Thế lưỡng nan trong chính sách răn đe của Mỹ về vấn đề Đài Loan

Nguồn: Oriana Skylar Mastro và Brandon Yoder,  “The Taiwan Tightrope,” Foreign Affairs, 20/05/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Răn đe là một hành động cân bằng, nhưng Mỹ đang bắt đầu gặp khó khăn trong khía cạnh này.

Trong lúc căng thẳng dâng cao ở Eo biển Đài Loan, cuộc tranh luận về chính sách tại Washington vẫn còn gây chia rẽ. Chiến lược của Mỹ nhìn chung xoay quanh việc ngăn chặn Trung Quốc tấn công Đài Loan, và trong ba nhiệm kỳ tổng thống gần đây, chiến lược này bao gồm ba thành phần cốt lõi: tăng cường khả năng phòng thủ quân sự của Mỹ và Đài Loan; sử dụng ngoại giao để báo hiệu quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan, đồng thời trấn an Trung Quốc rằng Washington không ủng hộ hòn đảo giành độc lập; và sử dụng áp lực kinh tế để làm chậm nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.

Vấn đề là có rất ít sự đồng thuận về sự cân bằng đúng đắn giữa ba thành phần này – và, ở một mức độ nào đó, sự cân bằng này sẽ quyết định cách thức chiến lược răn đe được triển khai trong thực tế. Một số người cho rằng áp lực ngoại giao – cùng với việc kiềm chế quân sự để tránh chọc giận Trung Quốc – sẽ giữ Bắc Kinh ngồi yên. Những người khác cảnh báo rằng răn đe sẽ sụp đổ, trừ phi Washington chịu tăng cường đáng kể vị thế quân sự của mình ở châu Á. Và một cách tiếp cận thứ ba, được Jennifer Kavanagh và Stephen Wertheim phác thảo gần đây trên Foreign Affairs, nhấn mạnh rằng việc củng cố khả năng tự vệ của Đài Loan và tạo điều kiện cho sự hỗ trợ ngoài khơi của Mỹ là con đường tốt nhất để duy trì răn đe đồng thời giảm thiểu nguy cơ leo thang.

Những đề xuất này đều có giá trị, nhưng chúng chưa giải quyết được nghịch lý cốt lõi trong chiến lược của Mỹ: răn đe có thể thất bại theo hai cách. Làm quá ít, và Bắc Kinh có thể đánh cược rằng họ đủ sức chiếm Đài Loan trước khi Washington kịp phản ứng. Làm quá nhiều, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể kết luận rằng vũ lực là con đường duy nhất còn lại để thống nhất. Việc vượt qua tình thế lưỡng nan này đòi hỏi nhiều hơn một quân đội mạnh hay một nền ngoại giao táo bạo. Nó đòi hỏi một chiến lược tái vũ trang, trấn an, và kiềm chế được điều chỉnh cẩn thận để lách qua khe hở giữa yếu đuối và liều lĩnh. Khi được kết hợp đúng cách, các năng lực triển khai tiền phương, sự kiềm chế ngoại giao, và sự phụ thuộc kinh tế có chọn lọc có thể củng cố lẫn nhau để duy trì khả năng răn đe đáng tin cậy, đồng thời tránh gây khiêu khích.

Tuy nhiên, cho đến nay, cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Đài Loan vẫn dao động giữa chủ nghĩa giao dịch khắc nghiệt, chẳng hạn như việc áp thuế 32% đối với hầu hết hàng hóa Đài Loan vào tháng trước, và những lời tái khẳng định ủng hộ thầm lặng đối với Đài Bắc, thông qua các chuyến thăm lưỡng đảng và việc tạm dừng áp mức thuế cao nhất. Chính quyền Mỹ vẫn còn thời gian để đưa ra một chiến lược mạch lạc, nhưng cơ hội đang dần biến mất.

