Nguồn: Khang Vu, “Understanding The Logic of Vietnam’s Reconciliation Policy”, The Diplomat, 15/05/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
Hàng năm, lễ kỷ niệm “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” vào ngày 30 tháng 4 ở Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi gay gắt trong và ngoài nước. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, phần lớn là người tị nạn chiến tranh Việt Nam hoặc con cháu của họ, thường xem việc ăn mừng của Hà Nội là khơi lại vết thương chiến tranh. Trong khi đó, một số người Việt trong nước lại thắc mắc tại sao chính phủ Việt Nam chưa hòa giải với những người anh em miền Nam Việt Nam, dù đã bình thường hóa quan hệ với các cựu thù như Mỹ và Trung Quốc. Những ý kiến này cho rằng Hà Nội đối xử phân biệt với công dân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước đây và cố gắng xóa bỏ ký ức về một quốc gia có chủ quyền để phục vụ cho sự kiểm soát độc tài của mình.
Tuy nhiên, những lập luận này hoàn toàn thiếu logic. Việt Nam đã theo đuổi một chính sách hòa giải nhất quán ít nhất từ năm 1946, theo đó cam kết hợp tác với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, bất kể khuynh hướng chính trị, tầng lớp xã hội và nơi cư trú, miễn là những người đó tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của đất nước. Mục tiêu là thành lập một Mặt trận Thống nhất chống lại mối đe dọa trực tiếp từ Pháp và thúc đẩy sự tồn tại của phong trào cộng sản. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về chính sách hòa giải trước Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là việc những người cộng sản chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam, và việc ông được Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm “cố vấn tối cao” vào năm 1945, trái ngược với việc gia đình hoàng gia thường bị trục xuất chính trị trong các cuộc cách mạng cộng sản khác. Hà Nội cũng đã tuyển dụng những người Việt ở nước ngoài được đào tạo tại Pháp hoặc những người từng phục vụ dưới chính quyền thuộc địa Pháp để giúp hiện đại hóa quân đội và điều hành chính phủ mới thành lập.
Trước thềm Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Hà Nội đã hòa giải những khác biệt với giai cấp tư sản và địa chủ ở miền Bắc Việt Nam sau các chiến dịch cải cách ruộng đất phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ và củng cố sự cai trị của cộng sản ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1953 đến 1956. Năm 1956, Hồ Chí Minh đích thân thừa nhận những sai lầm trong việc áp dụng một cách tai hại các chiến dịch cải cách ruộng của Trung Quốc vào bối cảnh Việt Nam, điều này đã gây ra sự đối xử bất công đối với các thành phần tư sản và địa chủ ủng hộ Việt Minh. Miền Bắc Việt Nam cho phép cả các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và lớn hoạt động dưới sự giám sát của chính phủ vì họ hiểu rằng các doanh nghiệp này sản xuất phần lớn lương thực và hàng tiêu dùng của đất nước, trong khi chính phủ tập trung hơn vào việc huy động vật chất và nhân lực để gửi vào miền Nam Việt Nam. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) được thành lập. Hà Nội tuyên bố rõ ràng rằng chính phủ trân trọng những đóng góp từ bất kỳ cá nhân nào và sẵn sàng đoàn kết với bất kỳ thành phần xã hội nào có thể giúp họ đánh bại Mỹ và VNCH.
Trong suốt cuộc chiến, Hà Nội đã hợp tác với MTDTGPMNVN để giành được sự ủng hộ của giới trí thức và tư sản miền Nam Việt Nam, gây tổn hại cho Washington và Sài Gòn, giống như cách họ đã sử dụng những người được đào tạo tại Pháp để chống lại Pháp. Và để giảm thiểu đổ máu không cần thiết, Hà Nội đã không ra lệnh cho quân đội tấn công Sài Gòn khi cuộc di tản của Mỹ đang diễn ra. Chỉ khi Hà Nội nghi ngờ rằng Mỹ đang lợi dụng thiện chí của mình để kéo dài thời gian nhằm thành lập một chính phủ trung lập bao gồm cả VNCH, họ mới tiếp tục tấn công để chấm dứt mọi hy vọng còn sót lại về sự tồn tại của một chính phủ không cộng sản. Sự kiềm chế quân sự và những cử chỉ hòa giải của Hà Nội giải thích tại sao Sài Gòn chịu ít thiệt hại về cơ sở hạ tầng vào năm 1975 so với phần còn lại của Việt Nam và tại sao cuộc tiếp quản của cộng sản vào ngày 30 tháng 4 diễn ra phần lớn trong hòa bình.
Khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai kết thúc, Hà Nội đã đưa nhiều quan chức VNCH cũ đi học tập cải tạo, nhưng cũng ân xá cho các quan chức cấp cao của VNCH sau khi họ học tập và có một số người trong số họ phục vụ trong Mặt trận Tổ quốc hoặc trong chính phủ thống nhất mới như một cử chỉ hòa giải dân tộc. Một số người thậm chí còn làm cố vấn cho Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), và cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba sắp xảy ra, Hà Nội đã tuyển mộ các cựu binh VNCH vào quân đội của mình vì họ có thể sử dụng tốt hơn vũ khí còn lại của Mỹ và để họ chiến đấu chống lại Khmer Đỏ. Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực của họ sau chiến tranh.
Tuy nhiên, Hà Nội không thể ân xá hàng loạt các quan chức VNCH cũ vì những người ở Mỹ đang tích cực quyên góp tiền để thành lập một đội quân du kích bao gồm các cựu binh VNCH ở miền bắc Thái Lan để xâm lược Việt Nam qua Lào. Hà Nội lo sợ rằng các nhóm này có thể liên kết với các cựu binh VNCH đã được ân xá và thách thức chính phủ cộng sản. Sau khi mặt trận du kích chống cộng bị đánh bại vào năm 1987, Việt Nam bắt đầu thả những người thuộc VNCH ra khỏi tù và cho phép họ tái định cư ở phương Tây.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam đã tăng cường chính sách hòa giải để giành được sự ủng hộ từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài cho các kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia. ĐCSVN coi kiều hối, với tổng trị giá 160 tỷ USD Mỹ từ năm 1993 đến 2023, là một trong những nguồn tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam. Năm 2004, Hà Nội đã chào đón sự trở về của cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, người đã nhân cơ hội này kêu gọi các cựu công dân VNCH gạt bỏ hận thù đối với chính phủ cộng sản trên tinh thần hòa giải. Ông Kỳ đã trở lại Việt Nam nhiều lần sau năm 2004.
Điều quan trọng là Hà Nội không xóa bỏ di sản của VNCH khỏi ký ức công chúng. Đất nước tưởng nhớ trận hải chiến năm 1974 của VNCH với Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa và coi việc VNCH khẳng định chủ quyền là cơ sở cho các yêu sách hiện đại của Việt Nam đối với các đảo ngoài khơi. Năm 2007, Việt Nam đã dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất 12.000 binh sĩ VNCH, và cho phép công chúng, bao gồm cả các quan chức ngoại giao Mỹ, đến viếng và trùng tu mộ.
Logic chính sách hòa giải của Việt Nam cũng mở rộng đến các đối tác nước ngoài. Việt Nam sẵn sàng hòa giải với Trung Quốc vào năm 1991 sau khi Bắc Kinh đồng ý chấm dứt mọi hoạt động quân sự thù địch chống lại Hà Nội. Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995, và những phát triển tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ có liên quan đến sự tôn trọng của Mỹ đối với hệ thống cộng sản của Việt Nam. Hà Nội cũng tăng cường quan hệ với cựu quốc gia thực dân Pháp khi Pháp giúp Việt Nam vượt qua sự cô lập quốc tế sau Chiến tranh Lạnh.
Logic chính sách hòa giải của Việt Nam luôn nhất quán: miễn là các cựu thù của Việt Nam tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của Việt Nam, Việt Nam sẵn sàng gác lại những khác biệt trong quá khứ và hòa giải với họ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại quan điểm này trong một bài phát biểu vào ngày 30 tháng 4, khi ông nói: “Hòa giải dân tộc không có nghĩa là quên đi lịch sử hay xóa bỏ những khác biệt, mà là chấp nhận những góc nhìn đa dạng với tinh thần khoan dung và tôn trọng, để hướng tới một mục tiêu lớn hơn: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hùng cường, văn minh và phồn vinh”.
Hòa giải cần có sự hợp tác của cả hai bên, và điều này giải thích tại sao Hà Nội chưa thể hòa giải với những người ủng hộ VNCH như đã làm với Pháp, Trung Quốc và Mỹ. Không phải vì sự đối xử phân biệt của Hà Nội mà vì những người ủng hộ này tiếp tục kêu gọi lật đổ chính phủ cộng sản, điều này vi phạm một trong hai nguyên tắc của chính sách hòa giải của Hà Nội. Hà Nội đã cho thấy thiện chí gác lại quá khứ, ngay cả với những kẻ thù tồi tệ nhất ở trong và ngoài nước, vì lợi ích chung. Những người ủng hộ VNCH không cần tuân theo chính sách của Hà Nội, nhưng họ cần thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính phủ cộng sản của Việt Nam nếu hòa giải dân tộc thực sự bắt đầu.
Khang Vũ hiện là học giả thỉnh giảng tại Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Boston.