7 xu hướng trong chính sách ngoại giao của Nga

Print Friendly, PDF & Email

o-PUTIN-LAVROV-facebook

Nguồn: Ivan Timofeev, “7 trends for Russian foreign policy you need to know”, Russia Direct, 22/10/2015.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sau khủng hoảng Ukraine và can thiệp quân sự ở Syria, các nguyên tắc và ý tưởng chính chỉ đạo chính sách ngoại giao của Nga đang dần dần sáng tỏ.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine và không kích quân sự ở Syria, chính sách ngoại giao của Nga thường được xem là không thể đoán trước được. Các hành động của Nga trong cả 2 trường hợp không chỉ nhanh chóng và bất ngờ, mà phạm vi của chúng dường như cũng vượt quá mức các nguy cơ đối với lợi ích quốc gia của Nga có thể lý giải.

Syria, và đặc biệt là Ukraine, được coi là những điểm uốn trong quỹ đạo chính sách đối ngoại của Nga, thể hiện sự dịch chuyển sang một dòng chính sách mới về chất. Cấu hình chính sách mới này đã được hình thành. Với cú sốc Ukraine và Syria dần kết thúc, các chính sách của Nga bắt đầu có thể dự đoán được, như được minh chứng bởi 7 xu hướng dưới đây.

Xu hướng thứ 1

Chính sách của Nga về vấn đề biên giới phía Tây sẽ là phòng thủ, mà không phải là tấn công. Trái ngược với sự lo sợ và ám ảnh của Đông Âu, sẽ không có động thái quân sự nào chống lại các thành viên mới của NATO. Các sự cố trên không, trên biển và trên không gian mạng sẽ lại xảy ra. Nhưng mối đe dọa ở đây là sự leo thang từ các va chạm ngẫu nhiên, mà không phải là các hành động được dự tính từ trước. Việc tăng chi tiêu quốc phòng lấy lí do từ “sự xâm lược của Nga” chắc chắn sẽ làm hài lòng các nhà lãnh đạo NATO, nhưng làm như vậy khiến cơ hội giải quyết bất cứ vấn đề thực sự nào cũng gần như là số 0.

Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang mang tính cục bộ từ cả 2 bên và các điểm nóng thi thoảng bùng phát trong khu vực vùng Biển Baltic-Biển Đen. Hoạt động quân sự ở cả hai phía biên giới sẽ được xem như là một sự khiêu khích và là một phần của hình thái chiến tranh lai (hybrid war). Về khía cạnh này, cả 2 bên sẽ hành xử tương tự nhau.

Xu hướng thứ 2

Bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây để thâm nhập vào không gian hậu Xô Viết về mặt quân sự hay kinh tế đều được người Nga coi là thù địch và không phù hợp.

Sự thâm nhập đó đã từng được làm cho nhẹ đi thông qua hợp tác, nhưng hiện tại nó đang được dứt khoát coi là trò chơi có tổng bằng không.

Không gian hậu Xô Viết được xem như là  một đấu trường địa chính trị, chứ không phải sự hợp tác. Vấn đề càng trầm trọng hơn bởi bản chất yếu kém của nhiều nước thuộc Liên Xô cũ. Kể cả khi không có sự can thiệp đáng chú ý từ bên ngoài, họ vẫn có thể rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng như vậy có thể kích động sự đối đầu hơn nữa giữa Nga và phương Tây, khi cả 2 phía đều sẽ lợi dụng hậu quả của nó.

Nga và phương Tây đều bị chi phối bởi sự mong manh của không gian hậu Xô Viết. Nga sẽ nỗ lực tự mình giải quyết vấn đề bằng cách tăng cường liên minh với các quốc gia ổn định hơn trong khu vực và can dự vào các nước yếu hơn (ví dụ, thông qua các tổ chức như Liên minh kinh tế Á-Âu).

Nghịch lý là phương Tây cũng có thể hưởng lợi từ sự thành công của những liên minh này. Các thành viên khác (đặc biệt là Kazakhstan và Belarus) chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên minh đó. Việc này sẽ giúp họ “bình đẳng hóa” vị trí của mình trong các vấn đề quốc tế và tạo ra cấu trúc mới của các mối quan hệ dựa vững chắc vào quan hệ đối tác.

Xu hướng thứ 3

Ý tưởng chủ đạo của chính sách đối ngoại Nga sẽ là để kiểm soát sự lây lan của tình trạng vô chính phủ, ngăn chặn sự sụp đổ của các quốc gia, và bảo toàn sự kiểm soát của chính phủ. Ý tưởng này sẽ đi ngược lại lý thuyết cho rằng dân chủ hóa là yếu tố bảo đảm cho sự phát triển ổn định.

Nga sẽ xây dựng đồng minh tạm thời hoặc thậm chí là chiến lược với các nước khác trong khu vực và thế giới xoay quanh ý tưởng này, điều có thể mang lại lợi ích cho dân chúng trong nước. Nga có thể đảm nhận vai trò người dẫn dắt chính trị bảo thủ thế giới, theo đuổi các thay đổi thận trọng và thực dụng tùy theo đặc điểm cụ thể của từng nước.

