Cam kết về lao động của Việt Nam trong TPP: Cần đánh giá tác động toàn diện

Print Friendly, PDF & Email

cong nhan

Tác giả: Phạm Trọng Nghĩa

Ngày 5 tháng 10 năm 2015, tại Atlanta, Hoa Kỳ, 12 quốc gia thành viên tham gia đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) tuyên bố kết thúc đàm phán. Một tháng sau, ngày 5 tháng 11 năm 2015, bản dự thảo Hiệp định TPP (tiếng Anh) được công bố. Theo công bố,[1] ngoài Lời nói đầu và các Phụ lục, Hiệp định TPP gồm 30 chương, 516 điều.[2] Hiệp định TPP có phạm vi rộng, bao phủ toàn diện, xác lập các tiêu chuẩn cao, cam kết mở cửa trên 20 lĩnh vực khác nhau với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường mà Việt Nam đã tham gia. Ngoài cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA khác, Hiệp định TPP yêu cầu các nước cam kết trên nhiều lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước … Bên cạnh đó, Hiệp định còn có các quy định chung, xuyên suốt nhằm bảo đảm thực thi Hiệp định như giải quyết tranh chấp, các ngoại lệ và các điều khoản về thể chế… Đối với Việt Nam, trong tổng số 14 FTA mà Việt Nam tham gia,[3] Hiệp định TPP là FTA đầu tiên có chương riêng về lao động.[4] 

Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu các cam kết về lao động trong FTA nói chung và trong Hiệp định TPP nói riêng, đánh giá những thuận lợi và khó khăn và dự báo các tác động về mọi mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội….); từ đó, đề xuất giải pháp phù hợp và kiến nghị các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu là hết sức cần thiết.

  1. Tại sao lại đưa vấn đề lao động trong các Hiệp định thương mại tự do?

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, nội dung và phạm vi của các Hiệp định thương mại tự do ngày càng được mở rộng. Nếu như trong giai đoạn đầu, các FTAs chủ yếu quy định về thương mại truyền thống như việc giảm thiểu hàng rào thương mại như thuế quan, quota, hải quan thì dần dần FTA chứa đựng các quy định nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh như sở hữu trí tuệ, đầu tư. Các FTA thế hệ mới tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh đến những vấn đề không liên quan trực tiếp đến thương mại truyền thống như lao động và môi trường.

Liên quan đến vấn đề lao động, có 2 nhóm quan điểm trái ngược nhau về vai trò của các tiêu chuẩn lao động trong quá trình toàn cầu hóa, cũng như việc đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong các các FTAs.

Những người theo chủ thuyết thương mại tự do (free trade) coi các tiêu chuẩn lao động là rào cản đối với thị trường, và theo họ, điều kiện lao động sẽ được cải thiện từ quá trình phát triển kinh tế, và tất cả mọi người (trong đó tất nhiên có người lao động) sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa.[5] Quan điểm này cho rằng, nếu như các tiêu chuẩn lao động được sử dụng để điều chỉnh những khuyết tật của thị trường lao động ở các quốc gia khác nhau, thì không có lý do gì để xây dựng các tiêu chuẩn lao động ở cấp độ quốc tế.[6] Về vai trò của tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong việc bảo đảm thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế, quan điểm này cho rằng ILO vẫn  duy trì cách thức tiếp cận cũ, cách thức lập quy theo lối suy nghĩ của thế kỷ trước mà không thể hiện vai trò tích cực trong việc tiếp cận các cơ hội cũng như thách thức mới của nền kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa.[7] Những người theo quan điểm này đi đến kết luận rằng, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế là không cần thiết và vai trò của ILO là không cần thiết.[8]

Ngược lại, những người theo trường phái thương mại công bằng (fair trade), những tổ chức dân sự và nhóm những nhà hoạt động về quyền của người lao động[9] lại cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng bộc lộ những mặt tiêu cực. Trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều vấn đề lao động bức xúc vẫn xảy ra. Tình trạng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột, tình trạng phân biệt đối xử trong lao động, điều kiện lao động tồi tàn, người lao động bị bóc lột vẫn diễn ra nhiều và có xu hướng phức tạp hơn. Họ khẳng định rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tiêu chuẩn lao động quốc tế càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.[10] Tuy nhiên, về vai trò của ILO, những người theo quan điểm này cho rằng ILO đã thất bại trong việc đảm bảo thi hành các tiêu chuẩn do chính mình ban hành và việc vi phạm các tiêu chuẩn lao động quốc tế vẫn là phổ biến. Phương pháp đảm bảo thi hành các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO dựa trên việc thuyết phục là chính cho nên không hiệu quả.[11] Từ đó, họ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong các FTA và sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm pháp luật lao động quốc tế.[12]

Đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ các hiệp định của WTO nhận được hai luồng ý kiến trái chiều nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước phát triển (nhất là Hoa Kỳ[13]) ủng hộ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO, đồng thời sử dụng chế tài thương mại đối với những quốc gia vi phạm các tiêu chuẩn lao động đó.[14] Họ đưa ra 3 lý do cơ bản cho đề xuất của mình: (i) bảo đảm cạnh tranh công bằng (trên cơ sở chi phí về lao động); (ii) bảo đảm quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc (ngăn chặn cuộc đua xuống đáy – khi các quốc gia giảm điều kiện lao động, tước bỏ quyền lợi của người lao động để tăng lợi thế cạnh tranh) và (iii) khắc phục hạn chế của ILO trong việc thực thi tiêu chuẩn lao động quốc tế. Ý kiến này bị phản đối kịch liệt bởi các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cho rằng: (i) việc đưa các quy định về tiêu chuẩn lao động vào trong khuôn khổ WTO chính là sự ngụy trang của chủ nghĩa bảo hộ, thể hiện sự lo lắng của các nước phát triển đối với sự thành công trong hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển; (ii) lĩnh vực xuất khẩu là lĩnh vực ít có vi phạm về quyền lợi của người lao động; và (iii) trừng phạt thương mại không có ý nghĩa vì chính những biện pháp này lại có hại cho người lao động (mất việc làm, không có thu nhập…).[15]

Cuối cùng, Hội nghị Bộ trưởng WTO tổ chức tại Singapore vào năm 1996 bác bỏ đề xuất đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào trong khuân khổ WTO. Đồng thời, Hội nghị cũng khẳng định ILO là tổ chức phù hợp để giải quyết các vấn đề lao động ở phạm vi toàn cầu.[16]

Mặc dù thất bại trong việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào khuôn khổ WTO, nhưng các nước phát triển vẫn nỗ lực đưa các tiêu chuẩn lao động vào trong các FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định TPP.[17] Cùng với việc tăng lên nhanh chóng về số lượng, nội dung các cam kết về lao động, cơ chế thực thi và giải quyết tranh chấp cũng không ngừng được thúc đẩy và quy định ngày càng cụ thể trong các FTA với mức độ ngày càng chặt chẽ.Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, số lượng các FTA có chứa điều khoản về lao động không ngừng tăng lên từ 4 FTA năm 1995 lên 58 FTA vào năm 2013.[18]

Quá trình phát triển của các cam kết về lao động trong TPP cũng không nằm ngoài ngoại lệ như với các điều khoản lao động trong các FTA khác. Trước đây, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương giữa 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore (còn gọi là TPSEP hoặc P4), tiền thân của Hiệp định TPP – có hiệu lực từ tháng 1 năm 2006 –  không có Chương riêng về lao động. Vấn đề lao động được quy định theo cơ chế “mềm” hơn trong Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Theo Bản ghi nhớ này, các bên cam kết thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Đồng thời, Bản ghi nhớ về hợp tác lao động cũng đưa ra các lĩnh vực hợp tác mà các bên có thể thực hiện, việc xác lập đầu mối liên lạc. Bản ghi nhớ không quy định về vấn đề giải quyết tranh chấp và không quy định chế tài cho việc vi phạm các cam kết về lao động.

Đến nay, Hiệp định TPP được cho là FTA thế hệ mới, là khuôn mẫu của Thế kỷ 21, có phạm vi vừa sâu về nội dung cam kết vừa rộng về phạm vi và lĩnh vực cam kết, đồng thời cũng là Hiệp định có các điều khoản về lao động chặt chẽ nhất so với tất cả các FTA trong lịch sử.[19]

2. Nội dung cam kết lao động của Việt Nam trong TPP là gì?

Chương 19 của Hiệp định TPP quy định về lao động, gồm 15 điều. Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản sau đây:

  1. Các quốc gia thành viên khẳng định cam kết thực thi nghĩa vụ là thành viên ILO và các nghĩa vụ nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO; không sử dụng các tiêu chuẩn về lao động nhằm mục đích bảo hộ thương mại.[20]
  2. Các quốc gia thành viên cam kết thông qua và duy trì trong hệ thống pháp luật của mình cũng như trong thực tiễn các quyền được khẳng định trong Tuyên bố năm 1998 của ILO, gồm:
  • Tự do hiệp hội và thực hiện có hiệu quả quyền thương lượng tập thể;
  • Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc;
  • Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em; và nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất;
  • Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc.
  1. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm trong pháp luật và thực tế quy định về điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và an toàn vệ sinh lao động.
  2. Hiệp định quy định về nghĩa vụ tham vấn công chúng cũng như nghĩa vụ phản hồi các yêu cầu liên quan đến lao động từ các bên liên quan.
  3. Hiệp định quy định cụ thể về hợp tác trong lĩnh vực lao động: xác định 7 nguyên tắc hợp tác (như theo ưu tiên của mỗi quốc gia, vì lợi ích chung; minh bạch và có sự tham gia của công chúng); xác định 20 lĩnh vực hợp tác (từ vấn đề giải quyết việc làm, tiền lương… đến xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, đối thoại xã hội và trách nhiệm xã hội…) và đưa ra 4 hình thức cơ bản để thực hiện hợp tác (hội nghị, hội thảo, đối thoại; tham quan để nghiên cứu, học tập; hợp tác nghiên cứu; trao đổi chuyên gia…)
  4. Hiệp định đưa ra cơ chế thực thi các cam kết về lao động thông qua: Đối thoại; Đầu mối liên lạc; Hội đồng lao động.
  5. Hiệp định nhấn mạnh sự tham gia của công chúng (đối tác xã hội) vào quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật lao động của các quốc gia.
  6. Hiệp định thúc đẩy tham vấn lao động, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên trong giải quyết các vụ việc về lao động trước khi áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định chung tại Chương 28 của Hiệp định TPP. Theo đó, việc vi phạm các cam kết về lao động có thể dẫn đến việc bị áp dụng chế tài thương mại.

Đối chiếu với những quan điểm và lập luận của các nước đang phát triển cho việc không đưa các tiêu chuẩn lao động và FTAs nêu trên cho thấy các cam kết mạnh mẽ về lao động trong TPP sẽ làm tăng chi phí về nhân công và có tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển. Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong TPP, là nước xuất khẩu dựa vào hàng hóa thâm dụng lao động cao với lợi thế về lao động rẻ. Do đó, trong ngắn hạn, việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP về lao động sẽ khó tránh khỏi những tác động bất lợi cho Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế.

2.1. Tuyên bố năm 1998 của ILO có những nội dung gì?

Sau khi Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Singapore khẳng định về vai trò của mình, ngày 18 tháng 6 năm 1998, ILO thông qua Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc (Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work – Tuyên bố năm 1998 của ILO).[21] Quan điểm của ILO về các quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc nhanh chóng được thừa nhận và khẳng định bởi Liên hiệp quốc,[22] các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB),[23] Ngân hàng thế giới (the World Bank),[24] Quỹ tiền quốc tế (the IMF),[25] OECD,[26]cũng như các học giả trên toàn thế giới.[27]

Cũng vì lý do như vậy, từ sau khi ILO thông qua Tuyên bố năm 1998, các FTA có chứa điều khoản về lao động đều viện dẫn đến Tuyên bố này tăng lên nhanh chóng. Nếu như đến năm 1995, không có FTA nào viện dẫn đến các tiêu chuẩn lao động của ILO thì năm 2010 có khoảng 25% và năm 2013 là khoảng 70% các FTA có điều khoản lao động viện dẫn đến Tuyên bố năm 1998 của ILO.[28] Đặc biệt, các FTA với các điều khoản mạnh về lao động mà Hoa Kỳ là thành viên như US-Colombia, US – Peru; US-Panama; US-Hàn Quốc đều viện dẫn cụ thể đến Tuyên bố năm 1998 của ILO.[29]

Cam ket lao dong

Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Tuyên bố năm 1998 của ILO khẳng định 4 nhóm quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc gồm:

  • Tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể;
  • Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc;
  • Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em; và
  • Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc.

Theo ILO, các quyền và nguyên tắc cơ bản được quy định trong 8 Công ước của ILO,[30] gồm:

  • Công ước số 87 về tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức năm 1948;
  • Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949;
  • Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1930;
  • Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957;
  • Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ năm 1951;
  • Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử trong công việc năm 1958;
  • Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu năm 1973; và
  • Công ước số 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999.

Tuyên bố năm 1998 của ILO yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng, ghi nhận và bảo đảm các nguyên tắc và quyền nêu trong 8 Công ước cơ bản nêu trên với tư cách là thành viên ILO ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước này.

2.2. Có phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO để thực hiện các cam kết về lao động trong TPP hay không?

Nội dung cơ bản của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP viện dẫn đến Tuyên bố năm 1998 của ILO. Tuyên bố năm 1998 của ILO lại không bắt buộc các quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản nhưng có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc được quy định trong các Công ước này. Như vậy, cam kết về lao động trong TPP không bắt buộc quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Thực tế, chỉ 2/12 quốc gia thành viên đã phê chuẩn cả 8 Công ước cơ bản. Hoa Kỳ, quốc gia thành viên thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc đưa các điều khoản chặt chẽ và tiêu chuẩn cao về lao động trong Hiệp định TPP lại là quốc gia phê chuẩn ít Công ước cơ bản nhất. Trong số 12 quốc gia thành viên TPP, số lượng các Công ước cơ bản của ILO đã phê chuẩn là không giống nhau, không phụ thuộc vào trình độ phát triển. Brunei và Hoa Kỳ mới chỉ phê chuẩn 2 Công ước, trong khi đó, Chile và Peru đã phê chuẩn cả 8 Công ước. Trong số 8 Công ước cơ bản, số lượng Công ước được phê chuẩn cũng không giống nhau. Công ước số 87 là công ước ít được phê chuẩn nhất, mới được 6/12 thành viên phê chuẩn. Trong khi đó, Công ước số 182 đã được tất cả 12 thành viên phê chuẩn. Điều này cho thấy, các quốc gia thành viên TPP rất quan tâm đến việc xóa bỏ lao động trẻ em nhưng chưa quan tâm hoặc chưa đủ khả thi để phê chuẩn và thực hiện các quy định về tự do hiệp hội.

