#81 – So sánh những cuộc nổi dậy của người Ả-rập: Những bài học năm 1989

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Lucan Way (2011), “Comparing the Arab Revolts: The Lessons of 1989”, Journal of Democracy, Volume 22, Number 4, October 2011, pp. 13-23.

Biên dịch: Phạm Văn Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Mùa xuân Ả-rập” ngay từ khi nổ ra đã là một đề tài làm gia tăng nhanh chóng những so sánh với những sự kiện năm 1989, và quả đúng như vậy.[1] Hai thập niên kể từ khi Đông Âu cộng sản sụp đổ, chúng ta đã có những bài học đắt giá về sự chuyển tiếp thể chế, qua đó giúp chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn về những gì đang xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi ngày nay. Đáng tiếc là việc so sánh này không làm cho chúng ta lạc quan về triển vọng dân chủ trong ngắn hạn tại đó. Những tương đồng và dị biệt khi đem so sánh với các sự kiện xảy ra vào năm 1989 cho thấy rằng sẽ có thêm những kẻ độc tài tiếp tục bám víu quyền lực trong năm 2011, và rằng các quốc gia chứng kiến sự sụp đổ của chế độ độc tài sẽ có ít khả năng dân chủ hóa hơn so với các quốc gia Châu Âu có cùng hoàn cảnh trước kia.

Cả hai sự kiện năm 1989 và 2011 đều làm cho các chuyên gia của khu vực hoàn toàn bất ngờ, biểu tình và khủng hoảng đã lan rộng khắp các chế độ nơi mà hầu hết các nhà quan sát cho rằng chúng đã ổn định một cách lạ lùng. Vào năm 1989, công cuộc tự do hóa do Mikhail Gorbachev khởi xướng ở Liên Xô và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan đã gây cảm hứng cho những người dân vốn từng sống trong cam chịu và những lực lượng đối lập đang lụi tàn trước đó xuống đường và đòi hỏi thay đổi ở Hungari, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bungari và cuối cùng là Rumani. Những cuộc xuống đường chưa từng có như vậy tới lượt chúng đã làm kinh sợ những lãnh đạo độc tài và buộc họ phải có những nhượng bộ to lớn. Sự thay đổi ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi xẩy ra thậm chí còn bất ngờ hơn sau trường hợp tự thiêu quyên sinh của của một người bán hàng rong người Tuynidi, Mohamed Bouazizi, vào cuối năm 2010. Sự kiện này đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình rộng khắp đất nước và cuối cùng tác động tới hầu hết các quốc gia từ Marốc cho tới Iran.

Các sự kiện chính trị của năm 1989 và năm 2011 là những ví dụ mạnh vẽ về một ranh giới mỏng manh của thay đổi giữa các quốc gia, theo đó, sự thay đổi ở một quốc gia có thể ảnh hưởng bất ngờ và mạnh mẽ tới các chế độ chuyên quyền lân cận mà nhìn bề ngoài có vẻ ổn định. Vì sự vận hành nội tại của các chế độ phi dân chủ bị che khuất nên thường gây khó khăn cho những người ngoài cuộc lượng giá sức mạnh thực sự của nó. Những ví dụ đầy kịch tính về sự chuyển đổi thể chế liền kề có thể làm các nhà hoạt động chính trị ngộ ra (hoặc đúng hoặc sai) rằng các thể chế mà họ từng nghĩ là vững mạnh thì trên thực tế lại rất yếu kém, và điều đó cũng thúc đẩy người dân xuống đường.

Hiệu ứng biểu tình của quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước láng giềng cũng mang lại cho các lực lượng đối lập các chiến lược và biểu tượng mới để huy động sự ủng hộ.[2] Theo đó, việc biểu lộ sự bất mãn tột cùng của Bouazizi ở Tuynidi đã thôi thúc các sự kiện quyên sinh ở các quốc gia lân cận như Angiêri, Ai Cập, Mauritania. Kết quả là, khủng hoảng chế độ lan truyền từ nước này qua nước khác, nơi mà dân chúng một thời gian dài từng sống trong cam chịu, và các điều kiện trong nước hoàn toàn không thuận lợi cho việc biểu tình.

