Nguồn: Ryan Hass, “Possible Conflict in the Taiwan Strait: Southeast Asia Can Help US Maintain Focus”, Fulcrum, 01/07/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy
Các cuộc tấn công quân sự gần đây của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran đã làm dấy lên tranh luận về những tác động đối với Eo biển Đài Loan. Nếu việc Mỹ sử dụng vũ lực buộc Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân, điều này sẽ là một lời nhắc nhở về sức mạnh của Mỹ, qua đó có thể tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc trong việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Ngược lại, nếu Mỹ lại sa lầy vào một cuộc chiến tranh tốn kém ở Trung Đông, Bắc Kinh có thể sẽ nghĩ rằng mình có cơ hội dễ dàng hơn để thôn tính Đài Loan. Điều này có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc theo đuổi mục tiêu thống nhất hai bờ Eo biển Đài Loan.
Ngay cả trước các cuộc tấn công quân sự ngày 21 tháng 6 của Mỹ vào Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã cảnh báo rằng chiến tranh ở Eo biển Đài Loan “có thể sắp xảy ra”. Phát biểu của Hegseth đánh dấu sự trở lại của những cảnh báo liên tục về xung đột Đài Loan của các quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ. Một xu hướng tương tự đã xuất hiện vào đầu chính quyền Biden. Vào thời điểm đó, các đại tướng và đô đốc dường như đang cạnh tranh nhau để dự đoán thời điểm diễn ra xung đột. Khi Mỹ tìm cách tăng cường khả năng răn đe ở eo biển, các nước Đông Nam Á có vai trò quan trọng trong việc định hướng cuộc thảo luận theo nhiều cách, bao gồm cả việc đề nghị Mỹ duy trì tập trung lực lượng quân sự vào khu vực này, bất chấp những ưu tiên cấp bách ở nơi khác.
Cảnh báo quen thuộc của Hegseth về nguy cơ xung đột ở Eo biển Đài Loan, đặt ra một số câu hỏi quan trọng cho khu vực: Liệu tình hình an ninh ở Eo biển Đài Loan có thay đổi gần đây không? Tại sao Hegseth cảm thấy cần phải cảnh báo về nguy cơ xung đột sắp xảy ra? Và các nước Đông Nam Á nên giải thích và phản ứng thế nào trước những bình luận của Hegseth?
Quy mô, sự tinh vi và tần suất các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện duy trì sự hiện diện quân sự liên tục ở những khu vực mà trước đây họ không triển khai. Tháng này, lần đầu tiên Bắc Kinh đã cùng lúc triển khai cả hai tàu sân bay của mình là Sơn Đông và Liêu Ninh ra Thái Bình Dương. Trung Quốc có tàu sân bay thứ ba đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển. Trung Quốc cũng đang mở rộng kho vũ khí tên lửa có khả năng tấn công Đài Loan, cũng như các lực lượng Mỹ có thể được điều động để hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công. Tổng hợp lại, năng lực quân sự của Trung Quốc để đe dọa và/hoặc xâm lược Đài Loan là đáng kể và đang phát triển.
Bắc Kinh đã kết hợp năng lực quân sự đang phát triển của mình với một chiến dịch truyền thông chiến lược để làm suy giảm niềm tin của người dân Đài Loan vào cả độ tin cậy của Mỹ với tư cách là một bên bảo đảm an ninh và khả năng của Đài Loan trong việc duy trì hiện trạng. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng dư luận ở Đài Loan, nhưng kết quả cuối cùng là người dân ngày càng ít tin tưởng vào sự khả tín của Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh. Niềm tin của công chúng vào khả năng của Đài Loan trong việc duy trì hiện trạng cũng đang giảm sút. Như tờ The Economist gần đây đã đưa tin, “Hơn 80% người Đài Loan muốn giữ ‘hiện trạng’, nhưng chỉ khoảng 20% nghĩ rằng điều đó là khả thi về lâu dài”.