Tinh trang phe chuan

Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Theo quy định của Hiến chương ILO, một quốc gia thành viên sau khi phê chuẩn Công ước có các nghĩa vụ đảm bảo thực hiện các quy định của Công ước trên lãnh thổ quốc gia mình. Đối với Việt Nam, hầu hết các nội dung của 5 Công ước cơ bản mà Việt Nam đã phê chuẩn[31] đã được quy định và nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam nhưng ở mức độ khác nhau và đã được nghiên cứu, đánh giá.[32] Theo kết quả nghiên cứu này, kể từ khi phê chuẩn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển hoá các quy định của các Công ước cơ bản vào hệ thống pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật trong thực tiễn. Nhiều quy định mới được ban hành, quy định không phù hợp bị sửa đổi, bãi bỏ. Tuy nhiên, việc chuyển hoá các quy định của ILO vào hệ thống pháp luật trong nước không cân bằng trong cả ba lĩnh vực. Các tiêu chuẩn về xoá bỏ lao động trẻ em đã được chuyển hoá đầy đủ vào luật quốc gia. Tuy nhiên, ở một số vấn đề khác, một vài điều khoản của Công ước vẫn chưa được chuyển hoá một cách đầy đủ vào pháp luật trong nước, ví dụ như: khái niệm về lao động cưỡng bức; phân biệt đối xử dựa trên quan điểm chính trị và nguồn gốc quốc gia, v.v… Hơn nữa, luật trong nước trong một số trường hợp vẫn chỉ tập trung vào một số vấn đề của Công ước. Ví dụ, luật tập trung vào việc buôn bán người hơn là những vấn đề khác liên quan đến lao động cưỡng bức; về khía cạnh phân biệt đối xử tại nơi làm việc, pháp luật tập trung vào các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới hơn là những khía cạnh khác được quy định bởi Công ước. Mặc dù phần lớn quy định của các Công ước được công nhận và chuyển hoá vào pháp luật trong nước, nhưng việc thực thi những quy định này vẫn còn nhiều thách thức như: hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao; thiếu các thống kê; nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ, công chức còn hạn chế…

Có thể nói, phần lớn các cam kết về lao động liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đã được chuyển hóa vào pháp luật quốc gia thông qua việc phê chuẩn và thực hiện 5 Công ước cơ bản của ILO. Tuy nhiên, với cơ chế thực thi của TPP, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ việc thực hiện các cam kết này cũng như cam kết về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể trong Hiệp định TPP sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Có tác động ra sao? Phải sửa đổi những văn bản pháp luật nào?.

2.3. “Kế hoạch Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” có phải là TPP “con” trong lĩnh vực lao động không?

Song song với Hiệp định TPP, các cam kết về lao động của Việt Nam còn được quy định trong Kế hoạch của Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” (United States – Vietnam Plan for the Enhancement of Trade and Labour Relations – sau đây viết tắt là Kế hoạch hành động). Đây có lẽ là một nét rất đặc thù thể hiện rõ mục tiêu thúc đẩy các yêu cầu và tiêu chuẩn về lao động của Hoa Kỳ thông qua Hiệp định TPP. Hoa Kỳ là thành viên duy nhất thuộc nhóm nước phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động với Việt Nam, Malaysia và Brunei; trong khi đó, các thành viên khác như Nhật Bản, Canada, New Zealand, Úc lại không đặt vấn đề hợp tác về lao động trong TPP.

Theo Dự thảo,[33] Kế hoạch hành động này gồm 8 mục lớn với các nội dung cơ bản như sau:

  1. Yêu cầu Việt Nam sửa đổi các quy định trong nước nhằm:
  • Bảo đảm quyền tự do thành lập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ ở cơ sở. Tổ chức đại diện cho người lao động có thể đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức đại diện người lao động đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều có quyền như nhau. Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng.
  • Bảo đảm sự độc lập của tổ chức đại diện người lao động, Việt Nam phải bảo đảm các quy định của pháp luật không bắt buộc các tổ chức đại diện lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam mà có thể tự ban hành và thực hiện theo điều lệ của tổ chức mình.
  • Bảo đảm nghiêm cấm sự can thiệp của người sử dụng lao động vào hoạt động của tổ chức đại diện lao động.
  • Mở rộng phạm vi các loại hình công việc mà người lao động được đình công; bổ sung quy định về lao động cưỡng bức và bổ sung các quy định về chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
  1. Quy định nghĩa vụ của Việt Nam về cải cách về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng Chương trình, chiến lược phòng chống lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; nghĩa vụ công khai minh bạch thông tin; tuyên truyền, giáo dục cho người lao động và người sử dụng lao động; thành lập Đầu mối liên lạc, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra.
  2. Kế hoạch hành động xác định cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát, đánh giá việc thực thi và chế tài.
  3. Đặc biệt, Kế hoạch hành động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Chương 28 của Hiệp định TPP (ngoại trừ quy định về sự tham gia của bên thứ 3 tại Điều 28.13). Đồng thời, các quy định của Chương 29 Hiệp định TPP về các ngoại lệ cũng áp dụng cho bản Kế hoạch này.
  4. Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết về cải cách pháp luật và thể chế quy định trong Kế hoạch hành động này trước ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam trừ quy định về việc “Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng” sẽ được Việt Nam thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam.

Có thể nhận thấy, mặc dù tên gọi của Kế hoạch này là nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và lao động nhưng nội dung chỉ tập trung vào vấn đề lao động. Mặc dù là thỏa thuận song phương nhưng nội dung của Kế hoạch hành động chỉ quy định nghĩa vụ của Việt Nam là chính. Nếu đối chiếu các cam kết trong TPP và nội dung của Kế hoạch này với 10 mục tiêu về lao động[34] mà Hoa Kỳ đặt ra khi đàm phán TPP thì có thể thấy Hoa Kỳ đã thành công hơn trong đàm phán về lao động và đã đạt được tất cả các mục tiêu cơ bản mà Hoa Kỳ đặt ra đối với vấn đề này.

Các yêu cầu về lao động trong Kế hoạch hành động thực chất là sự giải thích các yêu cầu của Tuyên bố năm 1998 của ILO, tập trung vào các quy định của ILO về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Tuy nhiên, lại có nội dung còn vượt quá cả yêu cầu của ILO và chưa đề cập đến trường hợp mà ILO cho là ngoại lệ. Ví dụ như, theo quan điểm của ILO, sự đơn nhất trong tổ chức của hệ thống công đoàn không phải là vi phạm nguyên tắc về tự do hiệp hội nếu như nó xuất phát từ sự thống nhất bên trong của phong trào công đoàn và xuất phát từ nguyện vọng của người lao động vì lợi ích của người lao động.[35]  Theo ILO, chỉ coi là vi phạm nguyên tắc tự do hiệp hội khi sự đơn nhất trong tổ chức công đoàn được hình thành và áp đặt bởi các quy định của pháp luật.[36] Có ý kiến cho rằng, các cam kết trong Kế hoạch hành động này là lộ trình thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.[37]

Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá xem việc tổ chức mô hình đại diện người lao động độc lập và song song tồn tại với Công đoàn Việt Nam có phù hợp với quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013[38] hay không? Có phải sửa đổi Hiến pháp hay không? Cần xác định rõ hình thức pháp lý của Kế hoạch hành động này là gì và thẩm quyền ký, phê chuẩn Kế hoạch này ra sao? Kế hoạch hành động này có chứa đựng quy định về quyền của người lao động (quyền thành lập tổ chức đại diện lao động – quyền lập hội), có yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật trong nước (trong đó có luật do Quốc hội ban hành)… Với nội dung như vậy, căn cứ vào Hiến pháp,[39] Kế hoạch hành động này có phải trình Quốc hội để phê chuẩn không? Trường hợp Quốc hội không phê chuẩn thì cơ chế và hậu quả pháp lý sẽ ra sao? Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động này chỉ có hiệu lực với Việt Nam và Hoa Kỳ, vậy liệu việc không ký, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ có ảnh hưởng gì đến tư cách thành viên của Việt Nam trong TPP không? Tác động của việc này về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội… ra sao cũng cần phải được tham vấn và nghiên cứu kỹ lưỡng.

 3. Một số kiến nghị

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ được ký trong Quý 1 năm 2016, và sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi tất cả các nước thành viên đã thông qua TPP. Nếu việc tất cả các thành viên thông qua không được thực hiện trong vòng 2 năm kể từ ngày ký Hiệp định, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi hết thời hạn 2 năm đó nếu có ít nhất 6 nước thành viên có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm trên 85% tổng GDP của tất cả 12 nước TPP đã thông qua Hiệp định (theo số liệu chính thức của IMF).[40] Theo dự báo, thời gian để các quốc gia thành viên phê chuẩn có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Như vậy, Hiệp định TPP có thể sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018.[41]

Trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, việc đánh giá tác động của các cam kết đã được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể tham gia đàm phán. Tuy nhiên, các nội dụng của Hiệp định được giữ bí mật, do đó, việc tham vấn các đối tác xã hội và các bên liên quan đến các nội dung của Hiệp định hầu như chưa được thực hiện đầy đủ.