LỜI NÓI SƠ HỞ GÂY RA CHIẾN TRANH

Hiện tại, quân đội Mỹ đang cải thiện tư thế lực lượng của mình gần Đài Loan, đáng chú ý nhất là thông qua việc mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ ở Philippines và tăng cường năng lực ở tây nam Nhật Bản cũng như khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung. Tại Philippines, nhờ có Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường, Mỹ đã có thêm quyền tiếp cận bốn căn cứ chiến lược mới, nâng tổng số lên chín. Một số địa điểm, như ở các tỉnh Cagayan và Isabela, chỉ cách Đài Loan vài trăm dặm.

Tình hình tại Nhật Bản cũng diễn ra tương tự. Năm 2023, Washington và Tokyo đã nhất trí về việc tái cơ cấu sự hiện diện của Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Okinawa, từ Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 12 tập trung vào pháo binh (một phần của lực lượng khoảng 18.000 lính thủy quân lục chiến đóng quân tại Nhật Bản) thành một Trung đoàn Thủy quân Lục chiến Ven biển 2.000 người, một lực lượng phản ứng nhanh được thiết kế để hoạt động dọc theo cái gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” bao gồm Indonesia, Nhật Bản, một phần Philippines, và Đài Loan. Để bổ sung cho nỗ lực này, quân đội Mỹ đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung và mở rộng các hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp trên khắp các lãnh thổ đồng minh.

Tuy nhiên, các năng lực quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương cần nhiều hơn là chỉ nâng cấp về số lượng; chúng đòi hỏi những thay đổi về chất lượng để có thể ngăn chặn Trung Quốc thống nhất bằng vũ lực với Đài Loan. Mỹ cần sự hiện diện tiền phương lớn hơn ở khu vực này, cũng như các năng lực cụ thể để có thể ngăn chặn lực lượng xâm lược tiến qua Eo biển Đài Loan, như máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm, và tên lửa chống hạm. Một khi những hệ thống này được triển khai, chúng cũng sẽ đòi hỏi sự linh hoạt đáng kể trong hoạt động. Chẳng hạn, Washington nên ưu tiên bảo đảm các tàu tiếp tế tàu ngầm tiền phương ở Nhật Bản và Philippines để cho phép tàu ngầm nạp đạn, tiếp tế, và tái vũ trang mà không cần quay về Guam hay Hawaii. Họ cũng nên nỗ lực thiết lập các căn cứ máy bay ném bom vĩnh viễn ở Australia và Philippines, đồng thời triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm ở các hòn đảo phía tây nam Nhật Bản và phía bắc Philippines.

Cho đến nay, quân đội Mỹ vẫn chưa tìm kiếm những thay đổi như vậy vì chúng nhạy cảm về mặt chính trị ở cả trong và ngoài nước: các nước sở tại lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu lớn hơn trong cuộc xâm lược của Trung Quốc, trong khi một số nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại rằng những động thái như vậy có thể vượt qua lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh. Nhưng nếu Washington tuân thủ một vài nguyên tắc, những cải tiến này sẽ không nhất thiết kích động Trung Quốc xâm lược. Đầu tiên, Mỹ không nên đưa ra thông báo công khai hoặc phô trương sự cải thiện về tư thế lực lượng quân sự của mình. Khi các lực lượng Mỹ tăng cường các hoạt động xung quanh và tại chính Đài Loan, cho dù đó là các cuộc tập trận chung, tập trận tự do hàng hải, hay huấn luyện, các quan chức Mỹ nên kiềm chế không đưa ra những tuyên bố mà Trung Quốc có thể cảm thấy buộc phải đáp trả. Việc cải thiện năng lực quân sự nên được giấu kín hoặc hạ thấp cho đến khi chúng được triển khai để giảm thiểu khả năng Trung Quốc phát động một chiến dịch cưỡng chế để chống lại việc triển khai chúng.

