Ảo tưởng về sức mạnh kinh tế của Đức

Print Friendly, PDF & Email

130115121522-germany-economy-01152013-monster

Nguồn: Phiippe Legrain, “Germany’s Economic Mirage”,  Project Syndicate, 23/9/2014.

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngọc Phượng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong 60 năm qua, các chính phủ kế tiếp nhau của Đức đã xây dựng một nước Đức mang đậm tính châu Âu. Nhưng bây giờ, chính quyền của thủ tướng Angela Merkel muốn định hình lại nền kinh tế châu Âu theo viễn tưởng của nước Đức. Đây là một bước đi thiếu khôn ngoan về mặt chính trị và nguy hiểm về mặt kinh tế. Còn lâu mới là nền kinh tế thành công nhất châu Âu như bộ trưởng tài chính Wolfgang Schäuble và những người khác luôn tự hào, nền kinh tế Đức đang hoạt động kém hiệu quả.

Có một điều chắc chắn là nước Đức có những thế mạnh riêng của mình: các công ty nổi tiếng thế giới, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xếp hạng tín dụng cao. Nhưng Đức lại có mức tiền lương trì trệ, các ngân hàng bị phá sản, thiếu đầu tư, năng suất tăng chậm, cơ cấu dân số tiêu cực và sản lượng tăng trưởng thấp. Mô hình kinh tế “lợi mình hại người” – kiềm chế tăng lương để trợ cấp xuất khẩu – của Đức không nên được xem là một ví dụ cho các nước còn lại trong khu vực đồng euro noi theo.

Nền kinh tế Đức đã thu hẹp lại trong quý 2 năm 2014, và chỉ tăng trưởng 3,6% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – nhỉnh hơn so với Pháp và vương quốc Anh, nhưng chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng ở Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ. Từ năm 2000, mức độ tăng trưởng trung bình GDP hằng năm là 1,1%, xếp thứ 13 trong 18 nước thành viên của khu vực đồng tiền chung euro.

Bị xem là “con bệnh của châu Âu” khi đồng euro được phát hành năm 1999, Đức phản ứng lại bằng việc cắt giảm chi phí thay vì thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế. Tỉ lệ đầu tư so với GDP giảm từ 22,3% năm 2000 xuống còn 17% năm 2013. Cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cầu cống và thậm chí kênh đào Keil cũng hoang tàn sau nhiều năm bị bỏ bê. Hệ thống giáo dục lỏng lẻo: số lượng người học việc ở mức thấp nhất từ sau khi thống nhất, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp (29%) thấp hơn so với Hy Lạp (34%), và các trường đại học hạng ưu của Đức cũng hầu như khó chen chân vào top 50 thế giới.

Bị hạn chế bởi thiếu vốn đầu tư, nền kinh tế khập khiễng (arthritic) của Đức phải đấu tranh để thích nghi. Mặc dù có các cải cách thị trường lao động của nguyên thủ tướng Gerhard Schröder, việc sa thải một nhân viên trong biên chế ở Đức khó khăn hơn nhiều so với ở các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đức rơi xuống hạng 111 trên toàn cầu về mức độ dễ dàng cho việc khởi nghiệp, theo bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới.

Những công ty lớn của Đức thì già cỗi và cứng nhắc, Đức không tạo ra được công ty nào tầm cỡ như Google hay Facebook, và khu vực dịch vụ thì đặc biệt thiếu linh hoạt. Theo OECD, chính phủ Đức đề ra rất ít cải cách có lợi cho tăng trưởng trong suốt 7 năm vừa qua so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Trong một thập kỉ qua, mức tăng năng suất trung bình hằng năm chỉ có 0,9%, thậm chí còn chậm hơn cả Bồ Đào Nha.

Công nhân Đức chính là những người chịu gánh nặng của sự trì trệ. Mặc dù năng suất tăng lên 17,8% trong vòng 15 năm, nhưng thực tế họ kiếm được ít hơn so với năm 1999, khi mà thỏa thuận ba bên giữa chính phủ, các công ty và công đoàn trên thực tế đã đặt ra mức giới hạn cho tiền lương. Các chủ doanh nghiệp có thể ăn mừng, nhưng hạn chế tăng lương sẽ làm tổn hại đến triển vọng phát triển lâu dài của nền kinh tế khi không khuyến khích người lao động nâng cao kỹ năng, và hạn chế các công ty đầu tư vào sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn.