Khái niệm dân chủ trong bối cảnh này có thể được biến đổi để có lợi cho Nga thông qua dân chủ hóa nội bộ dần dần (thay vì duy ý chí và can thiệp từ bên ngoài) và có xem xét đến các yếu tố địa phương. Nga có thể sẽ chọn Trung Quốc làm đối tác trong việc phát triển lý thuyết này.

Xu hướng thứ 4

Nga đang trở thành tác nhân chính trị – quân sự tích cực hơn bên ngoài lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, hành động này sẽ mang tính chọn lọc và có mục tiêu cụ thể do nguồn lực hạn chế.

Ngoài Syria, một điểm khả thi trong sự can thiệp của Nga có thể là việc thi hành các nghĩa vụ Hiệp ước ở Trung Á, đặc biệt trong trường hợp xảy ra một mối đe dọa khủng bố bởi các nhóm vũ trang có căn cứ ngoài Afghanistan. Sự can thiệp như vậy sẽ được tiến hành bởi những đơn vị cơ động cao với sự hỗ trợ của không quân.

Xu hướng thứ 5

Nga sẽ thực hiện các biện pháp để phát triển các tổ chức khu vực và quốc tế như là BRICS (khối bao gồm các nền kinh tế mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO). Nhưng chức năng và tác dụng của những tổ chức này vẫn còn là câu hỏi mở.

Nga sẽ phải tìm các cơ chế tương tác tối ưu với các nước phi phương Tây chủ chốt, mặc dù không ai có ý định cắt đứt quan hệ với phương Tây và thiết lập một liên minh công khai chống phương Tây. Bản thân nước Nga sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ kinh tế với phương Tây với nhận thức rằng giới kinh doanh cả 2 bên đều đã tính đến rủi ro khủng hoảng chính trị trong các dự án và kế hoạch của mình.

Nga sẽ không đứng ngoài nền kinh tế thế giới và trở thành kẻ bị ruồng bỏ. Vị trí kinh tế tương đối yếu kém của nước này sẽ được bù đắp bởi sức mạnh chính trị. Trong bối cảnh này, các nỗ lực để tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và vị trí của Nga trong tổ chức trên sẽ là một đặc tính khác trong chính sách của Nga.

Xu hướng số 6

Các thể chế an ninh châu Âu và các hiệp ước chủ chốt với Nga sẽ bị xói mòn, nhưng Moskva hầu như không muốn phá bỏ chúng hoàn toàn.

Nga muốn duy trì đối thoại với Mỹ trên phương điện bình ổn chiến lược. Nhưng việc đối thoại này có khả năng sẽ song hành với việc phát triển các vũ khí chiến lược của cả hai bên. Khủng hoảng Ukraine đã tạo ra một tiền lệ rất xấu cho việc chính trị hóa đối thoại trong khuôn khổ các Hiệp ước căn bản như INF (Hiệp ước Xô-Mỹ về huỷ bỏ tên lửa tầm trung) và START (Hiệp ước Xô-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược). Tiền lệ này sẽ gây hậu quả tiêu cực lên các cuộc đối thoại trong tương lai.

Xu hướng số 7

Nền kinh tế và kỳ vọng của công chúng về hiện đại hóa nền kinh tế sẽ trở thành các yếu tố ngày càng quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nga

“Lá bài mối đe dọa ngoại bang” không thể cứ được dùng hết lần này đến lần khác, điều đó có nghĩa là chính phủ và doanh nghiệp Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đi căn bản để cải thiện hiệu suất của nền kinh tế Nga trong con mắt của xã hội.

Cuộc khủng hoảng mang đến cơ hội để tiến hành các cải cách vốn sẽ là bất khả thi trong bối cảnh ổn định. Những thay đổi này là cần thiết cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ của Nga với các đối tác nước ngoài. Ngay cả trong thời kỳ tốt đẹp nhất, tình hình kinh tế Nga đôi khi cũng là trở ngại cho việc phát triển quan hệ chính trị. Cải cách kinh tế nên khai thông các nguồn lực mới cho tăng trưởng, mặc dù quá trình này sẽ đi kèm nhiều rủi ro lớn.

Khả năng bảo đảm nền pháp quyền và tạo điều kiện khuyến khích các sáng kiến của khu vực tư nhân là một trong những điều kiện quan trọng để cải cách thành công.

Ngày nay, Nga và các nước khác đối mặt những quá trình nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Tôn giáo cực đoan, nhập cư và sự tan rã của nhà nước chỉ là phần nhỏ của bức tranh. Sớm hay muộn, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, cả Nga và phương Tây sẽ phải phối hợp các chính sách và hành động với nhau. Cuộc khủng hoảng gần đây mang đến cơ hội để thiết lập lại các thông số trong quan hệ của Nga với các đối tác.

Ivan Timofeev, Tiến sĩ ngành Khoa học Chính trị, là Giám đốc chương trình tại Hội đồng các Vấn đề Quốc tế của Liên Bang Nga.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]