Việc tăng cường năng lực quân sự độc lập của Đài Loan – một chính sách lâu dài của Mỹ – có thể tiềm ẩn một nguy cơ khiêu khích thậm chí còn lớn hơn. Bắc Kinh lo ngại rằng Đài Loan sẽ trở nên quá tự tin vào khả năng tự bảo vệ mình đến mức tự cân nhắc tuyên bố độc lập. Trong những năm gần đây, Đài Loan đã đạt được các năng lực phòng thủ với mục đích ngăn chặn sự xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc. Họ đã mua các hệ thống tác chiến bất đối xứng, như tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển và hệ thống tên lửa HIMARS, dần dần từ bỏ các nền tảng truyền thống đắt đỏ như tàu ngầm. Đài Loan cũng cam kết rằng ngân sách quốc phòng của mình sẽ vượt quá 3% GDP vào năm 2025 và sẽ ưu tiên đạn dẫn đường chính xác, nâng cấp phòng không, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, thiết bị cho lực lượng dự bị, và công nghệ chống máy bay không người lái. Đây là những bước đi hợp lý, nhưng chúng cũng tiềm ẩn rủi ro: Đài Loan càng ít phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc càng lo lắng rằng Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức có thể đơn phương tuyên bố độc lập – theo đó càng khuyến khích Bắc Kinh tin rằng xâm lược sớm sẽ tốt hơn là muộn.

Để ngăn chặn răn đe biến thành khiêu khích, Mỹ nên chủ yếu cung cấp cho Đài Loan các năng lực cần có sự hỗ trợ liên tục của Mỹ. Chẳng hạn, vào năm 2024, chính quyền Biden đã chấp thuận việc bán ba Tên lửa Đất đối Không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) cho Đài Loan trong một thỏa thuận được dàn xếp để tăng khả năng tương tác giữa Mỹ và Đài Loan. Nói cách khác, hệ thống này được thiết kế để hoạt động tốt nhất khi có sự hỗ trợ của Mỹ. Mỹ nên tiếp tục khuyến khích phòng thủ bất đối xứng của Đài Loan, đặc biệt là bằng cách ưu tiên nguồn cung nhanh chóng và đáng tin cậy của các hệ thống như tên lửa HIMARS có độ chính xác và tính cơ động cao; các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến như NASAMS; và các tên lửa chống hạm như RGM-84L-4 Block II Harpoon. Nhưng Washington cũng nên nhấn mạnh rằng năng lực quân sự của Đài Loan có liên quan đến Mỹ, để trấn an Bắc Kinh rằng hòn đảo sẽ không thể hành động đơn độc.

LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Trấn an Bắc Kinh là thành phần then chốt của một chiến lược răn đe thành công. Thế nhưng, dưới thời cả hai chính quyền Trump và Biden, Mỹ đã nới lỏng chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu đời của mình – một chính sách tránh xác định liệu Washington có can thiệp để bảo vệ Đài Loan hay không và trong hoàn cảnh nào. Thay vào đó, Mỹ ngầm ra hiệu cho Trung Quốc về quyết tâm bảo vệ Đài Loan – đặc biệt bằng cách tiến những bước nhỏ hướng tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo, chẳng hạn như các tương tác trực tiếp giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan.

Ví dụ, Joe Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên mời các đại diện ngoại giao của Đài Loan đến tham dự lễ nhậm chức của mình và ông cũng nhiều lần nhắc đến “cam kết” của Mỹ đối với việc bảo vệ Đài Loan, thậm chí còn từng nói rằng lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ.” (Các quan chức Nhà Trắng vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng không có thay đổi nào đối với chính sách “mơ hồ chiến lược” chính thức.) Các quan chức trong chính quyền Trump thứ hai, bao gồm cả Mike Waltz trước khi ông bị cách chức cố vấn an ninh quốc gia, đã ủng hộ việc chấm dứt mơ hồ chiến lược và chuyển sang “rõ ràng chiến lược.” Hồi tháng 2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xóa một tuyên bố về việc không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan khỏi trang web của mình – một hành động bị Trung Quốc cho là khiêu khích.

