#169 – Nhật Bản dưới thời Abe: Hướng tới xu hướng ôn hòa hay chủ nghĩa dân tộc?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mike M. Mochizuki & Samuel Parkinson Porter (2013). “Japan under Abe: Toward Moderation or Nationalism?”, The Washington Quarterly,  Vol. 36, No. 4, pp. 25–41.>>PDF

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm| Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Bài liên quan: #99 – Nền chính trị mới của Nhật Bản 

Vào tháng 7 năm 2013, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) và đối tác liên minh, Đảng Kōmeitō (Đảng Công Minh), đã giành được chiến thắng ấn tượng trong cuộc bầu cử Thượng viện. Trong tổng số 121 ghế tranh cử, LDP đã giành được 65 ghế và Đảng Kōmeitō giành được 11 ghế. Với chiến thắng này, liên minh cầm quyền LDP- Kōmeitō kiểm soát 135 ghế trong tổng số 242 ghế (chiếm khoảng 55%) của Thượng viện. Chiến thắng này tiếp sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12 năm 2012 vốn đã đưa ông Shinzō Abe và LDP quay lại nắm quyền bằng việc giành được 294 ghế trong tổng số 480 ghế.

Thủ tướng Abe xứng đáng nhận được nhiều tín nhiệm từ hai chiến thắng này. Sau nhiệm kỳ làm Thủ tướng đầu tiên đáng thất vọng vào năm 2006 – 2007, ông đã rút ra bài học từ những sai lầm của mình và đã quyết định tập trung vào kinh tế trong nhiệm kỳ này. Ngay sau khi đảm nhiệm lại vai trò Thủ tướng vào tháng 12 năm 2012, ông Abe đã thực hiện một kế hoạch táo bạo và liều lĩnh để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản bằng cách nới lỏng cung tiền một cách triệt để và đẩy mạnh tiêu dùng. Kế hoạch này ngay lập tức đã có ảnh hưởng tới việc hạ giá đồng Yên và nâng giá cổ phiếu. Trong bối cảnh điều kiện thương mại được cải thiện có lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, mức độ lạc quan về nền kinh tế Nhật đã được nâng lên.

Thủ tướng Abe cũng đã kiềm chế trong việc giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2012, chính quyền Trung ương Nhật Bản – đứng đầu là Thủ tướng Yoshihiko Noda – đã mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku để ngăn chặn Thị trưởng thành phố Tokyo lúc đó là Shintarō Ishihara mua lại chúng trên danh nghĩa Chính quyền thành phố Tokyo. Mặc dù ông Noda đã cố gắng ngăn cản vị Thị trưởng theo chủ nghĩa dân tộc này tiến hành những bước đi mang tính khiêu khích tại quần đảo tranh chấp, Trung Quốc vẫn phản đối hành động mua lại như là một cách thức làm thay đổi hiện trạng hành chính của các đảo mà Bắc Kinh khẳng định là một phần của quần đảo Điếu Ngư, và cử những đội tàu chính thức tuần tra gần các hòn đảo một cách thường xuyên. Trong khi vẫn khẳng định một cách kiên quyết chủ quyền của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku và chủ động hỗ trợ cho các đội tuần tra của Cảnh sát biển nhằm chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải của Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã kìm hãm leo thang xung đột bằng cách không triển khai nhân sự hay xây dựng bất cứ một công trình mới nào trên quần đảo tranh chấp. Mặc dù ông đã có một vài nhận xét mang tính khiêu khích về lịch sử, điển hình là nhận xét vào tháng 4 năm 2013 trước Quốc hội khi ông đặt ra câu hỏi liệu Nhật Bản có tiến hành các hành động mang tính gây hấn trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai hay không, ông Abe đã tránh được việc châm ngòi cho cho một cuộc chiến mới về ký ức chiến tranh với các nước láng giềng.[1]

Cử tri Nhật Bản đã tưởng thưởng cho ông Abe trong mùa hè này vì sự ôn hòa cũng như những sáng kiến của ông đối với nền kinh tế. Cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 2013 đã giải quyết được “sự chia rẽ của nghị viện” (twisted Diet), vấn đề mà ông Abe phải chịu trách nhiệm ngay từ đầu. Vì lý do LDP đã thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007 sau khi ông Abe lần đầu đắc cử vào vị trí Thủ tướng, các liên minh đảng phái khác nhau đã lần lượt kiểm soát hai viện trong Quốc hội Nhật Bản, tạo ra một sự bế tắc chính trị. LDP hiện nay đã tạo được thế đa số một đảng tại Hạ viện nhiều quyền lực hơn, và cùng với Kōmeitō tạo nên thế đa số hữu hiệu tại Thượng viện.

