Sự tê liệt của ASEAN giúp Trung Quốc rảnh tay trên Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

5.WSA6701

Tác giả: Bertil Lintner | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Lời kêu gọi “đóng băng” các hành động khiêu khích trên Biển Đông của Mỹ nhận được một phản ứng lạnh nhạt tại diễn đàn khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng Tám vừa qua với sự tham gia của nhiều bên đối thoại tại Naypyidaw, thủ đô của Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mong đợi đạt được nhiều hơn từ cuộc họp với ASEAN vốn có cả sự góp mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng các nhà ngoại giao đến từ một loạt các quốc gia chủ chốt khác trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Kerry đáng lẽ không nên quá ngạc nhiên bởi lẽ ASEAN hoạt động dựa trên hai nguyên tắc chủ chốt: đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên. Trên thực tế, ASEAN nhận thấy họ không thể có một lập trường thống nhất đối với các cuộc xung đột khu vực, cũng không thể (can thiệp để) giải quyết các vấn đề song phương giữa các quốc gia thành viên. Thất bại này có thể dẫn tới việc Trung Quốc được tự tung tự tác trong việc đối phó với những vấn đề trên Biển Đông và các quốc gia láng giềng đầy phức tạp của họ.

Philippines và Việt Nam, hai quốc gia có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các yêu sách trên biển của Trung Quốc, sẽ đồng thuận với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ đề nghị của ông Kerry. Nhưng Malaysia và Brunei, cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, lại có vẻ miễn cưỡng khi phải đối phó với siêu cường đang lên của châu Á. Thái Lan, Campuchia và Lào thân cận hơn với Trung Quốc trong khi Indonesia, nước có dân số lớn nhất trong các nước ASEAN, có lập trường trung lập hơn. Singapores có lối đi của riêng họ, còn lại Myanmar, cũng có một mối quan hệ lâu dài và khó khăn với Trung Quốc. Về cơ bản, ông Kerry đã hơi lạc quan quá mức khi trông đợi các nước ASEAN đạt được một sự đồng thuận trước những chính sách ngày càng quyết liệt của Trung Quốc với các nước láng giềng phía Nam.

Đáng chú ý, cuộc họp được tổ chức tại Myanmar, quốc gia đã mở cửa với phương Tây trong vài năm gần đây nhằm hạn chế sự lệ thuộc trước đây vào Trung Quốc về thương mại, đầu tư, ngoại giao quốc tế và hợp tác quân sự. Bắt đầu từ những năm 1980, khi các nước phương Tây xa lánh Myanmar bởi tình hình nhân quyền không được đảm bảo và những cuộc đàn áp đẫm máu để dập tắt bất kỳ dấu hiệu nào chống lại chính quyền quân sự của họ, Trung Quốc đã bước chân vào với những khoản đầu tư và khoản vay ưu đãi trong ngành công nghiệp khai khoáng và thủy điện. Trung Quốc cũng lũng đoạn thị trường Myanmar bằng hàng hóa giá rẻ và đến đầu những năm 1990 đã trở thành quốc gia cung cấp khí tài quân sự chính cho nước này. Trung Quốc cũng ngăn cản những nỗ lực của phương Tây nhằm cho phép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có những hành động quyết liệt hơn đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Bước ngoặt đến vào tháng Chín năm 2011 khi thủ tướng mới của Myanmar Thein Sein đình chỉ một dự án đập thủy điện được Trung Quốc hậu thuẫn trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ ở miền Bắc đất nước. Hơn 700 kilômét vuông rừng có thể đã bị ngập nước trong khi 90 phần trăm lượng điện được đưa về Trung Quốc. Một năm sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lúc đó có một chuyến công du đến Myanmar, tiếp đến là chuyến thăm của đích thân Tổng thống Barack Obama hồi tháng Mười một năm 2012.

Tháng Năm năm nay, ông Obama nói rằng “nếu Myanmar thành công, chúng ta sẽ có được một đối tác mới mà không cần bắn một viên đạn nào”. Ông Obama muốn nói tới thành công của “hòa giải dân tộc” và quá trình cải cách đất nước, nhưng với chính sách “xoay trục sang châu Á” của mình, cũng không phải là quá lời khi cho rằng việc Myanmar tuột khỏi vòng tay của Trung Quốc cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng và là một lý do khác để lý giải tại sao Hoa Kỳ có vẻ như thất vọng với việc ASEAN thiếu khả năng hành động như là một khối thống nhất.

