Thu hẹp khoảng cách của NATO với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nguồn: Lynn Kuok, “Closing NATO’s Indo-Pacific Gap,” Foreign Policy, 09/07/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các đồng minh châu Âu nên tăng cường quan hệ của NATO với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong lúc Washington đang dao động.

Hội nghị thượng đỉnh NATO rất được mong đợi tại La Haye vào cuối tháng 6 vừa qua đã đạt được các mục tiêu cốt lõi: đảm bảo cam kết quốc phòng 5%, kiểm soát Tổng thống Mỹ Donald Trump, và tái khẳng định cam kết về an ninh tập thể. Tuy nhiên, hội nghị này cũng vấp phải sự chỉ trích vì né tránh hoặc bỏ qua những vấn đề khó khăn.

Một trong số những câu hỏi khó nhưng quan trọng chưa được giải quyết là sự can dự của NATO vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc xây dựng quan hệ sâu sắc hơn với các đối tác khu vực của liên minh, được gọi là Bốn Nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IP4) – gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc – sẽ đóng vai trò quan trọng đối với khả năng của NATO trong việc chống lại các mối đe dọa xuyên khu vực ngày càng gia tăng đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Nếu không được tái tập trung, các quan hệ này có nguy cơ bị phá hoại bởi những chính sách thiếu tính xây dựng và thất thường của Mỹ.

Quan hệ đối tác của NATO với IP4 đã tiến triển đều đặn kể từ năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh Madrid năm đó, lãnh đạo của cả bốn nước đều được mời tham dự lần đầu tiên. Sự hiện diện của họ báo hiệu một liên kết ngày càng tăng, đặc biệt là xung quanh khái niệm chiến lược mới của NATO, trong đó xác định Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Năm 2023, liên minh đã chính thức hóa quan hệ với IP4 tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius bằng cách ký các Chương trình Đối tác Cá nhân hóa (ITPP) – một cơ chế quan trọng cho phép hợp tác một cách có cấu trúc với các nước không phải thành viên liên minh.

Đến hội nghị thượng đỉnh Washington năm 2024, NATO đã tiến tới triển khai các hoạt động can dự với IP4. Một số sáng kiến đã được khởi xướng, bao gồm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho quân đội Ukraine, hợp tác phòng thủ mạng, và các sáng kiến chống thông tin sai lệch, cũng như hợp tác chung về sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm trong quân sự.

Logic của sự can dự này rất rõ ràng. Dù phạm vi trách nhiệm của NATO là Bắc Đại Tây Dương, nhưng các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – từ các hành động trái pháp luật và cưỡng bức của Trung Quốc ở Biển Đông, đến việc Triều Tiên chuyển giao vũ khí và triển khai quân đội sang Nga – đều có những hậu quả trực tiếp đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Một quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mạnh hơn là điều cần thiết để đối phó với các mối đe dọa xuyên khu vực và duy trì luật pháp quốc tế, theo đó bảo vệ các lợi ích cốt lõi của NATO.

Tuy nhiên, lộ trình can dự với IP4 đã bị chững lại tại La Haye. Sau ba năm liên tiếp có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao, thì năm nay chỉ có Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon tham dự hội nghị.

Sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo khác không nên bị diễn giải quá mức. Australia vẫn cử Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, người đã công bố kế hoạch triển khai tới châu Âu một máy bay Wedgetail của Không quân Hoàng gia Australia và tối đa 100 nhân sự thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia. Nhật Bản được đại diện bởi Bộ trưởng Ngoại giao, và Hàn Quốc bởi Cố vấn An ninh Quốc gia. NATO và IP4 cũng đã ra một tuyên bố chung, tuy không có nhiều chi tiết cụ thể, nhưng đã tái khẳng định “lợi ích chiến lược chung và các giá trị chung” và cam kết “khám phá cơ hội hợp tác” trong các lĩnh vực như không gian, an ninh hàng hải, và quan hệ công nghiệp quốc phòng.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của ba trong số bốn nhà lãnh đạo IP4 – tất cả đều là đồng minh của Mỹ (New Zealand là quốc gia IP4 duy nhất không phải đồng minh hiệp ước chính thức của Mỹ) – cho thấy những rạn nứt tiềm tàng. Quyết định bỏ qua hội nghị thượng đỉnh của những lãnh đạo này dường như bắt nguồn từ sự thất vọng hoặc quan ngại ngày càng tăng đối với Washington.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã hủy bỏ chuyến đi sau khi Tokyo rút khỏi cuộc họp 2+2 đã lên kế hoạch tại Washington, được cho là sau khi Mỹ yêu cầu Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP, cao hơn yêu cầu trước đó của Washington. Thủ tướng Australia Anthony Albanese được cho là đã từ chối tham dự sau khi cuộc gặp song phương theo lịch trình của ông với Trump tại G-7 ở Canada bị hủy đột ngột mà không được đặt lại lịch trình mới tại La Haye. Trong khi đó, Hàn Quốc lo ngại phản ứng của mình đối với cuộc khủng hoảng Israel-Iran và cách Washington có thể phản ứng. Ngay từ dưới thời chính phủ tiền nhiệm, Seoul đã tạm dừng việc chuyển giao đạn dược nhằm hỗ trợ Ukraine sau khi Trump tái đắc cử, lý do được cho là để chờ đợi một chính sách rõ ràng của Mỹ đối với Ukraine và NATO dưới thời chính quyền mới.

