#3 – Các nguồn sức mạnh mềm của Mỹ

Patriot

Nguồn: Nye, Joseph S. “Sources of American Soft Power”, Chương 2 trong J.S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: Public Affairs, 2004), pp. 33-72.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Soft Power: The Means to Success

Nước Mỹ có nhiều nguồn lực có tiềm năng mang lại sức mạnh mềm, đặc biệt khi chúng ta xem xét những cách thức ưu thế về kinh tế dẫn tới sự thịnh vượng cũng như danh tiếng và sức cuốn hút. Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà phân nửa 500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới cũng đến từ Mỹ, nhiều gấp năm lần quốc gia xếp thứ hai là Nhật.[1] Sáu mươi hai trong số 100 thương hiệu toàn cầu là của các công ty Mỹ, và nước này cũng có 8 trong số 10 trường kinh doanh hàng đầu thế giới.[2]

Các chỉ số về mặt xã hội cũng cho thấy điều tương tự. Ví dụ như:

  • Mỹ thu hút số người nhập cư nước ngoài gấp gần sáu lần Đức, quốc gia đứng thứ hai.[3]
  • Mỹ là quốc gia hàng đầu vượt trội về xuất khẩu phim và các chương trình truyền hình, mặc dù trên thực tế “Bollywood” của Ấn Độ hàng năm sản xuất nhiều phim hơn.[4]
  • Trong số 1,6 triệu sinh viên trên thế giới du học nước ngoài có tới 28% nhập học ở các trường đại học Mỹ, so với 14 % theo học ở Anh.[5]
  • Hơn 86.000 học giả nước ngoài làm việc ở các cơ sở giáo dục Mỹ vào năm 2002.[6]

Các thống kê khác cho thấy Mỹ:

  • Xuất bản nhiều sách hơn bất cứ quốc gia nào khác.
  • Có doanh số bán các sản phẩm âm nhạc cao hơn gấp hai lần so với nước đứng kế tiếp là Nhật Bản.
  • Có số máy chủ internet nhiều gấp 13 lần so với Nhật Bản
  • Xếp số một về số giải Nobel vật lý, hóa học và kinh tế.
  • Xếp thứ hai ngay sau Pháp về số giải Nobel văn học.
  • Công bố số bài báo tạp chí và nghiên cứu khoa học nhiều gấp gần 4 lần so với nước đứng thứ hai là Nhật Bản.[7]

Đương nhiên Mỹ không xếp hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực có thể tạo nên sự hấp dẫn đối với người dân. Theo chỉ số chất lượng sống năm 2003 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) (được tính dựa trên không những thu nhập mà còn giáo dục, y tế và tuổi thọ), Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Australia, Hà Lan và Bỉ xếp trên Mỹ với tư cách là những quốc gia có cuộc sống tốt nhất.[8] Nhật xếp trên Mỹ về số bằng sáng chế cấp cho người dân sống ở Nhật và tỉ lệ GNP dành cho nghiên cứu và phát triển. Anh và Đức cũng xếp hạng cao hơn Mỹ về tiếp nhận người tị nạn. Pháp và Tây Ban Nha cũng thu hút nhiều khách du lịch hơn Mỹ (dù Mỹ xếp cao hơn về doanh thu từ du lịch). Còn nếu xét về các “chỉ số kém hấp dẫn” thì Mỹ lại đứng ở những hàng cuối trong danh sách các nước giàu cung cấp viện trợ phát triển, nhưng lại xếp hàng cao nhất về tỉ lệ dân số bị bỏ tù.[9]

Đối với quyền lực,  chuyện một vài chỉ số kém hấp dẫn cao cũng không quan trọng bằng thực tế là, như chúng ta đã thấy ở chương trước, các tài nguyên quyền lực tiềm tàng không phải luôn có thể chuyển hóa được thành quyền lực thực tế xét trên phương diện đạt được mục tiêu mong muốn. Để đạt được mục tiêu mong muốn, các chỉ số khách quan về sức mạnh mềm tiềm năng phải hấp dẫn trong mắt công chúng và sự hấp dẫn đó phải ảnh hưởng tới các kết quả của chính sách. Trong chương này chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ về cách thức sự hấp dẫn như vậy đã tác động tới các kết quả chính sách quan trọng như thế nào. Nhưng trước tiên chúng ta hãy xem xét một số nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi trong sự hấp dẫn của nước Mỹ và việc điều này đã tác động tới các kết quả chính sách như thế nào.

SỰ THĂNG TRẦM CỦA CHỦ NGHĨA BÀI MỸ

Bất chấp những nguồn lực ấn tượng, sự hấp dẫn của nước Mỹ đả giảm sút khá mạnh vào năm 2003. Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Iraq, các thăm dò dư luận cho thấy Mỹ mất trung bình 30 điểm ủng hộ ở các nước Châu Âu. Mức độ ủng hộ thậm chí còn thấp hơn ở các nước Hồi giáo. Sau chiến tranh, phần lớn người dân có ấn tượng không tốt về Mỹ ở gần hai phần ba trong số 19 quốc gia được điều tra. Phần lớn những người có quan điểm tiêu cực về Mỹ nói rằng thực tế này bắt nguồn từ các chính sách của chính quyền Bush hơn là do nước Mỹ nói chung.[10]

Sự chống đối các chính sách của Mỹ không giống với sự chống đối nước Mỹ nói chung. Các phản ứng đối với các chính sách thường dễ thay đổi hơn so với các phản ứng ngấm ngầm đối với văn hóa và các giá trị. Hình ảnh hay sự hấp dẫn của một quốc gia bao gồm thái độ của người nước ngoài trên nhiều cấp độ và dưới nhiều dạng thức, trong đó các phản ứng đối với chính sách của Mỹ chỉ là một trong số các yếu tố đó.

Hình 2.1 dựa trên kết quả của các cuộc thăm dò dư luận năm 2002 ở 43 quốc gia cho thấy mức độ nước Mỹ được ngưỡng mộ về các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như về âm nhạc, điện ảnh và truyền hình. Cùng lúc đó, phần lớn người được khảo sát ở 34 trong số 43 quốc gia nói rằng họ không thích sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở đất nước họ.[11]

Chiến tranh Iraq không phải là lần đầu tiên một chính sách an ninh gây tranh cãi làm giảm sự hấp dẫn của hình ảnh nước Mỹ ở các quốc gia khác. Có bốn thời kỳ trước đây sức hấp dẫn của Mỹ đã bị giảm sút ở Châu Âu: sau vụ khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956; trong suốt phong trào “chống bom nguyên tử” những năm cuối thập kỷ 1950 và đầu những năm 1960 (dù chủ yếu ở Anh và Pháp chứ không phải ở Đức và Italia); trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam những năm cuối thập kỷ 1960 và đầu những năm 1970; và trong thời kỳ triển khai các vũ khí hạt nhân tầm trung ở Đức những năm đầu thập kỷ 1980.

Chiến tranh Việt Nam bị phản đối rộng rãi ở Anh, Pháp, Đức và Italia. Mặc dù có sự giảm sút về mực độ hấp dẫn nói chung của Mỹ từ năm 1965 đến 1972 (với mức khoảng 23 điểm ở Anh, 32 điểm ở Đức, 19 điểm ở Italia và 7 điểm ở Pháp), phần lớn người dân ở tất cả các quốc gia trừ Pháp đều tiếp tục thể hiện quan điểm tích cực về Mỹ trong suốt các chiến dịch lớn của cuộc chiến cho tới vòng đàm phán hòa bình Paris năm 1972.[12] Tuy nhiên sự giảm sút về mức độ ủng hộ đã có những tác động đối với khả năng của chính phủ Mỹ trong việc đạt được các kết quả chính sách mong muốn. Sự giảm sút tính hấp dẫn đã cản trở nỗ lực của Tổng thống Lyndon Johnson trong việc giành được sự ủng hộ từ các quốc gia khác đối với cuộc chiến ở Việt Nam và sự giảm sút sức mạnh mềm cũng đã gây ảnh hưởng tới các chính sách khác. Ví dụ, ở Pháp Việt Nam “góp phần làm tăng sự ủng hộ giúp duy trì lập trường ngày càng chống NATO và chống Mỹ của De Gaulle.”[13]

Vào đầu thập kỷ 1980, chính sách vũ khí hạt nhân của chính quyền Reagan nhiệm kỳ đầu đã làm dấy lên nhiều mối quan ngại. Trong một cuộc thăm dò dư luận của tạp chí Newsweek năm 1983, khoảng 40% số người được hỏi tại Pháp, Anh, Đức và Nhật phản đối chính sách của Mỹ. Cùng lúc đó, đa số người dân ở những nước này lại có cảm tình với người dân Mỹ.[14] Tổng thống Reagan đáng ra đã có thể nhận được sự đồng ý của Châu Âu trong việc triển khai các lực lượng hạt nhân tầm trung nhưng Châu Âu cuối cùng đã chống đối ra mặt các chính sách của Reagan nhằm cô lập Liên Xô về mặt kinh tế. Hình 2.2 cho thấy mức độ hấp dẫn của Mỹ đã biến đổi như thế nào qua từng năm. Những chính sách không phù hợp là yếu tố biến đổi nhiều nhất trong bức tranh chung, và yếu tố ổn định hơn dường như là thiện chí dành cho văn hóa và các giá trị Mỹ.

