26/11/1916: T.E. Lawrence báo cáo về các vấn đề Ả Rập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: T.E. Lawrence reports on Arab affairs, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, Thomas Edward Lawrence, một thành viên cấp thấp trong Văn phòng Ả Rập của chính phủ Anh thời Thế chiến I, đã công bố một báo cáo chi tiết phân tích cuộc nổi dậy do nhà lãnh đạo Ả Rập Sherif Hussein lãnh đạo chống lại Đế chế Ottoman vào cuối mùa xuân năm 1916.

Là một học giả và nhà khảo cổ học, “Lawrence xứ Ả Rập” đã chu du nhiều nơi ở Syria, Palestine, Ai Cập, và các vùng của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bắt đầu chính thức làm việc với văn phòng của chính phủ Anh về các vấn đề Ả Rập vào năm 1916. Vào thời điểm đó, Văn phòng Ả Rập đang tìm cách kích động một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và người nói tiếng Ả Rập ở Đế quốc Ottoman, nhằm hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của phe Đồng minh Hiệp ước. Người lãnh đạo cuộc nổi dậy theo kế hoạch sẽ là Hussein ibn Ali, người cai trị Hejaz (còn gọi là Sharif), khu vực ngày nay thuộc về Ả Rập Saudi, với các thành phố thánh địa Hồi giáo là Mecca và Medina.

Vẫn muốn giữ thái độ trung lập và nhận hối lộ từ cả hai bên, Hussein chưa quyết định tham gia cuộc chiến mãi cho đến tháng 4/1916, khi ông biết các nhà lãnh đạo Ottoman đang cử một lực lượng Đức-Thổ Nhĩ Kỳ đến hạ bệ ông. Vì muôn tấn công trước, Hussein tuyên bố nổi dậy ở Hejaz vào khoảng thời gian từ ngày 5 đến ngày 10/06, tìm kiếm sự bảo vệ của Hải quân Hoàng gia Anh dọc theo bờ biển Hejaz.

Cùng khoảng thời gian đó, theo gợi ý của Lawrence, Văn phòng Ả Rập đã xuất bản bản tin đầu tiên của mình, trong đó chứa những quan sát và hiểu biết của nhóm người Anh đã tổ chức và hỗ trợ cuộc nổi dậy đầy hy vọng của Hussein. Theo tài liệu từ Bản tin Ả Rập, người Anh đã sớm xem cuộc nổi dậy của Hussein là một thất bại thảm hại. Trong báo cáo ngày 26/11/1916, Lawrence đưa ra phân tích của mình về tình hình: “Tôi nghĩ một đại đội của người Thổ Nhĩ Kỳ, cố thủ vững chắc ở vùng đất trống, sẽ đánh bại quân đội của Sharif. Giá trị của các bộ lạc chỉ mang tính phòng thủ, và lĩnh vực thực sự của họ là chiến tranh du kích… [họ] quá coi trọng cá nhân nên không thể dễ dàng nghe theo mệnh lệnh, chiến đấu theo hàng ngũ, hoặc giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghĩ sẽ không thể tạo ra một lực lượng có tổ chức từ họ.”

Bất chấp quan điểm chế nhạo quân đội của Hussein, Lawrence vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với bản thân vị Sharif cũng như ba người con trai lớn của ông, Ali, Feisal, và Abdullah, ca ngợi họ là “những anh hùng.” Đặc biệt, ông dần trở nên thân thiết với Feisal, và đến đầu tháng 12/1916, ông gia nhập quân đội Ả Rập trên chiến trường, nơi ông dành phần còn lại của cuộc chiến để cố gắng, với mức độ thành công khác nhau, tổ chức các bộ lạc khác nhau thành các đơn vị chiến đấu có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với kẻ thù Ottoman.

Tại hội nghị hòa bình sau chiến tranh diễn ra ở Paris năm 1919, các nước Hiệp ước chiến thắng đã không trao quyền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Ả Rập khác nhau, thay vào đó, đặt họ dưới sự kiểm soát của Anh và Pháp theo hệ thống ủy trị do Hiệp ước Versailles áp đặt. Trong khi con trai ông, Feisal, lên ngôi vua của nhà nước mới Iraq, thì chính Hussein lại để mất quyền kiểm soát Mecca và Hejaz vào tay gia tộc đối thủ Saudi vào những năm 1920. Trong khi đó, T.E. Lawrence – người đã tháp tùng phái đoàn Ả Rập của Feisal Hussein tới Versailles – đã từ chức tại văn phòng thuộc địa của Anh ở Trung Đông, chán ghét việc phe Hiệp ước không thực hiện lời hứa về nền độc lập của Ả Rập. Ông sống phần lớn quãng đời còn lại trong bóng tối và chết trong một vụ tai nạn xe máy vào năm 1935.