Cơ hội kinh tế từ việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone

Print Friendly, PDF & Email

Martin-Sutovec-Slovakia-FULL

Nguồn: Alberto Bagnai, Brigitte Granville, Peter Oppenheimer, “The Economic Opportunity of Greece’s Exit”, Project Syndicate, 24/02/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quang Dũng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Dòng đầu tiên trong Hiệp ước Rome 1957—văn bản thành lập cho tổ chức rốt cuộc trở thành Liên minh Châu Âu sau này—“kêu gọi một liên minh mãi bền vững giữa các dân tộc Châu Âu.” Tuy nhiên, quan niệm đó gần đây đang bị đe doạ, bị phá hoại bởi chính giới tinh hoa chính trị Âu Châu, những người đã thiết lập một đồng tiền chung nhưng không quan tâm tới những đường đứt gãy báo hiệu sự đổ vỡ của nó.

Ngày nay, những vết rạn đó đã dần lộ ra và ngày càng tồi tệ hơn bởi cuộc khủng hoảng triền miên của Hy Lạp. Và không ở đâu sự rạn nứt này rõ ràng hơn là trong mối quan hệ giữa Hy Lạp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Khi cuộc khủng hoảng ở Châu Âu bắt đầu vào năm 2010, các nhà chức trách đã nhận ra rằng họ thiếu những chuyên môn cần thiết để xử lý khả năng vỡ nợ quốc gia của các thành viên và nguy cơ sụp đổ của liên minh tiền tệ. Đối với các quan chức EU, tránh được sự sụp đổ của Eurozone là mệnh lệnh chính trị hàng đầu, và họ đã nhờ tới sự giúp đỡ của IMF. Những sự bất thường trong can thiệp của IMF càng chứng minh vấn đề của Eurozone nghiêm trọng như thế nào—và tình hình vẫn tiếp tục như vậy.

Đầu tiên, các điều khoản trong thoả thuận của IMF yêu cầu tổ chức này phải làm việc với các thực thể chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các khoản hỗ trợ, ví dụ như “kho bạc, ngân hàng trung ương, quỹ ổn định hoặc cơ quan tài chính của một quốc gia thành viên.” Tuy nhiên, những thể chế mà IMF đang cùng làm việc tại Eurozone không còn chịu trách nhiệm quản lý kinh tế vĩ mô của nước đó; quyền lực này nay thuộc về Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Cho Hy Lạp vay cũng giống như IMF đã cho vay một đơn vị dưới cấp độ nhà nước, như một tỉnh hoặc thành phố, mà không có sự bảo đảm hoàn vốn từ chính quyền trung ương.

Một vấn đề khác là tầm mức can thiệp quá lớn của IMF. Khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp đòi hỏi một khoản cho vay vượt quá mức mong đợi của các nước khác. Quyền “tiếp cận đặc biệt” của Hy Lạp đối với nguồn quỹ IMF được xác định tại mức “giới hạn tổng cộng 600%” nếu so với hạn ngạch IMF của quốc gia này (một cách đo mức độ cam kết tài chính của một quốc gia đối với IMF). Thay vì vậy, vào tháng 4 năm 2013, mức hỗ trợ tài chính tích luỹ được xác định lên tới 3.212% hạn ngạch của Hy Lạp.

Lý do IMF phải bỏ ra một khoản cho vay lớn như vậy là vì Liên minh Châu Âu ban đầu từ chối xem xét giảm nợ cho Hy Lạp. Họ sợ rằng khủng hoảng lan toả sẽ bao trùm lên hệ thống ngân hàng khu vực đồng Euro. Quyết định đó khiến người ta nghi ngờ khả năng của liên minh tiền tệ này trong việc giải quyết khủng hoảng và càng góp phần làm giảm mức sản xuất của Hy Lạp. Khi một hiệp định về tái cấu trúc nợ cuối cùng được thông qua vào năm 2012, nó đã giúp các chủ nợ tư nhân có cơ hội giảm rủi ro tổn thất bằng cách chuyển các khoản đòi nợ còn lại lên người đóng thuế.