Dựa trên kinh nghiệm của chính phủ trong quá khứ và các cuộc trao đổi đang diễn ra với các quan chức đương nhiệm, tác giả bài viết này đánh giá rằng một vài yếu tố có thể đã thúc đẩy cảnh báo của Hegseth. Thứ nhất, nhiệm vụ của Hegseth, như ông định nghĩa, là nhằm “tái thiết lập khả năng răn đe”. Một phần của nỗ lực này đòi hỏi phải định hướng quân đội Mỹ tập trung vào các mối đe dọa cấp bách nhất. Hegseth và nhóm chính sách của ông có thể đang sử dụng cảnh báo về xung đột sắp xảy ra ở Eo biển Đài Loan để hướng Bộ Quốc phòng tập trung vào thách thức chiến lược này. Dù Hegseth và đội ngũ của ông có ý định ưu tiên châu Á về mặt chiến lược, nhưng quyết định cuối cùng không nằm hoàn toàn ở họ. Xét cho cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là người ra quyết định về các vấn đề bố trí lực lượng.
Thứ hai, Hegseth có thể đang tìm cách tăng áp lực lên Đài Loan để tăng chi tiêu quốc phòng. Từ Tổng thống Trump cho đến các cấp chỉ huy quân đội, các quan chức Mỹ đã liên tục kêu gọi Đài Loan phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho quốc phòng. Hiện tại, Đài Loan chi 2,5% GDP cho quốc phòng, với kế hoạch nâng con số đó lên hơn 3%. Trump đã kêu gọi con số này được nâng lên tới 10% – một mức cao hơn nhiều so với mức 5% mà Mỹ đã kêu gọi các đồng minh chi tiêu cho quốc phòng.
Thứ ba, Hegseth có thể đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng Washington vẫn tập trung cao độ vào việc răn đe các hành vi quân sự mạo hiểm của Trung Quốc. Thực vậy, ông đã nhiều lần nhắc lại việc chính quyền Trump tập trung vào răn đe hành vi gây hấn quân sự của Trung Quốc trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6
Cuối cùng, Hegseth có thể đang cố gắng đặt ra kỳ vọng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn vào việc răn đe Trung Quốc sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh. Bằng cách tăng cảm giác cấp bách, ông có thể đang cố gắng gây ấn tượng với các đồng minh của Mỹ rằng đã đến lúc phải làm nhiều hơn để ngăn cản Trung Quốc sử dụng sự cưỡng ép và vũ lực đối với các nước láng giềng.
Mặc dù các nước Đông Nam Á khó có thể đóng góp đáng kể về mặt quân sự vào tình huống căng thẳng xuyên eo biển, nhưng các nhà lãnh đạo của khu vực vẫn có thể thúc đẩy tư duy chung về vấn đề Đài Loan bằng cách khơi gợi thảo luận về một số chủ đề quan trọng. Trước hết, các nhà lãnh đạo và chuyên gia trong khu vực có thể giúp các quan chức mới nhậm chức ở Washington đánh giá các tín hiệu mà Trung Quốc đang phát đi. Những tiến bộ trong năng lực quân sự của Trung Quốc là đáng kể, nhưng chúng không nhất thiết báo trước rằng Bắc Kinh đã quyết định sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan. Thật vậy, tập trung quá mức vào khía cạnh quân sự của căng thẳng eo biển Đài Loan có nguy cơ che khuất chiến dịch cưỡng ép phi bạo lực của Bắc Kinh.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo Mỹ hành động đúng với lời nói của họ. Nếu châu Á là khu vực ưu tiên và Đài Loan là thách thức an ninh trung tâm trong đó, như các quan chức an ninh Mỹ đã tuyên bố, thì Mỹ nên triển khai nhiều năng lực quân sự hơn vào khu vực, thay vì điều chuyển khí tài sang các khu vực khác. Thực tế chiến lược là việc Mỹ ngày càng can dự sâu vào các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ cản trở những nỗ lực tăng cường tập trung vào châu Á. Bất kể Mỹ có nói hoa mỹ đến đâu về việc ưu tiên châu Á, thì những lời đó sẽ không có bất kỳ giá trị răn đe nào nếu Mỹ lại sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông.
Cuối cùng, có một nguy cơ xung đột thực sự ở Eo biển Đài Loan, nhưng không có bằng chứng rõ ràng về nguy cơ sắp xảy ra. Khu vực càng tập hợp sức mạnh và nói lên tiếng nói chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, thì rủi ro càng có thể được quản lý.
Ryan Hass là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc Thornton và Giám đốc Nghiên cứu Đài Loan tại Viện Brookings. Từ năm 2013 đến 2017, ông giữ chức Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ. Ông hiện là Nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện ISEAS – Yusof Ishak.