Tuy nhiên, việc so sánh hai nhóm sự kiện này (vào năm 1989 và 2011) cũng cho chúng ta thấy những hạn chế của chỉ riêng sự ảnh hưởng lan tỏa trong vai trò một nguồn sức mạnh để thay đổi chế độ. Các thay đổi ở Âu Châu vào năm 1989 tỏ ra mạnh mẽ và lâu dài đến vậy bởi ảnh hưởng lan tỏa đã được hỗ trợ bởi một sự chuyển đổi cơ bản trong cán cân quyền lực khu vực và việc mất đi đột ngột của một nguồn lực trọng yếu giúp duy trì sự ổn định của thể chế cộng sản. Việc Gorbachev cắt đứt nguồn viện trợ to lớn của Liên Xô dành cho các thể chế cộng sản ở Trung và Đông Âu đã tạo ra những thách thức mới thực sự cho sự tồn tại của chế độ độc tài trong khu vực. Giống như các đồng sự của họ ở Trung và Đông Âu năm 1989, nhiều nhà độc tài của thế giới Ả-rập cũng đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn chưa có tiền lệ ở nước mình. Tuy nhiên, nhiều nếu không nói là hầu hết các nhà độc tài vẫn giữ vững các nguồn lực ngoại giao và an ninh vốn đã giúp duy trì chế độ của họ lâu nay. Các yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài đã hỗ trợ cho các chế độ này trong nhiều thế hệ (ví dụ như sự ủng hộ về tài chính của Mỹ và cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Ả-rập) đã không thay đổi nhiều.

Kết quả là các sự kiện của năm 2011 ở Trung Đông hoàn toàn khác so với năm 1989 ở Đông Âu. Các chế độ chuyên quyền của thế giới Ả-rập ngày nay có cơ hội tồn tại nhiều hơn so với các chế độ chuyên chế cộng sản trước kia. Thành thực mà nói, những kết quả trái ngược của Mùa Xuân Ả-rập cho tới nay – bao gồm chế độ chuyên chế được củng cố ở Baranh, đàn áp khốc liệt ở Syria, bất ổn ở Libya và Yemen – đã minh họa cho sự ảnh hưởng lan tỏa trái ngược nhau khi thiếu vắng những thay đổi về cấu trúc. Chừng nào nền móng của chủ nghĩa độc tài còn đó thì ảnh hưởng lan tỏa sẽ chẳng thể mang lại dân chủ hóa.

Đồng thời, đặc điểm của quá trình ảnh hưởng lan tỏa trong thế giới Ả-rập rốt cục có thể củng cố chế độ chuyên chế hơn so với Châu Âu hai thập niên trước đây. Vào năm 1989, hiệu ứng biểu tình đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc đàn áp cứng (bằng vũ lực). Rõ ràng ai cũng nhận thấy nhà độc tài Đông Âu duy nhất kiên quyết chống lại bất cứ cải cách nào là Nicolae Ceausescu của Rumani đã bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính quân sự, bị xử bắn vào ngày lễ Giáng Sinh, và thi thể bị công khai trên truyền hình. Đó là một bài học cho những kẻ đứng đầu các chế độ độc đảng khác đang phân vân nên tự do hóa hay bằng mọi giá tìm cách níu kéo quyền lực. Quả thực, sau khi chứng kiến các sự kiện này trong một chuyến đi tới Rumani, Julius Nyerere, nhà lãnh đạo của chế độ độc đảng Tanzania, đã đề xướng một quá trình chuyển đổi sang thể chế đa đảng. Ông bộc bạch với một nhà báo, “khi bạn nhìn thấy người hàng xóm của mình đang bị cạo râu, thì bạn cũng nên làm ướt râu đi, nếu không bạn sẽ bị cạo trong đau đớn.”[3] Trái ngược với Đông Âu, khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn là nơi nương náu của một lượng lớn các nhà độc tài và họ cho thấy những đòi hỏi của dân chúng về thay đổi chế độ có thể bị dập tắt bằng bạo lực. Cùng lúc đó, phiên tòa dành cho cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak có thể đánh động các nhà độc tài khác rằng việc từ bỏ quyền lực dễ dẫn tới việc bị “cạo râu trong đau đớn” hơn so với tìm cách nắm giữ quyền lực bằng mọi giá.

