#110 – Sức mạnh mềm và chính sách đối ngoại Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joseph S. Nye (2004). “Soft Power and American Foreign Policy” (Chapter 5) in J.S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: PublicAffairs), pp. 127-148.

Biên dịch: Lê Vĩnh Triển | Hiệu đính: Giáp Văn Dương

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn sách; Các bài về “sức mạnh mềm”

Chủ nghĩa bài Mỹ đã phổ biến hơn trong những năm vừa qua. Thomas Pickering, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã xem năm 2003 như là “đỉnh điểm của chủ nghĩa chống Mỹ mà chúng ta từng thấy trong khoảng thời gian dài”.[1] Những cuộc thăm dò cho thấy sự suy giảm sức mạnh mềm của chúng ta có nguyên nhân lớn từ chính sách ngoại giao. “Một quan điểm phổ biến và thời thượng cho rằng nước Mỹ là một thế lực đế quốc kiểu cổ điển… Cách đánh giá kiểu này thể hiện nhiều cách bởi nhiều người khác nhau, từ việc các cổ động viên hockey ở Montreal la ó khi quốc ca Mỹ cất lên đến việc những học sinh trung học Thụy Sĩ không muốn đi Mỹ theo các chương trình trao đổi văn hóa”.[2] 

Một nhà quan sát Úc kết luận rằng “bài học của cuộc chiến Iraq là sự suy giảm sức mạnh mềm của Mỹ. Bush đã thực hiện cuộc chiến nhưng không có được những ủng hộ quân sự rộng rãi cũng như sự chuẩn thuận của Liên Hiệp Quốc. Việc này có hai hậu quả: Có sự gia tăng tâm lý chống Mỹ, thúc đẩy việc gia nhập các tổ chức khủng bố; thứ hai, chi phí cho cuộc chiến và cho những nỗ lực tái thiết tăng cao.” [3] Hầu hết 15 quốc gia trong số 24 quốc gia có trả lời thăm dò của viện Gallup International cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đã tác động tiêu cực đối với thái độ của họ về nước Mỹ.

Một cuộc thăm dò ở châu Âu cho thấy nhiều người dân Châu Âu tin là nước Mỹ có khuynh hướng đóng vai trò tiêu cực trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, trong bảo vệ môi trường và trong việc duy trì hòa bình thế giới.[4] Khi được hỏi trong một cuộc thăm dò của Pew rằng nước Mỹ “quan tâm đến lợi ích của bạn đến mức nào”, đa số trả lời ở 20 quốc gia trong số 44 quốc gia được thăm dò trả lời là “không nhiều” hoặc “chẳng chút nào cả”.[5] Ở nhiều nước, đánh giá tiêu cực đối với Mỹ thường phổ biến nhất ở thành phần trẻ tuổi. Văn hóa đại chúng của Mỹ có lẽ được ngưỡng mộ sâu rộng trong thanh niên nhưng sự kém thân thiện của các chính sách ngoại giao kiểu Mỹ đã làm cho các thế hệ tiếp theo nghi ngờ sức mạnh Mỹ.[6]

Phim ảnh và âm nhạc Mỹ ngày nay thịnh hành ở các nước Anh, Pháp và Đức hơn 20 năm trước, khoảng thời gian mà chính sách của Hoa Kỳ không phổ biến lắm ở các nước châu Âu, ấy vậy mà sự thu hút của chính sách Hoa Kỳ lúc đó còn khá hơn bây giờ.[7] Có thể thấy rằng các chính sách không mấy thân thiện đã lan tỏa và làm giảm mạnh sự hấp dẫn của những khía cạnh khác của văn hóa thân thiện Mỹ. Một nghiên cứu của Roper năm 2003 cho thấy rằng, “lần đầu tiên kể từ 1998, người tiêu dùng ở 30 quốc gia cho thấy sự chán ghét của họ với kiểu cách Mỹ qua việc không muốn mua các sản phâm của Nike hay ăn ở các nhà hàng McDonald’s… Cùng lúc đó, 9 trong 12 các công ty châu Á và Âu bao gồm Sony, BMW and Panasonic gia tăng điểm số.” [8]

Cái giá của việc bỏ qua sức mạnh mềm

Những người hoài nghi về sức mạnh mềm bảo rằng đừng nên lo lắng. Tính phổ biến (hay được lòng dân – NBT) thường không bền vững và không nên được xem như là một chỉ dẫn đối với chính sách đối ngoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nước Mỹ có thể hành động chẳng cần thế giới tán thưởng. Ta quá mạnh nên có thể làm gì mình muốn. Chúng ta là siêu cường duy nhất trên thế giới, và chính vì thế nảy sinh ghen ghét và tỵ hiềm từ nước khác. Fouad Ajami mới đây có tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ không cần phải lo lắng vế tâm tư tình cảm của dân các nước khác.” [9] Nhà báo Cal Thomas đề cập đến “sự tưởng tượng cho rằng kẻ thù của Hoa Kỳ có thể trở nên ít đe dọa hơn tùy vào lời nói hay hành động của Mỹ.”[10] Hơn nữa, Hoa Kỳ vốn không được ưa chuộng trong thời gian qua đã có những nỗ lực để cải thiện tình hình. Chúng ta không cần những thể chế hay đồng minh vĩnh viễn. Chúng ta luôn có thể tìm kiếm những liên minh ý chí một khi chúng ta muốn. Donald Rumsfeld cho rằng vấn đề sẽ quyết định đồng minh chứ không phải ngược lại.