Tuy nhiên chủ nghĩa bài Mỹ vẫn tồn tại theo nghĩa chối bỏ mạnh mẽ xã hội, các giá trị và văn hóa Mỹ. Đó là một xu hướng không mạnh nhưng tồn tại dai dẳng trong bức tranh chung, và điều này bắt nguồn từ những ngày đầu tiên của nước Mỹ khi người Châu Âu đã biến Mỹ thành một biểu tượng trong các cuộc chiến tranh văn hóa nội bộ của mình. Ngay từ thế kỷ 18, một số người Châu Âu đã lập luận một cách kỳ cục rằng độ ẩm quá cao ở Tân Thế giới đã khiến cho cuộc sống ở đó tồi tệ và khó khăn.[15] Mặc dù một số người Châu Âu ở thế kỷ 18 coi Mỹ là biểu tượng của tự do nhưng nhiều người khác như nhà văn Charles Dickens lại chỉ coi Mỹ là nơi tập trung “một lũ ồn ào bát nháo, những kẻ giả dối, xuẩn ngốc và đầy mánh khóe.”[16] Vào đầu thế kỷ 20, ngay cả những nhà văn nhạy cảm như Virginia Woolf cũng coi Mỹ là nơi pha trộn của những gì đáng khinh và nhàm chán. Đối với nhiều người cánh tả Châu Âu, Mỹ là biểu tượng bóc lột giai cấp lao động của chủ nghĩa tư bản, trong khi cánh hữu thì coi Mỹ là nơi xấu xa do sự không thuần khiết về chủng tộc.[17]

Một số người theo quan điểm bảo thủ không thích tính bình đẳng của văn hóa đại chúng Mỹ. Năm 1931, một vị toàn quyền ở Ấn Độ đã phàn nàn với các nghị sĩ phe bảo thủ rằng Hollywood góp phần phá nát “hình ảnh của người da trắng ở phương Đông,” và Bỉ đã cấm người dân Châu Phi ở xứ thuộc địa Congo của mình không được xem phim Mỹ.[18] Tờ tạp chí The Economist có trụ sở đặt ở Luân Đôn thậm chí còn chỉ ra rằng ngày nay chủ nghĩa bài Mỹ là một phần của vấn đề giai cấp: “Những người Anh nghèo và ít học yêu thích nước Mỹ hơn so với những người Anh giàu có… Chủ nghĩa bài Mỹ của giới thượng lưu cũng giống như thói trưởng giả học làm sang.”[19] Thói trưởng giả của giới trí thức cũng có thể được thêm vào danh sách này. Giới tinh hoa của Châu Âu luôn chê bai nước Mỹ vì thiếu chiều sâu và sự tinh tế, tuy nhiên các thăm dò dư luận cho thấy nền văn hóa đại chúng của Mỹ lại được đông đảo người dân trên khắp thế giới đón nhận.

Chủ nghĩa bài Mỹ cũng bắt nguồn từ nguyên nhân mang tính cấu trúc. Mỹ là một siêu cường và sự chênh lệch về sức mạnh của Mỹ với các nước khác tạo ra một tình cảm pha trộn giữa sự ngưỡng mộ, ghen tị và giận dữ. Thực tế khi Mỹ nổi lên thành một siêu cường toàn cầu vào đầu thế kỷ 20, nhà văn Anh W. T. Stead đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sự Mỹ hóa của thế giới” xuất bản năm 1902. Tương tự, vào giữa những năm 1970, đa số người dân ở Tây Âu cho rằng họ muốn thấy sự phân bổ quyền lực cân bằng giữa Mỹ và Liên Xô hơn là sự áp đảo hoàn toàn của Mỹ.[20] Nhưng những người coi sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Mỹ thời gian gần đây là điều không thể tránh khỏi đơn giản vì Mỹ quá mạnh đã sai lầm khi cho rằng Mỹ không thể làm được gì để khắc phục tình trạng này.

Các chính sách có thể làm mềm hoặc mài sắc các góc cạnh của cấu trúc quyền lực và chúng cũng có thể tác động tới tỉ lệ yêu và ghét trong mối quan hệ phức tạp yêu-ghét. Mỹ giờ đây thậm chí còn mạnh hơn so với lúc kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi mà Mỹ chiếm tới hơn một phần ba sản lượng kinh tế thế giới và là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng theo đuổi các chính sách được các nước đồng minh hoan nghênh. Tương tự, việc vai trò lãnh đạo của Mỹ được nhiều nước chào đón ngay cả sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho thấy không còn nước nào có thể cân bằng lại quyền lực của Mỹ. Ví dụ, một nhà trí thức người Nam Tư tên là Milovan Djilas đã lập luận vào năm 1992 rằng nếu quyền lực của Mỹ suy yếu “thì sẽ mở lối cho những điều tồi tệ bắt đầu.” Năm 1990, Naohiro Amaya, một quan chức cấp cao của Nhật thời kỳ Nhật đang nổi lên đã nói rằng “Dù chúng ta có thích hay không thì sẽ không tồn tại một thế giới tự do và một hệ thống thương mại tự do nếu như Mỹ không giúp bảo tồn chúng cho chúng ta. Vị trí tốt nhất mà Nhật có thể hướng tới là vai trò ‘phó tổng thống’ cho Mỹ.”[21] Sức mạnh quá lớn của Mỹ có thể tạo ra tình cảm yêu ghét lẫn lộn nhưng trong những thập kỷ vừa qua sức mạnh của Mỹ hầu như không đổi, vì vậy khó có thể giải thích tại sao chủ nghĩa bài Mỹ lại tăng hay giảm vào lúc này hay lúc khác.

Bên cạnh quyền lực vượt trội, Mỹ từ lâu còn đồng nghĩa với sự hiện đại, điều mà nhiều người thường coi là mối đe dọa đối với nền văn hóa của họ. Vào thế kỷ 19, những người Châu Âu cánh tả chống đối xã hội công nghiệp và những người phái hữu muốn định hình lại xã hội đó đã nhìn nước Mỹ với ánh mắt sợ hãi hoặc khinh miệt. Một hiện tượng tương tự ngày nay vẫn diễn ra trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa đang gia tăng. Ở một số khu vực không những chỉ tồn tại sự giận dữ đối với các ảnh hưởng văn hóa nhập khẩu từ Mỹ mà còn đối với ngay chính cả nền văn hóa Mỹ. Các cuộc thăm dò dư luận năm 2002 cho thấy đa số người dân ở 34 trong tổng số 43 quốc gia đồng ý với nhận định cho rằng “Các tư tưởng và tập quán của Mỹ được phổ biến ở nước họ là điều không tốt.”[22]

Một điều hầu như rõ ràng là những người bất bình trước sức mạnh của Mỹ và tác động của toàn cầu hóa kinh tế đối với văn hóa đã lẫn lộn giữa hai vấn đề và đã vận dụng chủ nghĩa dân tộc để chống đối lại cả hai. Jose Bové, một nông dân nuôi cừu người Pháp, đã trở nên nổi tiếng sau khi phá hủy một nhà hàng McDonald’s ở một vùng nước Pháp nơi anh ta sinh sống.[23] Không ai ép ai dùng bữa tại McDonald’s nhưng khả năng thu hút sự chú ý của làng báo chí toàn cầu mà hành động của Bové có được cho thấy những dao động văn hóa đối với những gì thuộc về nước Mỹ. Như tổng thống Iran đã phàn nàn vào năm 1999 rằng “Trật tự thế giới mới và toàn cầu hóa mà một số cường quốc đang buộc chúng ta phải chấp nhận giống như một thứ chủ nghĩa thực dân mới, trong đó nền văn hóa của toàn thế giới đã không được đếm xỉa đến.”[24] Một nhà văn viết cho tờ Der Spiegel của Đức đã bình luận rằng đã đến lúc phải chống trả “trước khi toàn bộ thế giới được dán mác ‘Made in USA.’”[25]

Nhưng thật quá thiển cận nếu đồng nhất hóa toàn cầu hóa với quá trình Mỹ hóa. Những nền văn hóa khác đều đóng góp mạnh mẽ cho các mối liên kết toàn cầu. Tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ thông trong thương mại hiện đại, đã được truyền bá bởi nước Anh chứ không phải Mỹ.[26] Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, những mối quan hệ có tầm quan trọng toàn cầu giữa các nước nói tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha không liên quan gì tới người Mỹ. Bệnh AIDS bắt nguồn từ Châu Phi và bệnh SARS bắt nguồn từ Châu Á. Bóng đá phổ biến trên phạm vi thế giới hơn nhiều so với môn bóng bầu dục Mỹ. Câu lạc bộ thể thao nổi tiếng nhất thế giới không phải đến từ Mỹ mà là câu lạc bộ Manchester United, ông vua của làng bóng đá Anh, với 200 câu lạc bộ người hâm mộ ở 24 quốc gia trên thế giới. Vị thế ngôi sao toàn cầu của danh thủ David Beckham lớn đến nỗi anh ta vẫn được tận hưởng danh tiếng đó sau khi được bán cho câu lạc bộ Real Madrid. Các ban nhạc The Beatles và Rolling Stones đều là những ban nhạc ngoài nước Mỹ. Ba trong số các hãng đĩa “Mỹ” hàng đầu thuộc sở hữu của các công ty Anh, Đức và Nhật. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về sản xuất phim hoạt hình và các trò chơi điện tử phổ biến nhất thế giới.[27] Sự ra đời của các chương trình truyền hình thực tế những năm gần đây lan từ Châu Âu sang Mỹ chứ không phải theo chiều ngược lại. Ngay cả McDonald’s cũng đang rút ra bài học từ nước Pháp để áp dụng vào việc thiết kế lại một số nhà hàng của mình tại Mỹ.[28] Dòng chảy toàn cầu hóa không hoàn toàn bắt nguồn từ Mỹ mặc dù những tác động của dòng chảy này phản ánh một cách khá tự nhiên những gì đang diễn ra trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng nhất toàn cầu hóa với quá trình Mỹ hóa là đang đơn giản hóa quá mức một thực tế phức tạp.