Tại sao độc tài ngã ngựa

Trường hợp của Ceausescu cho thấy, sự tồn tại của chế độ độc tài không phải chỉ do ý muốn của nhà độc tài. Thường thì các nhà độc tài rời bỏ quyền lực không phải vì họ muốn vậy, mà bởi vì các liên minh chủ chốt về chính trị, kinh tế, và quân sự buộc họ phải rời bỏ quyền lực khi thấy rằng chế độ đó không còn giá trị đáng để được ủng hộ nữa. Sự sẵn sàng ủng hộ chế độ trong thời kỳ khủng hoảng của giới tinh hoa thường mang tính quyết định hơn so với số lượng người biểu tình trên đường phố. Như trường hợp tổng thống Tuynidi Zin al-Abidine Ben Ali bị buộc phải rời bỏ đất nước bởi những đám đông hàng ngàn người tức giận, và mặc dù những đám đông biểu tình này là khá lớn ở quốc gia như Tuynidi, nhưng cũng khó mà đủ lớn để áp đảo lực lượng quân đội và cảnh sát. Ngược lại, những nhà cầm quyền của Cộng hòa Hồi giáo Iran lại trụ được mặc cho những cuộc biểu tình kéo dài trên sáu tháng của hàng trăm ngàn người sau cuộc bầu cử gian lận tháng 6 năm 2009. Thực tế, những nhà lãnh đạo nào có thể duy trì được sự ủng hộ của giới tinh hoa chủ chốt sẽ có khả năng tồn tại cho dù xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng. Giai đoạn 1989 tới 1991 cho chúng ta thấy các chế độ cộng sản nào mà giới tinh hoa của chúng duy trì được sự liên kết sẽ có khả năng tồn tại mặc cho những cuộc biểu tình rộng khắp (như ở Trung Quốc) hay suy thoái kinh tế trầm trọng (như Cuba, Bắc Triều Tiên).

Điều gì đã làm cho giới tinh hoa trong một số quốc gia quyết tâm nắm giữ quyền lực cho dù phải đối diện với khủng hoảng, trong khi ở các quốc gia khác họ lại nhanh chóng tìm đường chạy thoát? Ngày nay, những nhà nghiên cứu về sự dẻo dai của chế độ độc tài chủ yếu tập trung tìm hiểu tầm quan trọng của quá trình thể chế hóa qua đó cho phép giới tinh hoa được tiếp cận quyền lực và mạng lưới bảo trợ thân hữu.[4] Những chế độ độc tài nào tạo nên những cơ chế ổn định điều tiết sự tiếp cận tài sản vật chất của các nhà lãnh đạo, đặc biệt thông qua các đảng phái chính trị – sẽ kéo dài thời gian tồn tại và khuyến khích lòng trung thành lâu dài với chế độ. Theo quan điểm này, các đồng minh sẽ duy trì lòng trung thành đến chừng nào chế độ còn khả năng chi trả cho họ.

Tuy nhiên, sự sụp đổ đầy bất ngờ của chủ nghĩa cộng sản vào năm 1989 cũng giống như sự ngã ngựa của Ben Ali và Mubarak gần đây hơn cho thấy rằng ngay cả các chế độ dựa trên mạng lưới bảo trợ thân hữu vững chắc và sâu rộng thực tế lại vẫn dễ bị sụp đổ nhanh chóng cũng như chịu cảnh thành viên rời bỏ chế độ ào ạt. Ở Tuynidi và Ai Cập, tình trạng thất nghiệp cao, giá lương thực thực phẩm đắt đỏ đã nuôi dưỡng sự bất mãn cao độ; nhưng các chế độ này được hưởng lợi từ tình hình tăng trưởng khả quan của nền kinh tế năm 2010, có dư giả tiền để chi trả cho lực lượng cảnh sát và quân đội, và không thiếu sự bảo trợ dành cho tầng lớp quan chức lãnh đạo dân sự và an ninh.

Thực ra, những khích lệ hoàn toàn mang tính vật chất chỉ mang lại một sự liên kết lỏng lẻo trong lòng chế độ khi xẩy ra khủng hoảng.[5] Nếu cuộc khủng hoảng làm cho tầng lớp trên ngờ rằng chế độ chỉ tồn tại được trong một năm nữa thì họ có thể toan tính rằng họ sẽ được nhiều hơn mất nếu gia nhập lực lượng đối lập. Như Steven Levitsky và tôi đã lập luận, những chế độ chuyên chế khét tiếng nhất là những chế độ không ngừng ban phát bảo trợ bằng những mối quan hệ phi vật chất, những quan hệ này thúc đẩy sự tin tưởng trong giới tinh hoa khi xẩy ra khủng hoảng và khiến các đồng minh phải trả giá đắt nếu họ rời bỏ đội ngũ. Những liên kết phi vật chất bao gồm sự chia sẻ về sắc tộc hoặc hệ tư tưởng trong bối cảnh có sự chia rẽ sắc tộc hoặc tư tưởng sâu sắc.