Nhưng thật là sai lầm nếu bỏ qua chuyện sức hút của nước Mỹ đã sút giảm. Đúng là Hoa Kỳ đã phục hồi hình ảnh vốn đã bị xấu đi từ những chính sách kém thân thiện trước đây, tuy nhiên đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà các nước vẫn còn sợ Liên Xô như một thế lực xấu xa hơn. Hơn nữa, như ở Chương 2 có đề cập, trong khi tầm cỡ và tính hiện đại liên tục của Hoa Kỳ là có thực và không thể tránh khỏi, chính sách thông minh có thể giúp mềm hóa những khía cạnh gai góc của sự thật đồng thời giảm thiểu những tị hiềm mà chúng gây ra. Hoa Kỳ đã làm được như vậy sau Thế chiến II. Hoa Kỳ đã tận dụng các nguồn lực của sức mạnh mềm, và những nguồn lực khác để tạo nên những liên minh cũng như các thể chế tồn tại hơn 60 năm qua. Hoa Kỳ đã thắng Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh bằng một chiến lược gây áp lực sử dụng cả sức mạnh mềm và sức mạnh cứng.

Sự thật là mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia đã làm tăng tính dễ tổn thương của Hoa Kỳ, và một vài quan hệ song phương của Hoa Kỳ sau ngày 11 tháng 9 bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Nhưng Hoa Kỳ lại không thể đối phó với mối đe dọa nêu trên vốn đã được nêu trong chiến lược an ninh quốc gia mà không có sự hợp tác của các quốc gia khác. Họ chỉ đơn thuần hợp tác dựa trên lợi ích của họ, nhưng mức độ hợp tác cũng tùy vào sự thu hút của chính Hoa Kỳ. Lấy Pakistan làm ví dụ: Tổng thống Parvez Musharraf đang phải chơi một trò chơi khó trong việc vừa phải hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố vừa phải đương đầu với một bộ máy chống Mỹ khồng lồ ở quê nhà. Ông phải giữ thăng bằng giữa chấp thuận, nhượng bộ và từ chối. Nếu Hoa Kỳ tỏ ra thu hút hơn với người Pakistan, Hoa Kỳ có thể có được những sự chấp nhận nhiều hơn từ họ.

Thật không khôn ngoan khi cho rằng sức mạnh mềm chỉ đơn giản là vấn đề hình ảnh, quan hệ công chúng hay tính phổ biến sớm nở tối tàn. Như chúng ta đã lập luận, sức mạnh mềm thực sự là một phương tiện để đạt được những kết quả mong muốn. Một khi chúng ta hạ thấp sự thu hút của quốc gia mình đối với các nước, chúng ta sẽ phải trả giá. Điều quan trọng nhất là, nếu Hoa Kỳ không thân thiện tại một quốc gia đến nỗi việc thân Mỹ đồng nghĩa với việc tự sát trong chính sách đối nội của quốc gia đó, thì chắc chắn là các nhà lãnh đạo chính trị khó có thể chấp nhận nhượng bộ Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Chile là những ví dụ trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc chiến Iraq tháng 3/2003. Một khi các chính sách của Mỹ đánh mất tính chính danh cũng như sự khả tín trong mắt người khác, sự nghi kỵ có khuynh hướng lan nhanh và mau chóng làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ví dụ, sau sự kiện 11/9, sự thông cảm của nước Đức dành cho Hoa Kỳ tăng lên rất nhiều và nước Đức đã gia nhập lực lượng chống hệ thống Al Qaeda. Nhưng khi Hoa Kỳ phát động cuộc chiến Iraq, người Đức đã bày tỏ sự bất tín nhiệm sâu rộng đối với những lý do mà Hoa Kỳ đưa ra để tiến hành chiến tranh, ví dụ như việc Hoa Kỳ gắn Iraq với biến cố 11/9 cũng như sự liên hệ đến mối đe dọa của vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sự nghi ngờ của người Đức đã được củng cố bởi cái mà họ cho là đã có sự thiên vị của truyền thông Hoa Kỳ trong suốt cuộc chiến cũng như bởi sự thất bại trong việc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm gắn nó với sự cố 11/9. Việc gắn kết này đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của các suy luận về thuyết âm mưu. Vào tháng 7/2003, theo một cuộc thăm dò dư luận của Reuters, một phần ba dân Đức tuổi dưới 30 cho rằng chính quyền Mỹ có thể đã dàn dựng cho những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.[11]

Những quan điểm bất thường lại hỗ trợ nhau làm cho nỗi ám ảnh càng nhân rộng. Thái độ của dân Mỹ đối với người nước ngoài trở nên cứng rắn hơn và người Mỹ bắt đầu cho rằng phần còn lại của thế giới căm ghét mình. Nhiều người Mỹ đã tỏ ra cay đắng, nghi ngờ tất cả mọi người Hồi giáo, tẩy chay rượu Pháp và đặt tên lại cho các loại khoai tây chiên Pháp, tin vào và phổ biến những tin đồn vô căn cứ.[12] Mặt khác, người nước ngoài thì nhìn người Mỹ như những kẻ thiếu thông tin và vô cảm, chỉ nghĩ tới lợi ích của mình. Họ cho rằng truyền thông Mỹ chỉ quan tâm đến lợi ích Mỹ. Nhiều người Mỹ lần lượt rơi vào tình trạng cô lập và sẽ “tính sổ” với ai nếu bị đẩy vào tình trạng như thế. Nếu những người nước khác đều như thế, liệu có ai quan tâm đến việc Hoa Kỳ có được ưa chuộng hay không? Nhưng chừng nào Hoa Kỳ còn tự cô lập mình thì người Mỹ còn làm những kẻ thù như Al Qaeda mạnh thêm. Những phản ứng như thế làm giảm sức mạnh mềm của Mỹ và tự bắn vào chân mình trong việc đạt những kết quả dự định.

