Những người tiêu dùng “bất đắc dĩ” của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

1433819571605

Nguồn: Keyu Jin, “China’s Unwilling Consumers”, Project Syndicate, 11/11/2015.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong những năm qua, các lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi việc “tái cân bằng” nền kinh tế. Mô hình kinh tế hiện hữu của Trung Quốc vốn dựa vào đầu tư và xuất khẩu sẽ được thay thế bởi một mô hình mới dựa vào dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Đó là một sự thay đổi cần thiết đối với Trung Quốc. Không may là tăng trưởng dựa vào tiêu dùng sẽ còn là một điều xa vời.

Đúng là tỉ lệ đóng góp của tiêu dùng trong GDP đã tăng chút ít trong vài năm qua. Nhưng điều đó chủ yếu phản ánh nhu cầu đầu tư yếu, chứ không phải là tăng trưởng tiêu dùng mạnh. Sự thật là tích lũy tài sản vẫn là mục đích chính của các hộ gia đình Trung Quốc. Và do cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính thiếu phát triển, và chế độ an sinh xã hội kém, nên mức tiết kiệm dự phòng cao sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong tương lai gần.

Thực sự, một nhân tố quan trọng kìm hãm tiêu dùng là việc người lao động lớn tuổi của Trung Quốc phải tiết kiệm để về hưu. Trong quá khứ, truyền thống sùng kính phụ mẫu của Khổng Giáo có nghĩa là con cái sẽ giúp đỡ cha mẹ khi họ về già. Nhưng sau hơn ba thập niên mà chính sách một con tồn tại, những người già về hưu không thể mong chờ được hỗ trợ ở mức như xưa, và Trung Quốc thiếu một hệ thống hưu trí đủ mạnh để bù lại.

Như hiện tại thì những người về hưu ở thành thị nhận được trung bình một nửa thu nhập từ nguồn hỗ trợ của con cháu. Nhưng những người lao động trung niên biết họ có thể chỉ nhận được ít hơn khi về hưu. Thậm chí người cao tuổi cũng đang tăng mức tiết kiệm, một phần bởi vì tuổi thọ cao hơn và chi phí y tế ngày càng tăng. Điều này hoàn toàn trái ngược với mức tiết kiệm giảm đến mức chóng mặt của người già ở Mỹ.

Một lý do khác làm các hộ gia đình Trung Quốc không thể tăng mức tiêu dùng là bởi vì tỷ lệ thu nhập trên GDP của các hộ gia đình đã và đang sụt giảm, từ 70% vào năm 1990 xuống còn khoảng 60% vào năm 2010. (Tỷ lệ này được duy trì ở mức 80% tại các nền kinh tế phát triển).

Vấn đề ở đây gồm 2 phần. Thứ nhất, mô hình phát triển của Trung Quốc bị bóp méo, vì nó chú trọng đầu tư hơn là tăng trưởng việc làm, và dựa một phần vào việc ép lương để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Thứ hai, áp chế tài chính (financial repression) đã giữ mức lãi suất thật từ các khoản tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc ở mức gần như số không.

Nguồn vốn rẻ cộng với chi phí lao động thấp tuy có lợi cho tăng trưởng nhưng lại kìm hãm nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình. Theo nghĩa này thì sự thiếu cân bằng mà Trung Quốc phải giải quyết không phải là giữa tiêu dùng và đầu tư, mà là giữa các hộ gia đình ở một bên và chính phủ với các doanh nghiệp ở bên kia.

Đó là lý do tại sao các chính sách kích thích thông thường không có tác dụng, nhưng không phải là vì chính phủ đã không cố gắng. Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng và nới lỏng chính sách tiền tệ, vốn thường sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn do cho rằng lạm phát sẽ tăng trong tương lai.

