22/06/1941: Đức mở Chiến dịch Barbarossa, xâm lược Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

542567045

Nguồn:Germany launches Operation Barbarossa—the invasion of Russia,” History.com (truy cập ngày 21/6/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1941, hơn 3 triệu quân Đức đã tiến hành xâm lược Liên Xô trong ba chiến dịch tấn công song song với một lực lượng xâm lược hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới. 19 sư đoàn xe tăng, 3.000 xe tăng, 2.500 máy bay, cùng 7.000 khẩu pháo đã đổ vào một mặt trận kéo dài ngàn dặm trong khi Hitler tham chiến ở một mặt trận thứ hai.

Bất chấp việc Đức và Liên Xô đã ký một “hiệp ước bất tương xâm” năm 1939, theo đó cả hai cùng đảm bảo mỗi nước có một khu vực ảnh hưởng nhất định mà không bị can thiệp, sự ngờ vực giữa hai nước vẫn ở mức cao. Khi Liên Xô xâm lược Rumania năm 1940, Hitler đã nhận thấy mối đe dọa tới nhà cung cấp dầu khu vực Balkan của mình. Ông lập tức phản ứng bằng cách điều 2 sư đoàn xe bọc thép và 10 sư đoàn bộ binh vào Ba Lan, đặt ra mối đe dọa tương tự với Liên Xô. Tuy nhiên, động thái phòng vệ ban đầu này đã chuyển thành một kế hoạch tấn công phủ đầu của người Đức.

Bất chấp những cảnh báo từ những người cố vấn của mình rằng Đức không thể cùng lúc tham chiến trên hai mặt trận (như những kinh nghiệm của Đức trong Thế chiến I đã chứng minh), Hitler vẫn tin rằng nước Anh vẫn đang tiếp tục chống đỡ những cuộc tấn công của Đức mà không chịu đầu hàng, bởi Anh đã có một thỏa thuận bí mật với Liên Xô. Lo sợ rằng mình sẽ bị “bóp cổ” từ cả phía Đông và phía Tây, tháng 12 năm 1940, Hitler đã ra “Chỉ thị số 21: Kế hoạch Barbarossa” – kế hoạch xâm lược và thôn tính chính đất nước mà ông đã đề nghị tham gia phe trục chỉ một tháng trước đó.

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, sau khi phải trì hoãn cuộc xâm lược Liên Xô khi cuộc tấn công Hy Lạp của Ý buộc Hitler phải giải cứu đồng minh đang gặp khó khăn của mình để ngăn cản quân Đồng Minh chiếm được một chỗ đứng vững chắc ở khu vực Balkan, ba cánh quân của Đức đã bất ngờ tấn công Liên Xô. Lực lượng của Liên Xô thực ra lớn hơn những gì mà tình báo Đức dự đoán, nhưng họ lại bị động. Stalin đã phớt lờ những cảnh báo từ các cố vấn, thậm chí của cả Winston Churchill, rằng cuộc tấn công của Đức sắp diễn ra. (Cho dù Hitler đã gửi tín hiệu về tham vọng lãnh thổ của ông ta đối với nước Nga từ năm 1925 – trong cuốn tự truyện Mein Kampf [Cuộc tranh đấu của tôi].)

Đến cuối ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, không quân Đức đã phá hủy hơn 1.000 máy bay của Liên Xô. Bất chấp sự kiên cường của quân đội Liên Xô và số lượng xe tăng và các khí tài khác của họ, Hồng Quân đã bị chọc vỡ, cho phép quân đội Đức tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô đến gần 500 kilômét trong một vài ngày sau đó.

Đúng 129 năm và một ngày trước khi Chiến dịch Barbarossa của Hitler nổ ra (tức ngày 23/06/1812), một “nhà độc tài” khác là Napoléon cũng đã tiến hành xâm lược nước Nga, kéo quân đến tận thủ đô của nước này. Cho dù đạt được thắng lợi ban đầu đó, cuối cùng Napoléon vẫn bị quân đội Nga đẩy lui trở lại Pháp.