Tuy nhiên, một vài đặc điểm của Mỹ khiến nước này trở thành trung tâm của toàn cầu hóa. Mỹ vẫn luôn là miền đất hứa của những người nhập cư và nền văn hóa cũng như xã hội đa sắc tộc của nước này đã phản chiếu hình ảnh nhiều vùng đất khác nhau của thế giới. Mỹ từ lâu đã vay mượn một cách tự do các truyền thống khác nhau và dòng chảy di cư tiếp tục khiến cho Mỹ cởi mở với phần còn lại của thế giới. Điều này biến Mỹ trở thành một phòng thí nghiệm văn hóa nơi mà các truyền thống văn hóa khác nhau được pha trộn và xuất khẩu. Ngoài ra, do quy mô của nền kinh tế, Mỹ là thị trường lớn nhất để kiểm tra độ ăn khách của các bộ phim, bài hát hoặc trò chơi điện tử. Các ý tưởng và sản phẩm đều chảy vào Mỹ một cách tự do và cũng chảy ra khỏi nước Mỹ dễ dàng không kém, nhưng thường dưới dạng đã được thương mại hóa. Bánh pizza ở Châu Á dường như mang hương vị của Mỹ.[29]

Tuy nhiên tác động của toàn cầu hóa phụ thuộc không chỉ vào người gửi mà còn cả người nhận. Một nửa thế kỷ trước, Hannah Arendt đã viết rằng “trên thực tế, quá trình Mỹ hóa mà người Châu Âu lo sợ là sự xuất hiện của một thế giới hiện đại với tất cả những sự phức tạp và hệ quả của nó.” Bà đã phán đoán rằng quá trình hiện đại hóa mang tính chất dường như của Mỹ đó sẽ được tăng tốc chứ không phải bị kìm hãm bởi chính sự nhất thể hóa của Châu Âu.[30] Ở Nigeria, nơi các chương trình truyền hình Mỹ chiến phân nửa thời lượng phát sóng truyền hình vào năm 1997, “sự hiện diện quá nhiều dưới dạng trực tiếp và gián tiếp ở hầu hết mọi lĩnh vực chủ chốt của đời sống người dân Nigeria giúp đảm bảo quá trình Mỹ hóa vẫn được tiếp tục, không chỉ trong lĩnh vực truyền hình mà còn trong cách khía cạnh khác của nền văn hóa Nigeria.”[31] Câu chuyện ở Nhật lại hoàn toàn khác. “Vẻ bề ngoài thì người Nhật có vẻ là những người tiếp thu văn hóa nhiệt tình và không phân biệt. Thế nhưng những yếu tố ngoại lai của văn hóa nhập khẩu, đặc biệt là văn hóa Mỹ, đều được sàng lọc bởi bàn tay cẩn thận của các nhà môi giới văn hóa…. Văn hóa Mỹ được “gỡ” ra và “tháo lắp lại” để phù hợp với bối cảnh văn hóa trong đời sống thường nhật của người dân. Văn hóa đại chúng Mỹ không phải là độc quyền của người Mỹ: đó là phương tiện trung gian mà qua đó người dân khắp thế giới thường xuyên sử dụng để cấu trúc lại bản sắc cá nhân và tập thể của mình.”[32] Nhiều cơ chế thúc đẩy toàn cầu hóa đều là các đặc tính của nền kinh tế và văn hóa Mỹ. Phần lớn cuộc cách mạng thông tin bắt nguồn từ nền kinh tế Mỹ, và một lượng lớn nội dung của các mạng lưới thông tin toàn cầu được tạo ra tại Mỹ. Các tiêu chuẩn Mỹ cũng ít khi tìm được tiêu chuẩn thay thế, như trong hệ điều hành Windows của Microsoft hay trong các quy định áp dụng cho mạng internet (mặc dù internet được phát minh tại Châu Âu). Mặt khác, một số các tiêu chuẩn và thông lệ của Mỹ – từ hệ thống đo lường bằng pounds và foot (chứ không phải là hệ mét) cho tới các hình phạt tử hình – đều gây nên sự bối rối và thậm chí là sự ghét bỏ thẳng thừng. Toàn cầu hóa có tính chất rộng lớn hơn so với quá trình Mỹ hóa, nhưng đối với những người tham gia các phong trào chống toàn cầu hóa muốn chống lại hoặc định hình lại quá trình toàn cầu hóa thì chủ nghĩa bài Mỹ thường là một vũ khí hữu ích, chính vì vậy việc chủ nghĩa bài Mỹ đi kèm với toàn cầu hóa dường như, ở một mức độ nào đó, là một điều khó tránh khỏi.

Gây quan ngại đặc biệt chính là vai trò của chủ nghĩa bài Mỹ trong thế giới Hồi giáo. So sánh hình 2.3 với hình 2.1 chúng ta sẽ thấy các khía cạnh thể hiện sự hấp dẫn của Mỹ ở các nước Hồi giáo không giống các nơi khác. Một báo cáo do một ủy ban lưỡng đảng đưa ra vào tháng 10/2003 đã nhận định “sự thù địch đối với nước Mỹ đã đạt tới mức gây sốc. Điều cần làm không chỉ là sự điều chỉnh về mặt sách lược mà còn phải là những thay đổi chiến lược mạnh mẽ.”[33]

Hơn nữa, hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt người Hồi giáo đã xấu đi nhanh hơn rất nhiều so với các nơi khác. Năm 2003, dưới 15% công chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Pakistan, Jordan, và dưới 27% công chúng ở Libăng và Marốc có thiện cảm với nước Mỹ.[34]

Đây là một điều đặc biệt gây quan ngại vì một số phần tử Hồi giáo cực đoan sẵn sàng sử dụng khủng bố để buộc người dân Hồi giáo quay lại thứ tôn giáo tiền hiện đại mà theo quan điểm của họ là thuần khiết hơn. Ở một số khu vực, như các nước Ảrập chẳng hạn, chủ nghĩa bài Mỹ có thể là vỏ bọc cho sự bất lực chung của các nước này trong việc thích ứng với sự hiện đại, vốn có thể dễ dàng nhận ra qua sự phát triển kinh tế và quá trình dân chủ hóa chậm chạp ở đây như “Báo cáo Phát triển Con người các nước Ảrập năm 2003” mà Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã đưa ra gần đây.[35] Fouad Ajami, một học giả Mỹ gốc Libăng, đã đúng khi nói rằng nước Mỹ bị căm ghét bởi gánh nặng của nước Mỹ là “mang sự hiện đại tới cho những người mong muốn được hiện đại nhưng đồng thời lại phản đối chính điều đó, nước Mỹ là hiện thân cho những gì mà thế giới vừa thèm khát vừa sợ hãi.” Tuy nhiên Ajami đã sai khi kết luận rằng “Người Mỹ không cần phải lo lắng về việc giành được thiện cảm của người dân ở nước ngoài.”[36] Tình huống mà Ajami miêu tả đã thường xuyên diễn ra nhiều năm nay nên nó không thể lý giải tại sao danh tiếng của Mỹ lại xấu đi ở ngay cả những quốc gia Hồi giáo thành công về mặt kinh tế như Malaysia. Việc các nước Ảrập không thích nghi được với sự hiện đại cũng không thể lý giải được một cách đầy đủ cho việc nước Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn. Hơn nữa điều này cũng liên quan tới những chính sách gây bất bình của Mỹ đối với các cuộc xung đột ở Iraq và Israel.

