#257 – Cách mạng thông tin, các chủ thể phi quốc gia và sự phân tán quyền lực (P2)

Print Friendly, PDF & Email

russia-dismisses-ruling-greenpeace

Nguồn: Joseph S. Nye (2007). “Globalization and Interdependence” (Chapter 8), in Joseph S. Nye, Understanding International Conflicts (New York: Longman), pp. 233-260.

Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Understanding International Conflicts

Các chủ thể liên quốc gia

Như chúng ta đã thấy, một trong những đặc tính của thời đại thông tin toàn cầu chính là vai trò ngày càng gia tăng của những chủ thể liên quốc gia – những chủ thể không phải là quốc gia hoạt động xuyên biên giới quốc tế (Hình 8.1). Nền chính trị quốc tế truyền thống chỉ bàn về các quốc gia. Chúng ta thường sử dụng các dạng nói ngắn gọn như “Nước Đức muốn vùng Alsace” hay “Pháp e sợ Anh”. Đây là một cách nói đơn giản hóa hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn cổ điển của chính trị quốc tế. Vào thế kỷ 18, các quốc vương sẽ là người đại diện cho một quốc gia. Nếu Frederick Đại đế muốn điều gì đó cho nước Phổ, Frederick sẽ chính là nước Phổ. Vào thế kỷ 19, một tầng lớp tinh hoa lớn hơn kiểm soát các quyết định chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ngay cả trước khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, ngoại giao Châu Âu vẫn tương đối bó hẹp trong quan hệ giữa các chính phủ với nhau. Thêm vào đó, trong thời kỳ cổ điển của chính trị quốc tế, chương trình nghị sự bị giới hạn hơn ngày nay rất nhiều. Các vấn đề an ninh quân sự thường là đề tài chủ yếu của các chương trình nghị sự này và thường được quyết định chủ yếu bởi các bộ ngoại giao.

Xét về chất, các chủ thể liên quốc gia đã đóng vai trò trong nhiều thế kỷ, tuy nhiên sự biến đổi về lượng trong nửa sau của thế kỷ 20 đã đánh dấu một thay đổi quan trọng trong hệ thống quốc tế. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau ở cấp độ toàn cầu, chương trình nghị sự của nền chính trị quốc tế đang ngày càng được mở rộng hơn cuốn hút sự tham gia của dường như mọi chủ thể. Chẳng hạn như ở Mỹ, hầu hết tất cả các cơ quan trong nước đều đóng một vai trò quốc tế nào đó. Bộ Nông nghiệp quan tâm tới các vấn đề lương thực quốc tế. Cục Bảo vệ Môi trường quan tâm đến vấn đề mưa acid và tình trạng ấm dần lên toàn cầu, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quan tâm đến vấn đề rác thải trên biển, Bộ Thương mại quan tâm đến tình hình giao thương, trong khi Bộ Tài chính lại quan tâm đến vấn đề tỷ giá hối đoái. Tất cả những vấn đề này đếu không thuộc quyền điều tiết của Bộ Ngoại giao. Tất cả các cơ quan của chính phủ Mỹ đều có bộ phận đối ngoại riêng của mình. Thực tế, nếu nhìn vào cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài, chúng ta sẽ thấy chỉ một nhóm nhỏ trong số nhân viên ở hầu hết các đại sứ quán Mỹ là người thuộc Bộ Ngoại giao.

Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp, các xã hội tương tác với nhau ở nhiều cấp độ hơn. Điều này giống như tình trạng giao thông ở một ngã tư, quá nhiều xe cộ phức tạp khiến một cảnh sát không thể điều khiển hết được. Những mối tương giao xảy ra xuyên biên giới quốc gia và không nằm trong tầm kiểm soát tập trung của các cơ quan phụ trách đối ngoại này được gọi là các mối quan hệ liên quốc gia. Những mối quan hệ này bao gồm (nhưng không chỉ giới hạn ở) vấn đề nhập cư, sự lưu chuyển của các dòng vốn từ nước này sang nước khác xảy ra hàng ngày trên các thị trường chứng khoán và tiền tệ thế giới, các hoạt động buôn bán vũ khí và thuốc phiện trái phép, cũng như một số hoạt động khủng bố nhất định. Các chính phủ trên thế giới có thể cố gắng kiểm soát những hoạt động này đặc biệt là đối với nạn khủng bố và buôn lậu, nhưng thường rất tốn kém. Chẳng hạn như Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ các mối quan hệ xuyên quốc gia và chính điều này đã gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Xô Viết. Trong trường hợp có sự phụ thuộc lẫn nhau cao độ và số lượng chủ thể liên quốc gia nhiều, chúng ta có thể bị nhầm lẫn bởi những cách nói tắt vốn được sử dụng thông dụng trong giai đoạn chính trị quốc tế cổ điển trước đây. Chúng ta thường nói “Nhật Bản đồng ý nhập khẩu nhiều hơn” hoặc “Mỹ phản đối những yêu sách mở rộng thềm lục địa dưới đáy đại dương,” nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng hơn chúng ta có thể thấy rằng các công ty Nhật Bản đã hoạt động xuyên quốc gia nhằm tăng cường xuất khẩu hoặc một vài công dân Mỹ đã vận động hành lang quốc tế để có được một định nghĩa rộng hơn về thềm lục địa.

