#92 – Một số điều kiện xã hội tiên quyết của nền dân chủ: Sự phát triển kinh tế và tính chính danh chính trị

Print Friendly, PDF & Email

electionbox

Nguồn: Seymour Martin Lipset (1959). “Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy”, The American Political Science Review, Vol. 53, No.1 (March), pp. 69-105.>>PDF

Biên dịch: Đoàn Trương Hiên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lời giới thiệu: Nếu nhìn vào tình hình Thái Lan hiện nay, có thể thấy câu hỏi các điều kiện xã hội nào giúp tạo nên một nền dân chủ ổn định là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh chính trị của mọi quốc gia.  Trong bài viết nhiều ảnh hưởng gần như trở thành kinh điển này (đã được trích dẫn hơn 4.000 lần), tác giả Saymour M. Lipset phân tích các điều kiện gắn liền với sự phát triển kinh tế (bao gồm mức độ công nghiệp hóa, sự thịnh vượng, đô thị hóa, và nền giáo dục) tác động ra sao tới tính chính danh chính trị và mức độ ổn định của một nền dân chủ. Tác giả cũng phân tích tầm quan trọng đặc biệt của hiệu quả chính phủ cũng như các cơ chế giảm các chia rẽ xã hội trong việc duy trì một nền dân chủ ổn định. Nghiencuuquocte.net xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết quan trọng này.

Các điều kiện liên quan đến sự tồn tại và ổn định của xã hội dân chủ từ lâu đã là một mối quan tâm hàng đầu của triết học chính trị. Trong bài viết này, vấn đề sẽ được công kích trên quan điểm xã hội và hành vi học, bằng cách đưa ra một số giả thuyết liên quan đến một số điều kiện tiên quyết hình thành xã hội dân chủ, và bằng cách thảo luận một số dữ liệu có sẵn để kiểm chứng những giả thuyết này. Khi xem xét các điều kiện – như các giá trị, các thể chế xã hội, các sự kiện lịch sử – vốn nằm ngoài bản thân hệ thống nhưng lại làm nền tảng duy trì các dạng hệ thống chính trị phổ biến, bài viết sẽ vượt ra khỏi phạm vi thông thường mà xã hội học chính trị công nhận. Lĩnh vực đang lên này chủ yếu tập trung vào phân tích nội bộ các tổ chức có những mục đích chính trị khác nhau hoặc các nhân tố quyết định hành động bên trong các thể chế chính trị khác nhau như các đảng phái, các cơ quan chính phủ, hay là quá trình bầu cử.[1] Còn mối quan tâm lớn hơn về quan hệ giữa hệ thống chính trị với xã hội nói chung lại được để giành cho các nhà triết học chính trị.

I. Giới thiệu

Một phân tích xã hội học về bất cứ khía cạnh nào của hành vi, bất kể là thuộc hệ thống xã hội lớn hay nhỏ, đều phải dẫn đến những giả thuyết cụ thể, những tuyên bố có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm. Chính vì vậy, khi bàn về nền dân chủ, người nghiên cứu phải có khả năng chỉ ra một loạt những điều kiện có thật trong thực tế tồn tại ở một số quốc gia, và khẳng định rằng: nền dân chủ đã xuất hiện dưới những điều kiện như vậy, đã trở nên bền vững nhờ các thiết chế và hệ thống giá trị hỗ trợ nhất định như vậy, cũng như là nhờ quá trình tự duy trì bên trong của nó. Những điều kiện được liệt kê ra phải là những điều kiện phân biệt những quốc gia dân chủ nhất với hầu hết các quốc gia khác.

Một cuộc tranh luận gần đây của một nhóm các lí thuyết gia chính trị học về “các điều kiện tiên quyết về văn hóa để vận hành thành công một chế độ dân chủ” đã chỉ ra những khác biệt trong cách tiếp cận của các nhà xã hội học chính trị và các triết gia chính trị học đối với một vấn đề tương tự nhau.[2] Một phần đáng kể của hội thảo chuyên đề này dành cho một tranh luận liên quan đến những đóng góp của tôn giáo, đặc biệt là đạo đức Cơ Đốc Giáo, đối với thái độ về dân chủ. Tác giả chính, Ernest Frifith, nhận ra mối liên kết quan trọng giữa những di sản và quan điểm của người Do Thái giáo- Cơ Đốc giáo giúp duy trì các thể chế dân chủ; những người khác thì nhấn mạnh rằng những điều kiện chính trị và kinh tế có lẽ tạo ra cơ sở cho sự đồng thuận đối với những giá trị cơ bản của nền dân chủ chứ không phụ thuộc vào tôn giáo; và họ chỉ ra suy thoái, nghèo đói, và xã hội vô tổ chức là những nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa phát xít ở Ý và Đức, bất chấp việc hai nước này có dân số và truyền thống tôn giáo mạnh mẽ. Điều đáng chú ý nhất trong tranh luận này là sự thiếu vắng những quan điểm chỉ ra rằng những đề xuất lí thuyết phải có thể kiểm tra được bằng cách so sánh mọi trường hợp một cách hệ thống, trong đó những trường hợp bất thường cũng phải được xem xét hợp lí như những trường hợp bình thường khác. Mặt khác, trong hội thảo chuyên đề này những trường hợp bất thường không hợp với những đề xuất đưa ra trước sẽ được dẫn chứng để chứng minh rằng không có mối liên hệ thường xuyên giữa điều kiện xã hội với một hệ thống chính trị phức tạp nào đó. Do vậy, các cuộc xung đột giữa các triết gia chính trị về những điều kiện cần thiết tạo nền tảng cho một hệ thống chính trị thường dẫn đến những minh chứng rằng một trường hợp cụ thể nào đó rõ ràng bác bỏ giả thuyết của một đối thủ, cũng giống như sự tồn tại của một số người xã hội chủ nghĩa nhưng giàu, hay những người bảo thủ nhưng nghèo, chứng minh rằng yếu tố kinh tế không phải là một yếu tố quyết định quan trọng tác động tới sự chọn lựa chế độ chính trị yêu thích.

Lợi thế của nỗ lực chia các điều kiện hình thành nền dân chủ thành một số các biến có mối tương quan đến nhau (sẽ được trình bày ở đây) là việc đưa những trường hợp bất thường vào để xem xét một cách hợp lý. Nhiều chứng cứ thống kê ủng hộ mối quan hệ của một biến như giáo dục với dân chủ đã chỉ ra rằng sự tồn tại của các trường hợp bất thường (như Đức, quốc gia theo chế độ độc tài dù sở hữu một hệ thống giáo dục tiên tiến) không thể là cơ sở duy nhất bác bỏ giả thuyết đã đưa ra. Một trường hợp bất thường nếu xét trong bối cảnh mà tập hợp được chứng cứ đó từ tất cả các trường hợp liên quan thực ra lại củng cố giả thuyết cơ bản nếu nghiên cứu chuyên sâu trường hợp đó cho thấy có các điều kiện đặc biệt ngăn cản sự xuất hiện của mối quan hệ thông thường.[3] Do đó, nghiên cứu bầu cử cho thấy một tỷ lệ lớn các nhà cánh tả giàu có về kinh tế cũng phải chịu thiệt thòi quyền lợi ở các mặt khác của xã hội như địa vị sắc tộc hay tôn giáo.

Tranh cãi trong lĩnh vực này bắt nguồn không chỉ từ sự đa dạng trong phương pháp luận mà còn từ việc sử dụng các định nghĩa khác nhau. Rõ ràng để thảo luận về dân chủ, hoặc bất kỳ một hiện tượng nào khác, điều cần thiết đầu tiên là phải định nghĩa nó. Để phục vụ mục đích bài viết này, nền dân chủ (trong một xã hội phức tạp) được định nghĩa là một hệ thống chính trị mà hiến pháp tạo ra các cơ hội để thường xuyên thay đổi các vị trí cầm quyền. Nó là một cơ chế xã hội cho phép giải quyết vấn đề ra quyết định xã hội giữa các nhóm có lợi ích khác nhau bằng cách cho phép phần đông dân số ảnh hưởng đến việc ra các quyết định này thông qua việc họ có thể lựa chọn giữa các ứng viên khác nhau cho các vị trí trong bộ máy chính trị. Phần lớn đúc rút ra từ các tác phẩm của Joseph Schumpeter và Max Weber,[4] định nghĩa này hàm ý cần một số điều kiện cụ thể sau: (a) một “công thức chính trị,” một hệ thống niềm tin, để hợp pháp hóa hệ thống dân chủ và định rõ các thể chế như các đảng phái, hệ thống báo chí tự do, vv… – những thể chế đã được hợp pháp hóa, tức được tất cả mọi người chấp nhận là thích hợp, (b) một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị đang nắm quyền, và (c) một hoặc nhiều nhóm những nhà lãnh đạo không nắm quyền đóng vai trò đối lập hợp pháp, cố gắng giành lại việc nắm quyền.

Sự cần thiết của những điều kiện này là khá rõ ràng. Đầu tiên, nếu một hệ thống chính trị không được đặc trưng bởi một hệ thống giá trị cho phép “chơi trò chơi” quyền lực một cách hòa bình – tức là “nhóm bên ngoài” (những người không nắm quyền) tuân thủ những quyết định đưa ra của “nhóm bên trong” (nhóm nắm quyền lực) và “nhóm bên trong” công nhận quyền lợi của “nhóm bên ngoài” – thì sẽ không thể có một nền dân chủ ổn định. Đây là vấn đề mà nhiều quốc gia Mỹ Latinh phải đối mặt. Thứ hai, nếu kết quả của cuộc chơi chính trị đó không theo định kì trao quyền lực hữu hiệu cho một nhóm, một đảng hoặc liên minh ổn định, thì sẽ dẫn đến việc hình thành một chính quyền bất ổn và vô trách nhiệm chứ không phải là một nền dân chủ. Tình trạng này tồn tại ở nước Ý tiền phát xít, và hầu hết (chứ không phải toàn bộ) lịch sử của nền Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng Hòa của Pháp, những nền chính trị đặc trưng bởi các liên minh yếu kém trong chính phủ, thường hình thành từ sự xung đột lợi ích và giá trị cốt lõi giữa các đảng với nhau. Thứ ba, nếu không có các điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài một phe đối lập hiệu quả thì sẽ dẫn đến tình trạng chức quyền của các quan chức tại vị sẽ được tối đa hóa, trong khi ảnh hưởng của phía đa số đối với một chính sách sẽ bị tối thiểu hóa. Đây là tình hình ở tất cả các nước độc đảng; và theo phần đông nhìn nhận, ít nhất theo phương Tây, thì đó là những quốc gia độc tài.

Hai đặc điểm phức tạp và chính yếu của hệ thống xã hội sẽ được xem xét ở đây bởi chúng có vai trò quan trọng đối với nền dân chủ ổn định: sự phát triển kinh tế và tính chính danh (legitimacy). Hai đặc điểm này sẽ được trình bày như những đặc điểm có tính cấu trúc của một xã hội, giúp chống đỡ cho hệ thống chính trị dân chủ. Sau khi thảo luận về một tập hợp liên quan đến phát triển kinh tế (bao gồm công nghiệp hóa, thịnh vượng, đô thị hóa, và giáo dục) và các hệ quả của nó đối với nền dân chủ, chúng ta sẽ chuyển đến hai khía cạnh của vấn đề về tính chính danh, hay có thể nói là mức độ mà các thể chế được đánh giá và được xem xét là có đúng đắn và thích hợp hay không. Mối quan hệ giữa tính chính danh và tính hiệu quả của hệ thống (cái sau được chứng minh thông qua việc kinh tế có phát triển hay không) sẽ được trình bày, sau đó sẽ là một thảo luận về các nguồn gốc gây ra sự chia rẽ trong một xã hội và các cách thức mà việc giải quyết các vấn đề lịch sử chủ chốt có thể gây ra các hình thức chia rẽ lớn hay giúp hàn gắn theo chiều ngang để giảm xung đột đến một mức độ có thể kiểm soát được. Cuối cùng, bài viết sẽ đánh giá sự ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau này đến tương lai của nền dân chủ.