Tác động của cuộc Chiến tranh Iraq không nên bị thổi phồng. “Các dự báo tiêu cực đã không thành hiện thực, người dân Ảrập không nổi dậy để phá hủy các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông… bởi nhiều người trong số đó cũng đã biết tới bảng thành tích không mấy tốt đẹp của Saddam Hussein.”[37] Như đã đề cập ở phần trước, hình ảnh của một quốc gia bao gồm một số yếu tố, và những người tham gia các cuộc thăm dò dư luận cho thấy họ ghét các chính sách của Mỹ chứ không phải người dân Mỹ.[38] Tuy nhiên cũng đã diễn ra các phong trào tẩy chay hàng hóa Mỹ và tỉ lệ hàng hóa Mỹ trong tổng hàng hóa nhập khẩu của Trung Đông cũng đã giảm từ mức 18% vào cuối thập kỷ 1990 xuống còn 13% vào năm 2001 một phần bởi phản ứng trước “các chính sách đối ngoại được cho là thiếu tính hợp pháp của nước Mỹ.”[39] Những phần tử Hồi giáo cực đoan cũng đã từng chống đối chiến dịch của Mỹ chống lại chính quyền Taliban ở Afghanistan, nên Iraq chỉ làm gia tăng cơ hội cho sự căm ghét nước Mỹ nảy nở thêm. Nhưng sự căm ghét như vậy càng ngày càng có vai trò quan trọng trong một thế giới nơi các nhóm nhỏ có thể sử dụng internet để tìm kiếm, tuyển mộ và huy động những người có cùng suy nghĩ vốn trước đây gặp khó khăn trong việc liên lạc với nhau. Như nhà văn Robert Wright đã nhìn nhận, các băng hình video tuyển mộ chiến binh của Osama bin Laden rất hữu hiệu, “và chúng càng vươn tới được các đối tượng mong muốn một cách hiệu quả hơn nữa thông qua con đường internet.”[40]

Sự suy giảm hình ảnh hấp dẫn gần đây của Mỹ đã minh họa cho một điểm mà tôi đã nêu lên trong chương trước: Có các nguồn tài nguyên quyền lực hữu hình thôi chưa đủ. Đối với sức mạnh mềm, câu hỏi đặt ra là thông điệp nào được gửi đi và được ai tiếp nhận trong những hoàn cảnh nào, và thông điệp đó ảnh hưởng như thế nào tới khả năng đạt được những kết quả mà ta mong muốn. Các thông điệp và hình ảnh được truyền tải một phần thông qua các chính sách của chính phủ ở trong nước cũng như ngoài nước, đồng thời một phần khác thông qua văn hóa đại chúng và văn hóa chính thống. Nhưng những thông điệp giống nhau được những đối tượng tiếp nhận khác nhau “download” và diễn dịch và gây ra những tác động khác nhau trong những bối cảnh cũng không giống nhau. Sức mạnh mềm không chỉ là một hằng số không đổi mà là một biến số thay đổi theo thời gian và không gian.

VĂN HÓA VỚI VAI TRÒ MỘT NGUỒN SỨC MẠNH MỀM

Như chúng ta đã biết, các nhà phê bình về văn hóa thường phân biệt giữa văn hóa chính thống và văn hóa đại chúng. Nhiều nhà quan sát đồng ý cho rằng văn hóa chính thống đã mang lại đáng kể sức mạnh mềm cho nước Mỹ. Ví dụ như Ngoại trưởng Colin Powell đã từng nói “Tôi nghĩ tài sản quý giá nhất đối với đất nước chúng ta chính là tình hữu nghị của các nhà lãnh đạo thế giới tương lai, những người được giáo dục ngay tại nước Mỹ.”[41] Sinh viên quốc tế thường quay về nước với sự ngưỡng mộ trước các giá trị và thể chế của người Mỹ, đồng thời, như một báo cáo do một tổ chức giáo dục quốc tế biên soạn nhận định, “hàng triệu người học tập ở Mỹ trong nhiều năm qua đã tạo nên một nguồn tình cảm thiện chí đáng kể cho nước Mỹ.”[42] Nhiều người trong số các cựu sinh viên sau này đứng ở những vị trí có thể tác động tới các kết quả chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với người Mỹ.

Nhà ngoại giao và nhà văn nổi tiếng George Kennan của Mỹ là một người theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống trong cách nhìn về vấn đề cân bằng quyền lực nhưng ông đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của “các giao tiếp văn hóa như là một phương tiện để chống lại các ấn tượng tiêu cực về nước Mỹ, những ấn tượng vốn ảnh hưởng rất nhiều tới công luận thế giới.” Kennan nói rằng ông sẽ “sẵn lòng đánh đổi toàn bộ những biện pháp tuyên truyền chính trị còn lại để có được những kết quả mà chỉ cần mỗi phương tiện văn hóa kia cũng có thể đạt được.” Và Tổng thống Dwight Eisenhower cũng lập luận rằng cần phải tìm ra không chỉ một phương pháp mà là hàng ngàn phương pháp nhằm giúp con người từng bước hiểu biết về nhau nhiều hơn.” Thực tế, các cuộc tiếp xúc văn hóa chính thức thường mang lại thêm sức mạnh mềm cho nước Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hàng chục các cơ quan phi chính phủ như các nhà hát, viện bảo tàng và các đoàn hợp xướng opera đã biểu diễn ở Liên Xô. Một nhạc sĩ Liên Xô từng nhận xét rằng người Liên Xô từ lâu đã được giáo dục để tin vào sự thối nát của phương Tây, nhưng năm này qua năm khác những dàn nhạc giao hưởng xuất sắc đến từ Boston, Philadelphia, New York, Cleveland và San Francisco đã sang Liên Xô biểu diễn. “Làm sao mà phương Tây thối nát lại có thể sản sinh ra những dàn nhạc tuyệt vời như vậy?”[43]

Các trao đổi về mặt học thuật và khoa học cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ. Ngay cả khi những người Mỹ hoài nghi thời bấy giờ lo sợ rằng những nhà khoa học Liên Xô sang viếng thăm và các điệp viên KGB sẽ “ăn cắp mà chúng ta không hay biết”, họ đã không nhận ra rằng các vị khách viếng thăm này tiếp thu không chỉ các bí mật khoa học mà còn cả các lý tưởng chính trị. Nhiều nhà khoa học như vậy đã trở thành những nhà đối lập hàng đầu ủng hộ nhân quyền và tự do hóa trong lòng Liên Xô. Từ những năm 1950, quỹ Ford Foundation, Hội đồng Xã hội học thuật và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội đã phối hợp với 110 trường đại học Mỹ tiến hành trao đổi sinh viên và cán bộ giảng dạy. Mặc dù Liên Xô đòi phải có một hiệp định cấp chính phủ nhằm giới hạn phạm vi các trao đổi như vậy nhưng đã có khoảng 50.000 người Liên Xô, gồm các nhà văn, nhà báo, quan chức, nhạc sĩ, vũ công, vận động viên thể thao và các học giả, sang thăm Mỹ từ năm 1958 đến 1988. Số lượng người Mỹ sang thăm Liên Xô thậm chí còn nhiều hơn con số trên.

Vào những năm 1950, chỉ có khoảng 40 đến 50 sinh viên bậc đại học và sau đại học từ mỗi nước tham gia các chuyến trao đổi, nhưng dần dần những con số nhỏ nhoi đó vẫn tạo ra những kết quả chính sách mạnh mẽ. Do các trao đổi văn hóa thường liên quan đến những cá nhân xuất sắc nhất, một hoặc hai mối liên hệ chủ chốt cũng đã có thể mang lại những tác động chính trị quan trọng. Ví dụ như Aleksandr Yakovlev bị ảnh hưởng mạnh bởi quá trình học tập của mình cùng với nhà khoa học chính trị David Truman tại Đại học Columbia năm 1958. Yakovlev cuối cùng đã trở thành người đứng đầu của một học viện quan trọng, một ủy viên Bộ chính trị và có những tác động quan trọng theo hướng tự do hóa đối với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Một nghiên cứu sinh khác là Oleg Kalugin đã trở thành một quan chức cấp cao của KGB khi nhìn lại vào năm 1997 đã nói rằng “Các chương trình trao đổi là một con ngựa Trojan đối với Liên Xô. Qua thời gian chúng thường xuyên tác động tới càng ngày càng nhiều người.”[44] Sự hấp dẫn và sức mạnh mềm xuất phát từ các giao tiếp văn hóa giữa những cá nhân xuất sắc đã có những đóng góp quan trọng cho các mục tiêu chính sách của Mỹ.

Chứng minh các tác động chính trị cụ thể của các mối giao lưu văn hóa chính thức luôn dễ hơn việc chứng minh tầm quan trọng về chính trị của văn hóa đại chúng. Alexis de Toqueville vào thế kỷ 19 đã chỉ ra rằng trong một nền dân chủ không tồn tại các hạn chế về giai cấp hay khuôn mẫu dành cho các nghệ sĩ và các tác phẩm của họ. Thị hiếu đại chúng luôn áp đảo. Hơn nữa, các nhà sản xuất thương mại trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa luôn tìm kiếm các thị trường rộng lớn và dẫn tới các mẫu số chung bé nhất về văn hóa. Một số người tin rằng văn hóa đại chúng của Mỹ thu hút nhờ có công nghệ marketing và hứa hẹn tính giải trí cao.[45] Nhiều nhà trí thức và các nhà phê bình xem thường văn hóa đại chúng vì tính thương mại tầm thường. Họ coi văn hóa đại chúng là cách mang lại sự giải trí cho số đông chứ không phải là thông tin, chính vì vậy có ít hiệu quả về mặt chính trị. Họ coi văn hóa đại chúng là một thứ thuốc phiện gây mê không có tính chất chính trị dành cho số đông quần chúng.