Ban đầu, IMF mang lập trường chính thức rằng nợ của Hy Lạp là bền vững. Nhưng nhân viên IMF lại không nghĩ vậy. Năm 2013 Quỹ thừa nhận các nhà phân tích của họ biết rằng nợ của Hy Lạp là không bền vững nhưng vẫn quyết định thực hiện kế hoạch “bởi lo sợ tác động lan tỏa từ Hy Lạp sẽ đe doạ khu vực đồng Euro và nền kinh tế toàn cầu.”

Thêm vào đó, từ tháng 11 năm 2010 tới tháng 4 năm 2013, IMF đã xét lại và hạ mức dự đoán GDP danh nghĩa của Hy Lạp xuống 27%. Điều này gây nghi ngờ về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của IMF đối với việc dự đoán mức độ bền vững của các khoản nợ. Ẩn ý đáng sợ là: IMF không thể cung cấp một khuôn khổ đáng tin cậy đối với các điều chỉnh mà Hy Lạp phải thực hiện.

Những thông tin này cung cấp một bối cảnh quan trọng cho các cuộc đàm phán đang diễn ra vì nó cho thấy mục đích của việc giải cứu Hy Lạp không phải là nhằm phục hồi sự thịnh vượng cho người dân nước này mà chính là vì muốn cứu vãn Eurozone. Vì thế, chính phủ Hy Lạp hoàn toàn có quyền chất vấn các điều khoản được đưa ra cho đất nước họ.

Những thoả thuận mà các chính quyền trước đã ký chắc chắn sẽ làm giảm phạm vi các chính sách còn lại của chính phủ mới, đặc biệt là đối với việc giảm nợ, điều mà nếu xảy ra đòi hỏi việc đơn phương tuyên bố vỡ nợ và rút khỏi Eurozone. Nhưng một chính quyền được bầu một cách dân chủ không cần phải bị ràng buộc bởi những cam kết của chính quyền trước. Và điều này càng đúng sau một cuộc bầu cử mà thực chất là một cuộc trưng cầu dân ý về những chính sách này.

Tối hậu thư từ những thể chế không được bầu (chỉ EU và IMF),[1] những tổ chức đã đánh mất tính chính danh của mình, đã châm ngòi cho một làn sóng chống EU trên khắp châu lục. Kết quả tồi tệ nhất của các cuộc đàm phán hiện nay là việc Hy Lạp chấp nhận yêu cầu của các chủ nợ và đổi lại rất ít sự nhượng bộ. Một kết quả như vậy sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng đối với các đảng và phong trào chống EU ở những nơi khác. Điều này sẽ dẫn tới một cơ hội bị đánh mất cho cả Hy Lạp và Châu Âu.

Cơ hội đó chính là sự tuyên bố vỡ nợ và rút lui khỏi Eurozone, điều sẽ cho phép Hy Lạp bắt đầu sửa chữa các sai lầm trong quá khứ và đưa nền kinh tế quay lại con đường phục hồi và tăng trưởng bền vững. Tới lúc đó, sẽ là khôn ngoan nếu EU làm theo bằng cách dỡ bỏ liên minh tiền tệ và giảm nợ cho những nền kinh tế khốn khó nhất của mình. Chỉ khi đó, những lý tưởng nền tảng của EU mới có thể trở thành hiện thực.

Alberto Bagnai là Phó Giáo sư về chính sách kinh tế tại Đại học Gabriele d’Anmunzio.

Brigitte Granville là Giáo sư Kinh tế quốc tế và chính sách kinh tế tại Trường Kinh doanh và Quản trị, Queen Mary, Đại học London.

Peter Oppenheimer là nghiên cứu viên tại Đại học Oxford.

————————-

[1] Gói giải cứu đầu tiên cho Hy Lạp hết hạn vào ngày 28/2/2015, và EU muốn Hy Lạp xin gia hạn, đi kèm với các cam kết cải cách. Tuy nhiên chính quyền của Đảng Syriza mới thắng cử đã tuyên bố không chấp nhận tối hậu thư này của EU – NHĐ.