều lần thực hiện điều này, chẳng hạn như vụ sát hại 35 người Sikh năm 2000, vụ tấn công vào Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ năm 2001 và vụ tấn công Pulwama vào đêm trước cuộc tổng tuyển cử năm 2019 của Ấn Độ. Vào thời điểm đó, Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan đứng sau “vụ tấn công khủng bố”, nhưng cựu quan chức chính phủ Ấn Độ Satya Pal Malik (Thống đốc bang Jammu và Kashmir năm 2019) đã tiết lộ những sai lầm và hành vi che đậy chính trị của phía Ấn Độ.
Vào ngày 26/4, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng tuyên bố rằng Pakistan không liên quan đến vụ xả súng và sẵn sàng tham gia vào cuộc điều tra “trung lập, minh bạch và đáng tin cậy” của bên thứ ba.
Một mặt, TRF và chính phủ Pakistan đã công khai phủ nhận cáo buộc của phía Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ cáo buộc Pakistan đã hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới, dẫn đến “vụ tấn công khủng bố”. Những lập trường trái ngược này quả thực đã khiến thế giới bên ngoài vô cùng hoang mang. Cuộc luận chiến giữa Ấn Độ và Pakistan cũng đã lan từ Nam Á ra khắp thế giới, chẳng hạn tại London, những người ủng hộ của hai bên đã đến trước đại sứ quán của nhau tại Anh để biểu tình.
Cùng lúc đó, quân đội Ấn Độ và Pakistan liên tục đụng độ ở biên giới trong nhiều ngày liên tiếp. Ngày 28/4, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Attaullah Tarar cho biết, Pakistan có thông tin tình báo đáng tin cậy cho thấy Ấn Độ có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự trong vòng 24 đến 36 giờ tới. Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan dường như sắp bùng nổ.
Tuy nhiên, vào thời điểm nghìn cân treo sợi tóc này, lúc 20:26 ngày 30/4, TRF một lần nữa công bố “tài liệu tuyệt mật” được cho là của cơ quan tình báo Cục Nghiên cứu và Phân tích Ấn Độ (Research and Analysis Wing, R&AW), thông qua tài khoản Telegram của tổ chức.
Tệp được tạo vào ngày 16/4/2025, mã tham chiếu tệp là R&AW/JK/VX-7F3D/25-A, mã xử lý tệp là SAD-CB-K, phân loại tệp là tuyệt mật (TOP SECRET) và số hiệu tệp là CO64607720210101910. Tài liệu này dài 9 trang và được chia thành 7 phần, cụ thể là: “Đánh giá mục tiêu chiến lược”, “Hoạt động của Quân đoàn 12 và kích động nổi loạn” (chỉ việc khuyến khích các lực lượng chống chính phủ Pakistan như “Quân đội giải phóng Balochistan” (BLA) ở tỉnh Balochistan của Pakistan nổi dậy đòi độc lập), “Chi tiết về việc xâm nhập vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát”, “Khung địa chính trị”, “Hoạt động chiến tranh tâm lý”, “Nguy cơ và quản lý hành động” và “Thỏa thuận ủy quyền thực hiện cuối cùng”.
Tài liệu này tiết lộ chi tiết về cách Cục Nghiên cứu và Phân tích Ấn Độ (R&AW) bị nghi ngờ đã tinh vi lên kế hoạch cho vụ xả súng ở Pahalgam và đổ lỗi cho Pakistan, nhằm chia rẽ và làm suy yếu Pakistan cả bên trong lẫn bên ngoài, chẳng hạn như mục tiêu chiến lược, thời gian và địa điểm hành động, cách thức thực hiện, cách thức tuyên truyền…
Chi tiết cụ thể bao gồm:
(1) Ngụy tạo bằng chứng bằng nhiều phương tiện, chẳng hạn như sử dụng AI để tạo lời khai nhân chứng giả và video mờ ảo, và yêu cầu các phương tiện truyền thông Ấn Độ (như The Indian Express) công khai các bằng chứng 36 giờ sau vụ tấn công để đổ lỗi cho Pakistan và cơ quan tình báo của nước này là Cục Tình báo Liên ngành (ISI).