Những người hoài nghi có thể cho rằng cho dù sức mạnh mềm có những thế mạnh của nó, bản thân nó có vai trò mờ nhạt trong cuộc chiến chống khủng bố hiện thời. Osama bin Laden và thuộc hạ của mình chống trả lại chứ không phải được thu hút bởi nền văn hóa, giá trị và những chính sách của Hoa Kỳ. Sức mạnh quân sự thật cần thiết trong việc đánh bại chính quyền Taliban ở Afghanistan, và sức mạnh mềm sẽ không bao giờ cải biến được những kẻ cực đoan. Ngay sau chiến thắng quân sự nhanh chóng của Hoa Kỳ ở Afghanistan, Charles Krauthammer cho rằng cuộc chiến đã cho thấy chủ nghĩa đơn cực mới có hiệu quả. Trong một chừng mực thì điều này đúng, tuy vậy những người hoài nghi đã nhầm tưởng rằng một nửa câu trả lời là một giải pháp trọn vẹn.

Nhìn lại Afghanistan. Bom chính xác và lực lượng đặc nhiệm đã đánh bại chính quyền Taliban, nhưng quân đội Mỹ ở Afghannistan chưa bằng một phần tư thành viên Al Qaeda, một hệ thống xuyên quốc gia với các nhóm ở hơn 60 quốc gia. Hoa Kỳ thật không thể dội bom những chi nhánh Al Qaeda ở Hamburgh, Kuala Lumpur hay ở Detroit. Chiến thắng chúng phụ thuộc vào hợp tác dân sự gần gũi, chia sẻ thông tin tình báo, điều phối hoạt đông an ninh biên giới hay theo dõi lưu chuyển tài chính toàn cầu. Các bên tham gia với Mỹ phần nào bởi lợi ích của họ, nhưng sự hấp dẫn của các chính sách của Hoa Kỳ mới có thể và thật sự quyết định mức độ hợp tác của họ.

Quan trọng nữa là, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thật ra không phải là một sự va chạm giữa các nền văn mình mà là một cuộc đua mà kết quả lại gắn chặt với cuộc chiến nội bộ giữa hai phe phái Hồi giáo ôn hòa và cực đoan. Hoa Kỳ và các nước dân chủ phát triển chỉ có thể chiến thắng khi những người Hồi giáo ôn hòa thắng, và khả năng thu hút thành phần ôn hòa này quyết định đối với sự thắng thế của họ. Chúng ta cần sử dụng những chính sách có thể thu hút thành phần Hồi giáo ôn hòa cũng như các chính sách ngoại giao công chúng cần hiệu quả hơn nhằm làm rõ những lợi ích chung của nhau. Chúng ta cần một chiến lược tốt hơn để triển khai sức mạnh mềm của mình. Chúng ta sẽ phải học cách kết hợp sức mạnh mềm và sức mạnh cứng tốt hơn nếu muốn đối phó thành công với những thử thách mới.

Như đã trình bày ở Chương 1, bên dưới bề mặt của hệ thống, thế giới biến đổi sâu sắc suốt hai thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Sự kiện 11/9 chỉ giống như một tia chớp lóe lên trong đêm tối mùa hè, làm lộ ra một quang cảnh mới rồi đẩy chúng ta trở lại bối rối trong đêm tối nhưng chưa biết phải làm sao tìm đường vượt qua. George W. Bush nhậm chức với cam kết thực thi chính sách đối ngoại hiện thực truyền thống, tập trung vào những siêu cường như Trung Quốc, Nga và bỏ qua việc xây dựng quốc gia ở các nước kém phát triển đã mất kiểm soát. Nhưng năm 2002, chính quyền của ông ta tuyên bố chính sách an ninh quốc gia mới dựa trên sự công nhận mà như Bush phát biểu: “Chúng ta không bị đe dọa bởi các quân đội chính quy mà bởi thảm họa mà theo đó vũ khí rơi vào tay của các nhóm thiểu số thù địch.” Thay vì chấp nhận cạnh tranh chiến lược, Bush tuyên bố: “Ngày nay, các nước lớn trên thế giới đứng về một phía, đoàn kết với nhau nhờ những mối nguy hiểm chung của bạo lực và rối loạn khủng bố. Hoa Kỳ gia tăng hỗ trợ phát triển với nỗ lực chống AIDS bởi vì “những nhà nước yếu kém như Afghanistan, có thể trở thành một mối nguy hiểm cho quyền lợi quốc gia của các nước mạnh.”[13] Nhà sử học John Lewis Gaddis so sánh chiến lược mới này với việc tái xác định lại chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1940 sau Thế chiến thứ hai.[14]