Đến nay, Dự thảo của Hiệp định đã được công bố, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng dịch Dự thảo này ra tiếng Việt để phổ biến và tham vấn các bên liên quan như đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người lao động… những chủ thể sẽ trực tiếp thực thi Hiệp định trong tương lai. Đồng thời, đây là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia và cán bộ thực tiễn trong và ngoài nước nghiên cứu, đánh giá, bình luận về từng nội dung cụ thể của Hiệp định; nhất là trong các lĩnh vực mới so với các hiệp định thương mại tự do khác như: vấn đề doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề môi trường… Từ đó, đề xuất các giải pháp để Hiệp định TPP thực sự mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc, cho đất nước. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng hoàn thiện việc rà soát các quy định của pháp luật trong nước cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định này, lập kế hoạch cụ thể cho việc sửa đổi, bổ sung này. Trong rà soát, cần hết sức chú ý đến việc bảo đảm sự thống nhất với các quy định của Hiến pháp cũng như cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong quá trình thực thi Hiệp định. Kết quả nghiên cứu và rà soát này sẽ là kênh thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các đại biểu Quốc hội trong việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định này.

Đối với lĩnh vực lao động, phân tích ở trên cho thấy cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định TPP và trong Kế hoạch hành động là những cam kết cải tiến pháp luật và thể chế mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ và có nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được nghiên cứu làm rõ. Việc thực hiện các cam kết này sẽ có tác động làm thay đổi cơ bản hệ thống quan hệ lao động và công đoàn nước ta. Trước cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, chúng tôi thiết nghĩ phải tiến hành đánh giá tác động của các cam kết về lao động trong TPP đối với Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ. Để làm được như vậy, chúng tôi cho rằng cần:

  1. Tiếp tục nghiên cứu và đánh giá các tác động và đề xuất giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật trong nước theo từng yêu cầu về lao động trong TPP theo 3 nhóm nội dung mà Việt Nam đã phê chuẩn các Công ước cơ bản: (i) xóa bỏ lao động cưỡng bức; (ii) xóa bỏ lao động trẻ em và (iii) xóa bỏ phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
  2. Nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện và cụ thể của việc thực hiện quy định về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể trong Hiệp định TPP và Kế hoạch hành động của Hoa Kỳ – Việt Nam.
  3. Nghiên cứu và đánh giá các tác động và đề xuất các biện pháp chuẩn bị trong trường hợp phải thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp về lao động trong TPP.
  4. Nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật lao động và thực tiễn thực hiện ở các nước thành viên TPP làm cơ sở cho việc đánh giá quá trình thực hiện các cam kết lao động trong TPP của các quốc gia thành viên này.
  5. Tăng cường và thúc đẩy hợp tác với ILO trong việc đánh giá tác động và thực thi các Công ước cơ bản của ILO tại Việt Nam.

Một thể chế pháp lý hoàn thiện, ổn định và thúc đẩy sáng tạo của người lao động là cơ sở để thực thi các cam kết quốc tế và quan trọng hơn là tiền đề không thể thiếu cho sự hình thành và phát triển Nguồn nhân lực – Tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa.

TS. Phạm Trọng Nghĩa là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ, Chương trình Nghiên cứu Lãnh đạo toàn cầu của Đại học Oxford và Đại học Princeton (The Oxford-Princeton Global Leaders Fellowship Program).

Xem thêm: Đánh giá sơ bộ tác động của TPP đối với Việt Nam

———————-

[1]Bài viết này sử dụng Dự thảo Hiệp định TPP đăng tải trên website của Bộ Noại giao New Zealand tại địachỉ http://www.mfat.govt.nz/Treaties-and-International-Law/01-Treaties-for-which-NZ-is-Depositary/0-Trans-Pacific-Partnership-Text.php[truy nhập 6/11/2015].

[2] Số lượng các điều khoản trong mỗi chương có sự khác biệt lớn. Chương có ít điều nhất là Chương I về điều khoản ban đầu và giải thích từ ngữ và Chương 24 về Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có 3 điều, trong khi Chương 18 về sơ hữu trí tuệ có 83 điều.

[3] Trong đó, 8 FTA đang có hiệu lực, 3 FTA đã ký (VN – Lào, VN- Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu), 2 FTA đã kết thúc đàm phán (TPP, VN-EU), 1 FTA đang đàm phán (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

[4]Ngày 4/8/2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán. Trong VN-EU FTA, vấn đề lao động được đưa vào nội dung về Thương mại và Phát triển bền vững cùng vấn đề môi trường, sự tham gia của công chúng, minh bạch và trách nhiệm giải trình… chứ không đưa thành Chương riêng về Lao động như Hiệp định TPP.