Cắt giảm lương cũng làm giảm mức cầu nội địa, trong khi đó lại giúp trợ cấp xuất khẩu – thứ mà tăng trưởng kinh tế Đức phụ thuộc vào. Đồng euro, chắc chắn là yếu hơn nhiều so với đồng Deutschmark nếu nó vẫn tồn tại, đã có tác động giúp làm giảm giá bán hàng hóa của Đức và ngăn cản Pháp và Ý theo đuổi việc hạ giá đồng tiền của họ. Cho đến gần đây, đồng euro cũng tạo ra nhu cầu lớn về hàng hoá Đức ở Nam Âu, trong khi nền công nghiệp phát triển chóng mặt của Trung Quốc làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu truyền thống của Đức.

Nhưng, với tình hình Nam Âu rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phanh và dịch chuyển khỏi mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Đức đã chậm lại. Thị phần xuất khẩu toàn cầu của Đức giảm từ 9,1% năm 2007 xuống 8% năm 2013 – ngang bằng với thời kì bị xem là “con bệnh của châu Âu” khi Đức đang vật lộn với vấn đề tái thống nhất.

Vì xe và các sản phẩm xuất khẩu khác được gắn mác “Made in Germany” ngày nay bao gồm nhiều phụ tùng được sản xuất ở các nước Trung và Đông Âu, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Đức đang ở mức thấp kỉ lục nếu xét về giá trị gia tăng. Những nhà hoạch định chính sách Đức luôn tự hào về thặng dư tài khoản vãng lai của đất nước – đạt 197 tỷ euro (262 tỷ USD) trong tháng 6 năm 2014 – coi đó là một dấu hiệu cạnh tranh cao của nước Đức. Vậy tại sao các doanh nghiệp lại không muốn đầu tư nhiều hơn vào nước này?

Thặng dư thương mại thực chất là dấu hiệu của nền kinh tế suy yếu. Mức lương trì trệ làm tăng lợi nhuận của các công ty; trong khi đó chi tiêu giảm, khu vực dịch vụ hạn chế và việc khởi nghiệp khó khăn làm hạn chế đầu tư trong nước, với kết quả là các khoản tiết kiệm thặng dư thường bị sử dụng lãng phí ở nước ngoài. Viện Nghiên cứu Kinh Tế Đức thống kê từ năm 2006 đến 2012, giá trị của đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Đức giảm mất 600 tỷ euro, tương đương 22% GDP.

Tồi tệ hơn nữa, thay vì là “mỏ neo của sự ổn định” như lời nhận định của Schäuble thì Đức lại làm lây lan sự bất ổn trong khu vực đồng euro. Phương pháp tiếp cận yếu kém của các ngân hàng khi cho vay khoản tiết kiệm thặng dư đã thổi giá bong bóng giá tài sản trong thời kì trước khủng hoảng tài chính và gây ra giảm phát do nợ kể từ đó.

Đức cũng không phải là “động lực tăng trưởng” của khu vực đồng euro. Trên thực tế, nhu cầu nội địa thấp đã làm giảm tăng trưởng ở những nơi khác. Kết quả là các ngân hàng và những người nộp thuế Đức khó có khả năng thu hồi lại được các khoản nợ xấu đã cho các nước Nam Âu vay.

Do tác động tiêu cực mà tình trạng kiềm chế tăng lương gây nên cho nền kinh tế Đức nên việc bắt buộc cắt giảm lương ở các nước còn lại trong khu vực đồng euro sẽ là một thảm họa. Thu nhập thấp làm giảm chi tiêu nội địa và làm cho nợ trở nên khó kiểm soát hơn. Với nhu cầu trên toàn thế giới thấp, khu vực đồng euro sẽ không thể dựa vào xuất khẩu để thoát khỏi các khoản nợ. Đối với các nền kinh tế đang gặp khó khăn ở Nam Âu – nơi ngành xuất khẩu truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kì, thì cách giải quyết là đầu tư vào việc nâng cao chuỗi giá trị bằng cách sản xuất các sản phẩm mới và tốt hơn.

Nền kinh tế Đức cần có một cuộc cải cách tổng thể. Các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào nâng cao năng suất hơn là tính cạnh tranh và nhân công phải được trả lương xứng đáng. Chính phủ nên tận dụng mức lãi suất gần như bằng không để đầu tư và khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp – đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp. Cuối cùng, nước Đức cần chào đón những người nhập cư trẻ năng động để ngăn chặn sự suy giảm cơ cấu dân số.

Đây sẽ là một mô hình kinh tế tốt hơn cho nước Đức và cũng là một ví dụ đúng đắn cho các quốc gia còn lại trong khu vực đồng euro noi theo.

Philippe Legrain, hiện là nghiên cứu viên khách mời cao cấp tại Viện Châu Âu của Trường Kinh tế London và cựu cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, là tác giả của cuốn sách European Spring: Why Our Economies and Politics are in a Mess – and How to Put Them Right.