Những lợi ích chồng chéo này luôn tồn tại, và thường phổ biến trong lĩnh vực kinh tế và xã hội hơn là trong các vấn đề an ninh quân sự truyền thống. Vấn đề an ninh thường là một vấn đề có tính tập thể cao hơn. Sự an nguy sinh tồn của một dân tộc rõ ràng là một vấn đề mang lợi ích chung. Trong khi đó các vấn đề kinh tế xã hội thường ít có điểm chung hơn và lợi ích trong các lĩnh vực này cũng thường khác biệt nhau hơn. Do đó khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế tăng lên cùng với sự xuất hiện của các vấn đề về kinh tế trong các chương trình nghị sự chính trị quốc tế, chúng ta nhận ra rằng các thuật ngữ ngắn gọn được sử dụng trước đây nay không còn mô tả được đầy đủ các tiến trình chính trị.

Hãy lấy trường hợp về dầu mỏ được nêu ở Chương 7 làm ví dụ. Tôi đã đề cập rằng vào năm 1973 các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ muốn duy trì giá dầu thấp trong khi các quốc gia sản xuất muốn đẩy giá cao lên. Về mặt chính trị, tình hình phức tạp hơn nhiều. Các công ty sản xuất dầu thuộc các quốc gia tiêu thụ cũng muốn đẩy giá dầu tăng lên. Các nhà sản xuất dầu nhỏ lẻ ở Texas cũng muốn nhìn thấy OPEC tăng giá dầu vì họ có cùng lợi ích kinh tế với các quốc gia Ảrập chứ không phải cùng lợi ích với những người tiêu dùng đang chết cóng ở bang New England. Các nhà sản xuất năng lượng hạt nhân cũng ủng hộ việc tăng giá dầu bởi vì điều đó có thể giúp cho năng lượng hạt nhân trở nên cạnh tranh hơn. Ngành công nghiệp khai thác than đang suy thoái của châu Âu và các công nhân mỏ đang thất nghiệp cũng không bất bình với sự tăng giá của dầu mỏ. Các nhà sinh thái học cũng vậy, họ tin rằng giá dầu cao hơn sẽ giúp giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và mức độ ô nhiễm môi trường. Như vậy, ngay bên trong các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ cũng đã có sự phân hóa lớn về lợi ích xung quanh giá dầu. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên, chính trị sẽ khác đi khi chúng ta vén lên tấm rèm của lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia. Một trong những lí do giải thích tại sao các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ không muốn sử dụng các biện pháp cực đoan như bạo lực là bởi sự nhạy cảm của mức độ phụ thuộc lẫn nhau khiến giá năng lượng cao được coi là tích cực bởi nhiều chủ thể chính trị quan trọng trong nội bộ các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ này. Trên thực tế đã tồn tại một liên minh liên quốc gia không chính thức muốn đẩy giá dầu tăng cao.

Dĩ nhiên sự tồn tại của những lợi ích trái chiều trong một quốc gia không phải là vấn đề mới. Vào thế kỷ 19 chính trị Mỹ có đặc điểm nổi bật là sự chia rẽ giữa giới nông dân ở các bang phía Nam với các nhà công nghiệp ở phía Bắc về vấn đề thuế quan. Khi Tổng thống George W. Bush tăng thuế đối với thép năm 2002, quyết định này đã làm hài lòng các công ty và tập đoàn sản xuất thép, nhưng lại gây thiệt hại cho những đối tượng sử dụng thép, như các công ty chế tạo xe hơi chẳng hạn. Như ta đã thấy ở Chương 2, chính trị trong nước đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại, và với sự tham gia của các chủ thể vào chính trị nội bộ ngày càng mở rộng, điều này càng trở nên chính xác hơn. Hơn nữa, khi một số nhóm lợi ích trong nước có được khả năng liên lạc và tương tác một cách trực tiếp với các nhóm lợi ích ở các quốc gia khác, chúng sẽ tạo ra một hình thái chính trị thế giới mới.

Hai mô hình của chính trị thế giới được mô tả trong Hình 8.1. Mô hình truyền thống của nền chính trị quốc tế là biểu đồ nằm phía bên trái. Mô hình này đi theo những đường thẳng. Nếu những người trong Xã hội 1 muốn gây áp lực với Chính phủ 2, họ sẽ phải yêu cầu Chính Phủ 1 thảo luận với Chính Phủ 2. Tuy nhiên trong mô hình liên quốc gia, người dân trong Xã hội 1 có thể gây áp lực lên Chính phủ 2 hoặc lên người dân trong Xã hội 2 một cách trực tiếp. Những mũi tên được thêm vào trong biểu đồ nằm phía bên phải là các hoạt động xuyên biên giới quốc gia của các cá nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ. Khi nói về chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau chúng ta không nên cho rằng mọi thứ đều được định hình bởi mô hình truyền thống của mối quan hệ giữa các chính phủ với nhau. Một trong những đặc điểm nổi bật của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau phức tạp chính là vai trò quan trọng của các chủ thể khác bên cạnh các quốc gia.