Bài viết sẽ không xem xét chi tiết lịch sử chính trị của từng quốc gia như định nghĩa khái quát, vì mức độ tương đối hay nội dung xã hội của nền dân chủ ở các nước khác nhau không phải là vấn đề nghiên cứu thực sự của bài viết này. Tuy nhiên, một số vấn đề nhất định liên quan đến phương pháp xử lý mối quan hệ giữa các đặc điểm phức tạp của các xã hội nói chung sẽ cần phải được thảo luận qua.

Mối tương quan cực lớn giữa các khía cạnh của cấu trúc xã hội, ví dụ như ở một bên là thu nhập, giáo dục, tôn giáo và bên còn lại là dân chủ, không thể là dự đoán thậm chí ngay cả trên cơ sở lý thuyết, bởi vì do các tiểu hệ thống chính trị của xã hội hoạt động một cách độc lập, một dạng thức chính trị đặc biệt vẫn có thể tồn tại trong những điều kiện mà thường không hề thuận lợi cho sự hình thành của nó. Hoặc, một dạng thức chính trị có thể được hình thành bởi một tập hợp những yếu tố lịch sử khá đặc biệt, dù cho những đặc điểm chủ chốt của xã hội ủng hộ việc ra đời một hình dạng khác. Đức là một ví dụ của một quốc gia mà những thay đổi cấu trúc – như phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự giàu có, và giáo dục – đều ủng hộ việc hình thành một hệ thống dân chủ, nhưng một loạt các sự kiện lịch sử trái ngược khiến cho nền dân chủ không bảo vệ được tính hợp lý của nó trong mắt nhiều mảng nhóm xã hội quan trọng, và do đó làm suy yếu khả năng của nền dân chủ Đức trong việc chống đỡ khủng hoảng.

Trong những dữ liệu sắp được trình bày, không nên quá nhấn mạnh vào các mối tương quan dù cho có lớn giữa dân chủ và các đặc điểm mang tính thể chế khác của xã hội, bởi vì các sự kiện đặc biệt có thể lúc này giúp tồn tại bền bỉ nhưng lúc khác lại gây ra sự thất bại cho nền dân chủ trong bất kỳ xã hội cụ thể nào. Max Weber lập luận khá mạnh mẽ rằng những khác biệt trong mẫu hình các quốc gia thường phản ánh các sự kiện lịch sử then chốt, những sự kiện này đã tạo ra một quá trình vận động chính trị cho quốc gia này, nhưng lại là một quá trình khác trong một quốc gia kia. Để minh họa cho quan điểm của mình, ông sử dụng sự so sánh với trò chơi xúc xắc theo đó mỗi lần xúc xắc đưa ra một con số nhất định, nó sẽ có xu hướng xoay ngày càng lặp lại con số đó một lần nữa.[5] Theo Weber, một sự kiện đã dẫn dắt một quốc gia tiến tới nền dân chủ sẽ tạo ra một quá trình vận động làm tăng khả năng nền dân chủ đó sẽ giành chiến thắng một lần nữa tại thời điểm then chốt tiếp theo trong lịch sử của đất nước. Quá trình này chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta giả định rằng một khi đã được thiết lập, hệ thống chính trị dân chủ sẽ tập hợp được đà tiến, tạo ra các hỗ trợ xã hội (như các thể chế) để đảm bảo sự tiếp tục tồn tại của nó. Vậy nên một nền dân chủ “chưa trưởng thành” mà tồn tại được cũng sẽ làm như thế bằng cách (trong nhiều cách khác nhau) tạo thuận lợi cho sự phát triển của các điều kiện có lợi cho dân chủ, chẳng hạn như phổ quát giáo dục, hoặc các tổ chức tư tự trị. Bài viết này chú trọng chủ yếu đến việc giải thích các điều kiện xã hội hỗ trợ hệ thống chính trị dân chủ, chẳng hạn như giáo dục hay tính chính danh; bài viết sẽ không đi vào chi tiết các dạng cơ chế bên trong được sử dụng để duy trì hệ thống dân chủ như các quy tắc cụ thể của cuộc chơi chính trị.[6]

Việc khái quát hoá một cách tương đối nhằm xem xét những hệ thống xã hội phức tạp cần phải tính đến các đặc điểm lịch sử đặc biệt của bất kỳ một xã hội nào trong phạm vi nghiên cứu. Để kiểm chứng những khái quát đó liên quan gì tới sự khác biệt giữa các quốc gia xếp hạng cao hay thấp trong việc sở hữu các thuộc tính liên quan đến dân chủ, cần lập một số biện pháp đo lường thực nghiệm về các dạng của hệ thống chính trị. Sự trệch hướng cá biệt khỏi một khía cạnh cụ thể của nền dân chủ không phải là quá quan trọng, miễn là các định nghĩa rõ ràng bao trùm phần lớn các quốc gia được xem là dân chủ hay là không. Ranh giới chính xác giữa “dân chủ hơn” và “ít dân chủ hơn” cũng không phải là một vấn đề quan trọng mang tính cơ bản, vì có lẽ dân chủ được xem không phải là một đặc tính của một hệ thống xã hội có thể tồn tại hoặc không tồn tại, mà thay vào đó là một phức hợp các đặc điểm có thể được xếp loại theo nhiều cách khác nhau. Vì lý do này các quốc gia đang được xem xét được chia thành hai nhóm, chứ không phải cố gắng để xếp loại chúng từ cao nhất đến thấp nhất. Việc xếp loại các quốc gia cá thể từ dân chủ nhất đến kém dân chủ nhất khó khăn hơn nhiều so với việc tách chúng thành hai loại dân chủ “nhiều hơn” và “ít hơn”, mặc dù làm như vậy thì những trường hợp bấp bênh như Mexico cũng có thể gây ra vấn đề.

Nỗ lực phân loại tất cả các quốc gia gặp phải một số vấn đề. Đa phần các quốc gia không có truyền thống chính trị dân chủ lâu đời nằm ở các khu vực có truyền thống kém phát triển trên thế giới. Có lẽ Max Weber đã đúng khi ông cho rằng nền dân chủ hiện đại trong hình dạng tốt nhất của nó chỉ có thể xuất hiện dưới những điều kiện đặc biệt của nền công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa.[7] Một số rắc rối gây ra bởi sự khác biệt sâu sắc trong việc thực thi chính trị ở các phần khác nhau trên thế giới có thể được giảm bớt bằng cách trước hết xử lí sự khác biệt giữa các quốc gia trong cùng nội bộ một khu vực văn hóa chính trị. Có hai khu vực tốt nhất có thể so sánh nội bộ như vậy, một là Mỹ Latinh, và một là Châu Âu và các quốc gia nói tiếng Anh. Các so sánh hạn chế hơn cũng có thể được thực hiện giữa các quốc gia Châu Á, và giữa các nước Ả Rập với nhau.

Trong bài viết này, tiêu chí chủ yếu để định vị các nền dân chủ châu Âu đó là: Quốc gia đó phải có nền chính trị dân chủ không bị gián đoạn kể từ Thế chiến thứ nhất, không có sự hiện diện của một phong trào chính trị lớn chống lại “các quy tắc của trò chơi”[8] dân chủ suốt 25 năm qua. Mỹ Latinh được áp dụng các tiêu chí phần nào ít nghiêm ngặt hơn: liệu quốc gia đó có lịch sử bầu cử ít nhiều tự do trong hầu hết giai đoạn hậu Thế chiến thứ nhất hay không. Trong khi ở châu Âu, chúng tôi xem xét các nền dân chủ ổn định, thì ở Nam Mỹ, chúng tôi tìm những nước không có sự cầm quyền độc tài tương đối liên tục (xem bảng I). Chúng tôi không phân tích chi tiết lịch sử chính trị của châu Âu hay châu Mỹ Latinh nhằm tìm ra các tiêu chuẩn cụ thể hơn để phân biệt (giữa dân chủ và không dân chủ); cho tới lúc này khi xem xét các điều kiện tiên quyết của nền dân chủ, kết quả bầu cử là đủ để xác định các nước châu Âu (dân chủ hay không), còn đối với Mỹ Latinh thì các đánh giá của các chuyên gia cùng với những đánh giá bao quát dựa vào những thực tế khá nổi tiếng của lịch sử chính trị là đủ cho việc xác định (dân chủ) ở khu vực này.[9]

BẢNG I: PHÂN LOẠI CHÂU ÂU, CÁC QUỐC GIA NÓI TIẾNG ANH VÀ CÁC QUỐC GIA MỸ – LA TINH THEO MỨC ĐỘ ỔN ĐỊNH CỦA NỀN DÂN CHỦ

Châu Âu và các quốc gia nói tiếng Anh

Các quốc gia Mỹ Latinh

Các nền dân chủ ổn định Các nền dân chủ và các nền độc tài không ổn định Các nền dân chủ và các nền độc tài không ổn định Các chế độ độc tài ổn định
ÚcBỉCanadaĐan MạchIrelandLuxemburg

Hà Lan

New Zealand

Na Uy

Thụy Điển

Thụy Sĩ

Liên Hiệp Anh

Mỹ

ÁoBungariSécPhần LanPhápĐức (Tây Đức)

Hy Lạp

Hungary

Iceland

Ý

Ba Lan

Bồ Đào Nha

Rumani

Tây Ban Nha

Nam Tư

ArgentinaBraxinChileColombiaCosta RicaMexico

Uruquay

BoliviaCubaCộng Hòa DominicaEcuadorEl SalvadorGuatemala

Haiti

Honduras

Nicaragua

Panama

Paraguay

Peru

Venezuela

II. Sự phát triển kinh tế và nền dân chủ

Có lẽ việc nền dân chủ liên quan đến tình trạng phát triển kinh tế là nhận thức được phổ quát hóa phổ biến nhất về mối liên hệ giữa hệ thống chính trị với các khía cạnh khác của xã hội. Cụ thể, điều này có nghĩa là một quốc gia càng giàu có, thì càng có cơ hội lớn hơn để duy trì nền dân chủ. Từ Aristotle cho đến nay, nhiều người đã lập luận rằng chỉ có trong một xã hội giàu có, tương đối ít người dân sống trong nghèo đói thì mới có thể thực sự tồn tại trạng thái mà trong đó số đông dân số tham gia một cách thông minh vào nền chính trị và có thể phát triển khả năng tự kiềm chế cần thiết trước cám dỗ của những kẻ mị dân vô trách nhiệm. Một xã hội mà phân chia thành một bên là đa số người dân nghèo đói và bên còn lại là thiểu số tầng lớp thượng lưu giàu có sẽ dẫn đến kết quả xã hội đó hoặc theo chính thể đầu sỏ (sự thống trị độc tài của tầng lớp trên) hoặc theo chế độ độc tài. Và hai hình thức chính trị đó có thể được gọi với cái tên hiện đại hơn: Chủ nghĩa cộng sản hoặc Chủ nghĩa Peron – bộ mặt hiện đại của chế độ độc tài; còn chính thể đầu sỏ xuất hiện ngày nay dưới hình thức là các chế độ độc tài truyền thống tồn tại ở các nước châu Mỹ Latinh, Thái Lan, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha.