Tuy nhiên, những ràng buộc mạnh mẽ và bền chặt nhất lại là những ràng buộc được rèn dũa trong đấu trang vũ trang cách mạng. Như Samuel P. Huntington đã lưu ý mấy chục năm trước đây rằng các cuộc cách mạng là “phương tiện chóng vánh nhất để làm nẩy sinh tình huynh đệ trong lịch sử.”[6] Hơn nữa, cuộc đấu tranh cách mạng thường đi kèm với những mối quan hệ đảng phái mạnh mẽ và cảm giác về một “sự nghiệp cao cả” vốn có thể là động cơ để các nhà lãnh đạo bám víu quyền lực ngay cả khi chế độ tỏ ra yếu kém và khả năng bảo trợ bị đe dọa.

Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, đấu tranh cách mạng thường tạo ra các mối quan hệ mạnh mẽ giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các lực lượng an ninh. Khi cuộc đấu tranh cách mạng xuất hiện, các lực lượng an ninh thường cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ sự tồn tại của chế độ và “thấm nhuần” hệ tư tưởng chủ đạo, tất cả những điều đó làm gia tăng tính kỷ luật. Cuộc đấu tranh cách mạng trong bạo lực thường có xu hướng sản sinh ra một thế hệ các nhà lãnh đạo có gan chấp nhận sư trấn áp bằng vũ lực.

Sự hiện hữu hoặc thiếu vắng của một cuộc đấu tranh cách mạng gần đây giải thích phần lớn tại sao một số thể chế cộng sản tồn tại sau sự kiện 1989 trong khi những thể chế cộng sản khác lại sụp đổ. Những chế độ cộng sản tiếp tục tồn tại sau khi Chiến Tranh lạnh kết thúc – bao gồm Trung Quốc, Cuba, Lào, Bắc Triều Tiên, Việt Nam – đều là những chế độ được lãnh đạo bởi các cựu binh của các cuộc đấu tranh cách mạng.[7]Sự tồn tại của chế độ (cộng sản) là đặc biệt đáng chú ý ở Trung Quốc, nơi mà chế độ phải đối mặt với những cuộc biểu tình khổng lồ năm 1989, và ở Cuba và Bắc Triều Tiên, nơi phải trải qua sự suy thoái kinh tế trầm trọng vào đầu những năm 1990 khi viện trợ của Liên Xô chấm dứt.

Ngược lại, hầu hết các chế độ cộng sản Đông Âu không trải qua một cuộc đấu tranh bạo lực kéo dài và đã sụp đổ mặc cho cấu trúc độc đảng lãnh đạo được thể chế hóa, điều mà nhiều người cho là sẽ đảm bảo sự ổn định của chế độ độc tài. Tương tự ở Nam Tư và Liên Xô, những nơi mà hầu hết thế hệ những người làm cách mạng đã chết trước 1989, các nhà lãnh đạo lại thiếu một tinh thần đồng đội đủ mạnh để đương đầu với những thử thách lớn. Chẳng hạn như ở Tuynidi và Ai Cập, tinh thần đồng đội đã không đủ mạnh để giúp họ cùng nhau bảo vệ chế độ khi khủng hoảng xẩy đến.

Iran, vốn nổi lên từ cuộc đấu tranh cách mạng, có lẽ là chế độ vững mạnh nhất trong khu vưc Trung Đông và Bắc Phi. Trong số các di sản khác nhau, cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và cuộc chiến tranh Iran- Iraq 1980-1988 đã giúp tạo ra những lực lượng an ninh có động lực ý thức hệ mạnh mẽ và có hiệu quả cao, bao gồm cả lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và các lực lượng bổ trợ bán quân sự Basij vốn được xem như “một trong những cơ quan trọng yếu bảo vệ an ninh nội bộ của chế độ Hồi giáo này.”[8] Sức mạnh và động cơ của những lực lượng này có thể giải thích tại sao chế độ Hồi giáo Iran đã tồn tại trong nhiều năm mặc cho sự cô lập quốc tế và những cuộc biểu tình rộng lớn vào năm 2009, vốn có thể sánh ngang cả về độ lớn và mức độ kéo dài so với những cuộc biểu tình ở Ai Cập, và lớn hơn nhiều so với những cuộc biểu tình ở Tuynidi.