[5] Erika, d.W. 1994, Labour Standards in the Globalized Economy: The Inclusion of a Social Clause in the General Agreement on Tariffs and Trade/World Trade Organization, International Institute for Labour Studies, Geneva at 3; Philip, A. 1994, ” Post-post-modernism and International Labour Standards: The Quest for a New Complexity” in Labour Standards and Economic Interdependence, eds. S. Werner & C. Duncan, International Institute for Labour Studies, Geneva, tr. 95-104; Arne, V. 2005, International Labour Rights and the Social Clause: Friends or Foes, Cameron May, London at 73.

[6] Drusilla, K.B., Alan, V.D. & Robert, M.S. 1996, “International Labour Standards and Trade: A Theoretical Analysis” in Harmonisation and Fair Trade: Prerequisites for Free Trade, eds. B. Jagdish & H. Robert, MIT Press, Cambridge, tr. 227-280.

[7] Jan, M.W. 2008, Realizing Core Labour Standards: The potential and limits of voluntary codes and social clauses: A review of the literature, GTZ, Eschborn tr. 16.

[8] Drusilla, K.B., Alan, V.D. & Robert, M.S. 1998, “Trade and Labour Standards”, Open Economies Review, vol. 9, no. 2, tr. 171-194.

[9] Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Can Labour Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington tr. 73.

[10] Jan, M.W. 2008, Realizing Core Labour Standards: The potential and limits of voluntary codes and social clauses: A review of the literature, GTZ, Eschborn at 16.

[11] Werner, S. 2005, Globalization and Social Progress: The Role and Impact of International Labor Standards, 2nd edn, Friedrich-Ebert-Stiftung, Bonn tr. 7.

[12] Gijsbert, L. 1989, “Minimum Labour Standards and International Trade: Would a Social Clause Work?”, International Labour Review, vol. 128, no. 4, tr. 433-448; Sandra, P. 2003, , Trade and Labour Standards: A Strategy for Developing Countries. Tại địa chỉ  http://www.carnegieendowment.org/pdf/files/Polaski_Trade_English.pdf [2009, 1/15] and Luke, L.A. 2005, “Labour and the World Trade Organization: Towards a Reconstruction of the Linkage Discourse”, Deakin Law Review, vol. 10, no. 1, tr. 83-119.

[13]Xem GAO (2014) Free trade agreements: U.S. Partners Are Addressing Labor Commitments, but More Monitoring and Enforcement Are Needed.  Report to Congressional Requesters.

[14] Union Network International 2006, , Core Labour Standards at the WTO – What have Trade Ministers Said?. Tại địa chỉ  www.union-network.org/uniflashes.nsf [truy nhập 6/11/2015].

[15] Gijsbert, L. 1989, “Minimum Labour Standards and International Trade: Would a Social Clause Work?”, International Labour Review, vol. 128, no. 4, tr. 433-448.

[16] WTO 1996, , Singapore Ministerial Declaration. Tại địa chỉ  http://www.wto.org/english/thewto_e/minist_e/min96_e/min96_e.htm [2008, 12/20]; OECD 2000, , International Trade and Core Labour Standards. OECD Policy Brief, October. Tại địa chỉ  www.oecd.org/publication/Pol_crief/ [truy nhập 6/11/2015].

[17]Ngày 10/5/2007, hai Đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành một Thỏa thuận giữa 2 Đảng (May 10 Agreement), trong đó yêu cầu phải đưa các tiêu chuẩn lao động quốc tế quy dịnh trong Tuyên năm 1998 của ILO (cùng các nội dung khác về môi trường, sở hữu trí tuệ….) vào trong các FTAs của Hoa Kỳ.

[18]See ILO2015, Social Dimensions of free Trade Agreements, International Labor Office: Geneva. See also TzvetomiraRadoslavova (2015), ILS and International Trade Agreements. Available at https://prezi.com/znbftbefduhr/ils-and-international-trade-agreements/ [truy nhập 6/11/2015].

[19] Điều này cũng được phía Hoa Kỳ công nhận. Xem TPP Protecting Workers. Tại địa chỉ https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Protecting-Workers-Fact-Sheet.pdf[truy nhập 6/11/2015].

[20]Điều 19.2 Hiệp định TPP.

[21] Hilary, K. 1998, “The ILO Declaration of 1998 on Fundamental Principles and rights: A challenge for the future”, International Labour Review, vol. 137, no. 2, tr. 223-227.

[22] United Nations Global Compact 2009, , The Ten Principles [Homepage of United Nations], [Online]. Tại địa chỉ  http://www.unglobalcompact.org/AboutTheGC/TheTenPrinciples/index.html[truy nhập 6/11/2015].