Để có phương tiện kiểm tra giả thuyết này một cách cụ thể, các chỉ số khác nhau của sự phát triển kinh tế – như sự giàu có, công nghiệp hóa, đô thị hóa và giáo dục – đều được xác định rõ ràng, và các chỉ số trung bình được tính toán cho các quốc gia được xếp loại là ít hay nhiều dân chủ hơn ở khu vực các nước Anglo-Saxon, châu Âu và châu Mỹ La tinh

Theo những số liệu trong Biểu số II chỉ ra, ở mỗi trường hợp, mức độ trung bình về sự giàu có, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, và trình độ về  học vấn ở các nước dân chủ hơn đều cao hơn rất nhiều. Nếu chúng ta gộp chung Mỹ Latinh và châu Âu vào trong một bảng, những sự khác biệt sẽ lớn hơn.[10]

BẢNG  II. BẢNG SO SÁNH CHÂU ÂU, CÁC NƯỚC NÓI TIẾNG ANH VỚI CÁC NƯỚC MỸ LATINH, ĐƯỢC CHIA THÀNH 2 NHÓM, “DÂN CHỦ HƠN VÀ ÍT DÂN CHỦ HƠN”, DỰA VÀO CÁC CHỈ SỐ: ĐỘ GIÀU CÓ, CÔNG NGHIỆP HÓA, GIÁO DỤC VÀ ĐÔ THỊ HÓA (1)

(Vui lòng download file để xem bảng)

Các chỉ số chủ yếu về sự giàu có được sử dụng ở đây là thu nhập bình quân đầu người, số người trên mỗi đầu xe cơ giới và mỗi bác sĩ, và số radio, điện thoại, và báo cho mỗi một ngàn người. Bảng II đã chỉ ra một cách chi tiết sự khác biệt nổi bật ở tất cả các điểm so sánh. Ở các nước châu Âu dân chủ hơn, cứ 17 người thì có 1 người sở hữu một xe cơ giới so với 143 ở các nước kém dân chủ hơn. Các nước Mỹ Latinh ít độc tài thì cứ 99 người có 1 người sở hữu một xe cơ giới, so với 274 cho những nước độc tài hơn.[11] Chênh lệch thu nhập giữa các nhóm cũng sắc nét, mức thu nhập bình quân đầu người trung bình $695 ở các nước dân chủ hơn của châu Âu giảm xuống còn $308 ở những người kém dân chủ hơn, sự khác biệt tương ứng cho châu Mỹ La tinh là từ $171 xuống còn $119. Phạm vi dao động thể hiện một sự nhất quán, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong mỗi nhóm thuộc về nhóm nước “ít dân chủ hơn”, và cao nhất trong nhóm “dân chủ hơn”.

Công nghiệp hóa – các chỉ số của sự giàu có mối liên quan rõ ràng với công nghiệp hóa – được tính bằng phần trăm số nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và bình quân lượng năng lượng sản xuất cho mục đích thương mại được tiêu thụ trong quốc gia đó, tính bằng số tấn than của một người trong một năm. Tất cả những chỉ số đó đều cho thấy những kết quả nhất quán. Phần trăm trung bình số nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và các ngành nghề liên quan là 21 ở các quốc gia Châu Âu “dân chủ hơn”, và 41 ở các nước “kém dân chủ hơn”, 52 ở các nước Mỹ Latinh “ít chuyên chính hơn”, và 67 ở các nước “chuyên chính hơn”. Những khác biệt trong lượng năng lượng sử dụng bình quân đầu người cũng lớn tương tự.

Mức độ đô thị hóa cũng liên quan đến sự tồn tại của chế độ dân chủ.[12] Ba chỉ số khác nhau của đô thị hóa có trong dữ liệu soạn bởi International Urban Research (Berkeley, California) là phần trăm dân số sống ở những nơi có dân số 20.000 người và cao hơn, phần trăm dân sống trong các cộng đồng có dân số cao hơn 100.000 người hoặc cao hơn, và cả phần trăm dân cư cư trú ở những vùng đô thị tiêu chuẩn. Trong số cả 3 chỉ số đô thị hóa đó và cho cả hai khu vực văn hóa chính trị đang được xem xét, các quốc gia dân chủ hơn đều đạt kết quả cao hơn các quốc gia kém dân chủ hơn.

Nhiều người chỉ ra rằng một quốc gia có dân số được giáo dục càng tốt, thì cơ hội hơn tiến tới nền dân chủ càng nhiều, một lượng dữ liệu tương đối có sẵn để hỗ trợ cho nhận định này. Các quốc gia “dân chủ hơn” ở Châu Âu hầu hết đều phổ cập giáo dục: tỉ lệ ít nhất là đã 96%, trong khi các quốc gia “kém dân chủ hơn” có tỉ lệ phổ cập giáo dục trung bình là 85%. Ở Mỹ Latinh, sự khác nhau nằm ở tỉ lệ trung bình 74% ở các nước “ít chuyên chế hơn” so với 46% ở các nước “chuyên chế hơn.”[13] Số người đi học trên mỗi một ngàn dân ở ba cấp học khác nhau, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, và giáo dục đại học, đều có mối liên quan nhất quán tới mức độ dân chủ. Sự chênh lệch vô cùng lớn được chỉ ra trong hai trường hợp nằm ở hai thái cực của Haiti và Mỹ. Trẻ em Haiti (11 trẻ em trên mỗi một ngàn người) tham gia vào bậc giáo dục tiểu học còn ít hơn so với số lượng người Mỹ đi học đại học (gần 18 người trên mỗi một ngàn người).

Mối quan hệ giữa giáo dục và dân chủ đáng được chú ý nhiều hơn bởi vì toàn bộ tư tưởng triết học về chính quyền dân chủ đều xem sự phát triển của nền giáo dục như là sự lan tỏa một điều kiện cơ bản đối với nền dân chủ.[14] Như Bryce đã viết khi đề cập đặc biệt đến Mỹ Latinh, “giáo dục, nếu không làm cho con người trở nên những công dân tốt, thì ít nhất cũng làm họ dễ dàng hơn trong việc trở thành người như thế.”[15] Giáo dục có lẽ đã mở mang tầm nhìn của con người, cho họ khả năng hiểu sự cần thiết của các quy phạm về lòng khoan dung, ngăn họ đi theo các học thuyết cực đoan và nhất nguyên, và giúp họ tăng khả năng đưa ra những lựa chọn bầu cử sáng suốt.

Những bằng chứng về sự đóng góp của giáo dục đối với nền dân chủ thậm chí còn trực tiếp và mạnh hơn khi xét đến hành vi cá nhân bên trong các quốc gia khác nhau so với trong mối tương quan xuyên quốc gia. Các dữ liệu thu thập được bởi các cơ quan khảo sát ý kiến người dân ở các quốc gia khác nhau về niềm tin của họ đối với các quy phạm ứng xử dân chủ – như sự khoan dung dành cho phe đối lập, về thái độ của họ đối với vấn đề dân tộc và sắc tộc thiểu số, và niềm tin vào đa đảng hay một đảng – cho thấy rằng giáo dục chính là yếu tố cá biệt quan trọng nhất khiến cho người tham gia có những câu trả khác nhau về dân chủ. Một người càng được giáo dục cao, thì họ càng có khuynh hướng tin vào những giá trị dân chủ và ủng hộ thực thi dân chủ.[16] Tất cả các nghiên cứu chỉ ra rằng giáo dục có tầm quan trọng vượt xa thu nhập hay nghề nghiệp.

Các phát hiện này cho phép ta tiên đoán một mối tương quan giữa trình độ giáo dục của quốc gia và việc thực thi chính trị cao hơn so với trong thực tế. Đức và Pháp nằm trong những quốc gia được giáo dục tốt nhất Châu Âu, nhưng điều này lại rõ ràng không làm vững chắc được nền dân chủ. Có lẽ do nền giáo dục đã phục vụ cho việc ngăn chặn các lực lượng chống dân chủ khác. Các dữ liệu về nước Đức hậu Quốc xã chỉ ra một cách rõ ràng rằng nền giáo dục cao hơn có liên quan tới sự cự tuyệt chính quyền độc tài hoặc độc đảng.[17]

Nếu chúng ta không thể nói rằng một trình độ giáo dục “cao” là điều kiện đủ cho một nền dân chủ, thì những bằng chứng sẵn có gợi ý rằng trong một thế giới hiện đại, nó gần như là điều kiện cần thiết. Vậy nên nếu chúng ta xem xét Mỹ Latinh, nơi mà nạn mù chữ rộng khắp vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia, chúng ta có thể tìm thấy rằng trong số tất cả các quốc gia mà hơn một nửa dân số là mù chữ, thì vẫn có một quốc gia duy nhất là Brazil có thể được ghép vào trong nhóm “dân chủ hơn”

Một số bằng chứng từ những vùng văn hóa nghèo nàn về kinh tế chỉ ra rằng trình độ học vấn có mối quan hệ tới nền dân chủ. Libăng, một thành viên của Liên đoàn Ả Rập duy trì các thể chế dân chủ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, là quốc gia được giáo dục tốt nhất trong số các quốc gia Ả Rập (hơn 80% dân số phổ cập giáo dục). Ở phần còn lại của Châu Á, phía đông của thế giới Ả Rập, chỉ có 2 quốc gia là Philippin và Nhật Bản vẫn duy trì chế độ dân chủ mà không có sự hiện diện của các đảng chống dân chủ lớn nào suốt từ 1945. Và cả 2 quốc gia đó, tuy thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn bất kì quốc gia Châu Âu nào, vẫn nằm trong số những quốc gia dẫn đầu về trình độ giáo dục.  Philippin thực tế đứng thứ 2 sau Mỹ ở tỷ lệ người học trung học và đại học, trong khi Nhật Bản đạt được trình độ giáo dục cao hơn bất kì quốc gia nào ở Châu Âu.[18]

Tuy các chỉ số được trình bày một cách riêng lẻ, nhưng có vẻ rõ ràng rằng những nhân tố công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự giàu có, và giáo dục có mối tương quan mật thiết với nhau trong việc hình thành một nhân tố chung.[19] Và những nhân tố được gộp chung dưới khái niệm phát triển kinh tế này mang theo nó một mối tương quan chính trị với nền dân chủ.[20]

Trước khi đi tới thảo luận về mối liên hệ bên trong giữa tập hợp các yếu tố của sự phát triển với nền dân chủ, chúng ta nên đề cập đến một nghiên cứu về khu vực Trung Đông, mà kết luận quan trọng của nghiên cứu đó chứng minh mối quan hệ thực nghiệm của các yếu tố trên. Một khảo sát về sáu quốc gia Trung Đông (Thổ Nhĩ Kì, Libăng, Ai Cập, Syria, Jordan và Iran), được thực hiện bởi Cục Nghiên Cứu Xã Hội Ứng Dụng Đại Học Columbia trong năm 1950 – 1951, đã tìm thấy những mối liên quan lớn giữa đô thị hóa, trình độ học vấn, tỉ lệ bỏ phiếu, sự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm truyền thông, và giáo dục.[21] Các mối tương quan một chiều và đa chiều giữa bốn biến số cơ bản đã được tính toán cho tất cả các quốc gia có sẵn số liệu thống kê từ Liên Hiệp Quốc, trong trường hợp này là 54 quốc gia. Các tương quan đa chiều đối với mỗi biến số phụ thuộc lần lượt như sau:[22]

Biến phụ thuộc Các hệ số tương quan
Đô thị hóa .61
Phổ cập giáo dục .91
Sự tham gia truyền thông .84
Sự tham gia chính trị .84

Ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kì và Libăng có hầu hết các chỉ số cao hơn so với 4 quốc gia được phân tích, và Lerner chỉ ra rằng “những sự kiện lớn sau chiến tranh ở Ai Cập, Syria, Jordan và Iran là những cuộc đấu tranh bạo lực tranh giành việc kiểm soát quyền lực – Thổ Nhĩ Kì và Libăng không có những cuộc đấu tranh như vậy vì sự kiểm soát quyền lực đã được quyết định bằng bầu cử.”[23]

Một trong những đóng góp của Lerner là chỉ ra những hậu quả của sự phát triển thiếu cân đối về một hướng gây ra cho sự ổn định chung, và việc cần thiết phải có những thay đổi được điều phối đối với tất cả các biến số trên. Vậy nên, khi ông so sánh đô thị hóa và trình độ giáo dục của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì, ông kết luận rằng mặc dù Ai Cập đô thị hóa hơn rất nhiều so với Thổ Nhĩ Kì, Ai Cập vẫn chưa thật sự “hiện đại hóa”, và thậm chí còn chưa có một nền tảng thích hợp cho hiện đại hóa, bởi vì giáo dục chưa được đặt ngang hàng. Ở Thổ Nhĩ Kì, tất cả các chỉ số về hiện đại hóa bắt kịp với nhau, với việc tăng sự tham gia bầu cử (36% năm 1950), trình độ học vấn, đô thị hóa v.v… cùng tăng lên. Ở Ai Cập thì tương phản lại, những thành phố đầy “những người mù chữ vô gia cư”, tạo nên mảnh đất màu mỡ cho việc huy động chính trị ủng hộ các lý tưởng cực đoan. Theo giả định về sự phụ thuộc chức năng lẫn nhau của các nhân tố “hiện đại hóa” trong cách nhìn của Lerner thì Ai Cập đáng lẽ ra phải có trình độ giáo dục gấp đôi Thổ Nhĩ Kì, bởi vì Ai Cập đô thị hóa gấp đôi. Theo Lerner, thực tế rằng trình độ giáo dục Ai Cập chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng giải thích cho những sự “bất cân đối” “có xu hướng xoay vòng luẩn quẩn, làm tăng tốc sự vô tổ chức xã hội”, về chính trị cũng như kinh tế.[24]

Lerner giới thiệu thêm một phần bổ sung quan trọng về mặt lý thuyết – mà ông xem là một trong những điều kiện cho một xã hội công nghiệp hiện đại, đó là gợi ý rằng các biến then chốt đó xét trong quá trình hiện đại hóa có thể được xem như những giai đoạn có tính lịch sử, với nền dân chủ là một phần trong quá trình phát triển về sau, hay theo cách nói của Lerner về một xã hội công nghiệp hiện đại thì đó là “sự hoàn thiện thể chế của một xã hội (có sự) tham gia (chính trị)”. Quan điểm của ông về mối quan hệ giữa các biến, được xem như những giai đoạn, đáng được trích dẫn kỹ càng:

Sự tiến hóa thế tục của một xã hội có sự tham gia chính trị xem ra có liên quan đến một chuỗi 3 giai đoạn thường xuyên. Đô thị hóa đi đầu, bởi vì bản thân các thành phố đã tự nó phát triển một phức hợp những kĩ năng và tài nguyên đặc trưng cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Trong ma trận đô thị này phát triển những đặc tính phân biệt hai giai đoạn còn lại – sự phát triển của trình độ giáo dục và phương tiện truyền thông. Giữa giáo dục và truyền thông có một mối quan hệ tương hỗ mật thiết, bởi vì giáo dục phát triển truyền thông và ngược lại truyền thông truyền bá giáo dục. Tuy nhiên, trình độ giáo dục mới đóng chức năng then chốt trong giai đoạn thứ 2. Khả năng đọc, tuy ban đầu được tiếp thu bởi khá ít người, nhưng nhờ nó mà con người có thể làm được nhiều việc khác nhau cần thiết cho một xã hội hiện đại. Mãi cho đến giai đoạn thứ 3, khi mà công nghệ tinh vi xuất hiện từ sự phát triển công nghiệp khá tiên tiến thì xã hội mới bắt đầu sản xuất báo chí, mạng lưới phát thanh, và phim điện ảnh trên quy mô lớn. Và những thứ này tới lượt mình làm tăng tốc độ truyền bá giáo dục. Từ sự tương tác này đã phát triển thêm các thể chế của sự tham gia (ví dụ như bầu cử) mà chúng tôi tìm thấy ở hầu hết các xã hội tiến bộ.[25]

Luận đề của Lerner dù quan tâm đến sự phụ thuộc lẫn nhau về chức năng của các yếu tố hiện đại hóa lại không được hỗ trợ bởi dữ liệu của ông, nhưng những tài liệu được trình bày trong bài viết này sẽ đưa ra cơ hội để nghiên cứu theo hướng đó. Những trường hợp bất thường, ví dụ như Ai Cập, nơi mà nền giáo dục “bị tụt hậu” có liên quan tới những căng thẳng nghiêm trọng và những cuộc biến động tiềm tàng, những trường hợp bất thường đó cũng có thể được tìm thấy ở Châu Âu và Mỹ Latinh. Và những phân tích về chúng, dù không được tiến hành trong bài viết này, sẽ làm rõ hơn những động lực cơ bản của sự hiện đại hóa, và vấn đề ổn định xã hội giữa lúc thay đổi thể chế.

Có một số quá trình làm nền tảng cho các mối tương quan này được quan sát thấy ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, bên cạnh tác động đã được đề cập của trình độ giáo dục và biết chữ cao trong việc tạo ra và duy trì niềm tin vào các chuẩn mực dân chủ. Có lẽ quan trọng nhất là mối quan hệ giữa hiện đại hóa với hình thức “đấu tranh giai cấp”. Đối với những tầng lớp thấp hơn, sự phát triển kinh tế, vốn có nghĩa là tăng thu nhập, an ninh kinh tế đảm bảo hơn, giáo dục cao hơn, sẽ cho phép những người ở địa vị xã hội này phát triển những quan điểm về chính trị lâu dài hơn, cũng như các cách nhìn về nền chính trị phức tạp hơn và có niềm tin vào sự thay đổi dần dần của nền chính trị. Niềm tin vào sự cải cách dần dần mang tính thế tục của nền chính trị chỉ có thể là hệ tư tưởng của một tầng lớp thấp tương đối giàu có.[26] Thu nhập tăng lên và giáo dục phát triển cũng phục vụ cho nền dân chủ bằng cách tăng mức độ mà tầng lớp thấp hơn được tiếp xúc với những áp lực giằng chéo nhau mà chính việc này sẽ làm giảm mức độ cam kết của họ đối với những lí tưởng nhất định và làm cho họ ít tiếp thu và ủng hộ những lí tưởng cực đoan hơn. Cách hoạt động của quá trình này sẽ được bàn luận kĩ hơn ở phần thứ hai của bài viết này, nhưng về cơ bản thì nó hoạt động thông qua việc mở rộng sự can dự của họ vào một nền văn hóa quốc gia hợp nhất chứ không phải như một tầng lớp thấp biệt lập khỏi những hoạt động chính trị của quốc gia. Chính điều này làm tăng sự tiếp xúc của họ với những giá trị của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Mác lập luận rằng giai cấp vô sản là lực lượng cách mạng bởi vì họ chẳng có gì để mất ngoài xiềng xích và có thể giành được cả thế giới. Nhưng Tocqueville, khi phân tích những lí do tại sao tầng lớp thấp hơn ở Mỹ lại ủng hộ hệ thống xã hội (dân chủ), đã diễn giải ngược lại lời của Mác trước khi Mác đưa ra phân tích này, bằng cách chỉ ra rằng “chỉ những người không có gì để mất thì mới nổi dậy.”[27]

Việc ngày càng thịnh vượng không những có mối liên quan nhân quả tới sự phát triển của nền dân chủ khi giúp thay đổi tình trạng xã hội của những người công nhân, mà còn ảnh hưởng tới vai trò chính trị của tầng lớp trung lưu thông qua việc thay đổi hình dạng cấu trúc phân tầng xã hội (chuyển từ hình kim tự tháp kéo dài, với đáy rộng là tầng lớp thấp hơn, sang hình kim cương với sự lớn lên của tầng lớp trung lưu). Một tầng lớp trung lưu lớn đóng vai trò xoa dịu xung đột bởi nó có khả năng tưởng thưởng các đảng phái ôn hòa và dân chủ và trừng phạt các nhóm cực đoan.

Thu nhập quốc gia cũng có mối liên quan tới những giá trị chính trị và đặc trưng của tầng lớp trên. Một quốc gia càng nghèo, và mức sống tuyệt đối của tầng lớp dưới càng thấp, thì tầng lớp trên càng chịu áp lực đối xử với tầng lớp dưới như những kẻ ngoài lề xã hội, thô tục, kém cỏi bẩm sinh, hay thuộc về một đẳng cấp thấp hèn. Sự khác biệt sâu sắc trong phong cách sống của những người ở top trên và những người ở dưới đáy xã hội khiến cho điều này là không thể tránh khỏi về mặt tâm lí. Vậy nên, tầng lớp trên có xu hướng xem những quyền lợi chính trị của tầng lớp dưới, đặc biệt là việc chia sẻ quyền lực, về bản chất là vô lí và trái với đạo đức. Tầng lớp trên không những tự cản trở dân chủ, mà những cư xử kiêu căng thường xuyên của họ làm tăng những phản ứng cực đoạn trong một phần của những tầng lớp dưới.

Mức thu nhập chung của một quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các chuẩn mực về khoan dung chính trị dân chủ. Những giá trị dẫn tới việc bên nào cầm quyền không quá quan trọng, rằng sai lầm có thể chấp nhận được ngay cả ở đảng đang cầm quyền, có thể phát triển tốt nhất khi mà (a) Chính phủ có ít quyền lực để có thể ảnh hưởng đến các cơ hội sống còn của các nhóm lớn, hoặc (b) đất nước đủ giàu mạnh đến nỗi nếu sự tái phân phối của cải diễn ra thì đó thực sự cũng không tạo ra quá nhiều sự khác biệt. Nếu việc mất vị trí cầm quyền được xem như là mất mát nghiêm trọng đối với những nhóm quyền lực lớn, thì họ sẽ sẵn sàng trong việc dùng đến các biện pháp quyết liệt hơn nữa để tìm cách giữ lại hay bảo vệ vị trí đó. Mức độ giàu có cũng ảnh hưởng tới mức độ mà một quốc gia có thể phát triển các chuẩn mực có tính “phổ quát” cho những công chức nhà nước và các chính trị gia trong quốc gia đó (như lựa chọn công chức dựa trên năng lực, hiệu suất chứ không thiên vị). Một quốc gia càng nghèo thì càng có sự nhấn mạnh đối với sự giúp đỡ từ phía họ hàng và bạn bè, hay chính là thói gia đình trị. Sự suy yếu của các chuẩn mực có tính phổ quát làm giảm cơ hội phát triển một bộ máy công chức hiệu quả, một điều kiện cho quốc gia dân chủ hiện đại.[28]

