Cái giá của việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro

Print Friendly, PDF & Email

150105_Open_Europe_Blog_Greece

Nguồn: Jean Pisani-Ferry, “The Costs of Grexit,” Project Syndicate, 28/02/2015.

Biên dịch: Trần Hương Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Đầu tuần này (cuối tháng 2), sau những ngày thảo luận căng thẳng, chính quyền mới ở Athens đã đạt được một thỏa thuận với các nước chủ nợ của nó ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, bao gồm một gói cải cách cấp tốc và gia hạn chương trình hỗ trợ tài chính thêm 4 tháng. Nhưng dù cả cộng đồng châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm, thỏa hiệp này không loại trừ sự cần thiết phải có các cuộc đàm phán cứng rắn hơn nữa về một chương trình hỗ trợ tài chính mới mà các bên sẽ phải đưa ra vào cuối tháng 6.

Trong bất cứ cuộc đàm phán nào, biến số quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi của các bên chủ chốt, và từ đó ảnh hưởng đến kết quả đàm phán, là cái giá mỗi bên phải trả nếu không đạt được một thỏa thuận chung. Trong trường hợp này, vấn đề là cái giá của việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (“Grexit”) – một viễn cảnh được bàn thảo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong suốt quá trình đàm phán gần đây, với nhiều suy đoán đáng kể về lập trường của các bên trong cuộc, đặc biệt là chính phủ Hy Lạp và Đức.

Theo quan điểm của Hy Lạp, việc rời bỏ khu vực đồng euro sẽ gây hỗn loạn lớn, điều này giải thích tại sao nó nhận được rất ít sự ủng hộ từ trong nước. Nhưng cái giá mà những nước còn lại trong khu vực đồng euro phải trả cho sự ra đi của Hy Lạp là gì? Kể từ khi câu hỏi này lần đầu tiên được đặt ra những năm 2011-2012, đã có hai quan điểm đối lập.

Một quan điểm – được mệnh danh là thuyết domino – cho rằng nếu Hy Lạp rời bỏ khu vực, ngay lập tức thị trường sẽ bắt đầu tự hỏi ai là người tiếp theo. Số phận của các nước khác sẽ trở thành vấn đề nghi ngờ, như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á trong những năm 1997-1998 hay cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu trong những năm 2010-2012. Tiếp theo đó có thể là sự tan rã của khu vực đồng euro.

Quan điểm còn lại – thường được gọi là thuyết gia cố (ballast theory) – cho rằng khu vực đồng euro sẽ thực sự được củng cố bởi sự rút lui của Hy Lạp. Liên minh tiền tệ này sẽ thoát khỏi một rắc rối có tính lặp lại, và quyết định của khu vực đồng euro cho phép hay đề nghị Hy Lạp rời khỏi nó sẽ làm tăng độ tin cậy của các quy tắc của khu vực này. Quan điểm này tuyên bố sẽ không còn quốc gia nào có thể dám tống tiền các đối tác của mình thêm nữa.

Hồi năm 2012, thuyết domino có vẻ thực tế tới mức các nước chủ nợ đã bỏ qua lựa chọn để Hy Lạp ra đi. Sau khi suy tính kỹ càng trong suốt mùa hè, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Athens và bày tỏ rằng bà “hy vọng và mong muốn” Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại.

Nhưng tình hình hiện nay đã khác. Những căng thẳng thị trường đã giảm đáng kể; Ireland và Bồ Đào Nha không còn nằm trong chương trình hỗ trợ tài chính; hệ thống tài chính khu vực đồng euro đã được tăng cường bởi quyết định chuyển sang một liên minh ngân hàng; và các công cụ quản lý khủng hoảng đã sẵn sàng đâu vào đó. Phản ứng dây chuyền do sự ra đi của Hy Lạp gây ra ít có khả năng xảy ra hơn nhiều.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tổn thất này sẽ không gây ra tác hại gì. Có ba lý do khiến việc Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng euro vẫn có thể làm liên minh tiền tệ châu Âu suy yếu nghiêm trọng.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất, việc Hy Lạp ra đi sẽ bác bỏ các giả định ngầm rằng việc tham gia vào khu vực đồng tiền chung châu Âu là không thể đảo ngược. Quả thật, lịch sử cho thấy không có cam kết nào là không thể hủy bỏ: theo chuyên gia của Tập đoàn Nomura Securities, kể từ đầu thế kỷ 19 tới nay đã có 67 liên minh tiền tệ tan rã. Bất cứ nước nào rời khỏi khu vực đồng euro cũng sẽ làm tăng cảm giác rằng các nước khác, sớm hay muộn, cũng có thể làm theo.

