Thao túng thị trường trở thành xu hướng toàn cầu

Print Friendly, PDF & Email

Treasury-Market-Manipulation

Nguồn: Stephen S. Roach, “Market Manipulation Goes Global”, Project Syndicate, 27/07/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thao túng thị trường đã trở thành quy trình vận hành tiêu chuẩn trong chính sách trên toàn thế giới. Mọi con mắt đang đổ dồn về phía Trung Quốc, đất nước đang phải nỗ lực đối phó với nguy cơ vỡ bong bóng cổ phiếu. Nhưng những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc dường như không phải là độc nhất. Và các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây cũng đang làm những điều tương tự – chỉ là mặc một “bộ áo” khác cho sự thao túng của họ.

Hãy xem xét phương pháp nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) được sử dụng lần đầu tiên ở Nhật Bản vào đầu những năm 2000, sau đó là ở Hoa Kỳ sau năm 2008, rồi lại tiếp tục được áp dụng ở Nhật Bản một lần nữa vào năm 2013, và bây giờ là ở châu Âu. Trong tất cả các trường hợp này, nới lỏng định lượng cơ bản là một nỗ lực nhằm thao túng giá tài sản. Nó hoạt động chủ yếu là nhờ ngân hàng trung ương trực tiếp mua chứng khoán chính phủ dài hạn, qua đó làm giảm lãi suất dài hạn, khiến cho cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Việc liệu chính sách nới lỏng định lượng có hoàn thành được mục tiêu của mình hay không – tức kích thích các nền kinh tế phụ thuộc tài sản và bị khủng hoảng tàn phá – vẫn là vấn đề gây tranh cãi, bởi sau cùng thì sự hồi phục hiện tại ở các nước phát triển vẫn yếu ớt một cách bất thường. Nhưng điều đó không khiến các nhà chức trách ngừng thử biện pháp này.

Các ngân hàng trung ương đã bào chữa bằng tuyên bố vô căn cứ rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu họ không theo đuổi nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, vì các thị trường “bong bóng” bị thao túng này đang gây nên nguy cơ bất ổn tài chính, chúng ta chưa thể biết lập luận đó là đúng hay sai.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng thị trường được thực hiện rất trắng trợn. Nhằm đối phó với việc chỉ số CSI 300 (chỉ số tổng hợp của cổ phiếu trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến) bị sụt giảm 31% từ mức đỉnh ngày 12/6, sau khi đã tăng đột biến tới 145% trong 12 tháng trước đó, các nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố gắng hạn chế thiệt hại hết mức có thể.

Các hành động chính thức được tiến hành trên mọi lĩnh vực, bao gồm một khoản trợ cấp thị trường chứng khoán có giá trị 480 tỷ USD được thực hiện bởi Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc, một nguồn vốn chung trị giá 19 tỷ USD từ các công ty môi giới lớn trong nước, và một lời hứa từ phía Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là sẽ sử dụng dự trữ của mình để chống đỡ giá cổ phiếu. Hơn nữa, giao dịch của khoảng 50% số chứng khoán niêm yết đã bị tạm ngừng (hơn 1.400 trong số 2.800 cổ phiếu).

Không giống như chương trình nới lỏng định lượng của phương Tây, vốn hoạt động gián tiếp nhờ các khoản bơm hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương, nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc có mục tiêu trực tiếp hơn, là nhắm vào thị trường – trong trường hợp này, là cổ phiếu. Đáng chú ý, nới lỏng định lượng là cách tiếp cận mang tính bị động – nhằm phục hồi các thị trường và nền kinh tế sau khi chúng sụp đổ. Cách tiếp cận chủ động hơn của Trung Quốc nhằm níu giữ một thị trường đang rơi tự do cũng giống như việc cố gắng chụp một con dao đang rơi vậy.

Có vài khác biệt đáng chú ý giữa thao túng thị trường tại Trung Quốc và tại phương Tây. Đầu tiên, chính quyền Trung Quốc dường như ít tập trung vào các rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế thực. Điều đó cũng có lý, bởi tác động của tài sản ở Trung Quốc là nhỏ hơn đáng kể, và tiêu dùng tư nhân chỉ chiếm 36% GDP của nước này – bằng khoảng một nửa so với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào tài sản như Mỹ.

Hơn nữa, phần lớn sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu ở Trung Quốc đều rất ngắn ngủi. Gần 90% giá trị trong lần tăng liên tục 12 tháng của CSI 300 tập trung vào bảy tháng sau khi dòng vốn đầu tư xuyên biên giới được bắt đầu, thông qua giao dịch liên sàn Thượng Hải – Hong Kong vào tháng 11/2014. Kết quả là, các nhà đầu cơ có ít thời gian để thu lãi vốn và gây ảnh hưởng lâu dài lên các kỳ vọng về lối sống.