Chiến lược mới này bị phê bình trong nước cũng như ở nước ngoài vì sự cao giọng ủng hộ việc tấn công quân sự phủ đầu cùng với việc thúc đẩy sự lấn lướt của Mỹ. Những nhà phê bình chỉ ra rằng chiến lược đánh phủ đầu không phải mới, nhưng việc biến nó thành một học thuyết sẽ làm suy yếu những quy chuẩn quốc tế và khuyến khích các quốc gia khác can dự vào những hoạt động đầy bất trắc. Tương tư như vậy, sự lấn lướt của Mỹ là có thực, tuy nhiên chẳng cần gì phải nêu lên luận điệu khiến các nước khác bất mãn. Tuy đã có những sai lầm như thế, chiến lược mới của Mỹ là kết quả của việc phản ứng lại những xu hướng chính trị thế giới mà biến cố 11/9 là một minh họa. “Tư nhân hóa chiến tranh” bởi những tổ chức đa quốc gia như Al Qaeda là một ví dụ cho sự thay đổi lớn mang tính lịch sử của chính trị thế giới rất cần xem xét. Đây là điều mà chiến lược của Bush đã nhận thức đúng hướng. Vấn đề mà Hoa Kỳ chưa giải quyết được nằm ở chỗ là thực hiện cách tiếp cận mới như thế nào. Chúng ta đã thực hiện việc xác định mục đích tốt hơn nhiều việc xác định phương tiện. Về vấn đề này, cả chính phủ và quốc hội đều bị chia rẽ trầm trọng.

Theo chiến lược an ninh quốc gia mới này, những hiểm họa to lớn nhất mà người Mỹ phải đương đầu là chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và vũ khí hủy diệt, và đặc biệt là khi có sự kết hợp cả hai. Nhưng việc đối phó với thử thách từ những tổ chức quân sự xuyên quốc gia có vũ khí hủy diệt hàng loạt cần thiết phải có sự hợp tác từ các nước khác, và sự hợp tác được củng cố bởi sức mạnh mềm. Tương tự, những nỗ lực thúc đẩy dân chủ tại Iraq và các nơi khác đòi hỏi sự trợ giúp của các nước khác. Việc tái thiết Iraq và công việc gìn giữ hòa bình ở các quốc gia thất bại sẽ có thể thành công và ít tốn kém hơn nếu trách niệm được chia sẻ với các nước chứ không phải chỉ bởi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ. Thực tế rằng Hoa Kỳ đã lãng phí sức mạnh mềm của mình trong cách tiến hành chiến tranh đã làm cho chi phí hậu chiến trở nên tốn kém hơn nhiều.

Ngay cả sau cuộc chiến, trong niềm kiêu hãnh chiến thắng tháng 5 năm 2003, Hoa Kỳ đã từ chối chuyển giao vai trò quan trọng cho Liên Hiệp Quốc và các nước khác. Nhưng khi thương vong và chi phí gia tăng qua mùa hè, Hoa Kỳ nhận thấy là các nước rất lưỡng lự chia sẻ gánh nặng khi không có Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Như một tư lệnh quân Mỹ ở Iraq, tướng John Abizaid báo cáo: “Chúng ta không thể đánh giá thấp sự cảm nhận của công chúng Iraq và thế giới Ả-rập về sự hiện diện áp đảo của quân đội Mỹ.” Tuy vậy, theo Abizaid các nước khác “cũng còn cần phải làm hài lòng các thành phần chính trị nội bộ của họ rằng họ giữ vai trò như một công cụ của Liên Hiệp Quốc chứ không phải là một con tốt của Mỹ.” Trước hội nghị các nhà tài trợ cho Iraq tháng 10 năm 2003 tại Madrid, Thời báo New York ghi nhận rằng Paul Bremer, người đứng đầu lực lượng chiếm đóng ở Baghdad đã phát biểu: “Tôi cần tiền đến mức phải từ bỏ nguyên tắc phản đối việc cộng đồng quốc tế đứng ra chịu trách nhiệm chính”. [15] Những bình luận gia thuộc phái tân bảo thủ như Max Boot thúc giục những người bảo thủ đừng xem nhẹ vai trò của Liên Hiệp Quốc và Charles Krauthammer, tác giả của “thuyết đơn phương mới” kêu gọi một nghị quyết Liên Hiệp Quốc mới bởi vì ông nghĩ rằng Nga, Ấn Độ và các quốc gia khác “cho rằng họ chỉ có thể đóng góp nếu có một nghị quyết như thế… Hoa Kỳ sẽ không kiệt sức. Nhưng về mặt tâm lý, chúng ta đã chịu đựng đến mức có thể. Người Mỹ chỉ đơn giản là không được chuẩn bị cho việc thực hiện trọng trách kiến tạo quốc gia trên toàn thế giới.”[16]