Tuy nhiên sự coi thường này đã được đặt nhầm chỗ vì văn hóa đại chúng thường chứa đựng các hình ảnh và thông điệp ngầm về chủ nghĩa cá nhân, lựa chọn của người tiêu dùng và các giá trị khác vốn có thể mang lại các tác động chính trị quan trọng. Như nhà văn Ben Wattenberg đã lập luận, văn hóa Mỹ chứa đựng sự hào nhoáng, tình dục, bạo lực, những nội dung tầm thường và chủ nghĩa vật chất, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Văn hóa đại chúng còn khắc họa các giá trị Mỹ như sự cởi mở, linh động, tôn trọng cá nhân, chống lại sự cứng nhắc, đa nguyên, tự nguyện, tôn trọng những cá nhân bình thường và sự tự do. “Cho dù được phản ánh một cách tích cực hay tiêu cực, chính nội dung này cuốn hút khán giả tới rạp. Nội dung đó còn mạnh hơn cả các biện pháp chính trị hay kinh tế. Chúng góp phần đẩy mạnh chính trị và kinh tế.”[46] Hay như nhà thơ Carl Sandburg đã nói vào năm 1961 rằng “Cái gì? Hollywood quan trọng hơn Havard ư? Câu trả lời là, dù không sạch sẽ như Havard nhưng Hollywood lại lan tỏa đến được số đông nhiều hơn.”[47]

Ngay cả các môn thể thao đại chúng cũng có thể giúp truyền tải các giá trị. “Một nước Mỹ được tạo ra mà không phải là một kẻ bá quyền về quân sự, cũng không phải là một người đứng đầu về kinh tế, chỉ là một nơi thật thoải mái, ít cứng nhắc và tự do, nơi bất cứ ai đổ mồ hôi ném bóng hay khống chế cây gậy chơi hockey đều có thể trở nên nổi tiếng và (vâng) giàu có nữa.”[48] Và số người này không nhỏ. Các trận đấu trong giải bóng rổ quốc gia được truyền hình tới 750 triệu hộ gia đình ở 212 quốc gia bằng 42 thứ tiếng. Các trận đấu của các giải bóng bầu dục chính được phát sóng bằng 11 thứ ngôn ngữ ở 224 quốc gia. Giải Super Bowl của Liên đoàn bóng đá quốc gia thu hút tới khoảng 800 triệu người xem vào năm 2003. Số lượng khán giả xem thể thao là đối thủ đáng gờm của 7,3 tỉ lượt người xem các bộ phim Mỹ trên toàn thế giới vào năm 2002.

Đường ranh phân biệt giữa thông tin và giải trí chưa bao giờ thực sự rõ ràng như các nhà trí thức tưởng tượng, và nó đang ngày càng bị mờ đi trong một thế giới truyền thông đại chúng. Một số ca từ của các bài hát có thể mang hiệu quả chính trị. Ví dụ, trong những năm 1990, đài phát thanh đối lập B-92 ở Belgrade đã phát đi phát lại bài hát của ban nhạc rap Mỹ Public Enemy có đoạn: “Quyền tự do ngôn luận của chúng ta, tự do hay là chết – chúng ta phải chiến đấu chống lại các thế lực cản ngăn.”[49] Các thông điệp chính trị cũng có thể được truyền tải thông qua ứng xử của các đội tuyển thể thao hoặc các ngôi sao, hay qua vô số những hình ảnh được chuyển tải qua sóng truyền hình và các bộ phim. Hình ảnh thường truyền tải các giá trị một cách mạnh mẽ hơn so với lời nói, và Hollywood chính là cỗ máy thúc đẩy và xuất khẩu các biểu tượng hình ảnh vĩ đại nhất của thế giới.[50] Ngay cả việc dùng đồ ăn nhanh cũng có thể chuyển tải một thông điệp ngầm về việc chối bỏ các phương thức truyền thống. Một gia đình người Ấn Độ miêu tả lần đi ăn của họ ở nhà hàng McDonald’s là một chuyến đi ra ngoài thưởng thức “một miếng hương vị Mỹ.”[51] Còn về mặt tiêu cực, sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh Iraq, một số người Hồi giáo đã tẩy chay Coca Cola và quay lại dùng các thức uống như Mecca Cola hay Muslim Up như “một lựa chọn thay thế dành cho những ai tẩy chay các sản phẩm của những kẻ phục quốc Do Thái và các thương hiệu lớn của Mỹ.”[52]

Tác động của văn hóa đại chúng không phải hoàn toàn mới. Nhà sử học Hà Lan Rob Kroes đã chỉ ra rằng các poster quảng cáo cho các tuyến vận tải biển và các xã hội nhập cư vào thế kỷ 19 ở Châu Âu đã tạo nên hình ảnh về miền Tây nước Mỹ như là một biểu tượng tự do trước khi cuộc cách mạng tiêu dùng thế kỷ 20 bắt đầu. Những người Châu Âu trẻ tuổi “lớn lên và xây dựng những thế giới ý nghĩa của mình dựa trên các thành phần và biểu tượng từ Mỹ.” Các quảng cáo thương mại Mỹ năm 1944 đề cập đến và phát triển ý tưởng về bốn quyền tự do của Franklin Roosevelt, qua đó củng cố các bài học giáo dục công dân chính thức. “Từ thế hệ thanh niên này tới thế hệ thanh niên khác lớn lên trong các bối cảnh khác nhau của Châu Âu, ở phía Đông lẫn phía Tây bức mành sắt, đã thưởng thức qua trí tưởng tượng những niềm vui mang lại bởi các lựa chọn văn hóa khác…. Những thứ đơn giản như chiếc quần jean xanh, Coca Cola, hay một nhãn hiệu thuốc lá đều có được một giá trị bổ sung giúp những thế hệ trẻ này thể hiện bản sắc của riêng mình.”[53]

Sự cuốn hút của văn hóa đại chúng này đã giúp nước Mỹ đạt được các mục tiêu đối ngoại quan trọng. Một ví dụ là việc tái thiết dân chủ ở Châu Âu thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Kế hoạch Marshall và NATO là những công cụ cốt yếu về sức mạnh kinh tế và quân sự giúp đạt được các mục tiêu này. Nhưng văn hóa đại chúng cũng góp phần quan trọng không kém. Ví dụ, nhà sử học người Áo Reinhold Wagnleitner cho rằng “sự thích ứng nhanh với văn hóa đại chúng Mỹ của nhiều người Châu Âu thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai rõ ràng đóng góp tích cực cho quá trình dân chủ hóa của các xã hội này. Nó giúp làm trẻ lại và hồi sinh các nền văn hóa hậu chiến của Châu Âu với những thông điệp căn bản về tự do, sự bình dị, sức sống, tính hiện đại và trẻ trung… Việc chấp nhận tuân theo chỉ dẫn của thị trường và thế giới kinh doanh cũng chứa đựng những yếu tố thể hiện sự giải phóng khỏi các ràng buộc của các lế thói, tập tục cổ truyền.”[54] Những đồng đô la được đầu tư thông qua Kế hoạch Marshall đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ đạt được các mục tiêu về tái thiết Châu Âu, nhưng trong thành công này các lý tưởng được truyền tải bởi văn hóa đại chúng Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Sự hấp dẫn của văn hóa đại chúng cũng góp phần vào một mục tiêu lớn khác của chính sách đối ngoại Mỹ – đó là chiến thắng cuộc Chiến tranh lạnh. Liên Xô sở hữu sức mạnh quân sự ấn tượng đe dọa Tây Âu, và trong giai đoạn đầu thời kỳ hậu chiến Liên Xô cũng sở hữu những nguồn tài nguyên sức mạnh mềm quan trọng nhờ vào sức hấp dẫn của hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa và lịch sử cuộc đấu tranh chống lại phát xít Đức. Tuy nhiên Liên Xô đã lãng phí phần lớn nguồn sức mạnh mềm này qua các chính sách đàn áp ở trong nước và ở Đông Âu,[55] cũng như thành tích kinh tế kém cỏi giai đoạn sau này (cho dù sức mạnh quân sự tăng lên). Các chương trình văn hóa và tuyên truyền do nhà nước điều khiển không thể cạnh tranh nổi với ảnh hưởng của văn hóa đại chúng mang tính thương mại của Mỹ về tính linh hoạt cũng như sự hấp dẫn. Rất lâu trước khi sụp đổ vào năm 1989, bức tường Berlin đã bị xuyên thủng bởi các chương trình truyền hình và điện ảnh. Búa và máy ủi sẽ không thể thành công nếu không có sự trợ giúp của các hình ảnh văn hóa đại chúng của phương Tây được truyền tải hàng năm trời giúp xuyên thủng bức tường trước khi nó sụp đổ.

Cho dù Liên Xô hạn chế và kiểm duyệt các bộ phim phương Tây, những bộ phim đã được sàng lọc vẫn có thể mang lại những tác động chính trị mạnh mẽ. Đôi khi các tác động chính trị này là trực tiếp, mặc dù ngoài mong đợi. Một nhà báo Liên Xô đã bình luận sau suất chiếu đã được kiểm duyệt của bộ phim “On the Beach” và “Dr. Strangelove” (cả hai bộ phim đều phê phán chính sách vũ khí hạt nhân của Mỹ) rằng “Những bộ phim này đã làm chúng tôi sốc… Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng điều tương tự sẽ diễn ra đối với chúng tôi giống như đối với họ trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.” Những tác động bất ngờ khác được truyền tải một cách gián tiếp. Khán giả Liên Xô xem các bộ phim mang chủ đề chính trị thường nhận ra rằng người phương Tây không phải xếp hàng dài để mua thực phẩm, không phải sống trong các khu căn hộ chung, và được sở hữu những chiếc xe hơi riêng. Tất cả những điều này đều vô hiệu hóa cách nhìn tiêu cực được tuyên truyền bởi báo chí Liên Xô.