Do ông Abe không phải đối mặt với một cuộc Tổng tuyển cử Quốc gia nào khác cho tới tận mùa hè năm 2016, Nhật Bản có lẽ cuối cùng sẽ có một chính quyền ổn định sau 6 đời Thủ tướng liên tiếp kể từ năm 2006. Ông Abe có thể trở thành một trong trong số rất ít các Thủ tướng Nhật Bản có thể nắm quyền bốn năm liên tiếp hoặc nhiều hơn. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, chỉ có 5 vị Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu như vậy. Nếu có thể dẫn dắt Đảng của mình một lần nữa giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 2016, ông Abe thậm chí có thể trở thành vị Thủ tướng nắm quyền lực lâu nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản – kỷ lục hiện nay được nắm giữ bởi Eisaku Satō, người đã đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng trong 7 năm rưỡi từ tháng 11 năm 1964 tới tháng 7 năm 1972. Chỉ với lý do này, việc tìm hiểu liệu ông Abe có thể dẫn dắt Nhật Bản đi tới đâu sẽ có ảnh hưởng quyết định tới những suy nghĩ về tương lai của Châu Á và về mối quan hệ Mỹ – Nhật.

Liệu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 2013 có khiến ông Abe can đảm theo đuổi chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa, hay ông sẽ vẫn duy trì các chính sách ôn hòa và mang tính thực dụng? Như một vài nhà quan sát nước ngoài lo ngại, liệu sự quay trở lại nổi bật của ông Abe có phản ánh sự chuyển dịch hướng về phía hữu trong chính trị Nhật Bản, và liệu ông có thể lướt trên ngọn sóng của chủ nghĩa dân tộc mang tính dân túy để theo đuổi chủ nghĩa xét lại Hiến pháp và lịch sử? Hoặc ngược lại, nếu chính sách của ông thất bại trong việc cải thiện nền kinh tế Nhật Bản, liệu ông có thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc để làm vững chắc hơn sự ủng hộ từ phía công chúng?

Như nhiều nhà phân tích người Mỹ về chính trị Nhật Bản đã tranh luận, việc tiến hành các chính sách kiềm chế ở cả trong nước và quốc tế có thể giúp cho ông Abe tiếp tục thực thi đường lối thực dụng của mình.[2] Các tính toán chính trị hợp lý và sáng suốt chắc chắn sẽ chỉ tới hướng đi này, nhưng phần nhiều vẫn phụ thuộc vào phong cách chính trị, tâm lý và niềm tin của ông Abe. Nếu ông đi quá xa so với chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa của mình, hay chọc giận cộng đồng quốc tế bởi sự kiêu căng, thiếu kiên nhẫn thì ủng hộ của dân chúng trong nước đối với ông sẽ giảm xuống một cách đáng kể, và nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của ông có thể sẽ kết thúc trong thất bại. Một kết quả tiêu cực như vậy ít nhất cũng sẽ khiến cho cơ hội xây dựng một chính phủ Nhật Bản “ổn định” bị bỏ qua, hơn nữa là bỏ lỡ cơ hội phục hồi ảnh hưởng của Tokyo và thúc đẩy ổn định ở Đông Á.

Trường hợp xấu nhất, ông Abe có thể sẽ đưa cả Nhật Bản và Đông Á tới một giai đoạn bấp bênh hơn và làm suy yếu đi nền tảng mối quan hệ Mỹ – Nhật. Ở kịch bản tốt nhất, ông có thể vực dậy nền kinh tế và sự tự tin của Nhật Bản, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, và thúc đẩy một mối quan hệ tốt đẹp hơn với các quốc gia Châu Á xung quanh khu vực ngoại vi của Trung Quốc, từ đó giúp kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc và khích lệ quá trình phát triển hòa bình của nước này.

(Vẫn) Là vấn đề kinh tế thôi, đồ ngốc!

LDP có thể đã giành thắng lợi lớn trong quốc hội tại hai cuộc bầu cử quốc gia gần đây, nhưng sự ủng hộ của công chúng dành cho LDP vẫn còn yếu.Trong cuộc bầu cử quốc gia theo hình thức đại diện theo tỷ lệ (PR-proportional representation) vào tháng 7 năm 2013, trong đó các công dân bỏ phiếu cho một đảng phái chính trị, LDP đã nhận được 34,8% tổng số phiếu bầu, một sự gia tăng đáng kể từ con số 24,1% số phiếu họ nhận được trong cuộc bầu cử tương tự vào mùa hè năm 2010. Con số này cũng vượt quá 27,8% số phiếu của LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12 năm 2012, thắng lợi đã đưa ông Abe quay trở lại nắm quyền lực.[3] Trái ngược với xu hướng đi lên này, sự ủng hộ từ công chúng giành cho LDP rõ ràng vẫn không tương xứng với số lượng ghế vượt trội mà Đảng này đang nắm giữ.