Trong thời đại thông tin toàn cầu này, sự hấp dẫn của Hoa Kỳ là cần thiết để chúng ta có thể đạt được những kết quả mong muốn. Thay vì phải lượm lặt các liên minh cho từng trò chơi mới, sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể thu hút những quốc gia khác vào các liên minh mang tính thể chế và tránh làm yếu những liên minh chúng ta đã tạo dựng được. Ví dụ như NATO, không chỉ tập hợp nguồn lực của các nước phát triển, mà chính những ủy ban, quy trình và các cuộc tập trận liên tục sẽ giúp các nước trong khối huấn luyện lẫn nhau và hoạt động hỗ trợ nhau nhanh chóng khi có khủng hoảng xảy ra. Đối với các liên minh, nếu Hoa Kỳ là nguồn an ninh và bảo đảm hấp dẫn, các nước khác sẽ thiết lập các kỳ vọng theo hướng thích hợp với lợi ích của chúng ta. Ví dụ, Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, ký năm 1951, ban đầu không được thiện cảm lắm ở Nhật, nhưng sau vài thập kỷ, các cuộc thăm dò cho thấy nó càng trở nên hấp dẫn đối với công chúng Nhật. Khi được như vậy, chính giới Nhật bắt đầu đưa nó vào cách tiếp cận đối ngoại với các nước. Hoa Kỳ được lợi khi nó được xem như một cơ sở lợi ích bền vững và đáng tin cậy, từ đó các nước khác sẽ không phải liên tục xem lại những lựa chọn chính sách của mình trong một môi trường liên minh không chắc chắn. Trong trường hợp nước Nhật, sự chấp nhận rộng rãi Hoa Kỳ của công chúng Nhật đã “góp phần cho việc duy trì thế độc tôn của Mỹ” và “phục vụ như những ràng buộc chính trị đối với các thành phần tinh hoa chính trị, làm cho họ phải tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ.”[17] Sự ưa chuộng có thể góp phần cho ổn định.

Sau cùng, theo John Arquilla và David Ronfeldt của tập đoàn RAND, sức mạnh của thời đại thông tin toàn cầu không chỉ được hình thành từ phòng thủ chắc chắn mà còn từ chia sẻ mạnh mẽ. Cách tư duy chính trị hiện thực truyền thống khiến cho việc chia sẻ với các nước khó khăn hơn. Còn trong thời đại thông tin này, chia sẻ không chỉ gia tăng năng lực của các nước trong hợp tác với chúng ta mà còn củng cố các khuynh hướng hợp tác đó.[18] Khi chia sẻ thông tin tình báo và nguồn lực với các nước, chúng ta đồng thời phát triển các viễn cảnh và cách tiếp cận chung từ đó gia tăng năng lực ứng phó của chúng ta với các thử thách mới. Quyền lực lưu chuyển dựa trên sự hấp dẫn như vậy. Nếu gạt bỏ sự quan trọng của tính hấp dẫn, coi nó chỉ như là sự phổ biến tạm thời của công luận, thì chúng ta hẳn sẽ bỏ qua những quan điểm sâu sắc quan trọng của các lý thuyết về quyền lãnh đạo mới cũng như những thực tế của thời đại thông tin này. Nếu thế, chúng ta không thể thành công được.

Đế quốc Hoa Kỳ?

Không phải ai cũng đồng tình với bức tranh miêu tả sự thay đổi bản chất chính trị thế giới này, và vì thế họ đề nghị cách tiếp cận khác đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nhiều người lập luận rằng tính dễ tổn thương của Hoa Kỳ đòi hỏi một mức độ kiểm soát mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, sức mạnh lấn lướt của Hoa Kỳ giúp thực hiện điều đó. Robert Kaplan lập luận rằng: “Việc nói Hoa Kỳ đang sở hữu một đế quốc mang tính toàn cầu là một cách nói sáo mòn. Giờ đây câu hỏi đặt ra là làm sao đế quốc Mỹ có thể sử dụng những mức độ chiến thuật khác nhau để quản lý một thế giới bất ổn.”[19] William Kristol, chủ biên tạp chí tân bảo thủ The Weekly Standard nói: “Chúng ta nên là một kẻ mạnh giả điếc. Khi có người muốn nói chúng ta là thế lực đế quốc –cũng tốt thôi”. [20] Viết trên cùng tạp chí, Max Boot đồng tình với quan điểm trên rõ ràng qua cách đặt tựa cho bài của mình “Trường hợp Đế chế Hoa Kỳ.” [21]

Ba thập kỷ trước, cánh tả cấp tiến đã sử dụng cụm từ “Đế chế Hoa Kỳ” một cách lưỡng lự. Ngày nay thì thuật ngữ trên đã được giới phân tích ở cả cánh hữu lẫn cánh tả dùng để giải thích và định hướng chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Andrew Bacevich lập luận rằng ý niệm về một đế chế Mỹ đang dần được chính thức hóa trên các diễn đàn và chúng ta chẳng nên lo ngại về mặt chi tiết ngữ nghĩa – khía cạnh ngữ nghĩa mang tính tiêu cực của từ “đế chế”. [22] Nhưng từ ngữ luôn có vấn đề. Trong Alice ở xứ sở diệu kỳ, Hoàng hậu Đỏ bảo Alice là cô có thể gán cho các từ bất cứ nghĩa gì mà cô muốn. Nhưng thế giới của thế kỷ 21 không phải thế giới trong Xứ sở diệu kỳ. Nếu ta muốn giao tiếp rõ ràng với người khác, chúng ta phải để ý đến cách sử dụng từ ngữ. Nếu Hoa Kỳ không giống một đế chế nào trong lịch sử, như quan điểm của Bacevich, thì nó là đế chế theo kiểu gì? Cách dùng ngôn từ có thể sẽ cho thấy một số cách so sánh hữu ích, tuy nhiên nó lại có thể đánh lạc hướng chúng ta và người khác bởi nó làm mờ những khác biệt quan trọng.

