Lịch sử và vai trò bị lãng quên của Ủy hội châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

arton3955

Nguồn: Fabio Liberti, Why we need the Council of Europe, Le monde Diplomatique, 09/2012.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Ủy hội châu Âu (Council of Europe), có trụ sở tại Strasbourg, có lẽ là tổ chức bị hiểu lầm nhiều nhất của lục địa già. Ngay cả người hiểu biết cũng thường nhầm lẫn nó với Hội đồng châu Âu (European Council) – nơi gặp gỡ định kỳ giữa các lãnh đạo Nhà nước hoặc lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) – và với Hội đồng Liên minh châu Âu (Council of the European Union, tức Hội đồng Bộ trưởng châu Âu – ND) nơi các bộ trưởng từ mỗi quốc gia thành viên, cùng với Nghị viện châu Âu, có trách nhiệm thông qua các đạo luật và phê duyệt ngân sách EU.

Ủy hội châu Âu không liên quan tới EU. Ủy hội được thành lập năm 1949 bởi Hiệp ước London, hai năm trước khi Hiệp ước Paris ra đời, khai sinh ra Cộng đồng than thép châu Âu (ECSC), đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình hội nhập châu Âu. Ủy hội có quy mô địa lý khác hẳn, bao gồm 47 quốc gia thành viên – chiếm hầu hết châu lục này – so với 27 của EU (con số này đã trở thành 28 vào năm 2013 khi Croatia gia nhập EU).

Ủy hội khởi điểm với 10 quốc gia nhưng số lượng thành viên tăng dần theo thời gian – đặc biệt là sau khi khối cộng sản sụp đổ vào năm 1989 – để rồi ngày nay bao gồm toàn bộ châu lục ngoại trừ Belarus. Mục tiêu của Ủy hội là giúp tạo ra một khu vực có nguyên tắc chung về dân chủ và pháp lý dựa trên Công ước châu Âu về Nhân quyền. Công ước là thành tựu chủ yếu của Ủy hội, và bất cứ nước nào muốn gia nhập đều phải phê chuẩn công ước này, tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bãi bỏ án tử hình và đảm bảo nhà nước pháp quyền. Nhiệm vụ của Tòa án Nhân quyền châu Âu, nơi người dân có thể nộp đơn trực tiếp, là  đảm bảo việc các quốc gia thành viên tôn trọng Công ước này.

Vào thời điểm mà công chúng châu Âu vốn đã mệt mỏi bởi cuộc khủng hoảng tài chính và cắt giảm ngân sách, đang không khỏi hoài nghi về tính chính đáng của các tổ chức EU và mục đích của hội nhập, việc chuyển sự chú ý đến một tổ chức như Ủy hội, luôn đặt dân chủ và quyền con người lên hàng đầu trong các hoạt động, là vô cùng hữu ích.

Vào cuối Thế Chiến II, ý tưởng về Châu Âu (đã được manh nha khoảng từ thế kỷ 19 và lớn dần hơn sau 1918) nhanh chóng trở thành phương án hiệu quả nhất để ngăn chặn một thảm họa khác. Có ba trường phái tư tưởng trong số những người ủng hộ hội nhập châu Âu: trường phái “liên minh” (unionist) (bao gồm Churchill, và ở một mức độ nhất định có cả De Gaulle) mong muốn các quốc gia hợp tác càng nhiều càng tốt trong khi vẫn duy trì chủ quyền quốc gia; phái “liên bang” (federalist) nhận định rằng bản thân các nước châu Âu vận hành không hiệu quả và thể hiện xu hướng bạo lực và  giải pháp tối ưu là hình thành một liên bang; và  phái “hợp tác chức năng” (functionalist), cũng có thể được coi là những người theo theo phái liên bang, cho rằng bất kỳ sự hội nhập kinh tế và xã hội nào cũng sẽ không tránh khỏi dẫn đến liên minh chính trị nhờ “hiệu ứng lan tỏa” (spill-over effect). Trong số những người này có Jean Monnet (1888-1979), một doanh nhân người Pháp được phái tới London trong Thế Chiến II, bị cuốn hút bởi thế giới Anglo-Saxon và trở thành một trong những kiến ​​trúc sư cho sự thống nhất châu Âu.

Các trường phái khác nhau tán thành việc hội nhập đã nhóm họp tại Đại hội châu Âu diễn ra ở thành phố La Haye, Hà Lan, từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 5 năm 1948. Đại hội đã tập hợp các chính khách quan trọng từ 17 quốc gia, và do Churchill (lúc này không còn là Thủ tướng Anh) chủ trì. Hội nghị khép lại với một nghị quyết và một thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân châu Âu do Denis de Rougemont soạn thảo, kêu gọi chấm dứt xung đột. Một trong những hệ quả của văn bản này là một khuyến nghị lập ra một nghị viện được bầu gián tiếp để nghiên cứu những tác động chính trị và pháp lý của  một Liên minh hoặc Liên đoàn châu Âu. Những người theo phái liên bang nhận thấy đây là một sự mất mặt, bởi họ chủ trương lập một hội đồng lập hiến được bầu bằng phổ thông đầu phiếu.

Cuộc Phong toả Berlin diễn ra một vài tháng sau đó đã xác lập khối tự do dân chủ Tây Âu vững chắc như một đối trọng với khối Cộng sản Đông Âu. Ngày 5 tháng 5 năm 1949, cũng vào lúc hai nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức được tuyên bố ra đời, mười quốc gia đã thành lập nên Ủy hội Châu Âu.