Hơn nữa, chiến thắng của LDP không xuất phát từ các đánh giá tích cực về Đảng này, mà là do sự thiếu hấp dẫn cũng như tình trạng lôn xộn trong các đảng phái đối lập. Căn cứ vào khảo sát công chúng sau cuộc bầu cử thực hiện bởi nhật báo Asahi Shimbun, 83% số người được khảo sát cảm thấy việc tồn tại một đảng phái có ảnh hưởng đối lập hữu hiệu với LDP là điều cần thiết. Một khảo sát tương tự đã chỉ ra rằng đa số những người đi bỏ phiếu (60%) muốn ông Abe chú trọng vào nền kinh tế, lao động, và an ninh xã hội. Chỉ có 9% muốn ông tập trung vào chính sách đối ngoại và an ninh, và chỉ 4% nghĩ rằng việc sửa đổi Hiến pháp nên được ưu tiên hàng đầu.[4] Xếp hạng các ưu tiên này trong dân chúng Nhật Bản được tập hợp từ chương trình nghị sự chính trị mà ông Abe đã từng công bố kể từ lần đầu tiên ông xuất hiện trên vũ đài chính trị quốc gia vào giữa những năm 2000. Ví dụ, trong quyển sách của ông với tên gọi Toward a Beautiful Country (Hướng tới một quốc gia tươi đẹp), được xuất bản đặc biệt vào mùa hè năm 2006 ngay trước khi ông đắc cử lần đầu vào vị trí Thủ tướng, ông Abe đã nhấn mạnh tới chủ nghĩa dân tộc liên quan tới các vấn đề như lịch sử và sự thay đổi Hiến pháp cũng như sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh quốc phòng của quốc gia.[5]

Mặc dù sự ủng hộ của công chúng dành cho chính quyền của ông Abe vẫn tương đối mạnh mẽ với khoảng 57%, tiếp tục có những hoài nghi về khả năng của chính sách “Abenomics” trong việc cải thiện tình trạng kinh tế của người dân. Ví dụ, căn cứ vào khảo sát của nhật báo Asahi Shimbun được thực hiện vào tháng 9 năm 2013, chỉ có 16% chỉ ra rằng họ cảm thấy tình hình kinh tế đã được cải thiện kể từ khi chính quyền của ông Abe lên nắm quyền, trong khi 80% còn lại không cảm nhận được bất cứ sự cải thiện nào. Không những thế, 84% số người được khảo sát cảm thấy lo ngại về sự suy giảm sức mạnh tài chính công của quốc gia.[6] Nói cách khác, nếu những chính sách của ông Abe không tạo ra những lợi ích hữu hình cho người dân thường Nhật Bản thì sự ủng hộ đối với ông Abe và LDP có thể nhanh chóng tiêu tan.

Chương trình kinh tế của ông Abe bao gồm “ba mũi tên”. Ông đã bắn mũi tên thứ nhất và thứ hai bằng việc tăng lượng cung tiền và tăng chi tiêu công, nhưng hiện nay ông phải mài sắc mũi tên thứ ba trong cái bao tên kinh tế của mình: cải cách cấu trúc nền kinh tế. Ông cần phải ban hành những biện pháp có thể nâng cao sự sáng tạo, tính hiệu quả, tính cạnh tranh và năng suất lao động. Sự tham gia vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership hay TPP) sẽ cho ông Abe một vài đòn bẩy giúp vượt qua sự kháng cự trong nước nhằm thực hiện các cải cách tuy đau đớn nhưng cần thiết. Mặc dù vậy điều này sẽ tạo ra những thách thức về mặt chính trị bởi ông sẽ phải nới lỏng các quy định và giảm bớt chi tiêu vốn bảo vệ và tạo ra một số nhóm lợi ích trong nền kinh tế cũ của Nhật Bản – những nhóm lợi ích như nông nghiệp và những nhà cung cấp thiết bị chăm sóc sức khỏe nhỏ lẻ đứng đằng sau sự quay trở lại của LDP. Ông cũng sẽ phải tạo một mạng lưới an toàn xã hội vững chắc hơn để các thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế có thể diễn ra mà không tạo ra thêm những hệ quả xã hội nghiêm trọng. Và ông phải thực hiện điều này trong bối cảnh tài khóa bị thắt chặt một cách mạnh tay. “Abenomics” đã đem tới cho Thủ tướng Abe một dòng vốn chính trị, nhưng hiện nay ông Abe phải sử dụng một phần lớn trong dòng vốn đó để hoàn thành công việc tái cấu trúc.

Mặc dù việc gia tăng nhu cầu trong nước thông qua sự tăng lên của thu nhập hộ gia đình là cần thiết cho quá trình phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, các nhà xuất khẩu Nhật Bản và các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một của Nhật Bản và là điểm đến quan trọng của các khoản đầu tư của người Nhật. Thậm chí với sự giảm tốc gần đây của kinh tế Trung Quốc, việc khôi phục nền kinh tế Nhật Bản sẽ rất khó khăn nếu mối quan hệ chính trị trắc trở với Trung Quốc làm tổn hại đến quan hệ kinh tế Nhật Bản – Trung Quốc. Thủ tướng Abe sẽ khuyến khích những nỗ lực của giới kinh doanh để mở rộng thương mại với những nền kinh tế đầy hứa hẹn ở Nam Á và Đông Nam Á hay ở bất cứ đâu, nhưng những thị trường đó không thể thay thế cho Trung Quốc trong một tương lai gần. Cho đến nay, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã gần như phục hồi, trái ngược với những vấn đề trong quan hệ chính trị song phương. Nhưng nếu mối quan hệ Trung – Nhật trở nên xấu hơn dẫn tới sự tụt dốc trong xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, chiến lược phát triển của ông Abe sẽ bị hủy hoại và do đó đe dọa tới sự tồn vong chính trị của ông.