Trong nhiều trường hợp, việc dùng từ “đế chế” có sức mê hoặc. Quân lực Mỹ vươn ra toàn cầu bằng các căn cứ trên khắp thế giới và những tư lệnh vùng của Hoa Kỳ hành xử như những ông quan toàn quyền (proconsul) và thực sự đã được báo chí gọi là như vậy. Tiếng Anh đóng vai trò như tiếng Latinh ngày xưa. Nền kinh tế Mỹ thì lớn nhất thế giới, và văn hóa Mỹ thì như nam châm. Nhưng thật sai lầm nếu lẫn lộn chính trị đế chế và chính trị lãnh đạo. Dù rằng các quan hệ bất bình đẳng chắc chắn tồn tại giữa Hoa Kỳ và các nước yếu hơn, và điều đó có thể bị khai thác, nhưng khi không có sự kiểm soát chính trị, thuật ngữ “đế quốc” có thể bị hiểu lệch lạc. Nếu chấp nhận nó sẽ có thể dẫn đến định hướng tệ hại đối với chính sách đối ngoại Mỹ, bởi vì như vậy là đã không xem xét thế giới đã chuyển biến như thế nào. Hoa Kỳ chắn chắc không phải là một đế chế như cách chúng ta nghĩ đối với các nước đế chế Châu Âu của thế kỷ 19, 20 bởi vì đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc thời đó là việc kiểm soát chính trị trực tiếp.[23] Hoa Kỳ ngày nay có nhiều nguồn lực để thực thi uy quyền hơn so với nước Anh ngay cả khi đế quốc Anh đang ở thời kỳ đỉnh điểm của nó. Tuy nhiên, so với Anh Quốc, Hoa Kỳ lại kiểm soát ít hơn nhiều những vấn đề diễn ra bên trong các nước khác khi đế quốc Anh cai trị một phần tư thế giới. Ví dụ, tất cả trường học, thuế khóa, luật pháp và hệ thống bầu cử của Kenya – chưa kể quan hệ đối ngoại – đều do các viên chức Anh Quốc kiểm soát. Ngay khi Anh Quốc kiểm soát gián tiếp thông qua các quan chức địa phương, ví dụ như ở Uganda, thì Anh Quốc vẫn thực thi quyền lực nhiều hơn so với Hoa Kỳ ngày nay. Một vài người cố cứu việc sử dụng từ ngữ bằng cách đề cập “đế chế không chính thức” hoặc “chủ nghĩa đế quốc tự do thương mại” nhưng điều này cũng chỉ đơn giản nhằm che đậy sự khác biệt quan trọng trong mức độ kiểm soát khi so sánh với các đế chế thực sự trong lịch sử. Vâng, người Mỹ có tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhưng trong năm 2003, nước Mỹ lại không thể khiến Mexico và Chile bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết lần hai về Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đế chế Anh chưa từng gặp phải chuyện tương tự như vậy đối với Kenya hay Ấn Độ.

Những người ủng hộ cho kiểu chủ nghĩa đế quốc mới cho rằng: “Đừng nề hà ngôn từ. ‘Đế chế’ chỉ là cách nói biểu tượng.” Nhưng vấn đề với cách nói này là nó lại ám chỉ sự kiểm soát không có thật từ Washington, làm củng cố cái thèm muốn mạnh mẽ về một chủ nghĩa đơn cực phổ biến tại cả Quốc hội và nhiều thành phần của bộ máy nhà nước. Như chúng ta có thể thấy ở Chương 1, chi phí cho việc chiếm đóng các nước khác ngày càng khó kham nổi trong một thế giới đầy rẫy chủ nghĩa dân tộc nảy sinh. Từ đó, tính chính danh cho một đế chế sẽ bị thách thức.

Chúng ta có thể thấy là quyền lực tùy thuộc vào hoàn cảnh, và sự phân chia quyền lực thay đổi lớn trong các địa hạt khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy, trong thời đại thông tin toàn cầu, quyền lực được phân phối giữa các quốc gia cùng nhau trên một thế cờ ba chiều phức tạp. Phía trên cùng của bàn cờ gồm các vấn đề quân sự – chính trị, quyền lực quân sự hầu như đơn cực, nhưng trên phần giữa bàn –phần kinh tế, Hoa Kỳ chẳng phải độc bá hay đế chế, mà nó phải mặc cả để ngang cơ phải lứa với Châu Âu khi Châu Âu hành xử thống nhất. Còn phía bên dưới bàn cờ của các quan hệ đa quốc gia, quyền lực thật sự phân bố hỗn loạn. Ở đây việc sử dụng ngôn từ truyền thống kiểu như “đơn cực”, “bá quyền” hay “Đế chế Hoa Kỳ” thật chẳng có ý nghĩa gì. Những người đề cập đến một kiểu chính sách đối ngoại Mỹ dựa trên việc mô tả sức mạnh truyền thống quân sự Mỹ đang tin vào một kiểu phân tích khiếm khuyết đáng buồn. Nếu bạn đang chơi trên một bàn cờ ba chiều, bạn sẽ thất bại nếu chỉ tập trung vào một chiều mà sơ sẩy trong các chiều khác, hay bạn không lưu ý đến mối liên hệ giữa các chiều với nhau. Hãy xem các mối liên hệ trong cuộc chiến chống khủng bố – giữa thế cờ của các hành động quân sự bên trên, nơi chúng ta đã trừ khử được một bạo chúa nguy hiểm ở Iraq, nhưng đồng thời lại làm tăng khả năng của hệ thống Al Qaeda – gia tăng quân số đa quốc gia hệ thống này – trong bàn cờ phía dưới.[24]

