Làm cho nước Mỹ đơn độc trở lại

Nguồn: Margaret MacMillan, “Making America Alone Again,” Foreign Affairs, 21/07/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lịch sử hầu như không có tiền lệ nào cho việc Washington từ bỏ các liên minh của chính mình.

Henry Kissinger từng ví mình như chàng cao bồi đơn độc cưỡi ngựa vào thành phố để dẹp yên những kẻ xấu. Nhưng vị ngoại trưởng Mỹ, người cũng từng là cố vấn an ninh quốc gia, lại có cách nhìn khác khi đối phó với các cường quốc. Thần tượng của ông là chính khách người Áo Klemens von Metternich, người bằng cách nào đó đã tập hợp được một nhóm khó tin gồm Áo, Anh, Phổ, Nga, và một số đồng minh nhỏ hơn cùng các nhà lãnh đạo không mấy hòa hợp của họ thành một liên minh cuối cùng đã đánh bại Napoleon vào năm 1815. Như Kissinger đã hiểu được, ngay cả những cao bồi đơn độc cũng cần có bạn bè.

Đây có lẽ là một sự thật mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ qua. Kể từ khi trở lại nhiệm sở vào tháng 1, Trump đã gọi các đồng minh thân cận nhất của Mỹ là những kẻ lừa đảo và ăn bám. Ông khẳng định Nhật Bản và các đối tác thương mại châu Á khác đã “được nuông chiều thái quá,” còn các nước láng giềng Bắc Mỹ thì bị cáo buộc xuất khẩu ma túy và tội phạm. Ông thẳng thừng công khai dán nhãn các nhà lãnh đạo của một số đối tác dân chủ quan trọng nhất của Mỹ là những kẻ hết thời, yếu đuối, hoặc không trung thực, trong khi dành nhiều lời khen ngợi cho những lãnh đạo chuyên chế mà ông cho là dễ đối phó hơn, như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (“một nhà lãnh đạo rất vĩ đại”), Tổng thống Salvador Nayib Bukele (“một người bạn tuyệt vời”), lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (“một người thông minh”), và – cho đến rất gần đây – là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông gọi là “thiên tài” và “rất khôn ngoan” trong việc tấn công Ukraine. Trong một sự kiện không thể tưởng tượng được dưới thời các chính quyền trước, bao gồm cả chính quyền đầu tiên của Trump, vào tháng 2 vừa qua, Mỹ đã chống lại các đồng minh dân chủ của mình và đứng về phía Nga cùng các quốc gia chuyên chế khác, như Triều Tiên và Belarus, khi bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, đồng thời bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

Có lẽ điều khó hiểu nhất là vào thời điểm Washington đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc và củng cố khả năng phòng thủ của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Trump lại chuẩn bị áp thuế quan trừng phạt lên Hàn Quốc và Nhật Bản, những đồng minh châu Á thân cận nhất của Mỹ, cũng như lên một danh sách dài các đối tác châu Âu mà họ đang cố gắng giữ tránh xa khỏi Bắc Kinh. Các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới cũng lo ngại trước những phát biểu công khai của Trump và các thành viên trong nội các của ông rằng cái gọi là “chiếc ô hạt nhân” – ý tưởng rằng khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ sẽ đảm bảo cho hàng phòng thủ của đồng minh – không còn là điều chắc chắn nữa. Mức độ hoài nghi hiện nay lớn đến mức vào tháng 7, Pháp và Anh đã công bố một thỏa thuận mới để bắt đầu cung cấp khả năng răn đe hạt nhân mở rộng cho châu Âu, và các đồng minh như Hàn Quốc, Ba Lan, và thậm chí cả Nhật Bản đã bắt đầu cân nhắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Quá khứ có rất nhiều ví dụ về các cường quốc thế giới bất hòa với các đối tác liên minh cũ hoặc tìm kiếm những đối tác mới. Nhưng thật khó để tìm ra một trường hợp mà nhà lãnh đạo của một liên minh lớn lại có thể dễ dàng và tàn nhẫn gạt bỏ những đồng minh mà phần lớn đều đáng tin cậy và đã chấp nhận sự lãnh đạo của mình. Nếu Mỹ muốn các nguồn tài nguyên của Canada hoặc Greenland, thì những nguồn tài nguyên đó luôn có sẵn. Việc đe dọa sáp nhập chỉ phản tác dụng, khơi dậy tinh thần chống Mỹ như nó đang làm. Đúng là các đồng minh NATO của Washington đã không chi đủ cho quốc phòng, nhưng một phần là do Mỹ đã khăng khăng suốt nhiều thập kỷ về việc họ phải giữ vai trò thống trị. Và khi bị thúc ép, như tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây nhất hồi tháng 6, các thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương đã chấp nhận tăng ngân sách quốc phòng, hoặc cam kết sẽ làm như vậy, lên mức mà chỉ vài năm trước đây còn không thể tưởng tượng được.

