Trung Quốc đang đi vào vùng biển dữ

Print Friendly, PDF & Email

ma-xi

Nguồn: Gideon Rachman, “China is sailing into a sea of troubles”, Financial Times, 09/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

“Không gì có thể tách rời chúng ta. Chúng ta là một gia đình”. Tập Cận Bình nói như vậy sau khi trở thành chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc bắt tay với một vị tổng thống của Đài Loan. Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Mã Anh Cửu rõ ràng là mang tính lịch sử.

Tuy nhiên việc ông Tập dùng từ “gia đình” nhắc tôi nhớ lại cách mà các ông trùm mafia trong phim của Hollywood sử dụng từ này – pha trộn sự dụ dỗ lẫn đe dọa. Thực tế là Bắc Kinh vẫn khẳng định Đài Loan là một “tỉnh nổi loạn” và có quyền tấn công thành viên gia đình của mình nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Sự mơ hồ không kết thúc ở đó. Ở một mức độ nào đó, quyết định của ông Tập phá vỡ chính sách tẩy chay Đài Loan hàng thập niên nay là hành động của một nhà lãnh đạo tự tin. Tuy nhiên, sự táo bạo của vị chủ tịch Trung Quốc có thể phản ánh sự lo lắng chứ không chỉ sự tự tin. Vì khi nhìn ra xung quanh Trung Quốc, Tập phải đối mặt với một rừng khó khăn.

Bối cảnh chính trị của Đài Loan đang bất lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh đang gặp phải áp lực gia tăng từ Mỹ do tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông. Ông Tập cũng gặp khó khăn trên đất liền. Mỹ và 11 quốc gia khác đã kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại vốn không bao gồm Trung Quốc, qua đó thách thức vị trí trung tâm của nước này trong nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông vào năm 2014 đã để lại một di sản cay đắng cho đại lục, làm tăng triển vọng rằng chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh có thể cùng lúc bị thử thách ở cả Hồng Kông lẫn Đài Loan.

Hơn thế nữa, tất cả những điều này đang diễn ra trong bối cảnh của một nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, thị trường chứng khoán trồi sụt và một tầng lớp cầm quyền của Trung Quốc đang bất an sâu sắc trước chiến dịch chống tham nhũng của Tập.

Do tất cả những vấn đề này, ông Tập không hề muốn diễn ra một cuộc khủng hoảng Đài Loan mới. Quyết định gặp ông Mã của Tập diễn ra hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, có khả năng mang lại chiến thắng cho bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo của Đảng Dân tiến (DPP) mang tư tưởng ủng hộ độc lập, một đảng mà chính phủ Trung Quốc e ngại. Màn bắt tay hôm thứ Bảy trông giống như một nỗ lực của ông Tập để nâng đỡ cho Quốc Dân Đảng (KMT) của ông Mã. Nhưng DPP cho đến nay đang dẫn trước rất xa trong các cuộc thăm dò cử tri, vì vậy nước cờ của ông Tập nhiều khả năng sẽ thất bại.

Nếu DPP giành quyền lực và cự tuyệt Bắc Kinh một cách rõ ràng, ông Tập có thể cảm thấy bắt buộc phải sử dụng đến ngôn ngữ mang tính dọa nạt nhiều hơn. Đến lượt mình, điều đó sẽ càng làm gia tăng căng thẳng an ninh với Mỹ vào thời điểm mà một cuộc khủng hoảng mini đã diễn ra ở Biển Đông.

Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan gần đây nhất những năm 1995-1996, Mỹ đã gửi một tàu sân bay đến khu vực này để đáp lại sự đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan. Kể từ đó, Bắc Kinh đã áp dụng một chiến thuật tinh vi hơn nhiều, dựa vào các mối quan hệ kinh tế và du lịch đang mở rộng để hút “tỉnh nổi loạn” dần trở lại quỹ đạo của mình. Việc một vị tổng thống ủng hộ độc lập được bầu lên tại Đài Loan sẽ cho thấy chiến thuật này cũng đã thất bại.

Trong 20 năm qua, cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan đã có thể nghiêng về phía Bắc Kinh, nhưng lãnh đạo Trung Quốc cũng cần sự mạnh bạo mới dám kiểm nghiệm nhận định này.

Trong tất cả các nỗ lực để gây ảnh hưởng, lá bài mạnh nhất của Trung Quốc vẫn là sức mạnh của nền kinh tế. Hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều giao thương với Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với Mỹ. Nhưng điều này khiến cho TPP có khả năng đe dọa đến Trung Quốc.

Một số nhà phân tích người Trung Quốc thậm chí còn gọi TPP là “một NATO kinh tế”, vì họ coi đó là một liên minh nhằm mục đích rõ ràng là cô lập Trung Quốc. Mỹ nói rằng việc Trung Quốc rốt cuộc trở thành một thành viên của TPP vẫn còn để ngỏ. Và rõ ràng là nhiều bên tham gia TPP, trong đó có Singapore và New Zealand, sẽ thực sự muốn Trung Quốc tham gia vào khối thương mại mới này. Họ không thích các hệ quả kinh tế và chính trị của việc Bắc Kinh bị loại trừ.

Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản, hai thành viên lớn nhất của hiệp định, lại có nhiều hoài nghi hơn nhiều. Một số quy định của TPP như các cam kết về lao động và pháp luật về môi trường, cũng như không gian mạng, có thể đã được thiết kế để gây khó khăn cho sự tham gia của Trung Quốc.

Việc đứng ngoài TPP về lâu dài có thể làm cho Trung Quốc trở nên ít hấp dẫn hơn trong vai trò một trung tâm sản xuất, ngay tại thời điểm khi mà chi phí tăng cao đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh của nước này.

Các vấn đề như Biển Đông và TPP – dù khó khăn cho Bắc Kinh đến đâu – thì ít nhất cũng chủ yếu là liên quan đến chính sách của chính phủ. Các vấn đề Hồng Kông và Đài Loan lại khó đoán định hơn nhiều, và vì thế chúng trở nên nguy hiểm bởi liên quan đến một thứ mà Bắc Kinh không thể kiểm soát: đó là công luận.

Ở cả Hồng Kông lẫn Đài Loan, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giới trẻ ngày càng có khuynh hướng không muốn tôn trọng các mệnh lệnh của Bắc Kinh. Tại Hồng Kông, vốn bây giờ là một phần của Trung Quốc, đã diễn ra phong trào “dù vàng” hồi năm 2014 để đòi bầu cử tự do. Tại Đài Loan cũng diễn ra phong trào “hoa hướng dương” vốn diễn ra hồi năm ngoái để phản đối một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc.

Đây là những vấn đề hết sức khó khăn đối với ông Tập. Nhưng đó cũng là những vấn đề do chính Bắc Kinh tạo ra. Bằng cách cương quyết nhấn mạnh các công thức chính trị cũ rích, chẳng hạn như “tỉnh nổi loạn” và “một quốc gia, hai chế độ”, chính phủ Trung Quốc đã tự dồn mình vào góc tường.

Việc gặp Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu là một biểu tượng mạnh mẽ của sự linh hoạt. Nhưng nếu ông Tập thực sự muốn kiểm soát những khó khăn chồng chất của mình, ông cần phải thay đổi bản chất phương pháp tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đài Loan và Hồng Kông.

Gideon Rachman là cây bút bình luận chính về các vấn đề quốc tế của tờ Financial Times.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]