(2) Tạo căng thẳng vừa phải ở biên giới Ấn Độ-Pakistan, đảm bảo phạm vi hoạt động không quá 1,2 km tính từ Đường kiểm soát (LoC), nhằm thu hút Pakistan chuyển quân đang đóng ở Balochistan đến biên giới phía Đông, đồng thời tránh kích hoạt phân xử quốc tế. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các lực lượng vũ trang ly khai có liên quan đến khủng bố ở tỉnh Balochistan của Pakistan như “Quân đội giải phóng Balochistan” (BLA) và “Quân đội dân tộc chủ nghĩa Baloch” (BNA) tiến hành các hoạt động có mật danh là “T-48” ở tỉnh Balochistan.
(3) Thời điểm tốt nhất để thực hiện hành động này là trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Một cuộc tấn công có nhiều thương vong và công khai có thể được thực hiện tại thung lũng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, qua đó định hướng dư luận liên hệ vụ tấn công với một “âm mưu Hồi giáo” và giành được sự đồng cảm và ủng hộ từ cộng đồng quốc tế… Mục tiêu cuối cùng của hành động này là đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng kép cả về đối nội và đối ngoại… Nếu kế hoạch này bại lộ, một kế hoạch dự phòng sẽ được kích hoạt…
Nội dung của tài liệu tuyệt mật này chấn động đến mức sau khi được công bố trực tuyến, nó đã ngay lập tức làm bùng nổ dư luận quốc tế. Nhiều phương tiện truyền thông Pakistan, như tờ Dawn, đã nhiều lần đưa tin về sự việc này và chỉ trích rằng Ấn Độ có ý đồ khó lường, nước này đã dàn dựng cái mà họ gọi là “vụ tấn công khủng bố Pahalgam” rồi muốn đổ lỗi cho Pakistan, cố gắng dùng đây làm cái cớ để xâm nhập và chia rẽ Pakistan. Đây chính là cái mà Pakistan gọi là “Chiến dịch cờ giả ở Pahalgam” (False Flag Operation in Pahalgam).
Tính đến thời điểm hiện tại, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa làm rõ, bác bỏ hay đưa ra bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến tài liệu này. Đồng thời, ngoài các thông tin trước đó của các phương tiện truyền thông Ấn Độ mô tả việc Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng xác đáng nào khác về việc Pakistan đã lên kế hoạch cho vụ xả súng này. Tờ New York Times cũng chỉ ra rằng, cáo buộc của Ấn Độ rằng Pakistan đã lên kế hoạch cho “vụ tấn công khủng bố” thiếu bằng chứng đáng tin cậy.
Tóm lại, bằng chứng về việc liệu vụ xả súng ở Pahalgam có phải là một “vụ tấn công khủng bố” như phía Ấn Độ tuyên bố hay không vẫn còn là một ẩn số. Theo phía Ấn Độ, đây là một “vụ tấn công khủng bố” được gây ra bởi hành động hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới của Pakistan, nhưng phía Ấn Độ không thể cung cấp các bằng chứng trọng yếu và đáng tin cậy. Theo bằng chứng “tài liệu tuyệt mật” do TRF cung cấp, Ấn Độ bị tình nghi đã tự dàn dựng “vụ tấn công khủng bố” này và đổ lỗi cho Pakistan, nhằm hợp tác với các lực lượng ly khai trong nội bộ Pakistan như BLA, tiếp đó làm suy yếu và chia rẽ Pakistan cả bên trong lẫn bên ngoài. Tất cả giống như một “trò chơi” được Ấn Độ sắp đặt kỹ lưỡng và Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa phủ nhận hay làm rõ các các buộc này.
Tình huống mà mỗi bên đều cho là mình đúng khiến việc vụ xả súng ở Pahalgam có phải là một “vụ tấn công khủng bố” hay không vẫn còn là một ẩn số, đồng thời khiến cho tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên ngày càng khó lường.
