Lựa chọn miễn cưỡng của Abe giữa Trung Quốc và phe Bảo thủ

Print Friendly, PDF & Email

141111211746-jinping-shinzo-abe-horizontal-gallery

Nguồn: Toshiya Takahashi, “Abe’s fraught choice between China and the conservatives,” East Asian Forum, 2/12/2014.

Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 là khoảng lặng tạm thời cho cả hai giữa bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai nước trong hai năm qua. Cuộc đối thoại này là kết quả của những nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương của hai chính phủ, tạm thời gác lại cả tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vấn đề lịch sử.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí tiếp tục quan hệ chiến lược, bắt đầu đàm phán về việc thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng hàng hải và mở rộng hợp tác kinh tế. Đây là thời khắc thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc của Shinzo Abe, nhưng tiến bộ thật sự trong quan hệ song phương là khó có thể xảy ra do tình hình chính trị trong nước của Nhật Bản.

Những người ủng hộ Abe trong giới tinh hoa chính trị bảo thủ ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc của ông và sẽ là một khó khăn nan giải cho bất kỳ nỗ lực khôi phục quan hệ song phương nào.

Đường lối cứng rắn của Abe đối với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vấn đề lịch sử đã tồn tại từ khi ông trở thành Thủ tướng vào cuối năm 2012. Trong chiến dịch tranh cử trong nước năm 2012, ông lên án chính sách đối với Trung Quốc của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) là mềm yếu, và hứa hẹn một đường lối cứng rắn vốn nhận được sự ủng hộ của phe bảo thủ trong cả giới tinh hoa lẫn công chúng. Ông đã thúc đẩy chuẩn bị phòng thủ cho Quần đảo Nam Tây (Ryukyu), cũng như tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.

Trong năm 2013, ông tiếp tục đề nghị sửa đổi Tuyên bố Murayama 1995 – một cột mốc quan trọng đối với Nhật Bản, được xem là tài liệu xin lỗi chính thức về việc Nhật Bản xâm lược Châu Á trong chiến tranh – dù nỗ lực của ông sau đó đã không thành. Đường lối bảo thủ của ông lên đến đỉnh điểm trong chuyến thăm đền Yasukuni vào cuối năm 2013, làm dấy lên nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ. Một lần nữa, trong khi công luận Nhật Bản chia rẽ thì phe bảo thủ ủng hộ ông lại ca ngợi lập trường cứng rắn này.

Sự điều chỉnh gần đây của Abe trong chính sách đối với Trung Quốc nên được nhìn nhận từ nhu cầu thực tế rõ ràng của cả Nhật Bản và Trung Quốc. Việc thiết lập cơ chế kiểm soát khủng hoảng hàng hải là cực kỳ cần thiết để tránh các vụ đụng độ quân sự bất ngờ. Tăng cường hợp tác kinh tế cũng quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế hai nước, mở rộng thương mại và đầu tư.

Bất chấp những lợi ích thực tế nói trên, nền chính trị trong nước của Nhật Bản vẫn có thể gây khó dễ cho Abe trong việc tiếp tục đường lối hợp tác mỏng manh này. Hai vấn đề hóc búa nêu trên vẫn còn tồn tại. Ba ngày trước Hội nghị thượng đỉnh APEC, cả hai nước đều công bố một tài liệu với tên gọi “Về Thảo luận Hướng tới Cải thiện Quan hệ Nhật-Trung,” bao gồm hai vấn đề trên.

Tuy nhiên, từ quan điểm của phe bảo thủ Nhật Bản thì đây là sự nhượng bộ đối với Trung Quốc. Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tài liệu này trên thực tế thừa nhận sự tồn tại của một tranh chấp lãnh thổ mà các quan điểm chính thức gần đây của Nhật Bản phủ nhận.

Về vấn đề lịch sử, Nhật Bản và Trung Quốc mới chỉ đạt được một sự nhượng bộ mơ hồ, do đường lối chính trị cứng rắn của cả hai nước. Tài liệu khẳng định rằng “cả hai chia sẻ một mức độ công nhận” để “vượt qua những khó khăn chính trị có ảnh hưởng tới quan hệ song phương” vì “tinh thần sẵn sàng đối mặt với lịch sử và tiến đến tương lai.”

Chính phủ Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong hai năm qua đã dứt khoát bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc đối với hai vấn đề trên. Quyền lực của phe bảo thủ và tự do ôn hoà, những người đưa ra chính sách đối với Trung Quốc thời kỳ sau 1972, đã suy giảm trong LDP. Một đường lối không khoan nhượng đối với vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là không thể bàn cãi trong nội bộ LDP, và các chuyến viếng thăm đền Yasukuni đã trở thành nghi lễ của đường lối bảo thủ mới trong LDP.

Cộng đồng doanh nghiệp sẽ hoan nghênh thoả thuận của hội nghị thượng đỉnh, nhưng sự thay đổi chính sách của Abe sẽ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khó giải quyết, thậm chí là đối với ông. Ông có những người ủng hộ  bảo thủ mạnh mẽ cả trong và ngoài đảng chính trị, những người mà ông và những người đồng sự cùng ý thức hệ đã nuôi dưỡng bằng các phát ngôn khiêu khích về lịch sử và chủ nghĩa dân tộc. Những người này không đại diện cho số đông ý kiến của Nhật, nhưng họ tạo thành cốt lõi của nhóm ủng hộ chính trị của Abe.

Chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của ông đã thu hút và khuyến khích các ý kiến thiên về tình cảm và tinh thần chủ nghĩa dân tộc của quần chúng từ khi lên nắm chính quyền năm 2012. Các cụm từ bài Trung mạnh mẽ thường được thấy trên mạng và trong các tờ báo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng của Nhật. Đối với những người Nhật Bản theo chủ nghĩa dân tộc, sự thay đổi chính sách của ông là một sự phản bội. Việc Abe cam kết Nhật Bản tiếp tục thực hiện văn kiện song phương này cũng là một rủi ro chính trị.

Khả năng thực hiện các cam kết tại cuộc họp thượng đỉnh vẫn còn xa vời, nhưng giải pháp quan trọng và cấp thiết hơn là làm dịu lại bối cảnh chính trị bảo thủ của Abe. Trong các cuộc tranh luận chính trị của người Nhật, các quan điểm dè dặt và cân bằng về quan hệ Nhật-Trung đã không còn được chú trọng. Tiếng nói bảo thủ của Abe đã gây ra một sự chia rẽ chính trị sâu sắc, làm giảm đi cơ hội của cuộc tranh luận cân bằng. Vượt qua các tranh luận nặng tính cảm xúc là chìa khoá để giải cứu mối quan hệ với Trung Quốc khỏi xung đột hơn nữa. Vai trò của các chính trị gia Nhật Bản như Abe nằm ở việc đưa ra các chỉ đạo chính trị cần thiết để hàn gắn sự chia rẽ này.

Toshiya Takahashi là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Úc.