Các quốc gia khác ở Trung Đông thiếu một truyền thống cách mạng như vậy nhưng lại sở hữu những mối quan hệ phi vật chất khác giúp nâng cao sự liên kết giới cầm quyền trong khủng hoảng. Ở Baranh và Syria, các chế độ dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của những nhóm dân thiểu số. Ở Baranh, nhiều người thuộc nhóm thiểu số Sunni coi nền quân chủ Sunni là chìa khóa để bảo vệ lợi ích của mình chống lại sắc dân Shia chiếm đa số. Ở Syria, vũ khí chính của tổng thống Bashar al- Assad dùng để chống lại quan điểm bất đồng là một lực lượng quân đội và tình báo được kiểm soát bởi những người đồng đạo Alawites của ông, những thành viên của một nhóm tôn giáo thiểu số chiếm chỉ một phần mười dân số. Sự ủng hộ của sắc dân thiểu số không đảm bảo một cách chắc chắn sự tồn tại của chế độ. Những cuộc biểu tình có thể trở nên quá lớn mạnh đến mức không thể kiểm soát được bởi ngay cả một lực lượng quân đội đoàn kết, hoặc tình hình trở nên quá tồi tệ khiến các sắc dân thiểu số bỏ rơi những người đã từng đỡ đầu họ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự ủng hộ của các sắc dân thiểu số mang lại một nguồn trọng yếu giúp hình thành mức độ liên kết cao mà những chế độ khác không có.

Trong những trường hợp khác, như Libya, các lãnh đạo độc tài đã dựa vào các quan hệ thân tộc. Chẳng khác nhiều chế độ quân chủ Hồi giáo,[9]những người con trai, anh, em ruột thịt, dâu, rể của kẻ trị vì kiểm soát các nguồn lực cơ bản về kinh tế và hành chính. Những lãnh đạo độc tài trong những trường hợp này làm cho nhà nước yếu đi một cách có chủ ý bằng cả hai phương cách là nhét đầy các chức vụ nhà nước bằng những thân hữu vốn được lựa chọn dựa vào lòng trung thành hơn là năng lực của họ, đồng thời hạn chế ngân sách cho các cơ quan nhà nước không được trực tiếp kiểm soát bởi các đồng minh thân cận. Chẳng hạn ở Libya, Muammar Qadhafi đầu tư nghèo nàn cho quân đội, trong khi lại đảm bảo rằng những người con trai của ông chỉ huy những lực lượng dân quân được đào tạo bài bản và trang bị tốt nhất.[10] Những quan hệ thân tộc như vậy tạo nên nền tảng ủng hộ cho chế độ dù nhỏ nhưng đáng tin cậy trong các lực lượng an ninh. Khác hẳn với Tuynidi và Ai Cập, nơi mà các lực lượng quân đội chính quy đã đẩy Ben Ali và Mubarak ra khỏi vòng quyền lực, quân đội ở Libya quá nghèo và yếu để có thể buộc Qadhafi rời bỏ quyền lực. Qadhafi đã dựa vào sự ủng hộ kiên định của các lực lượng dân quân khi phải đối mặt với sự cô lập quốc tế và đợt không kích kéo dài 5 tháng của NATO. Trong khi đó, việc triệt phá nhà nước và dựa vào thân hữu cũng gây nên nhiều vấn đề cho ông ta. Bằng việc làm cho nhà nước yếu đi Qadhafi đã đặt chế độ của ông trong vòng nguy hiểm khi phải đối mặt với những xáo trộn xã hội đột ngột khiến cả khu vực phía đông của Libya rơi vào tay lực lượng đối lập non trẻ vào đầu năm 2011. Yếu kém đó cùng với những cuộc tấn công của NATO làm cho chế độ của ông bị ngã quỵ vào tháng Tám.