Vì ở thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng thông tin và đã có quá trình đầu tư quân sự, Hoa Kỳ rất có thể vẫn duy trì được vị thế là quốc gia mạnh nhất thế giới khi bước sang thế kỷ 21. Giấc mơ của người Pháp về một thế giới đa cực quân sự hẳn khó có thể sớm thành hiện thực. Joschka Fischer, ngoại trưởng Đức, đã rõ ràng từ bỏ mục tiêu này.[25] Nhưng không phải tất cả các loại hình quyền lực quan trọng đều được sinh ra từ kho súng. Quyền lực cứng hẳn cần thiết để có được những kết quả mong muốn trên cả ba bàn cờ, nhưng nhiều vấn đề xuyên quốc gia như thay đổi khí hậu, lan truyền bệnh dịch, tội phạm quốc tế và chủ nghĩa khủng bố không thể giải quyết chỉ bằng các lực lượng quân sự. Như mặt trái của toàn cầu hóa, những vấn đề này là hệ quả mang tính đa phương và đòi hỏi hợp tác để tìm giải pháp cho chúng. Sức mạnh mềm đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với những vấn đề như vậy ở phần dưới của bàn cờ – phần các quan hệ đa quốc gia. Mô tả một thế giới ba chiều kích như thế để thấy rằng một đế chế Mỹ đã thất bại trong việc nắm bắt bản chất của chính sách đối ngoại.

Một vấn đề khác nữa của những ai thúc giục chúng ta đồng ý với ý tưởng về một đế chế Mỹ là họ hiểu sai bản chất của các thể chế và công luận Mỹ. Dù sự thật là việc đơn phương chiếm đóng và chuyển hóa các chế độ phi dân chủ ở Trung Đông hay nơi khác có thể sẽ làm giảm bớt những cơ sở khủng bố đa quốc gia, câu hỏi vẫn đặt ra là liệu công chúng Mỹ có chấp nhận vai trò đế quốc của chính quyền mình hay không. Những tác giả tân bảo thủ như Max Boot cho rằng Hoa Kỳ nên cung cấp cho các quốc gia có vấn đề một hệ thống chính quyền ngoại bang được khai sáng như những gì mà các kỵ binh người Anh tự tin đã từng làm trước đây. Nhưng như sử gia Anh Niall Ferguson đã chỉ ra, nước Mỹ hiện đại này khác với nước Anh thế kỷ 19 bởi “khung thời gian ngắn hạn” [26] của nó. Dù ủng hộ cho một đế chế Mỹ, Ferguson đã đúng khi lo ngại rằng hệ thống chính trị Mỹ dù thế nào đi nữa, cũng chưa sẵn sàng cho sứ mạng như vậy.

Hoa Kỳ đã can thiệp và kiểm soát các quốc gia ở Trung Mỹ, các quốc gia vùng Caribbê và Philippines và trong giai đoạn ngắn đã tìm cách chuyển mình trở thành một đế quốc thực thụ khi trở thành một cường quốc thế giới cách đây một thế kỷ. Tuy nhiên, bước ngoặc chuyển biến đế quốc chính thức đã không xảy ra.[27] Không giống như trường hợp Anh Quốc, với Hoa Kỳ, chủ nghĩa đế quốc chưa bao giờ là kinh nghiệm dễ chịu, và chỉ một phần nhỏ của các trường hợp chiếm đóng của Mỹ mang đến việc thiết lập được các nền dân chủ. Việc thiết lập chế độ dân chủ ở Đức và Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai là ngoại lệ hơn là quy luật, và ở hai quốc gia này, cũng phải mất gần một thập kỷ. Đế chế Hoa Kỳ không bị giới hạn bởi “sự dàn trải quá sức của đế chế” (imperial overstretch) theo nghĩa tiêu tốn một phần quá mức chịu đựng trong GDP. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh chúng ta đã tiêu tốn một tỷ lệ phần trăm GDP cho ngân sách quân sự lớn hơn bây giờ nhiều. Tình trạng dàn trải quá sức chịu đựng có hậu quả từ việc phải bảo an ngày càng nhiều các quốc gia ngoại vi với tính phản kháng dân tộc lớn hơn mức mà công chúng Mỹ hay các nước có thể chấp nhận. Các cuộc thăm dò cho thấy dân Mỹ không mặn mà với khái niệm đế chế. Sự thật là công chúng Mỹ vẫn tiếp tục bảo rằng họ thích chủ nghĩa đa phương và làm việc với Liên Hiệp Quốc hơn. Có lẽ đó là lý do tại sao Michael Ignatieff, một người Canada ủng hộ sử dụng khái niệm đế chế, đã hợp lý hóa nó bằng cách gán cho vai trò của người Mỹ trên thế giới là “Đế quốc hạng nhẹ.”[28]

