Nguồn: Seventeen states put gasoline rationing into effect, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, chế độ phân phối xăng theo định mức đã bắt đầu được áp dụng tại 17 tiểu bang miền Đông nước Mỹ như một nỗ lực hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của nước này trong Thế chiến II. Đến cuối năm đó, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đảm bảo rằng chế độ phân phối xăng theo định mức bắt buộc có hiệu lực tại tất cả 48 tiểu bang.
Người Mỹ đã tranh luận về việc tham gia Thế chiến II mãi cho đến khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 07/12/1941. Ngay ngày hôm sau, Quốc hội Mỹ đã gần như nhất trí thông qua yêu cầu của Roosevelt về việc tuyên chiến với Nhật Bản, và ba ngày sau, các đồng minh của Nhật Bản là Đức và Ý đã tuyên chiến với Mỹ.
Ở mặt trận trong nước, dân thường Mỹ gần như ngay lập tức cảm nhận được tác động của chiến tranh, vì nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tập trung vào hàng tiêu dùng sang sản xuất chiến tranh toàn thời gian. Là một phần của quá trình chuyển đổi này, phụ nữ đã đi làm tại các nhà máy để thay thế những người đàn ông nhập ngũ, các nhà máy xe hơi cũng bắt đầu sản xuất xe tăng và máy bay cho lực lượng Đồng minh, và các hộ gia đình được yêu cầu hạn chế tiêu thụ các sản phẩm như cao su, xăng, đường, rượu, và thuốc lá.
Cao su là mặt hàng đầu tiên được phân phối theo định mức, sau khi Nhật Bản xâm lược Đông Ấn Hà Lan và theo đó cắt đứt nguồn cung của Mỹ; tình trạng thiếu cao su đã ảnh hưởng đến tính khả dụng của các sản phẩm như lốp xe. Người ta lý luận rằng việc phân phối xăng theo định mức sẽ giúp bảo tồn cao su bằng cách giảm quãng đường lái xe của người Mỹ. Lúc đầu, chính phủ đã kêu gọi phân phối xăng theo định mức một cách tự nguyện, nhưng đến mùa xuân năm 1942, những nỗ lực này rõ ràng là không đủ. Sang giữa tháng 5, 17 tiểu bang đầu tiên đã áp dụng chế độ phân phối xăng theo định mức bắt buộc, và đến tháng 12, các biện pháp kiểm soát đã được mở rộng trên toàn quốc.
Tem định mức xăng được các hội đồng địa phương cấp và dán trên kính chắn gió xe hơi của gia đình hoặc cá nhân. Loại tem sẽ xác định lượng xăng được phân bổ cho chiếc xe đó. Ví dụ, tem màu đen biểu thị cho việc đi lại không cần thiết nên chỉ được đổ không quá 3 gallon (11 lít) xăng mỗi tuần, trong khi tem màu đỏ dành cho những công việc cần nhiều xăng hơn, bao gồm cảnh sát và nhân viên đưa thư. Do những hạn chế này, xăng trở thành một mặt hàng nóng trên thị trường chợ đen, trong khi các biện pháp hợp pháp để tiết kiệm xăng – như đi chung xe – cũng phát triển mạnh. Trong một nỗ lực riêng biệt nhằm giảm mức tiêu thụ xăng, chính phủ đã thông qua giới hạn tốc độ bắt buộc trong thời chiến là khoảng 56km/h, được gọi là “Tốc độ Chiến thắng” (Victory Speed).