Chính sách quốc phòng và liên minh Nhật – Mỹ

Trước sự gia tăng sức mạnh quân sự và sự quyết đoán của Trung Quốc, Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật Bản, thắt chặt liên minh với Mỹ, và thúc đẩy hợp tác an ninh với các quốc gia Châu Á có cùng mối lo ngại về Trung Quốc. Ông đã đảo ngược sự giảm sút trong vòng 11 năm của chi tiêu quốc phòng tuyệt đối và thúc đẩy một đạo luật để thành lập nên Hội đồng An ninh Quốc gia tương tự như mô hình của Mỹ. Bộ Quốc phòng đang dự thảo một bản Định hướng Chương trình Quốc phòng Quốc gia (National Defense Program Guideline – NDPG) tiếp theo bản Định hướng vào tháng 12 năm 2010 được nội các của thủ tướng Kan chấp thuận khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) còn đang nắm quyền.[7] Văn kiện năm 2010 đã đưa ra một khái niệm mới từ khái niệm “Lực lượng phòng vệ năng động”, trong đó nhấn mạnh đến “tính sẵn sàng, tính cơ động, sự mềm dẻo, tính bền vững, và sự linh hoạt” và việc sử dụng lực lượng phòng vệ trong những hoạt động quân sự “thuộc vùng xám” giữa thời chiến và thời bình.[8] Dựa trên khái niệm “Lực lượng phòng vệ năng động” này, bản NDPG mới có khả năng bao gồm cả sự phát triền của các đơn vị đổ bộ phản ứng nhanh có thể chống lại khả năng xâm phạm những hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản đến từ Trung Quốc.

Chính quyền của Thủ tướng Abe cũng sẽ tiếp tục đi theo sang kiến của DPJ trong việc sửa đổi các định hướng trong hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ. Lần cuối cùng Nhật Bản sửa đổi những định hướng này là năm 1997, chủ yếu nhằm đáp lại chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Vào thời điểm đó, Nhật Bản đồng ý cung cấp hỗ trợ hậu cần cho quân đội Mỹ nhằm đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở “các khu vực bao quanh Nhật Bản” vốn có tác động lớn đến an ninh của nước này. Kể từ đó đến nay, môi trường an ninh đã thay đổi một cách đáng kể. Sự nổi lên của các vấn đề an ninh trong không gian mạng và trong vũ trụ, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ năng lực quân sự của Trung Quốc ở khu vực ngay sát Nhật Bản, đã thách thức sự khác biệt giữa cái gọi là tiền tuyến và hậu phương trong hợp tác quốc phòng Mỹ -Nhật. Hơn nữa, căng thẳng với Trung Quốc tại biển Hoa Đông đòi hỏi phải có những buổi thảo luận song phương về việc làm thế nào để giải quyết những xung đột thuộc “vùng xám” liên quan đến lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc các đơn vị bán quân sự.

Những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc gia tăng trong nhận thức của công chúng Nhật Bản theo sau sự quyết đoán của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku sẽ khiến cho quá trình theo đuổi chương trình nghị sự về quốc phòng của ông Abe trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên ông vẫn vấp phải một số trở ngại. Trước hết, đối tác liên minh của LDP, Đảng Công Minh (Kōmeitō) sẽ đóng vai trò như một cái phanh. Nền tảng ủng hộ của Kōmeitō là tổ chức Phật giáo Sōkagakkai (Hội sáng tạo giá trị), trong đó các thành viên có xu hướng gắn kết với lòng tin về hòa bình. Chức năng của “cái phanh” được thể hiện rõ nét thông qua việc quan sát những thành viên diều hâu của LDP hối thúc Nhật Bản nhanh chóng đạt được khả năng tấn công bằng tên lửa các căn cứ của kẻ thù vốn có thể đe dọa nước này: trước sự phản đối của Kōmeitō, bản báo cáo NDPG tạm thời vào tháng 7 năm 2013 đã bỏ qua việc đề cập cụ thể tới một khả năng tấn công như vậy mà chỉ đưa ra sự cần thiết có một “khả năng phản ứng toàn diện”.[9]