[23] ADB 2006, Core Labour Standards Hanbook, ADB, Manila tr. 10.

[24] Bank 2009, , Core Labour Standards Toolkit [Homepage of World Bank], [Online]. Tại địa chỉ  http://go.worldbank.org/1JZA8B2CO0[truy nhập 6/11/2015].

[25] Stephen, S.G. 2007, , International Labour Standards and International Trade. IMF Working paper No WP/97/37 [Homepage of Interntional Moneytary Fund], [Online]. Tại địa chỉ http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=882280[truy nhập 6/11/2015].

[26] OECD 2000, , International Trade and Core Labour Standards. OECD Policy Brief, October. Tại địa chỉ  www.oecd.org/publication/Pol_crief/ [truy nhập 6/11/2015].

[27] Baban, H. 2002, “The impact of core labour standards on exports”, International Business Review, vol. 11, no. 5, tr. 563-575; Drusilla, K.B. 2000, International Trade and Core Labour Standards: A survey of the Recent Literature, OECD Publishing, Paris; Gudrun, B. & Joe, I. 2005, “Globalization and Core Labour Standards: Compliance problems with ILO Conventions 87 and 98. Comparing Australia and other English-Speaking Countries with EU Member States”, The International Journal of Comparative Labour Law and Industrial Relation, vol. 21, no. 3, tr. 405-444; Keith, E.M. & Will, J.M. 2001, “Core Labour Standards and Competitiveness: Implications for Global Trade Policy”, Review of International Economics, vol. 9, no. 2, tr. 317-328.

[28] Xem Jordi Agustí-Panareda, Franz Christian Ebert và De sirée LeClercq (2014) Labour Provisions in Free Trade Agreements: Fostering their Consistency with the ILO Standards System, International Labor Ofice: Geneva.

[29] Văn bản có tại địa chỉ https://ustr.gov/trade-agreements/free-trade-agreements[truy nhập 6/11/2015].

[30] ILO “Conventions and Recommendations”. Tại địa chỉ http://www.ilo.org/global/standards/introduction-to-international-labour-standards/conventions-and-recommendations/lang–en/index.htm [truy nhập ngày 8/11/2015].

[31]Từ khi tái gia nhập ILO vào năm 1992, tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 21 trong tổng số 189 Công ước của ILO. Đối với 8 Công ước cơ bản, Việt Nam đã phê chuẩn 5 Công ước gồm:Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức (phê chuẩn ngày 5/3/2007);Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ (phê chuẩn ngày 7/10/1997);Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử trong công việc (phê chuẩn ngày 7/10/1997);Công ước số 138 về độ tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc (phê chuẩn ngày 24/6/2003); vàCông ước số 182 về xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (phê chuẩn ngày 19/12/2000).

[32]Xem Phạm Trọng Nghĩa. 2014,Thực hiện các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam: Cơ hội và Thách thức, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[33]Bài viết này sử dụng Dự thảo Kế hoạch của Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động đăng tải trên website của Bộ thương mại Hoa Kỳ tại địa chỉ https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Final-Text-Labour-US-VN-Plan-for-Enhancement-of-Trade-and-Labor-Relations.pdf[truy nhập 8/11/2015].

[34]Xem “The TPP: Detailed summary of U.S. Objectives”. Tại địa chỉ https://ustr.gov/sites/default/files/TPP-Detailed-Summary-of-US-Objectives.pdf[truy nhập 8/11/2015].

[35] ILO 2006.  Digest, p. 67 (para. 319).

[36] CFA: Case No. 2348, Report No. 338, para. 995; Case No. 1963, Report No. 320, para. 220; Case No. 2067, Report No. 324, para. 998.

[37] Xem: Labor Reform in Vietnam, Tied to Pacific Trade Deal, Depends on Hanoi’s Follow-Up. Tại địa chỉ http://www.nytimes.com/2015/11/06/business/international/vietnam-tpp-trade-agreement-labor-reaction.html[truy nhập 6/11/2015].

[38] Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

[39]Khoản 14, Điều 70 Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội “…phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực củađiều ước quốc tế liên quan đếnchiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”.

[40] Điều 35.5 Hiệp định TPP. Theo số liệu của IMF năm 2013 thì tỷ lệ % GDP của các nước thành viên TPP như sau: Australia (5.6%), Brunei (0.1%), Canada (6.6%), Chile (1.0%), Japan (17.7%), Malaysia (1.1%), Mexico (4.5%), New Zealand (0.7%), Singapore (1.1%), Hoa Kỳ (60.3%), Peru (0.7%), Việt Nam (0.6%).

[41] Xem; “Hiệp định TPP có thể có hiệu lực từ đầu năm 2018”. Tại địa chỉ http://vietstock.vn/2015/10/hiep-dinh-tpp-co-the-co-hieu-luc-tu-dau-nam-2018-768-442702.htm [truy nhập 12/11/2015].

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]