Ít liên quan trực tiếp hơn nhưng dường như vẫn có liên hệ với sự giàu có là sự hiện diện của các tổ chức và thể chế trung gian có thể đóng vai trò là nguồn quyền lực đối trọng hay nơi thu hút những người tham gia vào tiến trình chính trị theo cách thức mà Tocqueville và một số người khác đã thảo luận và được biết tới dưới tên gọi là lý thuyết “xã hội đại chúng.”[29] Họ đã lập luận rằng một xã hội mà không có nhiều tổ chức tương đối độc lập khỏi quyền lực của nhà nước trung ương thì sẽ dễ xảy ra các nguy cơ độc tài hoặc cách mạng. Những tổ chức như thế đóng một số chức năng quan trọng cho nền dân chủ: chúng là nguồn quyền lực đối trọng, ngăn cản nhà nước hoặc bất kì nguồn quyền lực tư lớn nào thống trị các nguồn tài nguyên chính trị; chúng cũng là nguồn cho những ý tưởng mới; có thể là phương tiện truyền đạt ý tưởng, đặc biệt là các ý tưởng đối lập, cho một phần lớn công dân; chúng còn phục vụ cho việc rèn luyện các kĩ năng chính trị cho con người; và chúng giúp làm tăng mức độ quan tâm và tham gia vào chính trị. Mặc dù không có dữ liệu tin cậy liên quan đến mối quan hệ giữa các mẫu hình quốc gia của các tổ chức tình nguyện với hệ thống chính trị quốc gia, nhưng chứng cứ từ những nghiên cứu về hành vi cá nhân của một số quốc gia khác nhau chứng minh rằng, nếu không xét những nhân tố khác, thì những người tham gia các tổ chức sẽ có xu hướng có quan niệm dân chủ về các vấn đề liên quan đến sự khoan dung chính trị và hệ thống đảng phái, và có nhiều khả năng hơn trong việc tham gia vào quá trình chính trị – để hoạt động hay bỏ phiếu bầu cử. Vì chúng ta cũng đã biết rằng, bên trong các quốc gia, một người càng giàu có và được giáo dục tốt bao nhiêu thì anh ta càng có xu hướng tham gia vào các tổ chức tình nguyện, nên có vẻ như xu hướng hình thành những nhóm như thế này là một hệ quả của mức thu nhập và cơ hội theo đuổi sở thích lúc rảnh rỗi trong những quốc gia đó.[30]

Rõ ràng rằng dân chủ và các điều kiện liên quan đến sự ổn định dân chủ được thảo luận ở đây về cơ bản nằm ở các quốc gia Tây Bắc Âu và các quốc gia nói tiếng Anh ra đời sau như ở châu Mỹ và châu Đại Dương. Max Weber cũng như một số người khác đã lập luận rằng những nhân tố tạo nên nền dân chủ ở khu vực này là sự trùng hợp đặc biệt của các yếu tố lịch sử, và là một phần của một phức hợp các yếu tố vốn làm sản sinh ra chủ nghĩa tư bản ở khu vực này. Tranh luận cơ bản xoay quanh quan điểm rằng sự phát triển kinh tế tư bản (được tạo điều kiện thuận lợi và phát triển nhất ở khu vực theo đạo Tin Lành) tạo nên tầng lớp thị dân và sự xuất hiện của nó vừa là chất xúc tác vừa là điều kiện cần thiết cho một nền dân chủ. Sự nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong đạo Tin Lành đã đẩy mạnh sự xuất hiện của những giá trị dân chủ. Sức mạnh ban đầu lớn hơn của tầng lớp trung lưu ở những quốc gia này dẫn đến một liên minh giữa tầng lớp thị dân và hoàng gia, một liên minh giúp bảo vệ nền quân chủ, và do đó tạo thuận lợi cho tính chính danh của nền dân chủ giữa những tầng lớp bảo thủ. Vậy nên chúng ta có một cụm các yếu tố tương quan lẫn nhau: sự phát triển kinh tế, đạo Tin Lành, nền quân chủ, sự thay đổi chính trị dần dần, tính chính danh và nền dân chủ.[31] Nhiều người có thể tranh luận về việc yếu tố nào của cụm này là chính, nhưng có một điều là cụm các nhân tố và lực lượng này gắn kết lẫn nhau.

III.  Tính chính danh và nền dân chủ

Trong phần này tôi sẽ chuyển sang kiểm chứng một số điều kiện tiên quyết của nền dân chủ bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử cụ thể trong phức hợp trên, đặc biệt là những yếu tố liên quan tới sự cần thiết phải có một hệ thống chính trị dân chủ để đạt được tính chính danh, cũng như các cơ chế giúp giảm mức độ phân hóa chính trị. Những điều kiện tiên quyết này có mối tương quan với sự phát triển kinh tế nhưng cũng tách biệt ra khỏi nó, bởi vì chúng là những yếu tố trong bản thân hệ thống chính trị.

Tính chính danh và Tính hiệu quả. Trong thế giới hiện đại, như phần trước đã đưa ra các bằng chứng chứng minh, sự phát triển kinh tế, bao gồm công nghiệp hóa, đô thị hóa, trình độ giáo dục cao, và một sự phát triển đều đặn về của cải của xã hội, là điều kiện cơ bản để nuôi sống nền dân chủ; nó là thước đo về tính hiệu quả của cả một hệ thống.

Tuy nhiên, sự ổn định của một hệ thống chính trị không chỉ phụ thuộc vào tính hiệu quả của hệ thống trong việc hiện đại hóa, mà còn phụ thuộc vào tính hiệu quảtính chính danh của hệ thống chính trị đó. Tính hiệu quả chính là hiệu suất thực tế của một hệ thống chính trị, là việc hệ thống đó có tạo ra được một chính phủ với các chức năng cơ bản đáp ứng được kì vọng của hầu hết các thành viên trong một xã hội cũng như của những nhóm quyền lực lớn có khả năng đe dọa hệ thống đó (ví dụ như lực lượng quân đội) hay không. Tính hiệu quả của hệ thống chính trị dân chủ được đo bằng tính hiệu quả của bộ máy hành chính và hệ thống ra quyết định, vốn có thể giúp giải quyết được các vấn đề chính trị, và khác với tính hiệu quả của cả một hệ thống, mặc dù chắn chắn là sự sụp đổ chức năng của toàn xã hội cũng sẽ tác động tới các tiểu hệ thống chính trị bên dưới. Tính chính danh bao gồm khả năng của một hệ thống chính trị trong việc tạo ra và duy trì niềm tin rằng thể chế chính trị hiện hành là thể chế thích hợp và đúng đắn nhất cho xã hội đó. Mức độ mà các hệ thống chính trị dân chủ đương đại được xem là có tính chính danh hay không phụ thuộc phần lớn vào các phương pháp mà hệ thống đó sử dụng để giải quyết những vấn đề lịch sử then chốt gây chia rẽ xã hội. Nhiệm vụ của các phần trong bài viết là để chỉ ra, thứ nhất, mức độ chính danh của hệ thống dân chủ tác động như thế nào tới khả năng sống sót qua các khủng hoảng về tính hiệu quả, ví dụ như suy thoái kinh tế, hay sự thất bại trong chiến tranh, và thứ hai, chỉ ra những phương pháp mà qua đó việc giải quyết khác nhau các chia rẽ xã hội cơ bản trong lịch sử (vốn quyết định tính chính danh của các hệ thống khác nhau) sẽ củng cố hay làm suy yếu nền dân chủ thông qua ảnh hưởng của nó đối với cuộc đấu tranh giữa các đảng phái đương thời.

Trong khi tính hiệu quả thiên về các chiều hướng cụ thể, thì tính chính danh thiên về các khía cạnh cảm xúc và mang tính đánh giá (trừu tượng) hơn. Các nhóm xã hội sẽ xem xét đánh giá hệ thống chính trị là có chính danh hay không chính danh dựa vào việc những giá trị của hệ thống đó có hợp với những giá trị cơ bản của họ hay không. Những nhóm có vai trò quan trọng trong quân đội Đức, các cơ quan chính phủ, và những tầng lớp quí tộc đã từ chối nền Cộng Hòa Weimar không phải vì nền Cộng Hòa này không hiệu quả, mà là vì những giá trị của họ bị những biểu tượng và những giá trị cơ bản của nền cộng hòa này phủ nhận. Tính chính danh tự thân nó có thể liên quan tới nhiều dạng thức khác nhau của các tổ chức chính trị, bao gồm cả những tổ chức có tính chất đàn áp. Trước sự ra đời của công nghiệp hóa, xã hội phong kiến có được sự trung thành cơ bản của của hầu hết các thành viên trong đó. Những khủng hoảng về tính chính danh chủ yếu là một hiện tượng lịch sử gần đây, xuất phát từ việc phân tầng giai cấp sâu sắc giữa các nhóm xã hội ngày càng gia tăng, điều thông qua sự phát triển của các nguồn thông tin đại chúng có thể giúp tập hợp người dân xung quanh những giá trị khác biệt với những giá trị mà trước kia được xem là những giá trị hợp pháp duy nhất cho toàn bộ xã hội.

Cuộc khủng hoảng tính chính danh là một cuộc khủng hoảng của sự thay đổi, do đó, nguồn gốc của nó (vốn là nhân tố tác động lên sự ổn định của các hệ thống dân chủ) phải được tìm thấy trong đặc điểm của sự thay đổi ở xã hội hiện đại. Có thể đưa ra giả thuyết rằng khủng hoảng tính chính danh xảy ra trong quá trình chuyển đổi sang một cấu trúc xã hội mới, nếu (a) tất cả các nhóm lớn không được đảm bảo tiếp cận hệ thống chính trị trong khoảng giai đoạn ban đầu của chuyển đổi, hay ít nhất là ngay sau khi họ bày tỏ các đỏi hỏi chính trị; hoặc là nếu (b) nếu vị thế của các thể chế thủ cựu lớn bị đe dọa trong giao đoạn chuyển đổi cấu trúc. Sau khi một cấu trúc xã hội mới được hình thành, nếu hệ thống mới không có khả năng đáp ứng kì vọng của các nhóm lớn (thể hiện ở “tính hiệu quả”) trong một khoảng thời gian đủ dài để phát triển tính chính danh theo nền tảng mới, một cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy ra.

Tocqueville đã đưa ra một miêu tả sinh động cho kiểu mất tính chính danh đầu tiên, liên quan chủ yếu những quốc gia đã chuyển đổi từ những nền quân chủ quí tộc sang những nền cộng hòa dân chủ: “… một giai đoạn mới trong lịch sử thường xuất hiện trong vòng đời của một quốc gia khi mà những phong tục cũ của con người thay đổi, đạo đức công chúng bị suy đồi, niềm tin tôn giáo bị lung lay, và sức quyến rũ của truyền thống tan vỡ …” Công dân khi đó “không có lòng yêu nước bản năng của nền quân chủ lẫn tình yêu nước mà nền cộng hòa mang lại; … họ đứng lại giữa hai bên với sự bối rối và lo âu.”[32]

Tuy nhiên, nếu địa vị của các biểu tượng và các nhóm thủ cựu lớn không bị de dọa trong quá trình chuyển đổi mặc dù họ mất phần lớn quyền lực, thì nền dân chủ dường như được đảm bảo hơn rất nhiều. Minh chứng nổi bật nhất về mối quan hệ giữa tính chính danh vẫn được duy trì của các thể chế thủ cựu và nền dân chủ chính là mối quan hệ giữa chế độ quân chủ và dân chủ. Nếu xem xét vai trò của các cuộc cách mạng dẫn tới sự thành lập các nền cộng hòa ở Mỹ và Pháp như là sự khơi mào cho các phong trào chính trị dân chủ hiện đại, thì thực tế rằng 10 trong số 12 nền dân chủ ổn định ở châu Âu và các quốc gia nói tiếng Anh là những nền quân chủ dường như là một sự tương quan kỳ cục. Nước Anh, Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxemburg, Úc, Canada, và New Zealand là những vương quốc; trong khi những nền cộng hòa duy nhất đáp ứng được cặp điều kiện: có các quy trình dân chủ ổn định kể từ khi nền dân chủ được thiết lập, và không có một phong trào toàn trị lớn trong vòng 25 năm vừa qua, là Mỹ, Thụy Sĩ và Uruguay. Những quốc gia nào chuyển từ chính thể chuyên chế và chính thể đầu sỏ (có mối liên quan tới giáo hội nhà nước) sang một nhà nước phúc lợi dân chủ trong khi vẫn giữ lại hình thức của nền quân chủ, có vẻ dễ dàng tạo ra những thay đổi hơn trong khi vẫn giữ vững được tính chính danh xuyên suốt cho thể chế chính trị của họ.[33]