Thứ hai, những hạn chế về tài chính và cái giá đang gia tăng nhanh chóng của các chương trình phúc lợi xã hội dường như cản trở chính quyền ông Abe gia tăng các khoản chi tiêu quốc phòng vượt hơn 1% GDP. Do đó, sự tăng lên tuyệt đối về chi tiêu quốc phòng sẽ phụ thuộc vào thành công trong chính sách phát triển nền kinh tế của ông Abe. Tái cấu trúc một cách triệt để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có lẽ sẽ là một cách để đạt được nguồn quỹ cần thiết cho quá trình mua sắm những hệ thống quân sự tốn kém như một thế hệ máy bay chiến đấu mới và các máy bay chống tàu ngầm (anti-submarine warfare – ASW). Nhật Bản hiện đang chi nhiều cho các chi phí về tổ chức để duy trì một số lượng lục quân lớn ở phía bắc đất nước. Mặc dù những lực lượng như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc cứu trợ và giảm nhẹ thiên tai trong nước, ví dụ sau Đại thảm hỏa động đất miền đông Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011, tuy nhiên Nhật Bản nên giảm số lượng các đơn vị đóng quân mà vẫn có thể đối phó được những thảm họa thiên tai có thể xảy ra, qua đó có thể giải phóng những nguồn quỹ nhằm giải quyết các vấn đề an ninh từ bên ngoài. Nhưng lực lượng lục quân lớn và gia quyến của họ tạo nên một nền tảng bầu cử trung thành cho những chính trị gia của LDP, và ông Abe sẽ phải đối mặt với những chống đối chính trị mạnh mẽ từ ngay trong Đảng của mình nếu chính quyền của ông cố gắng cắt giảm một cách mạnh mẽ các lực lượng đồn trú và chuyển nhiều hơn những khoản chi tiêu quốc phòng sang giải quyết các thách thức an ninh trên không và an ninh hàng hải.

Thứ ba, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Okinawa sẽ vẫn được coi là gót chân Achilles của liên minh Mỹ – Nhật. Hòn đảo này, vốn là tỉnh nhỏ nhất của Nhật, chiếm gần 74% diện tích đất của tất cả các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và là nơi đóng quân của khoảng 68% quân nhân Mỹ.[10] Năm 1996, chính phủ Mỹ đã đồng ý trả lại căn cứ Không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Futenma, Nhật Bản (vì vị trí của căn cứ lại nằm giữa một khu vực rất đông dân cư), với điều kiện là Mỹ có thể xây dựng một căn cứ khác thay thế. Chính quyền của Thủ tướng Abe đã hối thúc Okinawa chấp thuận việc xây dựng một căn cứ không quân mới ở vịnh Henoko. Tuy vậy, cuộc bỏ phiếu ở Okinawa diễn ra trong thời gian bầu cử Thượng viện vào tháng 7 năm 2013 không thuận lợi cho ông Abe. Keiko Itokazu, một Thượng nghị sĩ đương nhiệm đến từ Okinawa, người đã có chiến dịch phản đối mạnh mẽ chống lại kế hoạch xây dựng căn cứ ở Henoko, đã đánh bại ứng cử viên Masaaki Asato được LDP ủng hộ. Không những thế, bất chấp lập trường của LDP ở phạm vi quốc gia, ông Asato và LDP tại Okinawa lại ủng hộ việc đặt căn cứ thay thế Futenma bên ngoài Okinawa hơn là ở vịnh Henoko.

Với sự phản đối gay gắt của người dân Okinawa về việc xây dựng một căn cứ không quân khác của Mỹ trên đảo của họ, Tỉnh trưởng Hirokazu Nakaima phải đối mặt với một quyết định khó khăn rằng liệu có nên chấp thuận đề nghị của chính phủ để công trình xây dựng căn cứ không quân hình chữ V này có thể được khởi công trên vịnh Henoko hay không. Nếu ông Nakaima từ chối đề nghị này, bế tắc sẽ nổ ra khiến chính phủ trung ương phải cân nhắc tới các điều luật đặc biệt để có thể vượt qua ý kiến đối lập của chính quyền đảo Okinawa. Thậm chí ngay cả khi tỉnh trưởng đồng ý, việc xây dựng căn cứ mới theo như kế hoạch sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân, đặc biệt nếu như thị trưởng của thành phố Nago Susumu Inamine, vốn là người chống đối quyết liệt các đề xuất xây dựng các căn cứ tại Okinawa, tái đắc cử vào tháng 1 năm 2014.

Nếu như Tokyo và Washington không bằng lòng sửa đổi lại bản kế hoạch hiện tại, sự tức giận ở Okinawa sẽ chồng chất và thậm chí làm yếu đi thiện chí của hòn đảo này trong việc sẵn sàng cho phép các cơ sở chiến lược quan trọng của Mỹ được đặt tại đây, ví dụ như căn cứ không quân Kadena. Những phản đối bùng nổ ở Okinawa sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc trong căng thẳng Trung – Nhật tại biển Hoa Đông. Mặc cho những rủi ro như đã nêu, Thủ tướng Abe vẫn sẽ do dự khi đề nghị Mỹ suy nghĩ lại về kế hoạch tái tổ chức căn cứ được đưa ra vào năm 2006. Ông nhận thức được những gì đã xảy ra với Thủ tướng Yukio Hatoyama khi người kế nhiệm của ông đã cố gắng làm điều tương tự vào năm 2009 – ông Hatoyama đã yêu cầu cơ sở thay thế cho Futenma phải được đặt bên ngoài Okinawa hoặc Nhật Bản, nhưng cuối cùng phải đầu hàng trước áp lực đến từ Mỹ. Điều này đã góp phần khiến ông Hatoyama từ chức vào tháng 6 năm 2010. Có lẽ trong suy nghĩ của ông Abe, trong lúc sự quyết đoán của Trung Quốc đang tăng lên, liên minh song phương vẫn chưa đủ sâu sắc và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn chưa đủ mạnh để Tokyo có thể yêu cầu Mỹ phải giảm bớt sự hiện diện của thủy quân lục chiến tại Okinawanhiều hơn so với con số đã được đề ra.