Hướng đi này không những là không hiệu quả ở Trung Quốc, mà còn có khả năng phản tác dụng, vì các hộ gia đình, với mong muốn duy trì sức mua, sẽ tiết kiệm còn nhiều hơn và săn tìm lãi suất cao hơn. Điều này đã giữ chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất không tăng, bất chấp chính sách tiền tệ được nới lỏng, trong khi lại thổi phồng thêm bong bóng bất động sản.

Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng những ảnh hưởng tích cực từ việc tài sản tăng giá sẽ khuyến khích tiêu dùng. Ngược lại, những khuyến khích của chính quyền về đổi mới tài chính đã thúc đẩy sự tăng trưởng chóng mặt của thị trường chứng khoán, vượt quá mức các chỉ số nền tảng của nền kinh tế cho phép. Khi chính phủ cố gắng kiểm soát thị trường vào mùa hè vừa qua, họ vô tình kích hoạt một đợt bán tháo lớn đến mức nó trở thành một cuộc tháo chạy, phần lớn bởi vì chính những đổi mới tài chính (ví dụ như giao dịch ký quỹ). Bây giờ thì những dư chấn có thể làm tiêu dùng còn giảm nhiều hơn nữa.

Những điều này không có nghĩa rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng mức tiêu dùng sẽ chắc chắn thất bại. Ngược lại, khác với những người lao động trung niên, những người mà các biến động như là Cách mạng Văn hóa đã nuôi dưỡng tính thực dụng và thận trọng, thế hệ trẻ Trung Quốc lại lạc quan về tương lai. Họ biết rằng họ có thể trông chờ mức thu nhập cao hơn những gì cha mẹ và ông bà họ đạt được.

Thêm vào đó, thế hệ trẻ Trung Quốc nhận thức rất rõ ràng về chất lượng cuộc sống của họ, một phần là do họ bị ảnh hưởng thường xuyên bởi lối sống của các nước phát triển. Kết quả là họ sẽ sẵn lòng hơn cha mẹ họ trong việc chi tiêu cho những dịch vụ và món hàng không lâu bền. Khi họ trở thành thành phần chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc, tức là khi họ đến tuổi trung niên, thì mặt bằng tiêu dùng của Trung Quốc có thể hoàn toàn khác biệt. Khi đó, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là người tiêu dùng toàn cầu chứ không còn là người bán hàng toàn cầu nữa.

Nhưng sự chuyển đổi này vẫn còn xa xôi. Vào lúc này, chính phủ Trung Quốc nên theo đuổi một loạt chính sách khác để thúc đẩy tiêu dùng, trước tiên bằng việc giảm bớt những hạn chế về vay mượn cho các hộ gia đình.

Trong những năm gần đây, nợ của các hộ gia đình Trung Quốc ở vào khoảng 12% GDP, so với mức cao đến 95% ở Mỹ. Nợ thế chấp ở Trung Quốc vào khoảng 16% GDP so với 120% ở Mỹ. Chỉ có 5% người từ 15 tuổi trở lên có nợ thế chấp, và 8,2% có thẻ tín dụng, những con số này ở Mỹ là 33,4% và 61%.

Rõ ràng là các hộ gia đình Trung Quốc có nhiều cơ hội để vay thêm. Với việc nới lỏng những hạn chế về tín dụng cho các hộ gia đình, chính phủ Trung Quốc sẽ giúp thế hệ trẻ của họ, như những người Mỹ đồng lứa, chi trả cho giáo dục và mua sắm những món hàng lâu bền hơn.

Đối với tái cân bằng nền kinh tế, Trung Quốc phải kiên nhẫn, và công nhận rằng thế hệ hiện tại đơn thuần quá tập trung vào tiết kiệm nên không thể nâng tiêu dùng lên mức cần thiết. Có những bước đi mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm để đẩy nhanh thay đổi, nhưng cho đến khi thế hệ kế tiếp trưởng thành, những tiến triển thực thụ sẽ không đến nhanh chóng.

Keyu Jin, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế London, là một lãnh đạo trẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới và là thành viên ban cố vấn của Richemont Group.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]