Sự duy trì chế độ quân chủ rõ ràng đã giữ lại cho hệ thống sự trung thành của những người không bằng lòng với sự phát triển của dân chủ hóa và chủ nghĩa quân bình như: các tầng lớp quí tộc, những người theo chủ nghĩa truyền thống và cả giới tăng lữ. Và bằng việc chấp nhận các tầng lớp thấp một cách hòa nhã hơn, bằng việc không chống cự tới mức cách mạng phải nổ ra, các nhóm thủ cựu đã chiến thắng hoặc giữ được sự trung thành của những “công dân” mới. Trong những trường hợp mà chính thể quân chủ bị đạp đổ bởi cách mạng và sự kế tục quyền lực có trật tự bị phá vỡ, những lực lượng này đã liên minh với nền quân chủ để tiếp tục phủ nhận tính chính danh của những người cộng hòa đôi khi cho tới tận thế hệ thứ năm hoặc nhiều hơn

Ý, một nền quân chủ lập hiến vốn đã trở thành một thể chế độc tài phát xít, tuy tương đối mới nhưng vẫn bị xem là không có tính chính danh đối với những nhóm lớn trong xã hội giống như Nền cộng hòa Pháp. Nhà Savoy đã xa lánh với Giáo Hội Công Giáo bằng cách phá hủy quyền năng thế tục của Giáo Hoàng, và vậy nên cũng không phải là người kế vị hợp pháp ở Vương quốc Hai Sicilie (Kingdom of the Two Sicilies – gồm Sicilie và Naples). Những tín đồ Công giáo thực tế bị nhà thờ cấm tham gia vào chính trị Ý, cho đến gần Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và nhà thờ đã hủy bỏ lệnh cấm ban đầu này chỉ vì sợ những người Xã hội Chủ nghĩa. Những người Công Giáo Pháp có thái độ tương tự đối với nền Đệ Tam Công Hòa trong khoảng thời gian tương tự. Cả nền cộng hòa Ý và Pháp đã phải điều hành đất nước trong suốt giai đoạn lịch sử của chúng mà không có sự hỗ trợ trung thành từ những nhóm quan trọng trong xã hội, cả cánh tả và cánh hữu. Do đó một nguồn quan trọng của tính chính danh nằm ở sự tiếp tục tồn tại của các thể chế thủ cựu và hội nhập quan trọng trong suốt quá trình quá độ mà trong đó các thể chế xã hội mới đang được hình thành.

Kiểu mất tính chính danh thứ hai (như đã được chỉ ra ở trên) liên quan tới cách xã hội giải quyết vấn đề “tham gia vào chính trị”. Quyết định về việc khi nào các nhóm xã hội mới (cả những nhóm thủ cựu và những nhóm đang nổi lên) nên được tiếp cận vào quá trình chính trị ảnh hưởng tới tính chính danh của hệ thống chính trị đó. Trong thế kỉ 19, những nhóm mới này chủ yếu là những người công nhân công nghiệp; cuộc khủng hoảng “tham gia vào nền chính trị” trong thế kỉ 20 chủ yếu liên quan tới tầng lớp tinh hoa của các xứ thuộc địa và những người nông dân. Mỗi khi các nhóm mới được tham gia vào hoạt động chính trị (ví dụ, khi những người công nhân ban đầu tìm kiếm sự tiếp cận đối với quyền lực kinh tế và chính trị thông qua các tổ chức kinh tế và việc bỏ phiếu, khi mà giai cấp tư sản đòi hỏi sự tiếp cận và tham gia vào bộ máy nhà nước, khi mà tầng lớp tinh hoa thuộc địa yêu cầu quyền kiểm soát hệ thống của riêng họ), thì sự tiếp cận tương đối dễ dàng đối với các thể chế chính trị có chính danh (hoặc hợp pháp) dường như sẽ lấy được lòng trung thành của những nhóm mới này đối với hệ thống, và đến lượt mình các nhóm mới này sẽ cho phép những tầng lớp thống trị cũ duy trì địa vị cố kết của họ. Ở những quốc gia như Đức, nơi mà sự tiếp cận bị bác bỏ trong suốt một thời gian dài, đầu tiên là tầng lớp tư sản, và sau đó là giai cấp công nhân, và nơi mà quyền lực được sử dụng để hạn chế sự tiếp cận, tầng lớp dưới bị cách biệt khỏi hệ thống, sẽ dẫn đến việc họ tiếp nhận những lí tưởng cực đoan mà sau này đến lượt mình, họ sẽ khiến các nhóm có ưu thế định sẵn không chấp nhận phong trào chính trị công nhân như là một lựa chọn thay thế hợp pháp.

Những hệ thống chính trị bác bỏ sự tiếp cận quyền lực của các tầng lớp mới (trừ việc thông qua cách mạng) cũng có nghĩa là đang ngăn cản sự phát triển tính chính danh bởi vì họ trì hoãn hi vọng tham gia vào đấu trường chính trị (của các tầng lớp mới này). Những nhóm cảm thấy buộc phải tìm đường tham gia vào chính trị thông qua các biện pháp vũ lực thường có xu hướng cường điệu hóa quá mức những khả năng mà việc tham gia chính trị có thể mang lại. Những hi vọng của họ đi xa hơn những giới hạn vốn có mà sự ổn định chính trị cho phép. Kết quả là, chế độ dân chủ sinh ra dưới những áp lực như vậy sẽ không những phải đối mặt với những khó khăn vì bị xem là bất hợp pháp bởi những nhóm trung thành với chế độ cũ, mà còn có lẽ bị phủ nhận bởi chính những người mang hi vọng cả ngàn năm nhưng không được đáp ứng bởi những thay đổi. Pháp dường như là một minh chứng cho hiện tượng như thế. Tầng lớp giáo hội cách tả có quan điểm cho rằng nền Cộng hòa này là bất hợp pháp (không có chính danh), trong khi nhiều nhóm xã hội của các tầng lớp thấp hơn vẫn kiên nhẫn chờ đợi một sự đáp ứng kì vọng cả ngàn năm qua của họ. Nhiều quốc gia mới giành được độc lập ở Châu Á và Châu Phi phải đối mặt với vấn đề làm sao giành được lòng trung thành của đại đa số người dân đối với các nhà nước dân chủ vốn không thể đáp ứng đầy đủ được những mục tiêu không tưởng được đặt ra bởi các phong trào dân tộc chủ nghĩa trong suốt  thời kỳ thực dân cũng như cuộc đấu tranh quá độ tiến tới độc lập.

Chúng ta đã thảo luận vài điều kiện liên quan đến việc duy trì, hoặc bảo đảm tính chính danh ban đầu cho một hệ thống chính trị. Giả sử (hệ thống mới) có tính hiệu quả tương đối chấp nhận được đi nữa, nhưng nếu địa vị của những nhóm thủ cựu lớn bị đe dọa, hay nếu sự tiếp cận của họ tới hệ thống chính trị bị chối bỏ trong những thời kỳ quan trọng, thì tính chính danh của hệ thống vẫn sẽ là một dấu hỏi chấm. Thậm chí trong những hệ thống có chính danh, nếu tính hiệu quả bị phá vỡ, lặp đi lặp lại hay trong một khoảng thời gian dài, thì tính ổn định của nó cũng sẽ bị đe dọa.

Một sự kiểm chứng quan trọng đối với tính chính danh là mức độ mà trong đó những quốc gia nhất định phát triển một “nền văn hóa chính trị thế tục” chung, những nghi thức quốc gia và những ngày nghỉ được sử dụng để duy trì tính chính danh của các hoạt động dân chủ khác nhau.[34] Nước Mỹ đã phát triển được một nền văn hóa chính trị thế tục đồng nhất chung như được phản ánh qua sự sùng kính và sự đồng thuận xung quanh Những Người Cha Lập Quốc, Jefferson, Lincoln, Theodore Roosevetl và những nguyên tắc của họ. Những yếu tố cộng đồng mà những chính trị gia Mỹ đều hưởng ứng như trên không phải xã hội dân chủ nào cũng có được. Ở một số quốc gia Châu Âu, Cảnh Tả và Cánh Hữu có một loạt những biểu tượng và những anh hùng chính trị trong lịch sử khác nhau. Pháp là dẫn chứng rõ ràng nhất về việc một quốc gia không phát triển một di sản cộng đồng chung như thế. Vậy nên nhiều sự đối đầu liên quan đến việc dùng những biểu tượng khác nhau giữa cánh tả và cánh hữu từ năm 1789 cho đến xuyên suốt phần lớn thế kỉ 19 “vẫn còn đang diễn ra, và vấn đề vẫn đang chưa được giải quyết; mọi người thời kỳ đó [thời kỳ những mâu thuẫn chính trị lớn] vẫn phân chia thành cánh tả và cánh hữu, tăng lữ và chống tăng lữ, cấp tiến và phản động, theo các nhóm cố kết được định đoạt bởi yếu tố lịch sử.”[35]

Tính chính danh và Sự chia rẽ xã hội

IV.  Các hệ thống chính phủ và nền dân chủ 

V. Những vấn đề của nền dân chủ đương đại

Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Mot so dieu kien xa hoi tien quyet cua nen dan chu.pdf


[1]    Xem bài của tôi “Political Sociology”, 1945 – 1955,” trong  Hans L. Zetterberg, biên tập, Sociology in the USA (Paris: UNESCO, 1956), trang 45 – 55, để biết tóm tắt những vấn đề đa dạng mà xã hội học chính trị nghiên cứu. Để biết một thảo luận về các xu hướng học thuật và lý do tập trung vào vấn đề dân chủ, xem tác phẩm “Political Sociology” do tôi viết, trong R. K. Merton, et. al, biên tập, Sociology today (New York: Basic Books, 1959), chương 3.

[2]    Ernest S. Friffith, John Plamenatz, và J. Roland Pennock, “Cultural Prerequisites to a Successfully Functioning Democracy: A Symposium,” this REVIEW, Vol. 50 (1956), trang 101 – 137.

[3]    Một ví dụ cụ thể về việc làm thế nào một trường hợp bất thường và việc phân tích nó lại hỗ trợ cho giả thuyết đưa ra có thể được tìm thấy trong cuốn Union Democracy (Glencoe: The Free Press, 1956) của S. M. Lipset, M. Trow, và J. Coleman. Cuốn sách này là một nghiên cứu về quá trình chính trị bên trong Hiệp Hội In Ấn Quốc Tế (ITU), trong đó có một hệ thống hai đảng lâu dài, bầu cử tự do và thường xuyên thay đổi bộ máy điều hành, vậy nên đây là một ngoại lệ rõ ràng nhất của “định luật sắt của chính thể đầu sỏ” của Robert Michels. Tuy nhiên bài nghiên không chủ định là một báo cáo về Hiệp hội này, mà đúng hơn là phương tiện tốt nhất để kiểm tra và nhân rộng “định luật” của Michels. Nghiên cứu này chỉ có thể được thực hiện thông qua một nỗ lực có hệ thống để thiết lập một lý thuyết cơ bản và rút ra được những giả thuyết. Cách tốt nhất để bổ sung vào kiến thức về quản trị bên trong của các tổ chức tình nguyện dường như phải là nghiên cứu về các trường hợp bất thường nhất. Trong quá trình xem xét các điều kiện lịch sử và cấu trúc đặc biệt để duy trì hệ thống hai đảng trong ITU, lý thuyết chung đã được làm rõ.