Giải thích lại Hiến pháp và quyền tự vệ tập thể

Để thắt chặt liên minh với Mỹ, ông Abe mong đợi có thể giải thích lại Hiến pháp nhờ đó Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể cũng như tự vệ cá nhân. Trước tình hình đó, mong muốn thay đổi theo hướng như vậy dường như đã tạo được một nhận thức chung, khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận quyền tự vệ tập thể cho tất các các quốc gia, và quyền này đã được đề cập tới trong Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Nhưng kể từ năm 1954, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng điều 9 trong Hiến pháp cấm thực thi quyền tự vệ tập thể, và căn cứ vào cách giải nghĩa này, Nhật Bản vẫn luôn duy trì một “chính sách hoàn toàn mang định hướng phòng thủ” và kiềm chế sở hữu “lực lượng quân sự nhiều hơn mức cần thiết để tự vệ vì điều này có thể đặt ra một mối đe dọa cho các quốc gia khác”.[11] Ba điều kiện phải được thỏa mãn trước khi sử dụng lực lượng vũ trang: “(1) khi có những hành vi gây hấn tức thời và bất hợp pháp chống lại Nhật Bản”; (2) khi không có biện pháp phù hợp để giải quyết những hành vi gây hấn như trên ngoại trừ dựa vào quyền tự vệ; và (3) khi việc sử dụng lực lượng vũ trang được giới hạn ở mức tối thiểu cần thiết”.[12]

Tuy nhiên, học thuyết mang tính hiến định này không ngăn được Nhật Bản mở rộng tầm nhìn an ninh của mình nhằm phản ứng lại với sự phát triển của tình hình quốc tế, ví dụ như việc thiết lập hòa bình tại Campuchia năm 1991 hay vụ khủng bố tấn công nước Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Bằng cách nới lỏng quyền tự vệ cá nhân và làm rõ giới hạn trong việc sử dụng lực lượng vũ trang, Nhật Bản đã cố gắng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động tiếp nhiên liệu cho tàu hải quân Mỹ và các quốc gia khác trên Ấn Độ Dương, đồng thời triển khai lực lượng trên bộ để giúp đỡ Iraq tái thiết lại đất nước sau chiến tranh.

Vậy tại sao hiện nay Nhật Bản lại cần phải thay đổi một học thuyết tương đối mềm dẻo vốn đã được họ áp dụng trong gần 6 thập kỷ qua? Vào tháng 4 năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản đã lập ra một ủy ban cấp cao đứng đầu bởi cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, ông Shunji Yanai, để xem xét bốn vai trò an ninh khả dĩ của Nhật Bản. Đầu tiên là bảo vệ những tàu hải quân của Mỹ khỏi bị tấn công trong khi tham gia hoạt động chung với các tàu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản ở vùng nước quốc tế; thứ hai là ngăn chặn một tên lửa đạn đạo nhắm vào Mỹ; thứ ba là bảo vệ nhân viên của các nước tham gia vào các hoạt động hòa bình quốc tế chung với Nhật Bản; và thứ tư, cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hòa bình quốc tế vốn có thể trở thành một phần nguyên nhân của việc sử dụng vũ lực của các quốc gia khác.

Một năm sau khi ông Abe từ chức Thủ tướng, Ủy ban Yanai đã kết luận rằng để thực hiện hai vai trò đầu tiên, Nhật Bản nên giải thích lại Hiến pháp cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể. Ủy ban lập luận rằng vai trò thứ ba và thứ tư sẽ dễ dàng được thực thi nếu Nhật Bản có thể tiến hành quyền tự vệ tập thể, đồng thời tham gia vào “các nỗ lực an ninh tập thể” của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Yanai cũng ủng hộ việc từ bỏ học thuyết cấm hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động có thể có liên hệ trực tiếp tới việc sử dụng vũ lực (buryokukoshi no ittaika), ngoại trừ việc đáp trả những hành động tấn công chống lại Nhật Bản.[13] Học thuyết này được đặt ra một cách rõ ràng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở vịnh Ba Tư năm 1990-1991, nhằm thiết lập các điều kiện biến các hoạt động hỗ trợ hậu cần của Nhật Bản trở nên hợp hiến.