Ngay cả nhạc rock and roll cũng đóng vai trò quan trọng bất chấp nỗ lực ngăn ngừa của Liên Xô. Như một phụ tá của Gorbachev sau này đã nói “Ban nhạc Beatles là cách phủ nhận “hệ thống” một cách thầm lặng cho dù vẫn tuân theo phần lớn các đòi hỏi của nó.” Georgi Shaknazarov, một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản đã tổng kết các tác động chính trị một cách rất hay rằng “Gorbachev, tôi, tất cả chúng tôi đều là những người suy nghĩ nước đôi. Chúng tôi thường xuyên phải cân bằng sự thật và tuyên truyền trong tâm trí mình.” Tác động mài mòn đối với sự tự tin và ý thức hệ của người Liên Xô trở nên rõ ràng qua hành động của họ khi thế hệ đó cuối cùng đã lên nắm quyền vào giữa những năm 1980.[56]

Tương tự, các quan chức Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã tống giam một nhóm thanh niên vào những năm 1950 vì đã chơi một “băng nhạc Mỹ phản động” nhưng nỗ lực này hóa ra đã phản tác dụng. Milos Forman kể lại rằng vào những năm 1960 “khi bạn đang nghe nhạc của Bill Haley và Elvis Presley và cảm thấy thật yêu thích thì bỗng nhiên một gương mặt lạnh lùng trên truyền hình Tiệp Khắc nói với bạn rằng ‘Những con vượn này vừa trốn thoát khỏi rừng xanh – Liệu chúng đại diện cho lòng tự hào của nhân loại được không?’… Cuối cùng bạn đánh mất toàn bộ sự tôn trọng.” Vào năm 1980, sau khi John Lennon bị ám sát, một tượng đài của anh đã xuất hiện một cách tự phát ở Praha, và lễ kỉ niệm ngày mất người ca sĩ đã được đánh dấu bằng một lễ tuần hành thường niên vì hòa bình và dân chủ. Năm 1988, những người tổ chức đã thành lập Câu lạc bộ Hòa bình Lennon và các thành viên của câu lạc bộ này đã đòi rút quân đội Liên Xô khỏi lãnh thổ Tiệp Khắc.[57] Dần dần theo thời gian, Lennon đã vượt qua Lenin.

Một nhà sử học đã tóm tắt tình hình rằng “Cho dù sức mạnh quân sự và các hứa hẹn chính trị của Mỹ có quan trọng đến đâu trong việc thiết lập nền tảng cho thành công của Mỹ ở Châu Âu thời kỳ Chiến tranh lạnh thì chính sự hấp dẫn về văn hóa và kinh tế của nước này mới thực sự giúp giành được sự ủng hộ của đa số thanh niên dành cho mô hình dân chủ phương Tây. Bất cứ khi nào sự tiêu dùng thực sự xuất hiện thì nhiều khả năng chủ nghĩa xã hội sẽ mất giá trị ảnh hưởng.”[58] Mỹ đã thắng cuộc Chiến tranh lạnh bằng một thứ vũ khí kết hợp cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Sức mạnh cứng tạo nên sự thành công của chiến lược ngăn chặn quân sự, còn sức mạnh mềm giúp làm xói mòn hệ thống Xô Viết từ bên trong. Không phải mọi tài nguyên sức mạnh mềm đều thuộc về Mỹ – minh chứng chính là vai trò của BBC và ban nhạc Beatles. Nhưng sẽ thật là sai lầm nếu bỏ qua vai trò của sức hấp dẫn đến từ văn hóa đại chúng Mỹ đóng góp cho vế sức mạnh mềm trong phương trình kể trên.

Văn hóa đại chúng không chỉ đóng góp cho việc đạt được các mục tiêu chính sách Mỹ ở Tây Âu mà còn là một yếu tố quan trọng đối với một số các mục tiêu chính sách khác, bao gồm việc xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc apacthai ở Nam Phi, gia tăng số lượng các nền dân chủ ở Nam Mỹ và một phần Đông Á, việc lật đổ chế độ Milosevic ở Serbia, áp lực đối với quá trình tự do hóa ở Iran và việc củng cố một hệ thống kinh tế quốc tế mở, vv… Thực tế, khi Nam Phi tranh luận về việc có cho phép phát sóng truyền hình ở nước này không vào năm 1971, một cựu bộ trưởng Bộ Bưu chính và Điện tín thuộc phái bảo thủ đã phản đối vì cho rằng truyền hình là biểu tượng của sự đồi bại của phương Tây và nó “sẽ dẫn tới sự tha hóa nền văn minh Nam Phi và phá hủy chế độ apacthai.”[59] Cuối cùng những gì ông này tiên đoán đã thành sự thật.

Tương tự, vào năm 1994, giáo sĩ cấp cao nhất của Iran đã ban hành một lệnh cấm các đĩa thu sóng truyền hình vệ tinh vì chúng chỉ mang lại một nền văn hóa ngoại nhập rẻ tiền và sự lây lan những căn bệnh đạo đức của phương Tây.[60] Và điều này cũng đã chính xác. Một thập kỷ sau, các cuộc biểu tình của công chúng ở Teheran đã nổ ra sau khi các kênh truyền hình Mỹ của tư nhân trở nên phổ biến. Các đài truyền hình này được cấp phép phát sóng bằng tiếng Farsi cho cộng đồng kiều dân Iran ở Los Angeles, nhưng cuối cùng các kênh này lại đưa tin về tình hình chính trị Iran suốt ngày đêm, đồng thời đưa các tin tức bị cấm vào Iran.[61] Đó không chỉ là một nhóm phản động nhỏ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của phương Tây. Như một vị giáo sư nọ đã nhận xét “Chưa đầy một thập kỷ sau cái chết của Giáo chủ Ayatollah Khomeini, những điều này đã minh chứng rằng những nhà cách mạng – những cựu thành viên tham gia chiến tranh và cách mạng thời còn trẻ – đã đòi hỏi được hưởng nhiều tự do và quyền về chính trị hơn.” [62]

Ở Trung Quốc, bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao, các tin tức từ Mỹ vẫn thâm nhập qua biên giới đến với giới tinh hoa Trung Quốc thông qua mạng internet cũng như các phương tiện truyền thông khác và các giao lưu về giáo dục. Vào năm 1989, các sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn đã dựng một bức tượng mô phỏng tượng Nữ thần Tự do. Một người bất đồng chính kiến đã nói với một phóng viên nước ngoài rằng khi bị buộc nghe các nhà lãnh đạo Đảng ở địa phương chỉ trích nước Mỹ cô luôn luôn ngâm nga những giai điệu của Bob Dylan trong đầu như cách tiến hành một cuộc cách mạng thầm lặng của riêng cô. Một nhà báo khác thì ghi nhận rằng “nhiều người tin dòng chảy của các bộ phim Hollywood gần đây vào các rạp chiếu phim Trung Quốc cùng với các phiên bản đĩa DVD bất hợp pháp của chúng đã góp phần thúc đẩy những người dân Trung Quốc bình thường mong muốn thay đổi tăng tốc nhanh hơn nữa.”[63]

Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, văn hóa đại chúng do không chịu sự quản lý trực tiếp của chính phủ nên không luôn luôn tạo ra các kết quả chính trị chính xác như các chính phủ mong muốn. Ví dụ như trong Chiến tranh Việt Nam, chính phủ Mỹ đã có nhiều mục tiêu chính sách khác nhau, bao gồm chiến thắng về mặt quân sự đối với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam và chiến thắng về mặt chính trị đối với chủ nghĩa cộng sản ở Trung Âu. Văn hóa đại chúng không góp phần mang lại những kết mong muốn đối với mục tiêu thứ nhất, nhưng đã giúp đạt được mục tiêu thứ hai. Ví dụ, Reinhold Wagnleitner đã miêu tả các cuộc biểu tình của sinh viên ở Áo chống Chiến tranh Việt Nam như sau: “Chúng tôi với quần jeans màu xanh và áo thun tham gia các cuộc biểu tình ngồi và các bài phát biểu dài của các diễn giả. Thế nhưng rất ít người trong số chúng tôi có thể hiểu được ý nghĩa của việc có thể tham gia biểu tình chống lại một cuộc chiến tranh trong lúc nó đang diễn ra mà không bị tòa án binh xét xử. Một số người cũng nhận ra rằng chúng tôi đã học được cách biểu tình và chống đối dân chủ một cách hòa bình từ phong trào đòi quyền công dân ở Mỹ và phong trào chống trang bị vũ khí hạt nhân. Rốt cuộc chúng tôi không ca vang bài ‘Quốc tế ca’ mà chúng tôi chỉ hát bài ‘We Shall Overcome.’”[64] Các phong trào biểu tình là một phần của văn hóa đại chúng có thể thu hút một số người nước ngoài nhờ sự cởi mở của nước Mỹ trong khi các chính sách chính thức cố gắng đẩy lùi chúng.