[4] Joseph Schumpeter, Capitalism, Socialism and Democracy, (New York: Harper and Bros., 1947, trang 232 – 302, nhất là trang 269; Max Weber, Essays in Sociology, (New York: Oxford University Press), trang 226.

[5]    Max Weber, The Methodology of the Social Sciences, (Glencoe: The Free Press, 1949), trang 182-185; cũng xem S.M. Lipset, “A Sociologist Looks at History,” Pacific Sociological review, Vol.1 (Spring 1958), trang 13 – 17.

[6]    Xem Competitive Pressure and Democratic Consent của Morris Janowitz và Dwaine Marvick, Nghiên cứu chính phủ Michigan, số 32 (Văn phòng Chính phủ, Học viện Hành chính, Đại học Michigan, 1956), và A Preface to Democratic Theory của Robert A. Dahl,  (Đại học Chicago, 1956), đặc biệt trang 90 – 123, để biết về những nỗ lực mang tính hệ thống gần đây nhằm làm rõ một số cơ chế bên trong của nền dân chủ. Đọc “An Approach to the Analysis of Political Systems,” World Politics, của David Easton, Vol. 9 (1957), trang 383 – 400 , để xem thảo luận các vấn đề phân tích nội bộ của các hệ thống chính trị.

[7] Xem Max Weber, “Zur Lage der burgerlichen Demokratic in Russland,” Archiv fur Sozialwissenschaft und Sozialpolitk, , Vol.22 (1906), trang 346.

[8]    Điều thứ 2 nghĩa là không có phong trào chuyên chế, cả Phát xít hay Cộng sản nào, nhận được 20 phần trăm số phiếu bầu trong thời gian này. Trên thực tế tất cả các quốc gia châu Âu ở phía bên dân chủ đều có các phong trào chuyên chế giành được ít hơn bảy phần trăm số phiếu bầu.

[9]    Ví dụ như nhà sử học Arthur P.Whitaker đã tổng kết những đánh giá của các chuyên gia về Mỹ Latinh để kết luận rằng “các nước xấp xỉ gần nhất với các lý tưởng dân chủ là … Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, và Uruquay. Xem “The Pathology of Democracy in Latin America: A Historian’s Point of View,” Tạp chí này, Vol. 44 (1950), trang 101-118. Trong nhóm này tôi đã thêm vào Mexico. Mexico đã cho phép tự do báo chí, hội họp và các đảng đối lập, mặc dù hiển nhiên rằng những sự tự do đó không giúp những đảng đối lập có cơ hội giành chiến thắng bầu cử, bởi lá phiếu được tính bởi những người đương nhiệm. Sự tồn tại của các nhóm đối lập, bầu cử có cạnh tranh và các điều chỉnh giữa các phe phái khác nhau của Đảng Cách mạng Thể chế cầm quyền vẫn thực sự mang lại một mức độ ảnh hưởng đáng kể cho người dân lên hệ thống.

Nỗ lực khá thú vị của Russell Fitzgibbon nhằm đạt được ‘một đánh giá mang tính thống kê về nền dân chủ Mỹ Latin” dựa trên ý kiến của các chuyên gia không hữu ích lắm cho các mục đích của bài viết này. Các chuyên gia được yêu cầu không chỉ xếp hạng các nước dân chủ hoàn toàn dựa trên cơ sở các tiêu chí chính trị, mà còn xem xét các “tiêu chuẩn sống” và “trình độ học vấn.” Những yếu tố sau có thể là điều kiện cho dân chủ, nhưng không phải là một khía cạnh của nền dân chủ đúng nghĩa như vậy. Xem Russell H. Fitzgibbon, “A Statiscal Evaluation of Latin American Democracy,” Western Political Quarterly, Vol. 9 (1956), trang 607-619.

[10] Lyle W. Shannon đã tương quan hóa các chỉ số phát triển kinh tế với việc một quốc gia có tự trị hay không, và những kết luận của ông cũng khá tương tự. Bởi vì Shannon không đưa ra những chi tiết về cách phân loại các quốc gia là tự trị hay không tự trị, nên không có biện pháp trực tiếp nào để cân đo đong đếm mối quan hệ giữa các quốc gia “dân chủ” và “tự trị”. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia được đưa ra phân tích trong bài viết này được chọn dựa trên giả định rằng đặc tính “dân chủ” thì vô nghĩa đối với các quốc gia không tự trị, vậy nên, có thể đoán chừng rằng tất cả các quốc gia đó, dù có dân chủ hay là độc tài, cũng đều nằm trong phân loại “tự trị” của Shannon. Shannon chỉ ra rằng, sự kém phát triển có mối liên quan với việc thiếu chính quyền tự trị; dữ liệu của tôi chỉ ra rằng một khi đã đạt được sự tự chủ, sự phát triển vẫn còn mối liên quan tới đặc điểm của hệ thống chính trị. Xem Shannon (biên tập), Underdeveloped Areas (New York: Harper, 1957), và cả bài báo của ông, “Is Level of Government Related to Capacity of Self-Government?” American Journal of Economics and Sociology, Vol. 17 (1958) trang. 367-382. Trong bài viết sau, Shannon xây dựng một chỉ số hỗn hợp, sử dung một số các chỉ số giống nhau, như là số dân cư trên mỗi một bác sĩ, và được lấy từ cùng các nguồn của Liên Hiệp Quốc, như có thể thấy trong các bảng theo dõi bên dưới. Công trình của Shannon không thu hút sự chú ý của tôi lắm mãi cho tới sau khi bài viết này được chuẩn bị, vậy nên cả hai bài viết có thể xem như những thử nghiệm riêng biệt cho những giả thuyết mang tính so sánh.

[11]   Phải nhớ rằng những những số liệu này là giá trị trung bình, được biên soạn lại từ những số liệu thống kê ở nhiều quốc gia. Các dữ liệu khác nhau về độ chính xác, và không có cách nào đo đạc tính hợp lệ của những số liệu tính toán  được pha trộn như được trình bày ở đây. Hướng nhất quán và độ lớn của những sự khác nhau đó là biểu hiện chính của tính hợp lệ.

[12]   Đô thị hóa thường được liên kết tới dân chủ bởi các nhà lí luận chính trị học. Harold J. Laski khẳng định rằng “một chế độ dân chủ có sự tổ chức là sản phẩm của đời sống thành thị,” và đó là một điều tự nhiên vậy nên dân chủ đã “tạo dựng được hình dạng hiệu quả đầu tiên” từ thời các thành bang Hy Lạp, dù định nghĩa “công dân” của họ lúc đó còn hạn chế. Xem bài “Democracy” trên Encyclopedia of the Social Sciences (New York: Macmillan, 1937), Vol. V, trang. 76 – 85. Max Webber cho rằng thành phố, như một thể loại nhất định của cộng đồng chính trị, là một hiện tượng đặc biệt của Phương Tây, và ông truy nguyên khái niệm “quyền và nghĩa vụ công dân” từ sự phát triển xã hội có mối liên quan mật thiết với đô thị hóa. Để xem một phần trình bày quan điểm của ông, xem chương “Citizenship”, trên General Economic History (Glencoe: The Free Press, 1959), trang 315 – 338. Phải lưu ý là trước 1933, sức mạnh bầu cử của Đảng Quốc xã mạnh nhất ở trong các cộng đồng nhỏ và các vùng sâu xa. Berlin, là thành phố duy nhất của Đức với hơn 2 triệu dân, không bao giờ bỏ quá 25 phiếu bầu cho Đảng Quốc xã trong một cuộc bầu cử tự do. Một thành viên Quốc xã điển hình, cũng giống như thành viên phong trào Poujadist ở Pháp hay phong trào Phát xít mới ở Ý ngày nay, thường là cư dân tự tuyển dụng ở những thị trấn nhỏ và các quận huyện xa xôi. Dù đảng cộng sản, với vai trò là đảng của giới công nhân, có ảnh hưởng mạnh nhất trong các khu dân cư lao động tại các thành phố lớn trong nước, họ chỉ có sức mạnh bầu cử lớn ở những quốc gia Châu Âu kém đô thị hóa, ví dụ như Hy Lạp, Phần Lan, Pháp, Ý.

[13]   Mô hình được chỉ ra từ sự so sánh các giá trị trung bình của từng nhóm nước được hỗ trợ bởi phạm vi dao động (mức cao nhất hoặc thấp nhất) cho mỗi chỉ số. Hầu hết các phạm vi dao động chồng chéo lên nhau, nghĩa là một số nước được xếp vào loại thấp về chính trị lại cao hơn về bất kỳ chỉ số nào khác so với một số nước được xếp vào loại cao về quy mô của nền dân chủ. Có điều đáng chú ý là ở cả Châu Âu và Châu Mỹ Latinh, các quốc gia mà thấp nhất ở bất kì chỉ số nào trong bảng cũng đều nằm trong nhóm “kém dân chủ hơn”. Trái ngược lại, hầu như tất cả các quốc gia có các chỉ số được xếp vào dạng cao nhất đều là những quốc gia thuộc nhóm “dân chủ hơn”.

[14]   Xem John Dewey, Democracy and Education (New York, 1916).

[15]   Trích từ Arthur Whitaker, đã dẫn, trang 112; ngoài ra cũng nên xem Karl Mannheim, Freedom, Power, and Democratic Planning (New York, 1950).

[16]   Xem C.H.Smith, “Liberalism and Level of Information,” Journal of Educational Psychology, Vol 39 (1948), trang 65 – 82; Martin A. Trow, Right Wing Radicalism and Political Intolerance, luận văn tiến sĩ, đại học Columbia, 1957, trang 17; Smuel Stouffer, Communism, Conformity and Civil Liberties (New York, 1955) trang 138 – 9; K. Kido và M. Suyi, “Report on Social Stratification and Mobility in Tokyo, … Mobility in Tokyo, III: The structure of Social Consiousness,” Japanese Sociological Review (January 1954), trang 74 – 100.

[17] Dewey đã gợi ý rằng đặc điểm của hệ thống giáo dục sẽ ảnh hưởng tới tác động của nó đối với nền dân chủ, và điều này có lẽ làm sáng tỏ nguồn gốc của sự bất ổn ở Đức. Nhiệm vụ của nền giáo dục Đức, theo Dewey, viết năm 1916, là để “rèn luyện kỉ luật hơn là … phát triển cá nhân.” Nhiệm vụ chính là để “giúp hiểu rõ những mục tiêu và ý nghĩa của những thể chế hiện có.” và “lệ thuộc triệt để” vào chúng. Quan điểm này dấy lên một số vấn đề không thể đưa vào bài viết này, tuy nhiên ít nhiều nó cũng đã chỉ ra một chuỗi những đặc điểm phức tạp trong mối quan hệ giữa dân chủ với những nhân tố liên quan hệ mật thiết với dân chủ, như giáo dục. Xem Dewey, Democracy and Education, đã dẫn, trang 108 – 110. Tác phẩm cũng nhắc chúng ta cần cẩn trọng trong việc vẽ ra những kết luận lạc quan về triển vọng phát triển dân chủ ở Nga dựa vào sự mở rộng giáo dục đang diễn ra ở đó.