Thủ tướng Yasuo Fukuda, người đã tiếp nối chiếc ghế Thủ tướng của ông Abe vào năm 2007, từ chối đi theo các đề xuất của Hội đồng Yanai. Những sứ giả hòa bình của LDP cũng như những chính trị gia của đảng đối lập đã chỉ trích Hội đồng về việc xúc tiến sửa đổi Hiến pháp bằng cửa sau mà không tiến hành tranh luận công khai. Thậm chí một vài nhân vật trong cộng đồng chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã nghi ngờ những phân tích trong báo cáo của Hội đồng Yanai. Lấy ví dụ, họ cho rằng những con tàu của JMSDF có thể phản ứng dựa vào quyền tự vệ cá nhân nếu một tàu hải quân của Mỹ gần đó bị tấn công, bởi vì thật khó có thể tượng tưởng rằng những con tàu của Mỹ khi hứng chịu các cuộc tấn công sẽ không đe dọa tới những con tàu của Nhật. Liên quan tới vấn đề ngăn chặn tên lửa đạn đạo, những chỉ trích chỉ ra rằng Nhật Bản không có khả năng bắn hạ một đầu đạn tên lửa hướng tới Mỹ, và rằng dưới tình huống như vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Nhật là nên bảo vệ những căn cứ của Mỹ ở Nhật cũng như lãnh thổ quốc gia của Nhật Bản. Một chiến dịch như vậy có thể được tiến hành dựa trên quyền tự vệ cá nhân.[14]

Trái ngược với những mối nghi ngại ở trên về sự cần thiết phải giải thích lại Hiến pháp, Thủ tướng Abe đã khôi phục lại Hội đồng Yanai ngay sau khi ông tái đắc cử. Sau cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7 năm 2013, phó chủ tịch của hội đồng, giáo sư Shinichi Kitaoka, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng Hội đồng, đã hoạt động trở lại vào tháng 2 năm 2013, sẽ không chỉ đi vào bốn trọng điểm đã được đề cập trong bản báo cáo vào tháng 6 năm 2008 mà sẽ quan tâm đến cả những thách thức an ninh khác, như an ninh mạng và bảo vệ các tuyến đường biển. Với sức mạnh quân sự đang nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và sự xâm phạm của các tàu Trung Quốc vào vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku, ông Kitaoka đã nhấn mạnh tính cấp thiết phải hợp tác với Mỹ.[15] Để dọn đường cho quá trình giải thích lại Hiến pháp, vào tháng 8 năm 2013 ông Abe đã bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao Ichirō Komatsu, người ủng hộ các thay đổi Hiến pháp, làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Nội các.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đang đối mặt với những chống đối mạnh mẽ liên quan tới hành động giải thích lại Hiến pháp. Căn cứ vào khảo sát của nhật báo Asahi Shimbun, 59% người được hỏi phản đối việc thay đổi giải thích Hiến pháp cho phép thực thi quyền tự vệ tập thể, trong khi chỉ có 27% đồng thuận.[16] Đảng Kōmeitō, đối tác liên minh của LDP đã thể hiện mối e ngại của họ về việc giải thích lại Hiến pháp; và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông Toshimi Kitazawa công khai phản đối sự thay đổi của cách giải nghĩa hiện tại mà không quy định nội dung và giới hạn của tự vệ tập thể.[17] Để vượt qua được sự phản đối này, Thủ tướng Abe có lẽ sẽ phải làm rõ các ràng buộc trong việc sử dụng vũ lực khi Nhật Bản thực thi quyền tự vệ tập thể.

Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến chính sách quốc phòng của Nhật Bản và quan hệ an ninh Mỹ – Nhật trong những giai đoạn cụ thể? Liên quan tới sự phòng thủ của Nhật Bản chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc hay những đe dọa từ Triều Tiên, Nhật Bản hoàn toàn có thể hợp tác với Mỹ dưới sự giải thích hiện tại của Hiến pháp vốn kiềm chế Nhật Bản trong việc thực thi quyền tự vệ cá nhân. Tuy vậy, cho phép thực thi quyền tự vệ tập thể, trên lý thuyết có thể cho phép Nhật Bản hoàn toàn có thể kết hợp với quân đội Mỹ trong việc sử dụng vũ lực – thậm chí trong những tình huống và khu vực địa lý không trực tiếp đe dọa đến đất nước và người dân Nhật Bản, miễn là chúng thể hiện một mối đe dọa rõ ràng tới nước Mỹ (giống như Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9). Tuy nhiên, dường như chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ không giống như Anh và Pháp khi tham gia vào “liên minh tự nguyện” (“coalitions of the willing”) do Mỹ dẫn đầu và sát cánh chiến đấu trong các hoạt động quân sự ở Trung Đông hay ở bất cứ đâu.