Thật khó để tìm ra một lời giải thích hợp lý cho các chính sách của chính quyền Trump thứ hai. Tổng thống có thể thiếu kiên nhẫn với các liên minh hiện có, nhưng ông lại đưa ra rất ít lựa chọn thay thế ngoài một sự gắn bó rõ ràng với khái niệm cũ về các vùng ảnh hưởng, trong đó một số ít cường quốc thống trị các nước láng giềng gần nhất, và các tổ chức đa phương, nếu còn tồn tại, sẽ có rất ít quyền lực hoặc thẩm quyền. Một thế giới như vậy sẽ mang đến những mối đe dọa lớn hơn trong tương lai cho Mỹ, khi họ phải cạnh tranh với các khu vực khác – có lẽ bao gồm một châu Á do Trung Quốc thống trị và có thể là một khu vực riêng của Nga ở Đông Âu và Trung Á, trong khi các cường quốc nhỏ hơn trong mỗi khu vực hoặc chấp nhận số phận của mình, thường là một cách miễn cưỡng, hoặc tìm kiếm những bá quyền mới.

Bằng cách phá bỏ các liên minh từng phục vụ tốt cho mình, Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện về ổn định và trật tự, điều mà về lâu dài sẽ khiến họ phải trả giá rất đắt, dù là về chi tiêu quân sự hay các cuộc thương chiến dai dẳng, khi mỗi cường quốc đều tìm kiếm lợi thế ở nơi mà lợi ích của họ giao thoa với nhau. Việc thiếu vắng các tiền lệ lịch sử cho hành vi như vậy không cho thấy một chính sách khôn ngoan kiểu Machiavelli nhằm củng cố quyền lực của Mỹ; thay vào đó, nó cho thấy một nước Mỹ đang hành động chống lại lợi ích của chính mình một cách khó hiểu, làm suy yếu một trong những nguồn sức mạnh chủ chốt của nó. Và điều này xảy ra ngay thời điểm mà vị thế lãnh đạo toàn cầu cùng sự thống trị về kinh tế và công nghệ của Mỹ đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc và các đối thủ lớn khác.

QUY TẮC QUYỀN LỰC

Suốt nhiều thế kỷ, giá trị của các liên minh, ngay cả giữa các quốc gia cực kỳ khác biệt, đã được chấp nhận như một yếu tố quan trọng của quan hệ quốc tế. Từ xa xưa trong lịch sử, các nhóm, dù là thị tộc hay quốc gia, đã liên kết với nhau để cùng chống lại kẻ thù chung. Vào thế kỷ 5 trước Công nguyên, Liên minh Delian của các thành bang Hy Lạp đã đánh bại Đế chế Ba Tư; vào năm 1815, Đại Liên minh gồm Áo, Anh, Phổ, và Nga đã hợp lực để đánh bại nước Pháp của Napoleon. Mục đích chung có thể gắn kết những đối tác không thể ngờ tới nhất, như nước Pháp theo Công giáo và Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, những người đã liên kết lực lượng vào thế kỷ 16 và vẫn là đồng minh của nhau trong hơn hai thế kỷ, hoặc như Liên Xô của Joseph Stalin với Anh và Mỹ, những nước đã cùng nhau đánh bại Đức và Nhật Bản và các cường quốc phe Trục khác trong Thế chiến II.