Tại sao dân chủ hóa thành công

Nhưng ngay cả khi lực lượng đối lập thành công trong việc hạ bệ những kẻ độc tài, thì nền dân chủ không vì thế mà được đảm bảo. Vào giữa năm 2011, những kẻ độc tài trong phần lớn khu vực Trung Đông đã rơi vào tình trạng bị động, chống đỡ, hứa hẹn những cải cách mà chỉ tám tháng trước không ai có thể hình dung được. Ví dụ, sau sự sụp đổ của Mubarak, Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (SCAF) đã có những nhượng bộ đáng kể bao gồm cả việc đưa cựu tổng tống Ai Cập ra tòa. Một báo cáo viết “Các vị tướng sốt sắng xoa dịu dân chúng, có lẽ lo sợ rằng mình sẽ là mục tiêu tiếp theo.”[11]

Cũng vậy, những người cựu cộng sản ở khắp Liên Xô cũ đã phản ứng lại cuộc đảo chính thất bại của những người theo đường lối cứng rắn vào tháng Tám năm 1991 bằng cách xóa sổ Đảng Cộng sản và tuyên bố ủng hộ thay đổi dân chủ. Tổng thống Nga Boris Yeltsin hứa sẽ tiến hành cải tổ cơ bản KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô). Tuy nhiên khi thiếu vắng một xã hội dân sự vững mạnh, thì áp lực xã hội vốn từng khơi dậy sự cải cách chính trị đã tỏ ra không bền vững trong trung hạn. Không bị kiềm chế bởi bất kỳ một lực lượng đối lập tự do có tổ chức tốt nào, các nhà độc tài trên khắp Liên Xô cũ đã nhanh chóng tập hợp lại sau cú sốc chuyển đổi ban đầu. Yeltsin đã thay đổi quan điểm và giữ lại nhiều cơ cấu cũ của KGB. Ngày nay truyền thông tự do và các cuộc bầu cử cạnh tranh vốn đã từng được cho là không thể đảo lộn nay chỉ còn là một kí ức xa vời.

Sự thụt lùi nhanh chóng đó được tạo ra dễ dàng hơn bởi trên thực tế hầu hết mọi người đều có kí ức ngắn ngủi. Vào đầu những năm 1990, người dân trên khắp Liên Xô cũ bị tác động mạnh vẽ bởi lòng căm phẫn chủ nghĩa cộng sản, thứ chủ nghĩa làm cho người dân liên tưởng đến những cái kệ trống rỗng, hàng hóa kém chất lượng và những lãnh đạo già nua. Nhưng nền kinh tế sụp đổ và siêu lạm phát trong vài năm đã thay đổi tất cả, khiến người ta hoài niệm về thời kỳ chủ nghĩa xã hội trong xúc cảm trìu mến, ước vọng ổn định, phúc lợi xã hội và sức mạnh toàn cầu. Sự luyến tiếc như vậy là một nguyên do dẫn tới sự ủng hộ dành cho Vladimir Putin ở Nga. Ở Moldova, những cảm giác đó đã đưa Đảng Cộng sản trở lại nắm quyền vào năm 2001. Ở Ba Lan và Hungari, những cựu đảng viên cộng sản đã có thể giành chiến thắng trong những cuộc bầu cử chỉ vài năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Trong những quốc gia như Tuynidi và Ai Cập, dường như chắc chắn rằng chỉ trong vòng vài năm, nếu không muốn nói là sớm hơn, chế độ cũ sẽ có vẻ tốt hơn nhiều trong con mắt của nhiều người. Có ít lý do để nghĩ rằng những nhà lãnh đạo mới sẽ có một thời gian dễ dàng hơn để giải quyết những vấn đề về tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp vốn từng châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Hơn nữa, sự chuyển đổi ở Ai Cập đã làm hồi sinh những xung đột bè phái và gia tăng tội phạm mà nguyên nhân có thể do thay đổi chế độ. Như nhiều nơi ở Liên Xô trước đây, nhiều người cho rằng nền dân chủ được xem như đồng nghĩa với hỗn loạn.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà dân chủ hóa tất sẽ thất bại. Từ năm 1989, tất cả các quốc gia ở Trung Âu và ngay cả hầu hết các quốc gia vùng Ban-căng đã trở nên dân chủ. Sự hồi sinh của những cựu đảng viên cộng sản ở Hungari và Ba Lan không làm tiêu tan nền dân chủ ở đó. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt trong các quốc gia này?