Lý do thứ hai, việc Hy Lạp rời bỏ khu vực sẽ chứng minh rằng những người thực sự coi đồng euro đơn thuần chỉ là một sự dàn xếp làm tăng tính ổn định của tỷ giá hối đoái chứ không phải một đồng tiền thật sự, là đúng. Niềm tin vào đồng đô la Mỹ được dựa trên thực tế là không có sự khác biệt giữa một đồng đô la gửi tại ngân hàng ở Boston và một đồng gửi tại ngân hàng ở San Francisco. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng 2010-2012, điều này không hoàn toàn còn đúng với đồng euro nữa. Sự phân mảnh tài chính đã giảm nhưng không biến mất, có nghĩa là khoản tiền cho một công ty ở Áo vay sẽ không được hưởng mức lãi suất tương tự như của khoản tiền cho cùng công ty đó ở bên kia biên giới nước Ý vay. Nhiều nhà phê bình như nhà kinh tế học người Đức Hans Werner Sinn đã thực hiện một nghiên cứu chuyên ngành nhằm theo dõi khả năng đưa đến nguy cơ tan vỡ.

Hiện tại thì không có khả năng nào trong số này là nguy hại chết người, nhờ những sáng kiến được thực hiện trong những năm gần đây; nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng niềm tin đã được khôi phục hoàn toàn. Các công dân châu Âu chắc chắn sẽ đáp trả việc một quốc gia rút khỏi (hoặc bị loại khỏi) khu vực đồng euro bằng cách bắt đầu xem xét đồng tiền này theo một cách khác. Gửi một đồng euro vào đâu hẳn sẽ trở thành một câu hỏi thích đáng. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ rà soát chặt chẽ hơn nữa dù giá trị của tài sản có bị ảnh hưởng bởi sự tan rã của liên minh tiền tệ hay không. Các chính phủ sẽ trở nên thận trọng hơn với những rủi ro mà các đối tác của họ có khả năng đem lại. Thật vậy, sự nghi ngờ sẽ trở nên không thể cứu vãn, và nó sẽ thay thế cho niềm tin vào tính bền vững của khu vực đồng euro.

Lý do cuối cùng, việc Hy Lạp ra đi sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải chính thức hóa các quy tắc cho tới nay là bất thành văn và thậm chí là chưa được xác định liên quan đến việc các thành viên rời bỏ khối. Ngoài những nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế – ví dụ, điều quyết định loại tiền tệ mà một tài sản được định giá sau khi một thành viên rời khỏi khu vực đồng euro chính là luật điều chỉnh hợp đồng liên quan và thẩm quyền pháp lý tương ứng – thì hiện chưa có quy tắc thống nhất cho việc xác định cách thức chuyển đổi sang đồng tiền mới. Việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro sẽ buộc châu Âu phải xác định các quy tắc này, từ đó làm rõ đồng euro đáng giá thế nào, tùy thuộc vào nơi nó được gửi, bởi ai, và bằng hình thức ra sao. Điều này không chỉ khiến nguy cơ tan vỡ dễ tưởng tượng hơn; mà còn khiến nó trở nên cụ thể hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là các nước thành viên khu vực đồng euro phải sẵn sàng trả bất cứ giá nào cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại. Điều đó rõ ràng sẽ tương tự một sự đầu hàng. Nhưng họ cũng không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào: không thể có chuyện việc Hy Lạp ra đi là hạnh phúc.

Jean Pisani‑Ferry là giáo sư Trường Quản trị Hertie ở Berlin, và hiện là Tổng Cao ủy Hoạch định Chính sách của Chính phủ Pháp. Ông nguyên là giám đốc của Bruegel, một viện nghiên cứu chính sách kinh tế có trụ sở tại Brussels.