Trước khi thế giới được kết nối chặt chẽ và khi giao tiếp vẫn còn khó khăn, địa lý đã cho phép một số quốc gia tồn tại mà không cần đồng minh. Nhật Bản đã có thể duy trì sự cô lập của mình trong hai thế kỷ rưỡi cho đến khi buộc phải đối mặt với một thế giới khác biệt và rộng lớn hơn vào năm 1853, khi Phó đề đốc Mỹ Matthew Perry đến với quốc đảo này. Được bảo vệ bởi hai đại dương và không có kẻ thù hùng mạnh nào dọc theo biên giới đất liền, Mỹ đã tự hào trong phần lớn lịch sử của mình về việc tránh các liên minh. Ngay cả khi miễn cưỡng tham gia Thế chiến I về phe Hiệp ước, Tổng thống Woodrow Wilson vẫn khẳng định rằng Mỹ là một “cường quốc liên kết” chứ không phải là một đồng minh. Chỉ sau năm 1945, Mỹ mới từ bỏ sự nghi ngờ đối với các liên minh. Đứng trước một Liên Xô thù địch và một Trung Quốc cộng sản, đối tác thân cận của Liên Xô khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã tham gia vào các liên minh phòng thủ trong thời bình, mà quan trọng nhất trong số đó là NATO. Như chúng ta thấy ngày nay, chủ nghĩa biệt lập trong chính sách đối ngoại của Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn biến mất.

Như chính quyền Truman đã học được 80 năm trước, ngay cả các quốc gia hùng mạnh cũng cần đồng minh, một phần vì lý do uy tín, nhưng phần khác là vì sức mạnh của cường quốc có giới hạn và việc duy trì nó rất tốn kém. Vào cuối thế kỷ 19, Đế quốc Anh, đế quốc lớn nhất thế giới từng chứng kiến, đã trải qua điều mà sử gia Paul Kennedy gọi là “sự dàn trải quá mức của đế quốc” khi phải đối đầu với cả những đối thủ cũ như Pháp và Nga, lẫn những đối thủ mới hơn như Đức, Nhật Bản, và Mỹ. Nền kinh tế Anh vẫn hùng mạnh và hải quân của họ vẫn thống trị các đại dương, nhưng các nước khác đang dần bắt kịp. Bộ Tài chính Anh và người dân Anh cũng bắt đầu phàn nàn về cái giá phải trả để duy trì sự thống trị.

Sự phẫn nộ lan rộng của người Anh đã trở nên rõ ràng khi nước này phải chật vật để đàn áp hai nước cộng hòa Afrikaner nhỏ bé (Cộng hòa Transvaal và Nhà nước Tự do Orange) trong Chiến tranh Nam Phi 1899-1902. Những chiến thắng ban đầu của người Afrikaner không chỉ cho thấy sự bất lực của Quân đội Anh, mà còn được hoan nghênh rộng rãi trên khắp thế giới. Việc đối xử tàn bạo đối với thường dân Afrikaner lại càng làm suy yếu danh tiếng của Đế quốc Anh. Tại Triển lãm Paris năm 1900, đám đông ngưỡng mộ đã chất đầy hoa tại gian của Cộng hòa Transvaal. Việc chứng kiến mức độ căm ghét dành cho họ đã khiến người Anh bị sốc và nhận ra rằng ngay cả họ cũng cần có bạn bè. Ngay sau đó, chính phủ Anh đã đạt được một vài thỏa thuận với các đối thủ là Pháp, Nhật Bản, và Nga. Điều này làm giảm nguy cơ xung đột với mỗi nước và khuyến khích hợp tác, từ đó cũng làm giảm bớt sự dàn trải quá mức. Anh, trong mắt những người đương thời, vẫn là cường quốc thống trị thế giới, có thể nói là cho đến giữa Thế chiến II.