Phản ứng của Ấn Độ trước vụ tấn công Pahalgam
Kể từ khi vụ xả súng nổ ra vào ngày 22/4, chính quyền Modi đã phản ứng theo kịch bản cho rằng chính phủ Pakistan là kẻ đã đứng sau xúi giục “vụ tấn công khủng bố” này. Cụ thể như sau:
Đầu tiên, Ấn Độ đã công khai tuyên bố các biện pháp đáp trả với Pakistan.
Ngày 24/4, với lý do Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới dẫn đến “vụ tấn công khủng bố Pahalgam”, chính quyền Modi đã tuyên bố các biện pháp đáp trả mạnh mẽ với Pakistan, bao gồm đình chỉ Hiệp định nước sông Ấn, đóng cửa các cửa khẩu biên giới giữa hai nước, cấm công dân Pakistan nhập cảnh vào Ấn Độ, trục xuất và giảm số lượng nhân viên ngoại giao Pakistan tại Ấn Độ… Tiếp đó, Ấn Độ tuyên bố phong tỏa thương mại, phong tỏa dịch vụ bưu chính và chặn các tài khoản truyền thông của Pakistan.
Hiệp định nước sông Ấn là một trong những thỏa thuận xuyên biên giới về tài nguyên nước được hình thành vào những năm 1950 và 1960, với sự trung gian chặt chẽ của Vương quốc Anh và Ngân hàng Thế giới. Mặc dù thường xuyên tranh cãi về vấn đề sử dụng nguồn nước sông Ấn, nhưng Ấn Độ và Pakistan vẫn luôn tuân thủ hiệp định. Lần này, Ấn Độ đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ đình chỉ việc thực hiện thỏa thuận, điều đó có nghĩa Ấn Độ đã giương cao “vũ khí nước” trước Pakistan, tức là tận dụng lợi thế ở thượng nguồn sông Ấn để chặn đập, qua đó “cắt nước” hoặc “xả lũ” cho Pakistan, gây nên sự hoang mang cho người dân Pakistan ở hạ nguồn sông Ấn.
Tháng 5 là mùa khô và nóng nhất trong năm ở Pakistan. Pakistan nằm ở hạ nguồn và cần một lượng nước lớn. Ấn Độ đã đơn phương chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận chia sẻ nguồn nước, có thể hình dung được tác động tiêu cực của hành động này tới Pakistan. Điều này chẳng khác nào thúc đẩy người dân Pakistan bất mãn về chính phủ Pakistan và khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ.
Thứ hai, Ấn Độ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để giành được sự ủng hộ về mặt ngoại giao từ nhiều nước.
Sau vụ xả súng, Thủ tướng Modi đã ngay lập tức bày tỏ trên tài khoản mạng xã hội của mình:
“Tôi kịch liệt lên án vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam, Jammu và Kashmir. Tôi xin chia buồn với những người đã mất đi người thân yêu của mình. Tôi cầu nguyện cho những người bị thương sớm bình phục. Chúng tôi đang cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho những người bị ảnh hưởng. Những kẻ đứng sau hành động tàn ác này sẽ bị đưa ra trước công lý… Chúng sẽ không được tha thứ! Những kế hoạch xấu xa của chúng sẽ không bao giờ thành công. Quyết tâm chống khủng bố của chúng tôi là không thể lay chuyển và sẽ chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn.”
Sau khi Thủ tướng Modi gửi đi thông điệp này, các phái đoàn của Ấn Độ ở nước ngoài đã lập tức tiến hành công tác tuyên truyền. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Anh, Đức, Canada, Úc, Israel, Ý, Đan Mạch, Nepal và các quốc gia khác đã bày tỏ lời chia buồn và cảm thông tới Ấn Độ. Tổng thống Mỹ Trump đã có cuộc gọi đặc biệt tới Thủ tướng Modi để bày tỏ lời chia buồn.
Theo tờ New York Times, Thủ tướng Modi đã gọi điện cho lãnh đạo của hơn 12 quốc gia để thảo luận về vấn đề này, nhưng danh sách cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Trong một cuộc phỏng vấn tại Liên Hợp Quốc, Phó Đại diện thường trực Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc Yojna Patel đã trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif, chỉ ra rằng Pakistan đã làm công việc “bẩn thỉu” cho phương Tây trong vài thập kỷ qua, ám chỉ rằng chính phủ Pakistan thực sự đang hỗ trợ khủng bố đằng sau hậu trường.