Vấn đề này đưa Hoa Kỳ vào một tình thế đặc biệt khó xử. Một mặt, Hoa Kỳ muốn Myanmar đứng về phía mình để đối diện với Trung Quốc, điều đã bắt đầu diễn ra ở một mức độ đáng kể từ năm 2011. Mặt khác, Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước việc chính phủ Myanmar trượt lại con đường độc đoán như trước, điều trở nên đáng chú ý hơn trong năm vừa qua với những vụ bắt giam các nhà báo cũng như các vụ tấn công tiếp diễn nhằm vào người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới. Trong một cuộc họp với Thủ tướng Thein Sein ở Naypyidaw, ông Kerry cảm thấy bắt buộc phải cảnh báo rằng bất kỳ bước tiến nào trong quan hệ giữa hai nước đều đòi hỏi việc tôn trọng các quyền con người cơ bản và cam kết đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Về phần mình, Naypyidaw cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như trên các phương diện khác từ phía Washington trong hoàn cảnh Trung Quốc đang nỗ lực giành lại một phần ảnh hưởng đã mất với chính sách cây gậy và củ cà rốt – mà cả hai điều này đều gây ra những bất ổn ở Myanmar. Trong lúc Trung Quốc đang lấy lòng các tổ chức xã hội dân sự địa phương và tiến hành một chiến dịch quan hệ công chúng nhằm nâng cao lợi ích của mình ở Myanmar, thì các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đồng thời bán các vũ khí tinh vi cho Quân đội Nhà nước Wa Thống nhất (UWSA), lực lượng vũ trang có quy mô lớn nhất trong nước chống lại Chính phủ Myanmar.

UWSA được đánh giá có khoảng 30.000 lính vũ trang thường trực và dự bị. Theo Anthony Davis, một nhà phân tích quân sự của hãng IHS/Jane’s, lực lượng này được trang bị súng trường tấn công Type 81, súng phóng lựu chống tăng Type 69, súng máy hạng nặng, pháo phòng không, súng trường không giật, súng cối cỡ nòng lên đến 120 mm hoàn toàn mới của Trung Quốc, cũng như hệ thống phòng không di động (MANPADS) thế hệ HN-5 do Trung Quốc sản xuất.

Theo Davis, UWSA đã mua hai loại xe bọc thép từ Trung Quốc và máy bay vận tải hạng nhẹ. Không một nhóm sắc tộc vũ trang trong nước nào có được kho vũ khí chế tài tương tự. UWSA có thể có một thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền trung ương Myanmar, nhưng việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho họ những vũ khí tối tân là chưa từng có tiền lệ. Thậm chí Đảng Cộng sản Myanmar hiện đã giải thể từng được Trung Quốc viện trợ những năm 1960 và 1970 nhưng cũng không được nhận nhiều vũ khí và khí tài như UWSA hiện nay.

Đáng lo ngại hơn, ngày 30 tháng Mười năm ngoái, cơ quan tình báo địa phương tại một doanh trại quân đội Myanmar tại Tang-yan đã gửi một bức điện về trụ sở bộ chỉ huy khu vực đóng tại Lashio khẳng định rằng UWSA đang xây dựng một “căn cứ tên lửa và ra-đa” tại khu vực này thông qua sự hợp tác với một công ty Trung Quốc có tên là Liao Lian cùng các trang thiết bị mua từ Trung Quốc, Đài Loan và Pakistan. Loại tên lửa chưa được xác định, nhưng dựa vào dữ kiện dàn ra-đa sẽ được lắp đặt tại căn cứ thì việc cho rằng nó có sức mạnh lớn hơn những gì UWSA hiện có trong kho vũ khí là hợp lý. Bản báo cáo bằng tiếng Myanmar dùng thuật ngữ taweipyetonggyi, có nghĩa là “tên lửa tầm xa”.

Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức chính phủ Myanmar rất phẫn nộ và theo các cuộc thảo luận riêng tư với các nhà ngoại giao phương Tây, họ ngày càng giận dữ hơn. Nếu quân đội Myanmar dùng các biện pháp vũ lực đối phó với UWSA, Hoa Kỳ chắc hẳn sẽ hài lòng. Nhóm này không chỉ là một lực lượng ủy nhiệm của Trung Quốc mà trong năm 2005 tám lãnh đạo cấp cao của nhóm cũng bị kết án bởi một tòa án Hoa Kỳ với tội danh buôn bán ma túy. Tuy nhiên với việc căng thẳng leo thang ở Biển Đông, Hoa Kỳ chỉ có thể bí mật bày tỏ thái độ biết ơn đối với các nhà lãnh đạo Myanmar (vì chưa có hành động quân sự chống lại UWSA).

Cuộc họp tại Naypyidaw đã kết thúc, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN trong nỗ lực chống lại các mưu đồ của Bắc Kinh đối với khu vực. Và việc thuyết phục các quốc gia ASEAN đồng thuận một chính sách để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar, điều rõ ràng được xem là “can thiệp” vào “công việc nội bộ” của một quốc gia thành viên, sẽ khó khăn hơn so với thuyết phục khối hình thành một chính sách chung cho vấn đề Biển Đông. Chừng nào Thein Sein và chính phủ của ông còn đi chệch quỹ đạo mà Washington mong muốn thì Myanmar có thể sẽ phải tự mình giải quyết vấn đề UWSA và lực lượng hậu thuẫn ở Trung Quốc.

Với tất cả các bên bị kìm hãm dù là lý do này hay lý do khác, Bắc Kinh đều có thể sẽ nắm được thế thượng phong trên Biển Đông cũng như ở Myanmar.

Bertil Lintner từng là phóng viên của tạp chí Far Eastern Economic Review và là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn “Burma in Revolt: Opium and Insurgency Since 1948” (xuất bản và tái bản các năm 1994, 1999, và 2003), “Land of Jade: A Journey from India through Northern Burma to China,” và “The Kachin: Lords of Burma’s Northern Frontier.” Hiện tại ông là cây bút của Asia Pacific Media Services.

Bản gốc tiếng Anh: Yale Global