Như kinh nghiệm của Anh đã chứng minh, sức mạnh toàn cầu không thể chỉ được đo lường bằng nguồn lực quân sự. Việc thống kê số lượng súng, tàu, máy bay, sản lượng kinh tế, hay sức mạnh khoa học và công nghệ tương đối dễ dàng, nhưng việc đánh giá năng lực, khả năng tổ chức, quản lý hiệu quả, hoặc tinh thần thì không dễ chút nào. Nga có vẻ mạnh mẽ trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm 2022, và là một đồng minh đáng mơ ước đối với Trung Quốc, Iran, và Triều Tiên. Giờ đây, sau ba năm rưỡi chiến tranh không thành công và phải chịu nhiều tổn thất nặng nề, Nga có thể trở thành một gánh nặng. Một quốc gia phải có uy tín trong mắt người khác, cho dù đó là đồng minh, kẻ thù, hay chính người dân của nước đó. Khi Liên Xô vào những năm 1980 và sau đó là Mỹ trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này thất bại ở Afghanistan bất chấp ưu thế quân sự vượt trội của họ, những thất bại đó đã làm nản lòng các đồng minh của chính họ, đẩy những người không cam kết ra xa hơn, và làm lung lay niềm tin của người dân vào chính phủ của họ, trong khi khuyến khích những kẻ thù tiềm tàng. Cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, diễn ra sau những thất bại về mặt quân sự của Nga, lẽ ra phải cảnh báo chính chế độ Xô-viết về hậu quả của sự thất bại – và cũng nên là lời cảnh báo cho Putin ngày nay.

Quyền lực cũng không phải là hằng số. Dù ở bên chiến thắng trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, nhưng người Anh đã chứng kiến tài nguyên của mình cạn kiệt và đế chế của mình tan rã. Liệu Mỹ có còn hùng mạnh như trước đây không? Mỹ đã có những thất bại ở nước ngoài, đáng chú ý là ở Afghanistan và Iraq, và đang ngày càng chia rẽ trong nước, đồng thời có nợ quốc gia ở mức khổng lồ, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng lại giảm sút. Hơn nữa, trong thời đại của tên lửa ngày càng nhanh và có tầm bắn xa, địa lý không còn là rào cản đối với kẻ thù như trước đây. Vậy nên người ta lại càng có nhiều lý do để vun đắp liên minh với các cường quốc có thiện cảm hơn là ruồng bỏ họ. Canada chưa bao giờ là mối đe dọa đối với Mỹ, ngoại trừ trong môn khúc côn cầu, và người Canada từ lâu đã xem người Mỹ là họ hàng thân thiết của mình. Đường biên giới giữa hai nước là đường biên giới không được bảo vệ dài nhất thế giới, và hai nền kinh tế đã gắn bó chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, những gì Trump đã làm với bài phát biểu về tiểu bang thứ 51, việc áp đặt thuế quan trừng phạt, và lời đe dọa rằng Mỹ sẽ không bảo vệ Canada theo hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng được đề xuất trừ phi nước này trả tiền (và ông cứ liên tục tăng khoản tiền), đã khiến một dân tộc vốn hiền lành nổi giận. Tại Ottawa, tâm trạng chung là sốc và không tin nổi. Những gì từng được cho là nền tảng không thể chối cãi của chính sách đối ngoại Canada đang tan chảy như những dòng sông băng ở Greenland. Quan hệ đang bị phá hủy sẽ không dễ dàng được hàn gắn, chắc chắn là không thể trong một thế hệ. Và vì điều gì?

NHỮNG NGƯỜI LÀM VƯỜN CHĂM CHỈ

Giống như nhiều quan hệ giữa người với người khác, các liên minh đòi hỏi phải nỗ lực: việc quản lý chúng đòi hỏi sự kiên nhẫn, khoan dung, kỹ năng, và giống như một khu vườn, các quan hệ cũng cần được chăm sóc thường xuyên. Rủi ro thường rất cao, và tính cách của các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao liên quan có thể rất quan trọng. Ngoại giao không phải là đi dự tiệc cocktail, dù giao lưu là một phần của nó. Thay vào đó, ngoại giao là việc hiểu sâu hơn về các quốc gia khác, cũng như các nhà lãnh đạo của họ, và học cách đàm phán với họ. Việc công khai chỉ trích các đồng minh về những lỗi lầm của họ, như Phó Tổng thống J.D. Vance đã làm với các nước châu Âu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, hoặc ra lệnh và lăng mạ trên mạng xã hội, như Tổng thống Trump làm gần như hàng ngày, hoặc công khai các bức thư gửi cho các nguyên thủ quốc gia khác trước khi chúng được gửi đến người nhận, chỉ khiến sự phẫn nộ tích tụ ngày một nhiều và khiến các quan hệ cá nhân trong tương lai trở nên trắc trở hơn.