Việc tạo ra một liên bang châu Âu vẫn còn xa vời: Ủy hội châu Âu là một tổ chức liên chính phủ, và các bên ký kết không chuyển giao chủ quyền cho nó. Ủy hội đặc biệt không giải quyết các vấn đề quốc phòng vốn được giám sát bởi NATO, tổ chức được thiết lập một tháng trước đó cũng với mười quốc gia sáng lập Ủy hội dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Chiến tranh Lạnh bùng nổ chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa hai khối, đặc biệt về vấn đề Berlin và Budapest (1956).

Tuy nhiên Ủy hội vẫn duy trì được tầm nhìn nhân văn của mình – tầm nhìn vốn trở nên sâu sắc hơn do bạo lực cực đoan từ sự thống trị của Đức Quốc xã và chiến tranh, và bởi sự hỗn loạn nhưng sáng tạo, sôi nổi của Đại hội tại La Haye. Nó thấm đậm tầm nhìn đa nguyên của châu Âu (trái ngược với nền dân chủ nhân dân của Stalin) và tôn trọng các quyền cơ bản. Trong khi châu Âu bắt đầu trên đà hướng tới liên minh hai năm sau đó, với sự ra đời của ECSC, và sau đó là Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) năm 1957, cốt lõi của Ủy hội vẫn mang tính “chính trị” sâu sắc hơn là hội nhập dựa trên một thị trường chung nhấn mạnh cạnh tranh và tự do thương mại.

Khi Hiệp ước Roma được ký năm 1957, đánh dấu sự ra đời của EEC, các phương tiện truyền thông và các quan chức chuyển sự chú ý từ Ủy hội sang theo dõi tổ chức hợp tác chức năng mà Monnet vạch ra với phương pháp “bước từng bước nhỏ”. Kinh tế được xem là giải pháp cho mọi vấn đề; dân chủ và nhân quyền đã được cho là điều hiển nhiên, và không đáng để đưa ra thảo luận sâu. Tướng de Gaulle mô tả Ủy hội là “người đẹp ngủ say trên bờ sông Rhine”, có ý nhắc tới trụ sở chính của Ủy hội tại thành phố Strasbourg. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ủy hội chú trọng tới cách tiếp cận dựa trên văn hóa và các quyền dân sự và pháp lý của các quốc gia thành viên.

Ủy hội trải qua một thời kỳ tái sinh vào năm 1989 khi các cuộc cách mạng ở Trung và Đông Âu (CEE) đặt dân chủ theo ý nghĩa tự do của thuật ngữ này trở lại tâm điểm của các cuộc tranh luận. Các phong trào như Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan đã trở thành biểu tượng của sự biểu tình chống lại chế độ Cộng sản, và cũng là lẽ thường tình khi họ trở nên quan tâm hơn đến công việc của Ủy hội. Vào giữa thời kỳ glasnost (thời kỳ mở cửa, tăng cường công khai hóa và minh bạch hóa của Liên Xô thập niên 1980 – ND), lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã chọn Ủy hội như một cơ sở “trung lập” để triển khai tầm nhìn của ông về một “ngôi nhà chung châu Âu”. Catherine Lalumière, Tổng thư ký Ủy hội lúc bấy giờ, vốn tin tưởng vào vai trò quan trọng mà Ủy hội có thể đảm nhiệm, đã phục hồi lập trường chủ động của Ủy hội, tăng cường các mối liên hệ và phát triển các chương trình dân chủ áp dụng cho khắp Trung và Đông Âu. Ủy hội thường được ví như tiền sảnh của EU và thị trường chung, và gắn liền với sự thịnh vượng kinh tế, mặc dù không tồn tại bất cứ liên kết pháp lý nào giữa hai tổ chức này.

Sự hồi sinh của Ủy hội kéo dài một thập niên, cho đến khi các nước Trung và Đông Âu gia nhập EU, và Ủy hội lại một lần nữa chìm vào quên lãng. Việc Ủy hội rụt rè yêu cầu một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu ở Chechnya năm 1999-2000 khiến người ta đặt câu hỏi về thẩm quyền đạo đức của Ủy hội trong một thời gian. Cuộc tranh luận đã từng nóng lên khi Nga gia nhập Ủy hội năm 1996. Nhìn chung, sự thất bại của nhiều nước châu Âu trong việc thách thức các thành viên mới vốn thường vi phạm các nguyên tắc dân chủ đôi khi làm xói mòn uy tín của tổ chức này.

Sự bức xúc của công chúng châu Âu đối với EU chắc chắn bắt nguồn từ việc EU quá nhấn mạnh tới kinh tế, giới tài chính và quyền hạn của Ủy ban châu Âu (mà không có bất kỳ đối tác dân chủ thực sự nào) trong quá trình hội nhập. Ngày càng khó thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong các cuộc khủng hoảng, tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới toàn cầu hóa, và một liên minh bị coi là xa xôi, kỹ trị, thiếu chính danh và phi dân chủ. Triết lý chính trị làm cơ sở cho Ủy hội đồng dường như đã bị lãng quên. Tuy nhiên, nếu nó được áp dụng cho EU, nó có thể cung cấp một ý nghĩa mới cho hội nhập. Công dân và các nhà lãnh đạo châu Âu có thể được hưởng lợi rất nhiều từ những bài học của Hội nghị La Haye, những lời của Rougemont, cũng như từ sự tái khám phá Ủy hội Châu Âu.

Hình: Logo của Ủy hội châu Âu.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]