[18]   Đảo Ceylon (sau 1972 gọi là Sri Lanka), nơi chia sẻ với Philippin và Nhật Bản sự khác biệt đặc biệt trong việc là những quốc gia dân chủ duy nhất ở Nam và Viễn Á mà đảng Cộng Sản không quan trọng trong bầu cử, cũng chia sẻ với nhau sự độc đáo trong việc là những quốc gia duy nhất trong khu vực mà phần lớn dân số biết đọc viết. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, hiện tại đảo Ceylon vẫn có một đảng đối lập chính thức tương đối lớn của những người ủng hộ tư tưởng của Trotsky; và dù đảo Ceylon có trình độ giáo dục cao so với khu vực châu Á, nhưng nó vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản và Philippin.

[19]   Một phân tích nhân tố được Leo Schnore tiến hành dựa vào dữ liệu từ 75 quốc gia chứng minh cho điều này. (Sắp xuất bản).

[20]   Phát biểu này là một phát biểu mang tính “thống kê” do đó cần chú ý rằng sẽ có nhiều ngoại lệ trong mối tương quan đó. Vậy nên chúng ta biết rằng những người nghèo hơn là những người thường có khuynh hướng bầu cho Đảng Dân chủ hay Công Đảng ở Mỹ hay Anh. Việc phần đông những người thiểu số thuộc giai cấp thấp hơn trong xã hội bầu cho đảng bảo thủ nhiều hơn không thách thức nhận định rằng vị trí trong phân tầng xã hội là yếu tố quyết định sự lựa chọn đảng phái (bởi vì quá trình quan hệ nhân quả đa biến trong hành vi con người hoặc quốc gia sẽ cũng có nhiều ảnh hưởng). Rõ ràng rằng khoa học xã hội sẽ không bao giờ có thể dự đoán tất cả các hành vi.

[21]   Nghiên cứu này được trình bày trong Daniel Lerner, The Passing of Traditional Society, (Glencoe: The Free Press, 1958). Những tương quan này được rút ra từ dữ liệu điều tra dân số; phần trọng tâm của khảo sát xem xét những phản ứng và ý kiến về truyền thông đại chúng, và rút ra kết luận về thể loại tính cách nào thì phù hợp với xã hội hiện đại hay truyền thống.

[22] Như trên, trang 63. Chỉ số tham gia chính trị là phần trăm bầu trong 5 phiên bầu cử cuối cùng. Những kết quả này không thể xem là kiểm chứng duy nhất về mối quan hệ được trình bày trong bài viết này, bởi vì tuy về cơ bản các dữ liệu và các biến như nhau (tác phẩm của Lyle Shannon, đã dẫn cũng có dùng), nhưng những kết quả y chang nhau sử dụng hầu như 3 phương pháp khác nhau: hệ số phi (phi coefficient), đa tương quan, và giá trị và phạm vi dao động, lại chỉ ra rõ ràng rằng những mối quan hệ là không thể tính toán được. Cũng nên chú ý rằng cả 3 phân tích đều được thực hiện mà không hề biết về sự tồn tại của nhau.

[23]   Như trên, trang 84 – 85.

[24]   Như trên, trang 87 – 89. Các lý thuyết về những khu vực kém phát triển khác cũng nhấn mạnh đặc điểm xoay vòng của những lực lượng đảm nhiệm việc duy trì một trình độ kinh tế và phát triển xã hội nhất định; và bài viết này có thể được xem như một nỗ lực để mở rộng những phân tích về sự phức tạp của các thể chế cấu thành nên một xã hội “hiện đại” cho đến lĩnh vực chính trị. Một chuyên khảo không được xuất bản của Leo Schnore, Economic Development and Urbanization, An Ecological Approach, đã liên kết các biến số kĩ thuật, nhân khẩu học và tổ chức (bao gồm cả trình độ học vấn và thu nhập bình quân đầu người) thành một tổ hợp phụ thuộc lẫn nhau. Tác phẩm mới của Harvey Leibenstein, Economic Backwardness and Economic Growth (New York, 1957), xem xét “tình trạng kém phát triển” trong khuôn khổ học thuyết kinh tế “bán cân bằng” như một tổ hợp các khía cạnh liên kết tương hỗ với nhau trong xã hội, và bao gồm đặc điểm văn hóa chính trị – trình độ học vấn, sự thiếu vắng tầng lớp trung lưu và hệ thống thông tin liên lạc chưa phát triển như một phần của tổ hợp đó (Xem trang 39-41).

[25]   Như trên, trang 60. Lerner cũng tập trung vào những yêu cầu nhất định về đặc điểm của một xã hội “hiện đại” mà có lẽ cũng có liên quan đến những yêu cầu nhất định về đặc điểm của một của nền dân chủ. Theo ông, những chuyển dịch vật chất và xã hội trong một xã hội hiện đại cần con người có tính cách cơ động và có khả năng thích nghi những thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển “tính nhạy cảm cơ động thích ứng với những thay đổi đến mức sự thường xuyên sắp đặt lại hệ thống là trạng thái nổi bật của nó” đã từ lâu là công việc của thế kỷ 20. Điểm nổi bật của nó là sự đồng cảm, ám chỉ “khả năng đặt mình trong tình huống người khác, cho dù thuận lợi hay không thuận lợi” (trang 49 dưới đây).  Liệu những đặc tính tâm lý này có dẫn đến khuynh hướng thiên về nền dân chủ (chỉ sự sẵn lòng chấp nhận quan điểm của người khác) hay là dẫn tới khuynh hướng phản dân chủ của kiểu tính cách xã hội đại chúng (ám chỉ việc thiếu những giá trị cá nhân vững chắc bắt nguồn tự sự tham gia dân chủ) vẫn là một câu hỏi đang tìm lời giải đáp. Có thể sự đồng cảm, hay quan điểm ít nhiều mang tính đại đồng chủ nghĩa, là đặc điểm chung của những xã hội hiện đại, với những điều kiện đặc biệt quyết định những hệ quả xã hội như: sự khoan dung chính trị và các giá trị dân chủ hoặc ngược lại là mất gốc rễ và tình trạng thù địch.

[26]   Xem S. M. Lipset, “Socialism – East and West – Left and Right,” Confluence, Vol. 7 (Hè năm 1957), trang 173 – 192).

[27]   Alexis de Tocqueville, Democracy in America, Vol. I, (New York: Alfred A. Knopf, phiên bản cổ điển, 1945), trang 258.

[28]   Tìm hiểu thêm những thảo luận về vấn đề này ở một nhà nước mới, có thể đọc David Apter, The God Coast in Transition (Princeton Univerity Press, 1955), đặc biệt là chương 9 và 13. Apter chỉ ra rằng để có trật tự chính trị dân chủ, một bộ máy quan liêu hiệu quả với những giá trị và mẫu hình cư xử được chấp nhận là hết sức quan trọng

[29]   Xem Emil Lederer, The State of the Masses (New York, 1940); Hannah Arendt, Origins of Totalitarianism (New York, 1950); Max Horkheimer, Eclipse of Reason (New York, 1947); Karl Mannheim, Man and Society in an Age of Reconstruction (New York, 1940); Philip Selznick, The Organizational Weapon (New York, 1952); José Ortega y Gasset, The Revolt of the Masses (New York, 1932)

[30] Xem The Moral Basis of a Backward Society (Glencoe: The Free Press, 1958) trong đó, Edward Banfield đã miêu tả xuất sắc về cách mà đói nghèo khủng khiếp đã hạn chế việc tổ chức cộng đồng ở Nam Ý. Những số liệu từ những khảo sát thăm dò ý kiến được thực hiện ở Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Thụy Điển chỉ ra rằng khoảng từ 40 đến 50 phần trăm người lớn ở những quốc gia này tham gia vào các tổ chức tình nguyện, không hề có tỉ lệ chênh lệch về số lượng thành viên giữa các quốc gia dân chủ kém ổn định như Pháp và Đức với những quốc gia dân chủ ổn định hơn như Mỹ, Anh và Thụy Điển. Nhận định này dường như thách thức đề xuất ban đầu, tuy nhiên không có kết luận xác định nào được đưa ra, bởi vì hầu hết các nghiên cứu đều liên quan đến những phạm trù không thể nào so sánh được. Quan điểm này cần được đào sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa. Để tìm hiểu thêm về dữ liệu ở những quốc gia trên, xem những nghiên cứu sau: ở Pháp, Arnold Rose, Theory and Method in the Social Sciences (Minneapolis, University of Minnesota Press, 1954), trang 74; và O. R. Gallagher, “Voluntary Associations in France,” Social Forces, Vol.36 (12/1957), trang 154 – 156; ở Đức, Erich Reigrotski, Soziale Verflechtugen in der Bundersrepublik (Tubingen:J. C. B. Mohr, 1956), trang 164; ở Mỹ, Charles R. Wright và Herbert H. Hyman, “Voluntary Association Memberships of American Adults: Evidence from National Sample Surveys,” American Sociological Review, Vol. 23 (6/1958), trang 287, và J. C. Scott, Jr., “Membership and Participation in Voluntary Associations,” như trên, Vol.23 (1958), trang 524 – 533; ở Anh xem Mass Observation, Puzzled People (London: Vicor Gollanz, 1947), trang 119; và Thomas Bottomore, “Social Stratification in Voluntary Organization,” trong David Glass, đã được biên tập, Social Mobility in Britain (Glencoe: The Free Press, 1954), trang 354; ở Thụy Điển xem Gunnar Heckscher, “Pluralist Democracy: The Swedish Experience,” Social Research, Vol. 15 (12/1948), trang 417 – 461

[31]   Tôi sẽ làm theo cách truyền thống của xã hội học và thậm chí cả thuyết chức năng luận để xem các sự kiện lịch sử là một phần trong việc phân tích các yếu tố ngoài hệ thống chính trị có liên quan tới mối quan hệ nhân quả của nền dân chủ. Như Radcliffe – Brown đã nói rất hợp lý, “… một “lí giải” cho hệ thống xã hội sẽ chính là lịch sử của nó, đây chính là thứ mà chúng ta biết một cách chi tiết về việc làm sao nó trở thành như thế, nó là gì và ở đâu. Một “lí giải” khác cho cùng một hệ thống có thể nhìn ra được thông qua việc xem nó là một thí dụ minh họa đặc biệt cho quy luật của tâm lí xã hội và chức năng xã hội. Hai kiểu giải thích không mâu thuẫn với nhau mà con hỗ trợ cho nhau.” A. R. Radcliffe-Brown, “On the Concept of Function in Social Science,” American Anthropologist, New Series, Vol. 37 (1935), trang 401; có thể đọc thêm Max Weber, The Methodology of the Social Sciences (Glencoe: The Free Press, 1949), trang 164 – 188, để tìm hiểu về bài tranh luận chi tiết liên quan đến vai trò của việc phân tích lịch sử trong những nghiên cứu xã hội học.

[32] Trong tác phẩm đã dẫn, trang 251 – 252

[33] Walter Lippmann khi xem xét khả năng “bảo vệ trật tự có tự do” của những chính thể quân chủ lập hiến cao hơn so với là chính thể cộng hòa ở Châu Âu, đã gợi ý rằng đây có thể là vì “trong một nền cộng hòa, nếu sức mạnh chính quyền mà hoàn toàn bị thế tục hóa thì sẽ làm mất rất nhiều uy tín của nó; đó là sự tước bỏ đi tất cả ảo tưởng sức mạnh tối cao của các đấng vua chúa.” Xem tác phẩm của ông The Public Philosophy (New York: Mentor Books, 1956), trang 50.

[34] Xem Gabriel Almond, “Comparative Political System”, Journal of Politics, Vol. 18 (1956), trang 391 – 409

[35] Herbert Luethy, The state of France (London: Secker and Warburg, 1955), trang 29