Đại Hiến Chương (Magna Carta) là gì?

Print Friendly, PDF & Email

2015-11-03-1

Nguồn: “What is the Magna Carta?”, History.com (truy cập ngày 3/11/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Trước khi những người dân thuộc địa Bắc Mỹ nổi dậy chống lại hoàng gia Anh hàng trăm năm, các quý tộc ở Anh đã soạn thảo Đại Hiến Chương (Magna Carta) để hạn chế quyền lực của vị vua bạo ngược của chính họ – Vua John. Dù Đại Hiến Chương, được ký năm 1215, chủ yếu chỉ đảm bảo quyền tự do cho giới quý tộc nước Anh, song những câu chữ của văn kiện này đã bảo vệ quy trình tư pháp và ngăn cấm quyền quân chủ tuyệt đối, dẫn đường cho những nguyên tắc căn bản của hệ thống thông luật trong các bản hiến pháp tồn tại trên thế giới trong suốt 800 năm qua. Đại Hiến Chương đã chấm dứt quyền lực tuyết đối của các bậc quân vương nước Anh và yêu cầu họ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vua John đã có quan hệ rất bất hòa với Giáo hoàng Innocent III, một nhân vật gây tranh cãi sống vào thế kỷ 13 và là người đã tuyên bố có quyền lực tối cao đối với tất cả vua chúa châu Âu. Sau khi phản đối bổ nhiệm Stephen Langton làm Tổng Giám mục Cantebury vào năm 1207, Vua John đã trở thành vị quân vương Anh đầu tiên phải chịu phạt vạ tuyệt thông. Ông đã trả đũa bằng cách đánh thuế Giáo Hội và tịch thu một phần đất đai của họ. Ngoài ra ông còn không được lòng chính những lãnh chúa của Anh vì đã thu thuế họ rất nặng nề để chi trả cho những chiến bại của mình. Năm 1214, Vua John xâm lược Pháp bất thành và đã đánh thuế giới quý tộc Anh một lần nữa để chi trả cho cuộc chiến, điều này đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy của giới lãnh chúa vào năm 1215.

Để giải quyết tình trạng loạn lạc và chấm dứt sự lạm quyền của nhà vua, Langton và một số quý tộc nổi loạn đã soạn thảo Những Điều khoản của các Lãnh Chúa, sau đó đổi thành Đại Hiến Chương. Sợ rằng cuộc nổi loạn sẽ leo thang thành nội chiến và gây hại đến ngai vàng của mình, Vua John đã chịu đóng dấu vào Đại Hiến Chương vào ngày 15 tháng 6 năm 1215 tại Runnymede, khiến cho văn kiện này trở thành bản hiến pháp thành văn đầu tiên của châu Âu. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít tuần, Giáo hoàng Innocent III, khi đó đã giảng hòa với Vua John, đã vô hiệu hóa bản Hiến chương theo thỉnh cầu từ nhà vua. Điều này đã làm tái phát tình trạng bạo lực giữa nhà vua và các lãnh chúa, nhưng sau khi Vua John đột ngột qua đời vào năm 1216, Đại Hiến Chương đã được phục hồi dưới triều Vua Henry III khi đó chỉ mới 9 tuổi (Hiến chương đã được sửa đổi vào các năm 1216, 1217, và 1225).

Trớ trêu là vài thế kỷ sau đó, Đại Hiến Chương cũng đã truyền cảm hứng cho những người dân thuộc địa Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi chính người Anh. Khoảng một phần ba những điều khoản trong Tuyên ngôn Nhân Quyền của Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Đại Hiến Chương, cụ thể là Điều 39: “Không một người tự do nào phải chịu cảnh bị bắt, bị cầm tù, bị tước đoạt tự do hoặc trục xuất, đi đày, truy nã cho tới khi nào có bản án của những công dân khác xử người đó theo đúng luật của xứ sở”.

Ngày nay, bốn bản sao còn lại của Đại Hiến Chương đang được lưu giữ tại Đại Thánh đường Salisbury, Đại Thánh đường Lincoln, và Bảo tàng Anh.

Xem thêm:

Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại Hiến chương Magna Carta

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]