Cách diễn đạt ngắn gọn truyền thống thực ra không sai. Nó vẫn là cách diễn đạt gần như chính xác nhất, ngay cả trong bối cảnh chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau. Các quốc gia thường vẫn là chủ thể chính. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào các quốc gia mà thôi bạn sẽ có một cái nhìn sai lệch về chính trị trong giai đoạn phụ thuộc lẫn nhau. Các quốc gia có vẻ như bất khả xâm phạm nếu nhìn tổng thể, nhưng nếu xem xét kỹ hơn ta sẽ thấy có những lĩnh vực của các quốc gia rất dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những lĩnh vực khác. Những lĩnh vực dễ bị tổn thương này thường có xu hướng hoạt động liên quốc gia để cải thiện tình hình. Nói tóm lại, các quốc gia vẫn là chủ thể quan trọng nhất của chính trị quốc tế, nhưng như những người theo chủ nghĩa kiến tạo đã cảnh báo, nếu nói như vậy nghĩa là bạn đã bỏ quên một số yếu tố quan trọng khác mà chúng ta cần phải biết về chính trị và những sự xung đột trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

 

Các tổ chức phi chính phủ (NGO)

Các tổ chức tư nhân cũng ngày càng tăng cường hoạt động liên quốc gia (Bảng 8.2). Các tổ chức tôn giáo liên quốc gia chống lại chế độ nô lệ đã xuất hiện từ năm 1775, trong khi đó thế kỷ 19 chứng kiến sự ra đời của tổ chức Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, Hội Chữ Thập Đỏ, các phong trào hoà bình, các phong trào vận động cho quyền bầu cử của phụ nữ, và Hiệp hội Luật Quốc tế,vv… Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất có 176 tổ chức phi chính phủ quốc tế. Đến năm 1956 con số này tăng lên đến gần 1.000, và đến năm 1970 là gần 2.000. Gần đây, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ về số lượng của các tổ chức phi chính phủ. Chỉ tính riêng trong thập niên 1990 con số này đã tăng từ 6.000 lên xấp xỉ 26.000 tổ chức. Và những số liệu này chưa nói lên toàn bộ câu chuyện bởi vì chúng chỉ đại diện cho những tổ chức được thành lập một cách chính thức. Có rất nhiều tổ chức phi chính phủ tuyên bố hoạt động như một tổ chức vì “lương tâm toàn cầu”, đại diện cho lợi ích chung của nhân loại vượt qua khỏi giới hạn của các quốc gia cụ thể, hay các lợi ích mà các quốc gia không quan tâm. Mặc dù không được bầu ra một cách dân chủ nhưng những tổ chức này đôi khi có thể giúp phát triển những chuẩn tắc mới một cách trực tiếp bằng cách gây áp lực với các chính phủ và các nhà lãnh đạo kinh tế đòi thay đổi các chính sách, cũng như gián tiếp thông qua thay đổi nhận thức của công chúng về việc các chính phủ và các công ty cần phải có vai trò như thế nào. Xét về phương diện tài nguyên quyền lực, những tổ chức mới này hiếm khi sở hữu sức mạnh cứng nhưng cuộc cách mạng thông tin đã tăng cường đáng kể sức mạnh mềm cho họ.

Các chính phủ ngày nay đang phải chia sẻ sân khấu chính trị của mình với những chủ thể có thể sử dụng thông tin để tăng cường sức mạnh mềm và gây áp lực lên chính phủ một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp bằng cách tác động vào công chúng. Nếu xét tới quyền lực của các nhà biên tập uy tín hay những nhân vật có thể định hướng thông tin trong thời đại internet, chúng ta có thể thấy có một cách đơn giản để đánh giá tầm quan trọng ngày càng gia tăng của các tổ chức liên quốc gia, đó là nhìn vào số lần được nhắc đến của các tổ chức này trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Theo cách này, những tổ chức phi chính phủ lớn nhất hiện nay đã trở thành những chủ thể thường xuyên tham gia vào cuộc chiến giành sự quan tâm của những nhà biên tập có ảnh hưởng. Ví dụ, trong vòng 10 ngày sau khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra Báo cáo Thế giới năm 2003, trong đó tổ chức này chỉ trích nặng nề chính phủ Mỹ về cách tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, đã có nhiều bài báo xuất hiện trên 288 tờ báo và tạp chí đề cập đến tên tổ chức này.[1]

……..

Chủ nghĩa khủng bố liên quốc gia

……….

Download phần còn lại của văn bản tại ĐÂY.

(Còn tiếp phần 3 xuất bản ngày 30/6/2015)

————————

[1] “Texan to Urge Limits on Non-OPEC Output,” The New York Times, 25/4/1988, trang 3.