Nếu Kissinger không thể thiết lập quan hệ tôn trọng lẫn nhau với người đồng cấp Trung Quốc Chu Ân Lai, thì việc mở ra quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Nixon có thể đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Trường hợp của Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt có lẽ còn đáng chú ý hơn. Kể từ khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu vào năm 1939, như lời Churchill, ông đã nỗ lực ve vãn Roosevelt như một kẻ đi cầu hôn. Ông biết rằng, để chiến thắng, Anh cần các nguồn lực của Mỹ như súng và tiền, và cuối cùng, ông thiết tha hy vọng sẽ có cả lực lượng Mỹ. Về phần mình, Roosevelt không muốn người Anh thất bại. Dù lúc đầu ông bị hạn chế bởi công chúng Mỹ, những người phản đối việc tham chiến, nhưng ông đã mở rộng quyền hạn của tổng thống để cung cấp hỗ trợ nhiều nhất có thể.

Trong lúc Thế chiến II diễn ra, hai nhà lãnh đạo đã di chuyển hàng ngàn dặm bằng tàu thủy và máy bay để gặp nhau và gặp cả Stalin, thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng. Nếu không có quan hệ cá nhân bền chặt giữa Churchill và Roosevelt, thì những bất đồng và mâu thuẫn vốn tồn tại trong bất kỳ liên minh nào chắc chắn sẽ cản trở việc hoạch định chiến lược chung và viện trợ quân sự quan trọng của Mỹ theo Đạo luật Cho vay-Cho thuê. Quan hệ đối tác giữa hai nước đã được mở rộng và củng cố bởi hàng ngàn chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, trí thức, và quân nhân đang tại ngũ, những người đã học được cách làm việc cùng nhau, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Hãy xem xét tình bạn sâu sắc và hiếm có mà John Dill, đại diện quân sự cấp cao của Anh tại Washington, đã thiết lập với vị tướng kín tiếng, George Marshall, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ và là cố vấn quân sự quan trọng nhất của Roosevelt. Cùng nhau, hai vị tướng đã có thể dung hòa những chia rẽ thường sâu sắc và đôi khi gay gắt giữa các đồng nghiệp và giữa các lãnh đạo chính trị của họ. Dù Churchill và những người kế nhiệm đã phóng đại mức độ đặc biệt của “quan hệ đặc biệt” thời hậu chiến, nhưng nó đã mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Anh, từ cuộc Không vận Berlin vào đầu Chiến tranh Lạnh cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ vào cuối thời kỳ đó.

Các liên minh cũng khó có thể tồn tại lâu hơn mục đích trước mắt của chúng. Churchill và Roosevelt đã kém thành công hơn nhiều trong nỗ lực xây dựng một tình bạn lâu dài hơn với Stalin và Liên Xô của ông. Khoảng cách giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên chế Xô-viết là quá lớn: ký ức của Liên Xô về sự can thiệp của Đồng minh Hiệp ước chống lại những người Bolshevik vào cuối Thế chiến I, quan hệ căng thẳng trong những năm giữa hai cuộc thế chiến, và những nghi ngờ sâu sắc, một phần xuất phát từ lịch sử Nga và một phần xuất phát từ những giả định của chủ nghĩa Marx về trận chiến cuối cùng sắp tới giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, đã khiến các quan hệ bình thường gần như là không thể. Nhu cầu đánh bại Đức Quốc xã và chế độ độc tài quân phiệt Nhật là chất keo chính gắn kết Đại Liên minh lại với nhau, và khi điều đó biến mất, thì quan hệ cũng biến mất. Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt lịch sử, cho dù là trong sự sụp đổ của Liên minh Delian sau khi Ba Tư bị đánh bại, hay khi các Quốc gia Balkan gây chiến với nhau vào năm 1913 sau khi đã cùng nhau đánh bại Đế chế Ottoman.