Dựa vào kinh nghiệm hậu cộng sản, có vài điều mà bây giờ chúng ta biết là ít quan trọng hơn chúng ta từng nghĩa. Trước hết, thiết kế hiến pháp không quan trọng mấy. Rất nhiều học giả cho rằng các nền dân chủ mới nổi với cơ quan lập pháp mạnh (cộng hòa nghị viện) thì có nhiều khả năng tồn tại hơn so với các nền dân chủ có vị trí tổng thống quyền lực (cộng hòa tổng thống).[12] Tuy nhiên, kinh nghiệm hậu cộng sản cho thấy rằng một vị trí tổng thống nhiều quyền lực vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của chế độ chuyên chế.[13] Nga và Bêlarút đã xây dựng các chế độ “siêu tổng thống” lần lượt vào năm 1993 và năm 1996 sau khi các nhà độc tài đã hoàn tất công việc giải tán nghị viện một cách bạo lực ở mỗi nước. Nhìn chung, mức độ tập trung quyền lực của tổng thống có mối tương quan rất lớn với khoảng cách từ Tây Âu, càng xa Tây Âu hơn thì khả năng hình thành chủ nghĩa độc tài và những vị tổng thống quyền lực càng lớn hơn, thay vì là các nền dân chủ và những tổng thống với quyền lực hạn chế. Cuối cùng, có ít bằng chứng cho thấy quyền lực chính thức của cơ quan lập pháp đóng vai trò nào đó trong quá trình dân chủ hóa Đông Âu.[14]Các quy định của hiến pháp phần lớn đã bị lờ đi trong khắp khu vực này. Chẳng hạn cả Slobodan Milosevic của Liên bang Nam Tư và Vladimir Meciar của Slovakia đều có quyền lực lớn hơn nhiều so với pháp luật của quốc gia họ quy định, và sự hạ bệ của họ bởi các lực lượng dân chủ chẳng liên quan gì tới bất cứ quyền lực lập pháp chính thức nào.

….

Một môi trường bất lợi

Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Bai hoc nam 1989.pdf


[1] Marc Morje Howard, “Similarities and Differences between Eastern Europe in 1989 and the Middle East in 2011,” http://themonkeycage.org/blog/2011/05/30/similarities-and-differences-between-eastern-europe-in-1989-and-the-middle-east-in-2011.

[2] Valerie Bunce and Sharon Wolchik, Defeating Authoritarian Leaders in Postcommunist Countries (New York: Cambridge University Press, 2011).

[3] Trích trong Colleen Lowe Morna, “Tanzania: Nyere’s Turnabout,” Africa Report, September-October 1990, 24.

[4] Xem Barbara Geddes, “That Do We Know About Democratization After Twenty Years?” Annual Review of Political Science 2 (1990): 155-44; Beatriz Magaloni, “Credible Power- Sharing and the Longevity of Authoritarian Rule,” Comparative Political Studys 41 (April 2008): 715-41; và Bruce Bueno de Mesquita and Alastair Smith, “How Tyrants Endure,” New York Times, 9 June 2011.

[5] Steven Levisky & Lucan A. Way, Compatitive Authoritarianism: Hybrid Regimes After the Cold War (New York: Cambridge University Press, 2010).

[6] Samuel P. Huntington, Political Order in Changing Societies (New Haven: Yale University Press, 1968), 311.

[7] Ngoại lệ đối với mẫu hình này là Anbani, nơi chế độ đã sụp đổ bất chấp sự áp đảo kéo dài của các cựu binh trong cuộc đấu tranh vũ trang, chủ yếu do yếu kém quá lớn của nhà nước.

[8] Hossein Aryan, “Iran’s Basij Force: The Mainstay of Domestic Security,” Radio Free Europe/Radio Liberty, 7 December 2008.

[9] Để biết một phân tích và miêu tả kinh điển đối với chế độ quân chủ Hồi giáo, xem H.E. Chehabi and Juan J. Linz, eds., Sultanistic Regimes (Baltimore: John Hopkins University Press, 1989).

[10] Tony Capaccio, “Coalition Aircraft Watching Qaddafi Son’s Elite Unit, U.S. Commander Says, “Bloomberg News, 23 March 2011.

[11] Rechard F. Worth, “Egypt’ Next Crisis,” New York Times, 27 May 2011.

[12] Tuyên bố kinh điển của lập luận này được đưa ra bởi Juan J. Linz hơn 20 năm trước đây trong “The Perils of Presidentialism,”Journal of Democracy 1 (Winter 1990): 51-69. Xem thêm M. Steven Fish, “Stronger Legislatures, Stronger Democracies,” Journal of Democracy 17 (January 2006): 5-20.

[13] Gerald M. Easter, “Preference for Presidentialism: Postcommunist Regime Change in Russia and the NIS, “World Politics 49 (January 1997): 184-211.

[14]  Levisky & Way, Competitive Authoritarianism, ch.6.