Văn hóa đại chúng cũng có thể có những tác động trái ngược nhau đối với các nhóm khác nhau trong cùng một quốc gia. Nó không mang lại một nguồn sức mạnh mềm thống nhất. Những đoạn video thu hút giới trẻ Iran lại làm các giáo sĩ nước này nổi giận. Vì vậy việc bài trừ văn hóa đại chúng Mỹ sẽ khiến Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được các kết quả chính sách mong muốn từ nhóm lãnh đạo trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sự hấp dẫn của văn hóa đại chúng lại khuyến khích giới trẻ khao khát thay đổi. Đôi khi các tác động có thể làm suy yếu các mục tiêu dài hạn của Mỹ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo một nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ thì “sự phổ biến của văn hóa đại chúng Mỹ chủ yếu ở tầng lớp thượng trung lưu và một phần ở tầng lớp hạ lưu đã tạo ra sự chống đối đối với các tư tưởng mà văn hóa đại chúng Mỹ truyền tải. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan những năm gần đây vốn đe dọa nghiêm trọng các chính quyền thế tục là nguyên nhân gây nên sự chia rẽ giữa tầng lớp thượng lưu bị Mỹ hóa, tầng lớp hạ trung lưu và người nghèo.”[65] Nhưng ngay trong thời kỳ căng thẳng sau sự kiện 11/9, bất chấp lệnh hạn chế thị thực, một cuộc khảo sát do Hội đồng Anh tiến hành đối với 5.000 sinh viên ở 9 quốc gia Hồi giáo cho thấy Mỹ vẫn là lựa chọn số một đối với thanh niên ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêut nhằm theo đuổi việc du học nước ngoài.[66] Sự không nhất quán là một phản ứng phổ biến đối với nước Mỹ, và nơi nào tồn tại sự không nhất quán thì ở đó vẫn còn chỗ cho các chính sách nhằm cải thiện tỉ lệ giữa các phản ứng tích cực so với các phản ứng tiêu cực.

Cuối cùng, các công cụ của văn hóa đại chúng không cố định. Khó có thể biết chắc ảnh hưởng của văn hóa Mỹ sẽ tăng hay giảm trong tương lai. Một phần kết quả sẽ phụ thuộc vào việc các chính sách xa lạ của Mỹ có gây hiệu ứng tức nước vỡ bờ dẫn tới việc các phản ứng chung đối với văn hóa Mỹ trở nên tiêu cực hơn hay không. Hơn nữa điều này còn phụ thuộc vào các thay đổi thị trường độc lập mà hầu như không liên quan gì tới chính trị. Ví dụ, các bộ phim Mỹ tiếp tục chiếm tới 80% doanh thu thị trường ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, nhưng các chương trình truyền hình Mỹ gần đây đã bị giảm thị phần. Truyền hình có thể vươn tới nhiều thị trường đơn lẻ hơn và các nội dung bản địa tỏ ra quan trọng hơn trong việc tiếp cận khản giả địa phương hơn là các chương trình liên quan tới văn hóa Mỹ được cung cấp bởi các sản phẩm văn hóa điển hình của nước này.[67] Viện Nghiên cứu Truyền thông Nielson đã phát hiện ra rằng 71% trong số 10 chương trình được yêu thích nhất ở 60 quốc gia mà họ khảo sát được sản xuất ở các nước đó, cho thấy mức tăng ổn định so với các năm trước. Các nguyên nhân của hiện tượng này dường như liên quan tới các thay đổi trên thị trường cũng như tính hiệu quả của quy mô trong việc đáp ứng thị hiếu của khán hơn là các phản ứng mang tính chất chính trị.[68]

Hơn nữa, qua thời gian, việc tiếp thu văn hóa đại chúng Mỹ của khán giả nước ngoài dần dần khiến cho nó trở nên kém mới mẻ, và vì vậy kém hấp dẫn hơn đối với họ. Điều tương tự cũng xảy ra đối với sự tiếp nhận của người Châu Âu đối với các show diễn về miền Tây hoang dã của nước Mỹ thời thế kỷ 19, và kênh MTV của Mỹ cũng đã bị lép vế so với các kênh địa phương học theo phong cách tương tự. Một chuyên gia dự đoán rằng “quá trình toàn cầu hóa của văn hóa đại chúng Mỹ, như chúng ta đã được biết và đang tranh luận hiện nay, có thể sẽ chỉ là một hiện tượng nhất thời, một vấn đề mang tính quốc tế chỉ chừng nào nó còn có thể tạo ra các phản ứng ở các quốc gia sở tại giúp kiểm tra các khía cạnh văn hóa nào có thể thích nghi được một cách thành công với các điều kiện và mong muốn của người dân sở tại.”[69] Liệu việc mất đi tính hấp dẫn mới mẻ ngoại nhập có phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với các tài nguyên sức mạnh mềm hay không là một điều khó có thể dự báo được.

Tuy nhiên đối với tin tức truyền hình thì rõ ràng đã có sự thay đổi mang tính chất chính trị. Trong thời gian diễn ra Chiến tranh vùng Vịnh, CNN và BBC đã áp đảo tin tức chiến trường và chính các đài này định hướng các vấn đề. Ví dụ như việc Iraq đưa quân vào Kuwait tháng 8/1991 được miêu tả là hành động xâm lược hơn là việc thu hồi lại tỉnh Kuwait bị mất như cách nhìn của người Iraq. (Ấn Độ cũng dùng lập luận tương tự khi xâm chiếm tỉnh Goa nhưng hầu như không có phản ứng quốc tế nào đáng kể.) Cho tới cuộc Chiến tranh Iraq, kênh Al Jazeera và các kênh truyền hình khác là những đối thủ cạnh tranh tích cực với CNN và BBC trong việc dẫn dắt vấn đề. Ví dụ, cùng một hình ảnh các lực lượng quân sự di chuyển có thể được CNN miêu tả là “các lực lượng linh minh tiến quân” hoặc được Al Jazeera gọi là “các lực lượng xâm lược tiến quân.” Hiệu ứng cuối cùng là sự suy giảm sức mạnh mềm của Mỹ ở khu vực này vào năm 2003 so với năm 1991.

Hiện nay Pháp đã quyết định thành lập kênh truyền hình tin tức đa ngôn ngữ cho riêng mình. Pháp kết luận rằng “Al Jazeera là bằng chứng cho thấy thế độc quyền có thể bị phá vỡ và thực sự tồn tại nhu cầu được tiếp nhận các tin tức không phải qua nguồn Anh – Mỹ.”[70] Một số nhà phân tích tin rằng “sự áp đảo của Mỹ trong dòng chảy truyền thông toàn cầu hiện nay yếu hơn so với trong quá khứ. Mặt khác, mối quan ngại mới hiện nay không phải là những lời phàn nàn từ lâu về ảnh hưởng quá mức của văn hóa Mỹ khắp thế giới mà là tốc độ nhanh đáng kinh ngạc mà Mỹ đang bán tháo các ngành công nghiệp văn hóa đại chúng của mình cho các ông chủ nước ngoài.”[71]

Cũng cần lưu ý rằng trong khi các công ty Mỹ vẫn chiếm ưu thế về các thương hiệu toàn cầu thì các thay đổi của thị trường đã tạo ra tình trạng phân mảnh ngày càng tăng của các thương hiệu. Một thập kỷ trước đây người ta cho rằng khi các rào cản thương mại được tháo bỏ, các thương hiệu quy mô toàn cầu sẽ xóa sổ các thương hiệu địa phương. Trên thực tế công nghệ đã hỗ trợ các quốc gia vốn quan ngại về tính tự chủ của mình đạt được tính hiệu quả của quy mô trong việc sản xuất các sản phẩm chuyên biệt hóa, điều này dẫn tới việc chuẩn mực hóa các thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Coca Cola hiện sở hữu hơn 200 nhãn hiệu (thường không thể hiện sự liên hệ rõ ràng với công ty mẹ), McDonald’s phải điều chỉnh thực đơn của mình theo từng khu vực, và MTV phải xây dựng các chương trình khác nhau cho các nước khác nhau.[72] Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc tẩy chay về mặt chính trị sau sự kiện chiến tranh Iraq, các xu hướng của thị trường đã khiến cho các thương hiệu Mỹ bị sụt giảm vị thế. Các tài nguyên văn hóa đại chúng giúp mang lại sức mạnh mềm cho Mỹ có thể quan trọng nhưng không cố định mà luôn vận động, biến đổi.

CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIÁ TRỊ TRONG NƯỚC

NỘI DUNG VÀ PHONG CÁCH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI

PHỤ LỤC

Download phần còn lại của bài viết tại đây: Soft Power The Means to Success – Chuong 2.pdf


[1] Phillip Coggan, “Uncle Sam Stands Above the Rest”, Financial Times, FT Report – FT 500, trang 3.

[2] “The 100 Top Brands” Business Week, ngày 4/8/2003, trang 72-78, có tại địa chỉ: http://www.brandchannel.com/images/home/bgb_2003.pdf; “Fiancial Times Releases 5th Annual Internartional MBA Survey,” Business Wire (tạp chí mạng), 20/1/2003

[3] Số liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu “Chỉ số Phát triển Thế giới” của Ngân hàng Thế giới.

[4] Neal M. Rosendorf, “Social and Cultural Globalization: Concepts, History, and America’s Role”, trong Joseph Nye và John Donahue (biên tập), Governance in a Globalizing World (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2000), trang 109-34

[5] Alan Riding, “The New EU,” New York Times, 12/1/2003, phần Education Life, trang 30.

[6] Hey-Kyung Koh (biên tập), Open Doors 2002: Report of International Education Exchange (New York: Institute of International Education, 2002), trang 22.

[7] Thống kê từ Econonomist Books (biên tập) Pocket World in Figures 2003 Edition (London: Profile Books, Ltd., 2003), trang 90-92, trừ các thống kê về số ấn bản khoa học được biên tập từ các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu “Chỉ số Phát triển Thế giới” của Ngân hàng Thế giới.

[8] “Norway Tops Quality of Life Index,” New York Times, 9/7/2003, trang A6.

[9] Economist Books (biên tập) Pocket World in Figures 2003 Edition (London: Profile Books, Ltd., 2003), trang 95.

[10] Pew Global Attitudes Project, Views of a Changing World June 2003 (Washington, D.C.: Pew Research Center for the People and the Press, 2003), trang 19, 132-34.