Thực tế, vấn đề của việc kiến tạo một đế chế Mỹ có lẽ tốt hơn nên gọi là việc “đầu tư dưới mức cho đế chế” (imperial understretch). Ngược lại với giới quân sự, cả công chúng lẫn quốc hội đều cho thấy là họ không sẵn sàng đầu tư vào các công cụ kiến tạo hay quản trị quốc gia. Toàn bộ ngân sách cho Bộ Ngoại giao (tính cả AID – Cơ quan Phát triển Quốc tế) chỉ bằng 1% ngân sách liên bang. Hoa Kỳ tiêu tốn cho các hoạt động quân sự nhiều hơn cho các hoạt động ngoại giao đến 17 lần, và có ít dấu hiệu cho thấy điều này thay đổi nay mai trong hoàn cảnh phải cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách. Hơn nữa, quân đội của chúng ta được thiết kế cho chiến đấu hơn là cho việc giám sát và Bộ Quốc phòng dưới thời Donald Rumsfeld đã cắt giảm việc huấn luyện cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Hoa Kỳ đã đào tạo quân đội thích hợp cho việc phá cửa, hạ bệ kẻ độc tài, rồi về nước hơn là cho công việc nhọc nhằn của đế quốc, đó là thiết lập một nền dân chủ. Bởi nhiều lý do từ phía quốc tế cũng như từ bản thân Hoa Kỳ, người Mỹ nên cố tránh khái niệm lệch lạc “đế quốc” trong việc định hướng chính sách đối ngoại. Đế quốc không phải là cách nói cần thiết để giúp chúng ta hiểu và bắt kịp với thời đại thông tin toàn cầu của thế kỷ 21.

Truyền thống của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ

Sức mạnh mềm và chính sách 

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Suc manh mem va chinh sach doi ngoai Hoa Ky.pdf


[1] Thomas Pickering, phỏng vấn bởi Michelle Keleman, Weekend Edition, National Public Radio, Sunday, July 13, 2003.

[2] Richard Bernstein,  “Foreign Views of US Darken After Sept 11,” New York Times, September 11, 2003, p.1.

[3] Paul Kelly, “Power Pact”, The Australian, July 26, 2003, p.1.

[4] European Commission, Eurobarometer 59.

[5] Pew Global Attitudes Project, What the World Thinks in 2002 (Washington, D.C: Pew Research Center and the Press, 2002), p. T49.

[6] Gallup International, “Post War Iraq 2003 Poll”, press release, May 13 2003.

[7] Newsweek poll of 1983, so với Pew Global Attitudes Project.

[8] Wendy Melillo, “Ad Industry Doing Its Own Public Diplomacy,” Adweek, July 21, 2003.

[9] Fouad Ajami, “The Falseness of Anti-Americanism”, Foreign Policy, September – October 2003, p. 61.

[10] Cal Thomas, “Muzzling the Wrong Dog,” Washington Times, 23/10/2003,  p.21.

[11] “Poll: One-third of Germans Believe US may have staged Sept 11 Attacks”, Reuters, 23/7/2003.

[12] Kim Housego, “France calls for fuller US response to allegations of disinformation campaign”, AP Online, 16/5/2003.

[13] Office of the President, “National security strategy of the United States”.

[14] John Lewis Gaddis, “Bush’s security strategy”, Foreign Policy, 11-12/2001.

[15] Tướng John Abizaid, trích trong Eric Schmitt, “General in Iraq says more GIs are not the answer”, New York Times, 9/8/2003, p.1.

[16] Max Boot, “America and the UN, together again?”, New York Times, 3/8/2003.

[17] Qingxin Ken Wang, “Hegemony and Socialization of the Mass Public: The case of post-war Japan’s cooperation with the United States on China Policy”, Review of International Studies 29 (2003), p.119.

[18] John Arquilla and David Ronfeldt, The emergence of Neopolitik: Toward an American Information Strategy (Santa Monica: RAND Corporation, 1999), p.52.

[19] Robert Kaplan, “Islam vs. the West”, interview, Rolling Stone, 7/8/2003, p. 38.

[20] William Kristol, trích trong “A classicist’s legacy: Empire builders”, New York Times,Week in Review, 4/5/2003.

[21] Max Boot, “The case for an American empire”, The Weekly Standard, 15/10/2001.

[22] Andrew Bacevich, American Empire: The Realities and Consequences of US Diplomacy (Cambridge,Mass: Havard University Press, 2002).

[23] David Abernethy, The dynamics of global dominance: European overseas empires 1415-1980 (New aven: Yale University Press, 2000), p.19.

[24] “US officials see signs of a revived Al Qaeda in several nations”, New York Times, 19/7/2003, p. 1.

[25] Fischer, trích trong John Vinocur, “German Official says Europe must be US Friend, not rival”, New York Times, 19/7/2003, p. A5.

[26] Niall Ferguson, “The empire slinks back”, New York Times Magazine, 27/4/2003, p.52.

[27] Ernest May, American Imperialism: A Speculative Essay (Chicago: Imprint Publications, 1991).

[28] Michael Ignatieff, “American empire: The burden”, New York Times Magazine, 5/1/2003, p.22.