Có lẽ điều quan trọng nhất của việc giải thích lại Hiến pháp sẽ là thay đổi tâm lý căn bản của liên minh Mỹ – Nhật. Giải thích lại Hiến pháp để hợp pháp hóa quyền tự vệ tập thể có thể khuyến khích Nhật Bản và Mỹ làm sâu sắc thêm các kế hoạch hợp tác và kết hợp trong các tình huống bất ngờ vượt ra khỏi khả năng tự vệ của Nhật Bản. Giải thích lại Hiến pháp sẽ cho phép nới lỏng lệnh cấm hỗ trợ hậu cần vốn trực tiếp ảnh hưởng tới việc sử dụng vũ lực trong những hoàn cảnh cụ thể mà việc tấn công Nhật Bản là hầu như không thể xảy ra. Ví dụ, Nhật Bản có thể có khả năng cung cấp, bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, các hỗ trợ hậu cần như đạn dược và nhiên liệu cho lực lượng Mỹ, liên quan trực tiếp đến việc sử dụng vũ lực để bảo vệ những lợi ích an ninh của một quốc gia có quan hệ gần gũi với Nhật Bản. Nhật Bản cũng có khả năng tham gia vào các chiến dịch rà phá thủy lôi tại những vùng biển có khả năng là một phần của một cuộc chiến hoặc tham gia ngăn cấm tàu bè trong những tình huống quân sự mang tính chất bất ngờ có liên quan đến Mỹ. Những tranh cãi trong chính sách phòng vệ của Nhật Bản do đó sẽ chuyển sự tập trung từ những nghi vấn liên quan đến Hiến pháp sang những tranh luận cụ thể về những mục tiêu và phương thức mang tính chiến lược. Như bản thân ông Abe đã viết, “việc thực thi quyền tự vệ tập thể không có nghĩa là Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào Mỹ, mà hơn thế nữa là trở nên bình đẳng với Mỹ”.[18]

Từ giải thích lại đến sửa đổi hiến pháp

Chương trình nghị sự xét lại lịch sử

Những hàm ý đối với nước Mỹ

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Nhat Ban duoi thoi Abe – On hoa hay chu nghia dan toc.pdf

—-

[1] Reiji Yoshida, “Buoyant Abe’s true colors emerging,” Japan Times, April 28, 2013, http://www.japantimes.co.jp/news/2013/04/26/national/buoyant-abes-true-colors-emerging/.

[2] Gerald Curtis, “Japan’s Cautious Hawks: Why Tokyo Is Unlikely to Pursue an Aggressive Foreign Policy,” Foreign Affairs, March/April 2013, 77-86.

[3] Đối với Hạ viện, các đơn vị bầu cử đại diện theo tỉ lệ được tổ chức thành 11 nhóm khu vực lớn, mỗi nhóm bao gồm nhiều tỉnh khác nhau.

[4]  Asahi Shimbun, July 24, 2013, p. 4.

[5]  Abe Shinzo, Atarashii kuni e: Utsukushi kuni e –kanzen ban [Toward a New Country: Toward a Beautiful Country (Complete Edition)] (Tokyo: Bungei Shunju¯, 2013).

[6] “Seron chosa shitsumon to kaito” [Public Opinion Survey: Questions and Answers], Asahi Shimbun, September 11, 2013, pg. 4.

[7] Ministry of Defense, Japan, “National Defense Program Guidelines for FY 2011 and Beyond,” December 17, 2010, http://www.mod.go.jp/e/d_act/d_policy/national.html.

[8] Sugio Takahashi, “Crafting Deterrence and Defense: The New Defense Policy of Japan,” Tokyo Foundation, October 10, 2012, http://www.tokyofoundation.org/en/topics/japanchina-next-generation-dialogue/crafting-deterrence-and-defense.

[9] “Teki kichi kogeki, iron mo: Bo’ei Taiko Chukan Hokoku” [Enemy-Base Strike, opposition also: National Defense Program Guideline Interim Report], Nihon Keizai Shimbun, July 25, 2013.

[10] Okinawa Ken Chiji Koshitsu Kichi Taisaku Ka, Okinawa no Beigun Kichi [U.S. Military Bases in Okinawa (Naha: Okinawa Prefecture Base Policy Division, 2013), 11, 15.

[11] Bo¯’ei handobukku 2011 [Defense Handbook 2011] (Tokyo: Asagumo Shinbunsha, 2011), 659-61.

[12]  Ministry of Defense, Defense of Japan 2012 (Tokyo: Ministry of Defense), 109.

[13] Report of the Advisory Panel on Reconstruction of the Legal Basis for Security, translation,  June 24, 2008, www.kantei.go.jp/jp/singi/anzenhosyou/report.pdf?.

[14] Yanagisawa Kyoji, et. al., Kaiken to kokubo: konmeisuru anzen hosho no yukue   [Constitutional Revision and National Defense: Confusing Direction in Security] (Tokyo: Junpo¯sha, 2013), 17-42.

[15] “Ko-betsu ji-ei ken dake fujubun” [Individual Self-Defense Right Inadequate], Yomiuri  Shimbun, August 3, 2013, 4.

[16]  “Shudan-teki ji’ei ken no kenpo kaishaku: ‘henko’ hanktai 59%” [Constititional Interpretation regarding the Right of Collective Self-Defense], Asahi Shimbun, August 26, 2013, pg. 3.

[17]  “Shudanteki ji’eiken: Komei nayamu” [Collective Self-Defense: the Komeito troubled], Asahi Shimbun, September 15, 2013, p. 4; and “’Kaishaku kaiken hantai de shu¯yaku’: Minshu¯ Kitazawa shi ga iko¯” [Coming together on opposing constitutional revision through interpretation: the intention of Mr. Kitazawa of the Democratic Party], Asahi Shimbun, October 9, 2013, pg. 4.

[18] Abe, [Toward a New Country], 254.Op. Cit.