Dù không thể đo lường được, nhưng những cảm xúc như thích hay ghét, ngưỡng mộ khinh thường – những điều thường ngày trong quan hệ giữa con người – đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và phá vỡ các liên minh. Tình bạn cá nhân, sự tôn trọng, và tin tưởng lẫn nhau là dầu bôi trơn trong cỗ máy phức tạp giúp các liên minh tồn tại lâu dài. Trong nhiều dịp kể từ năm 1945, các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ – Harold Macmillan và John F. Kennedy, Margaret Thatcher và Ronald Reagan, George W. Bush và Tony Blair, và hơn thế – đã có những quan hệ tốt đẹp giúp củng cố quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự gắn kết như vậy, hoặc chí ít là một mức độ tin tưởng nhất định giữa các nhà lãnh đạo, thì quan hệ có thể xấu đi nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên, như thế giới đang chứng kiến một lần nữa ngày nay. Alexander I của Nga đã khó chịu dưới sự bảo trợ của Napoleon và dần dần ngả về phía kẻ thù của ông. Mao Trạch Đông và các đồng chí của ông ngày càng bực bội trước những giả định về sự vượt trội và vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản thế giới của Liên Xô, trong khi người kế nhiệm Stalin, Nikita Khrushchev, cho rằng người Trung Quốc xảo quyệt và không đáng tin cậy – góp phần vào sự chia rẽ Trung-Xô công khai và đầy cay đắng sau năm 1962.

VỨT BỎ CƠ HỘI

Kể từ năm 1945, hàng loạt các quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, và Trung Đông đã phụ thuộc vào quan hệ an ninh với Washington. Nhóm này bao gồm 31 thành viên còn lại của NATO; các quốc gia Châu Á có liên minh quân sự chính thức với Mỹ, như Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc; và các quốc gia có quan hệ đối tác quân sự ít chính thức hơn nhưng vẫn sâu rộng, như Israel và Ả Rập Saudi. Và còn có những quốc gia trên khắp thế giới như Chile và Việt Nam, những nước có xu hướng hợp tác với Mỹ trên cơ sở hữu nghị. Loạt quốc gia đa dạng ấn tượng này đã chào đón sự bảo vệ và lãnh đạo của Mỹ trong nhiều thập kỷ kể từ khi Thế chiến II kết thúc, không chỉ vì sự hùng mạnh của siêu cường, mà còn vì nó đại diện cho hy vọng về một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn.

Nhưng giờ đây, có một khả năng thực sự rằng liên minh phương Tây đang gia nhập danh sách những liên minh thất bại. Trump luôn cảm thấy không thoải mái với việc cho và nhận trong chính trị liên minh. Điều này có thể một phần xuất phát từ kinh nghiệm kinh doanh của chính ông, khi ông thường là ông chủ không ai có thể phản đối. Ông điều hành các công ty của mình từ những văn phòng nhỏ, khác với các tập đoàn lớn có cấu trúc và ban quản trị thuê ngoài. Trong chương trình Người Tập Sự (The Apprentice) của mình, câu nói nổi tiếng của ông là: “Anh bị sa thải!”

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump có vẻ đặc biệt không thoải mái tại các cuộc họp đa phương, nơi ông phải đối xử với các nhà lãnh đạo khác như những nhân vật ngang hàng, chẳng hạn như cuộc họp G-7 ở Canada năm 2018, nơi ông đến muộn và rời đi sớm, nhưng trước đó đã tranh cãi với các nhà lãnh đạo khác về chính sách thương mại và thuế quan của họ. Ông tiếp tục gây sốc cho các đồng minh khi đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quan trọng và được đàm phán cẩn thận như Hiệp định Khí hậu Paris và Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung nhằm hạn chế năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran (một thỏa thuận có nét tương đồng rõ rệt với thỏa thuận mà chính quyền Trump thứ hai đã đề xuất với Iran, chí ít là cho đến khi họ bị lôi kéo vào việc ném bom các địa điểm hạt nhân của Iran vào tháng 6). Nhấn mạnh một tuyên bố đã trở thành chủ đề chính trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông phàn nàn rằng “Chúng ta giống như con heo đất mà mọi người đều đến cướp.”