Dù chúng có vẻ chỉ mang tính biểu tượng, nhưng những động thái ngoại giao nhỏ nhặt như vậy vẫn có hậu quả thực tế, khiến Bắc Kinh khó duy trì được “lớp ngụy trang” thân thiện trong vấn đề thống nhất đại lục với Đài Loan. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem mọi chuyển dịch hướng tới độc lập cho Đài Loan đều là mối đe dọa đối với tính chính danh của họ. Do đó, thay vì ngăn cản Bắc Kinh, các hành động khiêu khích của Mỹ – những tương tác ngoại giao chính thức, những lần gọi Đài Loan như một quốc gia, những lời kêu gọi hình thành liên minh Mỹ-Đài – có thể khuyến khích Bắc Kinh tiến hành một cuộc xâm lược qua eo biển.

Hành động trấn an rằng Washington không ủng hộ độc lập của Đài Loan nên bao gồm cả việc chỉ trích công khai khi các nhà lãnh đạo Đài Loan đưa ra những tuyên bố hoặc hành động gợi ý điều ngược lại. Chẳng hạn, vào tháng 12/2003, Tổng thống George W. Bush đã công khai khiển trách Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, tuyên bố rằng Mỹ phản đối bất kỳ “quyết định đơn phương nào của Trung Quốc hoặc Đài Loan nhằm thay đổi nguyên trạng,” lưu ý rằng “bình luận và hành động” của Trần đã chỉ ra rằng “ông có thể sẵn sàng đưa ra quyết định đơn phương để thay đổi” nguyên trạng. Năm 2006, sau khi Trần chọc giận Bắc Kinh bằng cách bãi bỏ một hội đồng chính phủ được thành lập để hướng dẫn việc thống nhất với Trung Quốc, chính quyền Bush một lần nữa báo hiệu sự không chấp thuận của mình, từ chối yêu cầu của nhà lãnh đạo Đài Loan về một điểm dừng chân cấp cao tại Mỹ trong chuyến công du của tổng thống tới Mỹ Latinh. Những lời trấn an kiểu này đã giúp thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng vẫn có thể đạt được “thống nhất trong hòa bình” trong tương lai, làm giảm khả năng xảy ra một cuộc xâm lược.

Mỹ cũng nên tiếp tục cố gắng xây dựng sự đồng thuận đa phương vì hòa bình ở Eo biển Đài Loan. Ví dụ, các tuyên bố chung được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước và tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 đã tái khẳng định sự ổn định của hai bờ eo biển, và bày tỏ sự phản đối đối với bất kỳ hành động đơn phương nào đe dọa hòa bình ở Eo biển Đài Loan, bao gồm cả thông qua vũ lực hoặc cưỡng ép. Washington nên kết hợp những tín hiệu ngoại giao này với một lời tái khẳng định rõ ràng rằng chính sách “một Trung Quốc” của họ vẫn được giữ nguyên, rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải là phi bạo lực, và rằng Mỹ không phản đối việc thống nhất trong hòa bình với sự chấp thuận của Đài Loan.

TỪ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI ĐẾN CHIẾN TRANH VŨ TRANG

Những thay đổi về năng lực quân sự và ngoại giao của Mỹ dễ thực hiện hơn nhiều so với những gì cần thiết trong trụ cột thứ ba của chiến lược răn đe: áp lực kinh tế. Áp lực kinh tế có thể làm suy yếu cả răn đe lẫn trấn an. Kể từ chính quyền Trump đầu tiên, Mỹ đã theo đuổi chiến lược kiềm chế kinh tế để làm chậm sự tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc và từ chối cung cấp các công nghệ tiên tiến cho nước này, với mục đích cản trở khả năng Trung Quốc sánh ngang với các khoản đầu tư quân sự của Mỹ. Điều này bắt đầu khi chính quyền Trump đầu tiên áp thuế lên hàng tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, chính quyền Biden không chỉ duy trì những mức thuế này, mà còn bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ có tầm quan trọng chiến lược, như chất bán dẫn và viễn thông. Mỹ cũng gây sức ép buộc các công ty của nước mình phải chuyển chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.