Thứ hai, ở phương Tây, cải cách hậu khủng hoảng thường mang tính chiến thuật, nhằm sửa chữa những sai sót trong các thị trường đã trưởng thành, chứ không phải phát triển các thị trường mới. Ở Trung Quốc thì ngược lại, cải cách sau thời kỳ “bong bóng” mang một trọng tâm mang tính chiến lược hơn, vì thất bại của thị trường chứng khoán có tác động quan trọng đến các cải cách thị trường vốn của chính phủ, vốn được xem là rất quan trọng đối với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế. Lâu nay phụ thuộc vào trung gian tín dụng dựa vào các ngân hàng, sự phát triển an toàn và ổn định của thị trường cổ phiếu và trái phiếu là ưu tiên trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một nền tảng cung cấp vốn cho các doanh nghiệp đa dạng hơn. Bong bóng tài chính đổ vỡ sẽ khiến nỗ lực này bị hoài nghi.

Cuối cùng, bằng cách thực hiện điều tiết, và do đó giữ lãi suất cơ bản trên mức không, PBOC có điều kiện tốt hơn các ngân hàng trung ương khác để duy trì quyền kiểm soát chính sách tiền tệ và không mắc phải bẫy cung cấp thanh khoản mở thường gặp trong các thị trường “bong bóng.” Và, không giống như ở phương Tây, các hành động nhắm vào các mục tiêu chứng khoán cụ thể của Trung Quốc đã giảm thiểu nguy cơ lây lan khủng hoảng tài chính gây ra bởi hiệu ứng lan tỏa thanh khoản sang các thị trường tài sản khác.

Do phần lớn thị trường chứng khoán trong nước của Trung Quốc vẫn đóng cửa, thật khó để biết khi nào “tâm lý bầy đàn” (animal spirits) của đợt điều chỉnh này mới kết thúc. Trong khi chính phủ đã cố gắng hạn chế khả năng đổ vỡ của một bong bóng lớn, thì vẫn còn vấn đề đầu cơ. Thật vậy, trong khoảng thời gian 12 tháng trước tháng Sáu, tỉ lệ số tiền ký quỹ phục vụ mua cổ phiếu so với giá trị vốn hóa của thị trường các loại chứng khoán có thể giao dịch trong nước đã tăng gấp gần ba lần.

Mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc ban đầu phục hồi 14% so với mức đáy ngày 8/7, sự sụt giảm 8,5% vào ngày 27/7 cho thấy rằng đây có thể chỉ là tạm thời. Khả năng buộc giảm nợ ký quỹ cho thấy thị trường có thể còn trượt dài hơn khi giao dịch đầy đủ được phục hồi.

Nói rộng hơn, cũng giống như ở Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu, rõ ràng điều khiến Trung Quốc phải thao túng thị trường chính là các nguy hiểm từ những bong bóng tài sản quá cỡ. Các nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách – chưa nói đến các nhà lãnh đạo chính trị – lại rất thường xuyên ngủ quên khi thị trường phát triển quá đà. Trong một thế giới toàn cầu hoá, nơi mà tiền lương của lao động thường xuyên phải chịu áp lực, thì sự hấp dẫn của việc sử dụng thị trường tài sản làm thứ thuốc kích thích tăng trưởng là điều mà giới chính khách không thể cưỡng lại.

Những bong bóng đầu cơ là biểu hiện rõ ràng của sự cám dỗ đó. Khi bong bóng nổ tung – và chúng luôn như vậy – sự thịnh vượng giả dối bị vạch trần và các chiến thuật phòng thủ dựa vào thao túng thị trường trở nên cấp thiết và dường như là hợp lý.

Đây là sự trớ trêu của thao túng thị trường: Chúng ta càng phụ thuộc vào các thị trường, thì chúng ta lại càng không tin tưởng chúng. Tất nhiên, đây hoàn toàn không phải là “bàn tay vô hình” mà hiệu quả của thị trường dựa vào. Như Adam Smith, chúng ta tuyên bố rằng thị trường tồn tại khách quan sẽ đảm bảo phân bổ hiệu quả nhất các nguồn lực khan hiếm, nhưng những gì chúng ta thực sự muốn lại là các thị trường phải hoạt động theo các quy định của chúng ta.

Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Market Manipulation Goes Global