Cùng lúc đó, phe đối lập trong nước ở Ấn Độ, như lãnh đạo Đảng Quốc đại Rahul Gandhi, cũng công khai lên án việc Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới và bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của chính quyền Modi. Trong tình hình này, Ấn Độ rõ ràng đã chiếm ưu thế trong việc dẫn dắt dư luận quốc tế.
Thứ ba, Ấn Độ đang tích cực triển khai quân sự.
Sau vụ xả súng ở Pahalgam, Ấn Độ đã tích cực triển khai quân đội. Lục quân Ấn Độ đã điều động nhóm xe tăng T-90 của Quân đoàn 14 đến biên giới Ấn Độ-Pakistan và triển khai lực lượng tác chiến điện tử để thiết lập hệ thống gây nhiễu GPS. Cùng lúc đó, Ấn Độ đã huy động hàng trăm nghìn quân tới biên giới Ấn Độ-Pakistan. Những động thái này đã buộc Pakistan phải điều động quân đóng ở tỉnh Balochistan phía Tây đến biên giới phía Đông Pakistan-Ấn Độ. Thế giới bên ngoài chỉ ra rằng điều này sẽ tạo ra không gian hoạt động cho các lực lượng ly khai khủng bố ở Pakistan như BLA và Mặt trận Giải phóng Balochistan (BLF).
Ngoài ra, tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ, chở theo 30 chiếc MiG-29K, đã xuất hiện ở Biển Ả Rập cách bờ biển Pakistan 300 hải lý, hoạt động như một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay lớn hơn bao gồm các tàu khu trục, khinh hạm và tàu chống ngầm, sau đó tiến hành một cuộc tập trận quân sự trên biển. Nhiều người cho rằng đợt triển khai tàu sân bay này của Ấn Độ không phải là hoạt động thông thường, mà là sự thay đổi chiến lược nhằm phô diễn sức mạnh và đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng.
Vào ngày 25/4, Không quân Ấn Độ (IAF) đã tổ chức cuộc tập trận “Strike” (Aakraman) ở khu vực miền Trung và triển khai các đội hình chiến đấu tiền tuyến, chủ yếu gồm các phi đội Rafale và Su-30MKI. Vào ngày 28/4, Saab India tuyên bố đã bàn giao thành công hệ thống vũ khí chống tăng AT4 cho lực lượng vũ trang Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến trong năng lực tác chiến tầm gần của nước này. Ấn Độ cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận gần căn cứ hải quân Karwar ở Biển Ả Rập vào đầu tháng 5.
Cùng lúc đó, đã có sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo của lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo Ấn Độ. Vào ngày 1/5, Lục quân Ấn Độ đã bổ nhiệm Trung tướng Pratik Sharma làm Tổng Tư lệnh mới của Bộ Tư lệnh miền Bắc. Đây là lực lượng lớn nhất và có độ nhạy cảm chiến lược cao nhất của Lục quân Ấn Độ, chủ yếu tập trung vào các cuộc chiến hướng tới Pakistan và Trung Quốc, bao gồm biên giới Ấn Độ-Pakistan, các khu vực phía Tây và trung tâm biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. Trung tướng Sharma từng giữ chức Phó Tham mưu trưởng (về chiến lược) của Lục quân Ấn Độ và chức vụ quan trọng là Giám đốc Tác chiến Quân sự (DGMO). Ông này là một tướng quân đội có cả khả năng tư duy chiến lược và năng lực thực thi. Việc trọng dụng Sharma vào thời điểm quan trọng này rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt.
Nguyên soái Không quân Ashutosh Dixit thay thế Trung tướng J.P. Mathew giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng (CISC). Dixit là một tướng quân đội giàu kinh nghiệm, từng giữ chức Tư lệnh Bộ tư lệnh Không quân Trung ương Ấn Độ, Tư lệnh Phòng không của Bộ Tư lệnh Không quân Nam Ấn và giữ các chức vụ tham mưu quan trọng tại Bộ Tư lệnh Không quân.