[11] Sđd, trang 19-23.

[12] Xem Leo Crespi, “Trend Measuremnent of US Standing in Foreign Public Opinion,” bản thảo của Cục Thông tin Hoa Kỳ, 1/6/1978 (có thể tiếp cận theo yêu cầu từ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia: www.nara.gov), biểu đồ 2-5; và Steven K. Smith và Douglas Wertman, US-West European Relations During the Reagan Years (London: Macmillan, 1992), trang 92-93.

[13] Thomas Alan Schwartz, Lyndon Johnson and Europe (Cambridge: Havard University Press, 2003), trang 85.

[14] Jerry Adler (chủ biên), “What the World Thinks of America,” Newsweek, 11/7/1983, trang 44, bình luận cuộc thăm dò do Gallup tiến hành cho Newsweek.

[15] James Ceaser, “A Genealogy of Anti-Americanism,” The Public Interest, số Mùa Hè 2003

[16] Simon Schama, “The Unloved American,” The New Yorker, 10/3/2003, trang 34.

[17] Reinhold Wagnleiter và Elaine Tyler May (biên tập), “Here, There and Everywhere”: The Foreign Politics of American Popular Culture (Hannover: University Press of New England, 2000), trang 6.

[18] John Trumpbour, “Hollywood and the Decline of European Empire,” trong Elisabeth Kraut và Caronline Auer (biên tập), Simulacrum America (Rochester, NY: Camden House, 2000), trang 206-8.

[19] “Over Here”, The Economist, 15/3/2003, trang 54.

[20] Leo P. Crespi, “Trends in the Image of US Strength in Foreign Public Opinion,” Cục Thông tin Hoa Kỳ, Phòng Nghiên cứu, 28/1/1977, trang 13.

[21] John Burns, “Amid Serbia’s Battle Cries, Old Voice of Dissent,” New York Times, 27/3/1992, trang 4; Joseph Nye, “Manage Japan, Don’t Compete with It,” Wall Street Journal, 17/1/1991, trang A10.

[22] Pew Global Attitude Project, What the World Thinks in 2002 (Washington, DC.: Pew Research Center for the People and the Press, 2002), trang T54.

[23] Roger Cohen, “Fearful over the Future, Europe Seizes on Food,” New York Times, 29/8/1999, phần 4, trang I.

[24] “Iranian, in Paris Speech, Aims a Barb at US,” New York Times, 29/10/1999, trang A8.

[25] Được trích trong Walter LaFeber, Michael Jordan and the New Global Capitalism (New York: Norton, 1999), trang 20.

[26] Barbara Wallraff, “What Global Language?” The Atlantic Monthly, 11/2000.

[27] Michael Elliot, “A Target Too Good to Resist,” Newsweek, 31/1/2000, trang 27-28.

[28] Neil Buckley, “Eyes on the Fries,” Financial Times, 29/8/2003, trang 9.

[29] Xem Neal M. Rosendorf, “The Life and Times of Samuel Bronston, Builder of Hollywood in Madrid: A Study in the International Scope and Influence of American Popular Culture,” Luận văn tiến sĩ, Đại học Havard, 2000, “Appendix: The Power of American Pop Culture – Evolution of an Elitist Critique,” trang 402-15 và các nơi khác.

[30] Arendt được trích trong Michael Ermath, “German Unification as Self Inflicted Americanization,” trong Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 267

[31] Nosa Ownes-Ibie, “Programmed for Domination,” trong Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 141.

[32] Masako Notoji, Cultural Transformation of John Philip Sousa and Disneyland in Japan, trong Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 225.

[33] Steven Weisman, “US Must Counteract Image in Muslim World, Panel Says,” New York Times, 1/10/2003, trang 1.

[34] Pew Global Attitude Project, What the World Thinks in 2002, trang T54-T58.

[35] UNDP, “Arab Human Development Report 2003”, có tại địa chỉ: http://www.undp.org/rbas/ahdr/english 2003.html

[36] Fouad Ajami, “The Falseness of Anti-Americanism,” Foreign Policy, 9-10/2003, trang 58,61.

[37] Mamoun Fandy, “The Iraq the Arab World Saw All Along,” New York Times, 10/4/2003, trang A27.

[38] Xem Andrew Kohut, Wall Street Journal, Thư gửi Ban biên tập, 10/7/2003.

[39] Institute for Research: Middle Eastern Policy, “Dividends of Fear: America’s $94 Billion Arab Market Loss,” 30/6/2003, có tại địa chỉ: http://www.irmep.org/Policy_Briefs/6_30_2003_DOF.html

[40] Được trích trong Thomas Friedman, “Is Google God?” New York Times, 29/6/2003, The Week in Review, trang 13.

[41] Collin Powell, “Statement on International Education Week 2001,” có tại địa chỉ: http://www.state.gov/secretary/rm/2001/4462.htm.

[42] Association of International Educators, “In America’s Interest: Welcoming International Students,” có tại địa chỉ: http://www.nafsa.org/content/PublicPolicy/stf/inamericasinterest.htm, trang 5

[43] Kennan, Eisenhower và người nhạc sĩ được trích trong Yale Richmond, Cultural Exchange and the Cold War (University Park: Pennsylvania State University Press, 2003) trang 123, 124. 127.

[44] Sđd, trang 22-32.

[45] Edward Rothstein, “Damning (Yet Desiring) Mickey and the Big Mac,” New York Times, 2/3/2002, trang A17.

[46] Ben Wattenberg, The First Universal Nation (New York: Free Press, 1991), trang 213.

[47] Carl Sandburg, được trích trong Reinhold Wagnleitner, Coca-Colonization and the Cold War (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1994), trang 222.

[48] Charles P. Pierce, “The Goodwill Games,” Boston Globe, 21/9/2003.

[49] Matthew Collin, Guerrilla Radio (New York: Nation Books, 2001), trang 41.

[50] John Fraim, Battle of Symbols: Emerging Global Dynamics (Enfield, UK: Daimon, 2003), chương 8.

[51] Saritha Rai, “Tastes of India in US Wrappers,” New York Times, 29/4/2003, trang W1.

[52] John Tagliabue, “US Brands Abroad Are Feeling Global Tension,” New York Times, 15/3/2003, trang B3.

[53] Rob Kroes, “American Empire and Cultural Imperialism: A View from the Receiving End,” Diplomatic History 29 (số Mùa Hè 1999), trang 468-74.

[54] Reinhold Wagnleitner, “The Empire of Fun, or ‘Talkin’ Soviet Union Blues: The Sound of Freedom and US Cultural Hegemony in Europe,” Diplomatic History 29 (số Mùa Hè 1999), trang 515.

[55] Về bằng chứng chứng minh Liên Xô suy giảm sức mạnh mềm ở Tiệp Khắc sau vụ đàn áp Mùa xuân Praha, xem Đài Âu Châu Tự do, Phòng Nghiên cứu Thính giả và Công luận, Czech and Slovak Self-Image and the Czech and Slovak Image of Americans, Germans, Russians and Chinese (Munich: Đài Âu Châu Tự do, 1970), trang 67.

[56] Richmond, Cultural Exchange and the Cold War, trang 128-131, 162, 205.

[57] Đoạn này dựa trên Mathew Kohut, “The Role of American Soft Power in the Democratization of Czechoslovakia,” tài liệu chưa xuất bản, 4/2003, Trường Quản trị Kennedy.

[58] Wagnleiter, “Empire of Fun,” trang 506.

[59] “TV Finally Approved by South Africa,” New York Times, 28/4/1971.

[60] Peter Waldman, “Iran Fights New Foe: Western Television,” Wall Street Journal, 8/8/1994, trang 10.

[61] “Prodding the Clerics,” The Economist, 12/7/2003, trang 24.

[62] Azar Nafisi, “The Books of Revolutions,” Wall Street Journal, 18/6/2003.

[63] Jehangir Pocha, “The Rising Soft Power of India and China,” New Perspectives Quarterly 20 (số Mùa Đông 2003), trang 6; Rick Lyman, “China is Warming to Hollywood Glow,” New York Times, 18/9/2003, trang B1.

[64] Wagnleitner, Coca-Colonozation, trang xi.

[65] Gulriz Buken, “Backlash: An Argument against the Spread of American Popular Culture in Turkey,” in Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 248b.

[66] Meena Janardham, “Mideast: US May Be Unpopular, but Students Still Head for It,” Interpress Service, có tại địa chỉ: http://www.ipsnews.net, truy cập ngày 20/1/2003.

[67] Neal Gabler, “The World Still Watches America,” New York Times, 9/1/2003, trang A27.

[68] Suzanne Kapner, “US TV Shows Losing Potency Around World,” New York Times, 2/1/2003, trang 1; “Anti-Americanism and Television,” The Economist, 5/4/2003, trang 59.

[69] Jogn G. Blair, “First Steps Toward Globalization,” trong Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 27.

[70] Jo Johnson, “Paris Deputies in Tune with Plans for State to Fund 24-Hour ‘French CNN,’” Financial Times, 15/5/2003, trang 10.

[71] J. Mitchell Jaffee và Gabriel Weimann, “The New Lord of the Global Village?,” trong Wagnleitner và May, “Here, There and Everywhere,” trang 291.

[72] Richard Tomkins, “Happy Birthday, Globalization,” Financial Times, 6/5/2003, trang 8.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]