Chính quyền Trump thứ hai đã đe dọa sẽ đẩy nhanh quá trình phân tách kinh tế khỏi Trung Quốc bằng các mức thuế quan sâu rộng và vô điều kiện, dù viễn cảnh về khó khăn tài chính cho chính nước Mỹ dường như đã khiến họ chùn bước vào lúc này. Nhưng các chính sách này đã báo trước thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi xét đến những thách thức về nhân khẩu học và môi trường đang nổi lên ở Trung Quốc. Washington vẫn nuôi hy vọng rằng Bắc Kinh có thể không thể theo kịp họ về mặt quân sự khi tốc độ tăng trưởng tương đối của nước này chậm lại.

Tuy nhiên, cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra và các hạn chế về xuất khẩu và đầu tư ngày càng leo thang của Mỹ đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực của Bắc Kinh và củng cố tuyên bố rằng Washington đang tìm cách kiềm chế họ thay vì chung sống hòa bình. Áp lực kinh tế này không chỉ có nguy cơ khiến Trung Quốc thêm kiên quyết, mà còn cho phép Bắc Kinh tự định hình lại mình như một người bảo vệ các chuẩn mực thương mại toàn cầu, và đổ lỗi cho Mỹ khi bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào xảy ra. Cùng lúc đó, Mỹ có nguy cơ mất đi đòn bẩy dài hạn của mình, vì thuế quan có thể thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường cam kết đối với cái mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi là “mở rộng nhu cầu trong nước,” nghĩa là bán nhiều sản phẩm hơn trong nước thay vì xuất khẩu. Một sự thay đổi như vậy trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ khuyến khích sản xuất và đổi mới trong nước, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Chiến lược này của Mỹ cũng sẽ có tác động hạn chế đến sức mạnh quân sự lâu dài của Trung Quốc. Trung Quốc đã theo đuổi hiện đại hóa quân sự với chi phí thấp đáng kể so với lịch sử, tránh được tình thế lưỡng nan kinh điển về “súng hay bơ.” Trung Quốc đã không chi tiêu quốc phòng tương đương tới từng đồng đô la với Mỹ, như các đối thủ khác từng làm trong các cuộc cạnh tranh cường quốc trước đây. Ví dụ, Đức Quốc Xã đã chi cho quân đội nhiều gấp đôi so với Anh trong giai đoạn 1933-1939. Bước sang thời Chiến tranh Lạnh, ngân sách quốc phòng của Mỹ và Liên Xô báo hiệu một sự cạnh tranh trực tiếp: Mỹ chi trung bình cao hơn 32% so với Liên Xô cho đến năm 1970, khi Liên Xô vượt lên dẫn trước, chi trung bình cao hơn Mỹ 26% cho đến năm 1988. Ngược lại, Trung Quốc đã thực hiện các khoản đầu tư có mục tiêu nhằm mang lại lợi thế trong một cuộc chiến nhanh chóng và có giới hạn, nhưng vẫn giữ chi tiêu quốc phòng tổng thể của mình tương đối khiêm tốn: chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng từ mức 5% so với Mỹ vào năm 1995 lên 32% vào năm 2017. Bằng cách này, Trung Quốc đã đồng thời phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân sự, nhưng tránh được một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh Lạnh. Do đó, Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân sự của mình ngay cả khi nền kinh tế rơi vào trì trệ, đặc biệt là nếu nước này tăng chi tiêu quân sự so với GDP.

Thật vậy, thay vì cản trở quân đội Trung Quốc, thương chiến có thể khiến chiến tranh vũ trang trở nên hấp dẫn hơn đối với Bắc Kinh. Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chỉ xem xét một cuộc xâm lược Đài Loan trong một kịch bản cụ thể, đó là nếu Trung Quốc có thể chiếm được hòn đảo này trước khi lực lượng Mỹ can thiệp. Đối với Bắc Kinh, một cuộc chiến quy mô lớn, kéo dài sẽ là quá tốn kém. Nguyên nhân một phần là do giá trị kinh tế của quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng nếu áp lực kinh tế từ Mỹ tăng lên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể kết luận rằng lợi ích của việc tiếp tục hợp tác kinh tế là thấp, và xung đột là cách duy nhất để thoát khỏi sự kiểm soát của người Mỹ. Điều này sẽ khiến họ sẵn sàng mạo hiểm gây chiến với Đài Loan hơn.