Narmdeshwar Tiwari được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh mới của Không quân. Tư lệnh hiện tại của Bộ Tư lệnh Huấn luyện Không quân sẽ thay thế chức vụ của Tiwari tại Bộ Tư lệnh Không quân Tây Nam, trong khi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân Nam Ấn hiện tại là Nguyên soái Không quân Balakrishnan Manikantan sẽ chuyển sang làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không quân Trung Ấn.
Trung tướng D.S. Rana, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ấn Độ (DIA), được thăng chức làm Tổng Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quần đảo Andaman-Nicobar và sẽ nhậm chức vào ngày 1/6, đây là bộ tư lệnh tác chiến ba quân chủng tích hợp duy nhất của Ấn Độ. Ủy ban Cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ cũng đã nhân cơ hội này để tái cơ cấu với 15 thành viên, do cựu Giám đốc R&AW Alok Joshi làm Chủ tịch. Trong vài tháng tới, giới lãnh đạo cấp cao của Hải quân Ấn Độ cũng sẽ trải qua một cuộc điều chỉnh toàn diện.
Những động thái quân sự này của Ấn Độ chắc chắn sẽ buộc Pakistan phải tăng cường triển khai quân sự và triển khai tên lửa đất đối đất, từ đó dẫn đến những cảnh tượng như tiêm kích J-10 của Pakistan đối đầu với tiêm kích Rafale của Ấn Độ, hay các cuộc giao tranh liên tục với quy mô nhỏ trên biên giới Ấn Độ-Pakistan. Trong một cuộc phỏng vấn, Đại sứ Pakistan tại Nga cho biết, nếu xung đột leo thang thành chiến tranh, Pakistan sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với Ấn Độ. Có thể thấy đám mây chiến tranh đang bao trùm không gian.
Xu hướng phát triển tiếp theo
Trước tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan và sự chênh lệch lớn về sức mạnh giữa hai nước, liệu có khả năng Ấn Độ sẽ tìm kiếm cơ hội để triển khai quân sự với Pakistan không?
Tôn Tử nói: “Chiến tranh là vấn đề hệ trọng của quốc gia, là việc sống chết, là chuyện tồn vong, không thể không cân nhắc kỹ lưỡng.” Từ trước đến nay, bất cứ khi nào một quốc gia phát động chiến tranh, quốc gia đó luôn có sự chuẩn bị từ trước. Thủ tướng Modi không phải là một chính trị gia thông thường, mà là một nhà lãnh đạo lý trí, thực dụng và biết kết hợp giữa chính trị và tôn giáo. Nhiều năm sau nhìn lại, Thủ tướng Modi sẽ là một nhân vật đáng chú ý trong lịch sử “Bharat”. Nếu Ấn Độ lựa chọn phát động chiến tranh với Pakistan, điều đó phải dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng và đảm bảo chiến thắng. Nếu không, chính quyền Modi, vốn đang nhắm tới chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, sẽ không thể chịu nổi sức ép từ một cuộc chiến “thất bại”. Vì vậy, chính quyền Modi cần khắc phục những điểm sau trước khi quyết định khai chiến.
Đầu tiên, cần tìm lý do thích hợp để hợp lý hóa hành động của mình.
“Tài liệu tuyệt mật” mà TRF công bố vào tối ngày 30/4 cực kỳ bất lợi cho chính quyền Modi. Nếu nội dung của tài liệu này là đúng sự thật, điều đó có nghĩa Ấn Độ không chỉ bị cáo buộc đã dàn dựng cái mà phía Ấn Độ gọi là “vụ tấn công khủng bố” và đổ lỗi cho Pakistan nhằm chia rẽ và làm suy yếu nước này, mà còn sử dụng lý do Pakistan “hỗ trợ khủng bố” để nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế này rõ ràng thiếu tính công lý quốc tế và làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của Ấn Độ. Vì vậy, chính phủ Pakistan đã mạnh dạn kêu gọi năm thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc can thiệp và làm rõ sự thật.