Ngày nay, Trump được tự do hành động theo cảm tính hơn bởi những cố vấn kỳ cựu và đáng kính từng đứng lên chống lại ông trong nhiệm kỳ đầu đã bị thay thế bởi những kẻ nịnh hót và bợ đỡ. Thỉnh thoảng, Trump vẫn phải đối phó với các cường quốc dân chủ khác, thậm chí là các tổ chức đa phương, và ông đã thể hiện rõ sự thiếu kiên nhẫn với họ. Chỉ trừ một vài ngoại lệ, Phòng Bầu dục đã trở thành sân khấu để Trump thể hiện quyền lực thống trị của mình, và khi ông xuất hiện tại các cuộc họp quốc tế, ông luôn giữ nó càng ngắn gọn càng tốt. Và những lời lăng mạ vô cớ – đối với các đồng minh NATO, Liên minh Châu Âu, các nước BRICS, Liên Hiệp Quốc, hay Tổ chức Y tế Thế giới – vẫn tiếp tục tuôn ra từ Tổng thống. Thật khó để nhận ra mục đích nào khác ngoài việc giữ ông là trung tâm của sự chú ý.

Trump thích xem quan hệ quốc tế như một loạt các giao dịch, tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp hoặc các cuộc điện đàm dài với từng nhà lãnh đạo ở từng thời điểm, và dường như ông cảm thấy thoải mái với các nhà độc tài quyền lực hơn hẳn là các chính khách dân chủ. Nếu cần, ông sẽ dùng vũ lực để ép buộc cả bạn bè lẫn đối thủ phải khuất phục, với giả định rằng họ sẽ từ bỏ bất kỳ sự phản đối nào nếu lời đề nghị trên bàn đủ tốt, hoặc nếu Washington nắm trong tay quân bài mạnh nhất. (“Ông không có quân bài nào ngay lúc này đâu,” ông mỉa mai Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc trò chuyện nổi tiếng ở Phòng Bầu dục).

Nhưng giá mà mọi chuyện đơn giản như vậy. Các quốc gia không phải lúc nào cũng hành động dựa trên những gì người khác cho là lợi ích tốt nhất của họ. Năm 1940, Hitler nghĩ rằng Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng, giống như Putin tin rằng Ukraine sẽ đầu hàng chỉ trong vài ngày trước cuộc xâm lược của Nga. Như Roosevelt đã nhận ra vào thời điểm ông qua đời vào mùa xuân năm 1945, các nhà lãnh đạo có thể định nghĩa lợi ích theo nhiều cách khác nhau. Niềm tin cùng sự khác biệt trong văn hóa và tính cách cá nhân có thể quan trọng ngang bằng với những yếu tố khách quan hơn như nhân khẩu học hoặc địa lý. Stalin đến từ một thế giới rất khác, có những trải nghiệm và mục tiêu rất khác so với người con trai sở hữu nhiều đặc quyền của một gia tộc Mỹ nổi tiếng lâu đời.