Những nhượng bộ kinh tế và ngoại giao cụ thể để làm tăng lợi ích của Trung Quốc đối với việc duy trì nguyên trạng, và việc truyền đạt một cách đáng tin cậy ý định thiện chí của Mỹ, sẽ là những biện pháp trấn an hiệu quả. Việc tạm dừng hoặc đảo ngược phân tách kinh tế chính là bước khởi đầu rõ ràng; Washington nên bãi bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc (hoặc chí ít là đặt chúng trong điều kiện có sự đối ứng hợp lý từ Trung Quốc) đồng thời nới lỏng các hạn chế về xuất khẩu và đầu tư vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, chỉ trừ những công nghệ và lĩnh vực nhạy cảm nhất. Quyết định này sẽ không chỉ đập tan nhận thức của Bắc Kinh rằng Mỹ đang tìm cách làm suy yếu và “chia rẽ” Trung Quốc, mà còn xoa dịu mọi bất ổn đang âm ỉ bên trong Trung Quốc, vốn có thể đe dọa tính chính danh của ĐCSTQ và khuyến khích các nhà lãnh đạo Trung Quốc cưỡng chiếm Đài Loan để thúc đẩy tính chính danh của chủ nghĩa dân tộc. Quan trọng hơn, việc duy trì sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, đặc biệt là loại phụ thuộc bất đối xứng hiện có, sẽ mang lại cho Mỹ đòn bẩy rất lớn đối với Trung Quốc bằng cách cho phép nước này đe dọa áp các lệnh trừng phạt nặng hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc đi vào con đường suy thoái vĩnh viễn. Việc tạm dừng hoặc hạn chế phân tách kinh tế sẽ mang lại hiệu quả tối đa cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tăng cường răn đe.

Tất nhiên, việc tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cũng đòi hỏi phải hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc, như khoáng sản đất hiếm, máy biến áp cho lưới điện, thuốc men khan hiếm, thiết bị điện tử công nghệ cao, cùng các đầu vào công nghiệp, cơ sở hạ tầng và quân sự khác. Mỹ nên đa dạng hóa nguồn cung các mặt hàng nhập khẩu này và giảm tỷ lệ nguồn cung từ Trung Quốc xuống mức có thể chấp nhận được. Nhưng Washington không cần phải ngay lập tức giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc, dù có thể tìm thấy các mặt hàng thay thế tương đối dễ dàng. Việc cho phép tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng này sẽ giúp Mỹ tránh gây bất ổn cho Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì khả năng đe dọa về các biện pháp trừng phạt gây đau đớn. Cuối cùng, để tối đa hóa đòn bẩy răn đe chống lại Trung Quốc, Washington nên hình thành một liên minh trừng phạt với các đồng minh. Điều này có thể đòi hỏi phải cung cấp cho họ các khoản trợ cấp hoặc các nhượng bộ khác.

Đối với nhiều người ở Washington, răn đe có nghĩa là thể hiện thái độ không khoan nhượng và thậm chí là thù địch đối với Trung Quốc. Nhưng những cử chỉ như vậy không làm tăng đáng kể an ninh của Đài Loan. Thay vào đó, Mỹ nên lặng lẽ đầu tư vào sự sẵn sàng và năng lực quân sự của mình, luôn phát ngôn cẩn trọng, và duy trì khả năng phục hồi kinh tế, thậm chí duy trì sự phụ thuộc lẫn nhau trong chừng mực nào đó. Tình thế lưỡng nan của răn đe – nghĩa là việc răn đe có thể dễ dàng chuyển thành khiêu khích hoặc trì hoãn – đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng như vậy. Và nếu có một nơi mà việc đạt được sự cân bằng phù hợp có thể mang lại lợi ích to lớn, thì đó chính là Đài Loan.

Oriana Skylar Mastro là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford và là học giả không thường trú tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Brandon Yoder là giảng viên cấp cao tại Đại học Quốc gia Australia và là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Shorenstein Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Stanford.