Nếu Ấn Độ bác bỏ tính xác thực của “tài liệu tuyệt mật” này, điều này có thể kích thích TRF công bố thêm nhiều nội dung bất lợi cho Ấn Độ. Bởi tổ chức này có khả năng có được “tài liệu tuyệt mật” trên, nên họ chắc chắn cũng sở hữu những nội dung liên quan khác. Chính vì vậy, kể từ khi “tài liệu tuyệt mật” này được công bố, chính quyền Modi và các phương tiện truyền thông chính thống của Ấn Độ vẫn giữ thái độ im lặng, không làm rõ cũng không bác bỏ. Trong trường hợp này, chính quyền Modi cần tìm ra những lý do phù hợp khác để hợp lý hóa hành động quân sự đối với Pakistan.
Thứ hai, cần sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước khác.
Cái gọi là “vụ tấn công khủng bố Pahalgam” xảy ra vào đúng chuyến thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống Mỹ kiêm “người con rể của Ấn Độ” JD Vance. Vụ việc gây ra ra thương vong lớn và có tính chất khá nghiêm trọng. Vì vậy ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ Trump đã gọi điện chia buồn với Thủ tướng Modi. Phó Tổng thống Vance cũng nhanh chóng bày tỏ: “Usha (vợ của Vance) và tôi xin gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố thảm khốc ở Pahalgam, Ấn Độ…”
Tuy nhiên, sau khi tài liệu tuyệt mật về việc Ấn Độ bị tình nghi dàn dựng “vụ tấn công khủng bố” được phát tán rộng rãi trên mạng vào ngày 1/5, Phó Tổng thống Vance đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 2/5 rằng: “Chúng tôi hy vọng phản ứng của Ấn Độ đối với vụ tấn công khủng bố này sẽ không gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn… Chúng tôi mong Pakistan sẽ hợp tác với Ấn Độ để truy bắt những kẻ khủng bố trên lãnh thổ của mình…”
Trong bài phát biểu, Vance không đề cập đến việc sự “hỗ trợ khủng bố” của Pakistan đã dẫn đến cái mà phía Ấn Độ gọi là “vụ tấn công khủng bố Pahalgam”. Thay vào đó, ông kêu gọi Ấn Độ không phản ứng thái quá đối với vụ việc để tránh gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, đồng thời kêu gọi Pakistan hợp tác với Ấn Độ trong việc truy lùng những kẻ khủng bố ẩn náu tại Pakistan. Điều này cho thấy lập trường của Mỹ về “vụ tấn công khủng bố Pahalgam” đã có sự thay đổi tinh tế. Nếu không có sự ủng hộ của Mỹ và các nước khác, chính quyền Modi sẽ không thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện đối với Pakistan.
Cùng lúc đó, ngày 5/5, Pakistan chính thức thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về những diễn biến mới nhất trong tình hình ở Nam Á. Có thể thấy, cuộc đấu tranh ngoại giao về tình hình Ấn Độ-Pakistan sẽ còn gay gắt hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ ba, phải khiến Trung Quốc không thể can dự.
Ấn Độ hiểu rõ “tình hữu nghị trong mọi hoàn cảnh” giữa Trung Quốc và Pakistan, cùng sự hợp tác trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã tạo ra lợi ích chung giữa hai nước này, và chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên nhìn Ấn Độ làm suy yếu và chia rẽ Pakistan. Từ góc độ này, nếu muốn đạt được các mục tiêu chiến lược của mình đối với Pakistan, Ấn Độ cần “vờ” thân thiện với Trung Quốc và “thuyết phục” Trung Quốc không giúp đỡ chính phủ Pakistan; hoặc liên kết với các nước khác để gây rối ở vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị phân tâm và khó có thể giúp đỡ Pakistan.