Dù đã có những tiến triển rõ ràng kể từ năm 2022, nhưng mức độ can dự của IP4 với NATO dường như vẫn phụ thuộc vào quan hệ song phương của mỗi quốc gia thuộc nhóm này với Mỹ. Đây là một nền tảng mong manh cho hợp tác liên khu vực. Nếu sự kết nối châu Âu-Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự không phải chỉ là khẩu hiệu, thì các nước IP4 cần tách rời sự can dự của họ với NATO khỏi những thăng trầm trong quan hệ của họ với Washington. Về phần mình, NATO nên tập trung vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ trực tiếp với IP4, xây dựng các quan hệ đủ vững chắc để chịu được những căng thẳng trong quan hệ đối tác với Mỹ.

Công lao của NATO nên được ghi nhận, bởi sự can dự với IP4 trong ba năm qua là rất đáng kể. Dù Mỹ đã góp phần thúc đẩy quan hệ ngày càng sâu sắc này, nhưng động lực cũng đến từ một sự đồng thuận rộng rãi hơn trong nội bộ liên minh. Thách thức trong tương lai là duy trì và bảo vệ tiến trình này khỏi những gián đoạn do Mỹ gây ra.

Điều này sẽ đòi hỏi các liên kết thể chế mạnh mẽ hơn. Và một lựa chọn như vậy là một cơ chế phối hợp thường trực dành cho hợp tác NATO-IP4. Cơ chế này sẽ đảm bảo sự liên tục và thống nhất, giúp duy trì đối thoại chiến lược, theo dõi tiến độ, và hướng dẫn hợp tác thực tiễn, ngay cả trong bối cảnh bất ổn trong quan hệ của Mỹ với từng đối tác IP4.

Một cơ chế như vậy có thể giám sát một tập hợp các nhóm làm việc, phụ trách từng vấn đề cụ thể, tập trung vào các ưu tiên chung. Trong số này sẽ bao gồm nhận thức về lĩnh vực hàng hải, hợp tác kỹ thuật không gian, và các sáng kiến được khởi xướng tại hội nghị thượng đỉnh Washington – cụ thể là hỗ trợ y tế quân sự cho Ukraine, phòng thủ mạng, và chống thông tin sai lệch, và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quân sự một cách có trách nhiệm.

Những người chỉ trích sự can dự của NATO tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thường nêu ra hai mối quan ngại. Thứ nhất, ngay cả khi hai khu vực này trở nên ngày càng gắn kết, thì họ vẫn cho rằng NATO không phải là phương tiện can dự phù hợp. Trên thực tế, nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngoài IP4 lo ngại rằng sự can dự của NATO có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc góp phần vào tiến trình quân sự hóa. Thứ hai, những người chỉ trích cảnh báo rằng NATO – với tình hình chiến tranh trên lục địa và nguồn lực hạn chế – không thể chịu căng thẳng hơn nữa.

Tuy nhiên, điều mà những người chỉ trích đã bỏ qua là vai trò của NATO tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải để phô trương sức mạnh quân sự. Điều này không phải lúc nào cũng được truyền đạt rõ ràng hoặc nhất quán, thậm chí không được nội hóa, theo đó tạo điều kiện cho Trung Quốc bóp méo vai trò và ý định của liên minh trong khu vực. Nhưng thực tế là NATO đang tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, mang ý nghĩ chiến lược, chẳng hạn như nhận thức về lĩnh vực hàng hải, không gian, an ninh mạng, thông tin sai lệch, và các công nghệ mới nổi.

Trong những lĩnh vực này, liên minh nên tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác cùng chí hướng, phối hợp răn đe trên khắp các chiến trường, và củng cố luật pháp quốc tế. Một số thành viên châu Âu – Pháp, Anh, Đức, và Hà Lan – đã triển khai tài sản và nhân sự hải quân đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. NATO có thể hỗ trợ việc điều phối các nỗ lực quốc gia này, mang lại sự thống nhất và liên tục.

Với phạm vi hợp tác được xác định rõ ràng, NATO có thể xoa dịu những lo ngại trong khu vực về vai trò và ý định của mình, và những nỗ lực của NATO sẽ bổ sung, chứ không trùng lặp với công việc của Liên minh châu Âu, G-7, các thỏa thuận tiểu đa phương, hoặc các tổ chức khu vực. Về vấn đề bị dàn trải nguồn lực, cần lưu ý an ninh của châu Âu giờ đây đã gắn liền với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự hỗ trợ về vật chất, công nghệ, và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga, cùng với vũ khí và quân đội của Triều Tiên, đã kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và gia tăng áp lực dài hạn lên châu Âu. Sự bất ổn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng có thể khiến các nguồn lực của Mỹ rời khỏi lục địa già. Do đó, việc giúp tăng cường khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là vì lợi ích của châu Âu, bất kể Washington có cho rằng đây là một ý tưởng hay hay không.

Hội nghị thượng đỉnh La Haye đã đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng NATO giờ đây nên mở rộng phạm vi hoạt động của mình – không chỉ để tăng cường năng lực của châu Âu, mà còn để củng cố các quan hệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù là với IP4 hay hơn thế nữa. Điều này đòi hỏi NATO phải làm rõ các lợi ích chính đáng của mình tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như vai trò của họ, và cách họ đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng tại khu vực.

Để điều hướng trong một thế giới cạnh tranh hơn với sự hỗ trợ không chắc chắn từ Mỹ, NATO phải xây dựng một quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đủ bền bỉ để vượt qua những cơn bão phía trước.

Lynn Kuok là giám đốc về nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Brookings và là nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Cambridge.