THẢM CẢNH CỦA NƯỚC MỸ

Trong thế giới của Trump, lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, vốn rất khó thiết lập nhưng rất dễ phá hủy, lại không quan trọng. Các bên sẽ hợp tác nếu điều đó phù hợp với lợi ích của họ và chỉ hợp tác cho đến khi một đề nghị tốt hơn xuất hiện. Nga nhìn thấy lợi ích của tình bạn từ Mỹ. Các đồng minh châu Âu sẽ cằn nhằn nhưng họ phải làm theo những gì Washington muốn, hoặc sẽ thấy mình đơn độc và không có bạn bè. Trung Quốc sẽ đàm phán về thương mại, ví dụ sẽ hứa mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, vì không muốn bị loại khỏi thị trường Mỹ. Và nếu Bắc Kinh muốn Đài Loan, tại sao không để họ có được hòn đảo miễn là Mỹ nhận được điều gì đó đổi lại? Tổng thống dường như cho rằng các đồng minh hiện tại và tiềm năng cũng nhìn nhận quan hệ quốc tế giống như ông. Nếu bạn thua một hiệp, bạn có thể thắng hiệp tiếp theo. Vấn đề là, các quốc gia, giống như các cá nhân, đều có ký ức lâu dài về những sai lầm hoặc thất bại trong quá khứ, như chính Trump nên biết.

Lòng tin giữa các cá nhân hay quốc gia rất khó đo lường, nhưng các quan hệ lâu dài và hiệu quả không thể tồn tại nếu không có nó. Trong Chiến tranh Lạnh, các cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Mỹ về kiểm soát vũ khí rất mệt mỏi và bị kéo dài bởi vì không bên nào tin tưởng bên kia. Những sự cố như chuyến bay U-2 bị chặn của phi công Mỹ Gary Powers trên bầu trời Liên Xô năm 1960, hay vụ Liên Xô bắn hạ máy bay chở khách của Hàn Quốc năm 1983, thường bị bên kia coi là bằng chứng của ý đồ xấu. Ngược lại, dù chắc chắn có những căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh, nhưng nhìn chung mỗi bên đều cho rằng các đối tác của mình đang hành động một cách thiện chí, và sẵn sàng thảo luận những vấn đề hóc búa và tìm kiếm các giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận được. Ngày nay, điều đó đã không còn tồn tại và không thể dễ dàng hoặc nhanh chóng xây dựng lại.

Mỹ hiện đang trải qua những gì Anh đã trải qua ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của đế chế. Trở thành cường quốc quân sự lớn nhất thế giới là một gánh nặng lớn, và một phần vì thế nên nợ công của Mỹ đã liên tục tăng lên đến mức chóng mặt. Các cường quốc tham vọng, đặc biệt là Trung Quốc, đang đổ nguồn lực vào một cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tốn kém. Và, như đã xảy ra nhiều lần trước đây, các quốc gia khác cũng bị cám dỗ từ bỏ cường quốc cũ để theo cường quốc mới, hoặc liên kết chống lại cường quốc cũ để tận dụng cái mà họ cho là sự suy tàn của nó. Nếu thái độ thù địch hiện tại của Trump đối với các liên minh được duy trì, và nếu chính quyền tiếp tục xúc phạm, hạ thấp, và thậm chí gây tổn hại về kinh tế cho các đối tác lâu năm của mình, thì Mỹ sẽ thấy thế giới ngày càng trở nên thù địch.

Các đồng minh cũ hoặc các cường quốc không cam kết có thể quyết định, như Cộng hòa Slovakia hoặc Serbia đã làm, rằng nước Nga của Putin là một lựa chọn tốt hơn; những nước khác có thể bỏ qua Mỹ bằng các thỏa thuận thương mại mới, hoặc như đang xảy ra với các quốc gia châu Âu và Canada, chia sẻ quá trình sản xuất quân sự, lập kế hoạch, và răn đe lẫn nhau, với giả định rằng Mỹ không còn là một đồng minh đáng tin cậy nữa. Như một điềm báo về những gì sắp xảy ra, Canada vừa vận chuyển container khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của mình đến Châu Á. Người Anh từng gọi vị thế của họ trên thế giới là “sự cô lập huy hoàng” cho đến khi họ nhận ra cái giá phải trả là quá đắt. Nước Mỹ của Trump cũng có thể sớm nhận ra rằng, trong thế kỷ 21 đầy rẫy hiểm nguy, những huy hoàng đó đã bị đánh giá quá cao.

Margaret Macmillan là giáo sư danh dự ngành Lịch sử Quốc tế tại Đại học Oxford và là tác giả cuốn “War: How Conflict Shaped Us and The War That Ended Peace: The Road to 1914.”