Và điều này không phải là không thể. Vì trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 2/2025, Thủ tướng Modi đã ký một tuyên bố chung với Tổng thống Trump, điểm đầu tiên là hợp tác để tạo ra cơ hội phát triển chiến lược; tháng 9/2024, Ấn Độ và Philippines đã ký biên bản ghi nhớ về công nghiệp quốc phòng và cung cấp hậu cần; tháng 4 năm nay, Mỹ bắt đầu tăng cường triển khai quân sự quanh các vùng biển của Trung Quốc, triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B và 14.000 quân Mỹ tới Eo biển Đài Loan và Biển Đông, đồng thời tiến hành tập trận với Philippines; ngày 27/4, sáu người Philippines đã xâm nhập bãi Đá Hoài Ân (Sandy Cay) bất hợp pháp bất chấp cảnh báo của phía Trung Quốc, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến hành điều tra và xử lý vụ việc. Đồng thời, đối thoại ngoại giao và quốc phòng “2+2” Ấn Độ-Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định và Ấn Độ là thành viên quan trọng trong cơ chế “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Do đó, nếu căng thẳng cũng xảy ra ở vùng biển phía Nam và phía Đông Trung Quốc trong thời kỳ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan thì đây chắc chắn đây sẽ là cơ hội vàng cho Ấn Độ.
Kết luận
Tóm lại, cùng với diễn tiến của tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan, sự thật về vụ việc mà Ấn Độ gọi là “vụ tấn công khủng bố Pahalgam” sẽ dần được hé lộ. Vụ việc này đã vượt ra ngoài tranh chấp truyền thống giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir và đã phát triển thành một tranh chấp lãnh thổ quy mô lớn hơn về “Đế chế Bharat”.
Có thể thấy điều này qua các khía cạnh như bức tranh “Đế chế Bharat” (Akhand Bharat) trong Tòa nhà Quốc hội mới của Ấn Độ vào năm 2023, nó bao trùm lãnh thổ của các quốc gia khác như Pakistan và Bangladesh. Chính phủ Modi đã đổi tên đất nước thành “Bharat” khi chủ trì cuộc họp G20. Lãnh đạo của Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) – tổ chức mẹ của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) – là Mohan Bhagwat từng nhiều lần tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn rằng “Đế chế Bharat” sẽ thành hiện thực trong tương lai. Vào đầu năm 2025, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã thổi phồng vấn đề “độc lập của Balochistan” và nhắc lại kinh nghiệm chia cắt Pakistan vào năm 1971, với việc các nghị sĩ BJP kêu gọi chia Pakistan thành năm phần. Vào tháng 1/2025, Ấn Độ đã mời Pakistan, Bangladesh và các quốc gia khác nằm trong “Đế chế Bharat” tham dự lễ kỷ niệm 150 năm thành lập Cục Khí tượng Ấn Độ. Và Swami Ramdev (hay Yog guru Baba Ramdev) – nhà truyền giáo Hindu và huấn luyện viên yoga nổi tiếng – đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu chiến tranh nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan, Ấn Độ sẽ chia cắt Pakistan và sẽ thành lập các trường học Hindu (Gurukul) tại Karachi và những nơi khác.
Vẫn còn nhiều biến số và hạn chế trong tình hình hiện tại giữa Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt là kể từ khi Pakistan chính thức đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Do đó, vẫn chưa rõ Ấn Độ sẽ tiến hành “vụ tấn công” nào vào Pakistan trong tương lai gần. Cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ, những biến chuyển ở vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, và hoạt động của các lực lượng ly khai ở Pakistan mà Ấn Độ coi là “bạn hữu” như BLA và BLF. Nếu nhiều bên cùng phối hợp, tôi tin rằng quy mô và cường độ của cuộc chiến này sẽ vượt quá dự đoán của mọi người. Ngược lại, nếu nhiều bên không ủng hộ các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ đối với Pakistan, chính quyền Modi có thể lựa chọn các “cuộc tấn công” nhỏ gọn, có kiểm soát và chính xác để giữ thể diện. Hoặc thông qua sự hòa giải của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có thể dần lắng xuống. Liệu điều này có xảy ra hay không thì vẫn cần chờ xem.
Tác giả Diêu Viễn Mai là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Phó Giáo sư Viện Lịch sử và Văn hiến Xã hội chủ nghĩa thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông.