Joseph Nye nói về quan hệ Mỹ – Trung

Print Friendly, PDF & Email

HBO_6101_UPDATE

Nguồn: Emanuel Pastreich, “Interview: Joseph Nye“, The Diplomat, 30/10/2015.

Biên dịch: Văn Cường

Cựu hiệu trưởng trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard Joseph Nye là biểu tượng trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ trong suốt bốn thập kỷ vừa qua. Ông đã phục vụ trong Chính phủ Mỹ với vai trò Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về an ninh quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề hỗ trợ an ninh, khoa học và công nghệ. Ông là tác giả nhiều cuốn sách có ảnh hưởng như “Sức mạnh mềm: Những phương thức để thành công trong chính trị quốc tế”. Cuốn sách mới đây nhất của ông là “Kỷ nguyên Mỹ đã kết thúc?” (Wiley 2015) đưa ra luận điểm rằng Mỹ vẫn giữ vị trí cường quốc hàng đầu trên thế giới và các xu hướng hiện nay cho thấy Mỹ tiếp tục giữ vai trò đó, mặc dù bản chất của sức mạnh Mỹ sẽ có thay đổi.

Rõ ràng Trung Quốc là một cường quốc đang lên của thế giới. Và tôi băn khoăn rằng cuộc cạnh tranh không thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc có cần thiết phải kết thúc bằng một cuộc đối đầu cay đắng. Tôi nghĩ giả thiết như vậy là không có cơ sở trên thực tế. Ông nghĩ rằng vận mệnh của Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ nào không? Ông có cho rằng mối quan hệ tốt đẹp đối với các nước chính là nền tảng để Mỹ duy trì vị trí của mình?

Diện tích và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đã đưa Trung Quốc gần hơn tới Mỹ về tầm ảnh hưởng trên thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Cuộc cách mạng này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc số một. Thậm chí nếu Trung Quốc không phải chịu những trở ngại về chính trị nội bộ thì nhiều dự đoán hiện nay vẫn chủ yếu dựa trên tính toán về tốc độ tăng trưởng mà tốc độ này nhiều khả năng sẽ chậm lại trong tương lai. Hơn nữa, nếu chỉ dựa trên ước tính về kinh tế thì sẽ dẫn đến hiểu biết một chiều về “cường quốc” bởi ta sẽ bỏ sót sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm của Mỹ. Ta cũng không nên đánh giá quá cao lợi thế về vị trí địa chính trị của Trung Quốc trong phạm vi châu Á. Vị trí của Trung Quốc không được như Mỹ trong quan hệ với các nước châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Trên phương diện về sự suy giảm, nước Mỹ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như nợ công, phổ cập giáo dục cấp hai, khoảng cách về thu nhập giàu nghèo và những vấn đề chính trị nội bộ. Mặc dù đây đều là những vấn đề quan trọng nhưng đó mới chỉ là một phần của bức tranh. Ở mặt tích cực ta vẫn có thể tìm ra nhiều xu hướng có lợi cho Mỹ trên phương diện dân số học (nước Mỹ không có sự già hóa dân số như ở Đông Á), công nghệ (vai trò dẫn đầu của Mỹ trong nghiên cứu và sáng tạo nhiều lĩnh vực mới) và năng lượng. Và còn nhiều yếu tố từ lâu mang lại lợi thế cho Mỹ như vị trí địa lý và văn hóa thương mại.

Đánh giá một cách tổng thể, mô tả thế kỷ XXI như một sự suy giảm của Mỹ là thiếu chính xác. Dù Mỹ có nhiều vấn đề nhưng Mỹ không hề suy giảm hoàn toàn như đế chế La Mã trước kia. Những xu hướng hiện tại chỉ ra rằng Mỹ sẽ duy trì vị trí cường quốc hàng đầu hơn bất cứ quốc gia nào trong vài thập kỷ tới.

Tôi nghĩ cuối cùng thì những trở ngại lớn nhất đối với Mỹ không phải là Mỹ sẽ bị Trung Quốc hay quốc gia thù địch nào vượt qua mà là việc Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có. Nhiệm vụ ngày càng quan trọng của Mỹ là tổ chức các khối liên minh để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề xuyên quốc gia đang ngày càng gia tăng và chúng ta phải hình thành nên khối hợp tác đa phương trong giải quyết các vấn đề này.

Ngược lại với một số khẳng định ủng hộ “kỷ nguyên Trung Hoa”, chúng ta hoàn toàn không thấy dấu hiệu của một thế giới “hậu Mỹ”. Điều này có nghĩa là dù vai trò dẫn đầu của Mỹ vẫn được duy trì nhưng nó sẽ mang một hình thái khác với thế kỷ XX. Như tôi từng đề cập trước đây, nghịch lý về sức mạnh của Mỹ là dù Mỹ có nhiều vấn đề trầm trọng, chưa được giải quyết thì Mỹ vẫn giữ vai trò cường quốc số một.

Tôi nghĩ là Trung Quốc không nên mắc phải những sai lầm của Mỹ trước đây như Trung Quốc không nên đứng một mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, hưởng lợi từ trật tự thế giới nhưng lại không chủ động đóng góp vào việc duy trì trật tự thế giới. Mỹ từng như vậy trong những năm 1930 và đó thật sự là một lỗi lớn.

Phần của Mỹ trong nền kinh tế thế giới trong thế kỷ này sẽ ít hơn là trong giai đoạn giữa thế kỷ trước. Nhưng thách thức lớn hơn là phản ứng hiệu quả đối với sự phức tạp của những thách thức mới – những nước mới nổi và cả những yếu tố phi quốc gia. Những nước mới nổi này khiến ngay cả những cường quốc lớn mạnh nhất cũng khó có thể gây ảnh hưởng và tổ chức hoạt động. Tôi cho rằng không phải Trung Quốc mà khó khăn lớn nhất đối với Mỹ chính là sự rối loạn về thể chế.

Tại sao ông cho rằng Mỹ cần phải khẳng định sức mạnh của mình trong thời điểm này? Lý do cho việc đánh giá quá thấp khả năng của Mỹ là gì?

Vào những năm 1990, tôi đã viết là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc có thể gây ra những xung đột trên thế giới, tương tự như trong nghiên cứu vĩ đại của Thucydides về cuộc chiến tranh thảm họa Peloponnesia thời Hy Lạp cổ đại. Thucydides kết luận rằng sự trỗi dậy của sức mạnh người Athen đem lại nỗi ám ảnh đối với Sparta rồi sau đó dẫn đến gia tăng căng thẳng và xung đột. Hiện nay, tôi nghĩ rằng viễn cảnh về xung đột công khai giữa Mỹ và Trung Quốc khó mà xảy ra trong bối cảnh hiện tại. Nhiều nhà phân tích đã khẳng định Trung Quốc không thể trỗi dậy một cách hòa bình.

Và một số khác đưa ra phép ngoại suy rằng căng thẳng địa chiến lược đã châm ngòi Chiến tranh thế giới thứ nhất, cụ thể là Mỹ vượt Anh về công nghiệp khiến trật tự châu Âu bị đảo lộn. Về khía cạnh này, Thucydides đưa ra một số cảnh báo khác đáng lưu tâm như việc tin rằng khó tránh khỏi xung đột sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh. Việc một bên nghĩ rằng xung đột phải kết thúc bằng chiến tranh với bên kia khiến họ có sự chuẩn bị về quân sự, điều này lại khiến bên kia nghĩ rằng đó là sự khẳng định về chiến tranh. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại.
Một đánh giá chính xác về mối tương quan lực lượng là rất quan trọng trong phòng tránh sai sót về chính sách. Vẫn tồn tại mối bận tâm về việc Trung Quốc phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa thì Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ họ tự mãn, ngạo mạn. Tương tự như vậy, Mỹ cũng có thể phản ứng thái quá đối với những nguy cơ mà một Trung Quốc trỗi dậy mang lại và tình hình có thể trầm trọng hơn.

May mắn thay, Trung Quốc chưa đủ sức mạnh quân sự để theo đuổi giấc mơ quá tham vọng này trong vài thập kỷ tới. Chi phí là vấn đề. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi chìm đắm trong ước mơ bành trướng trong tương lai nếu không cần nhìn đến phí phải trả kèm theo. Vì vậy, nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn theo kịp Mỹ trên bất cứ phương diện nào thì họ sẽ phải đối đầu với phản ứng của nhiều quốc gia khác, cũng như với những hạn chế được tạo ra bởi chính những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế liên tục và việc theo đuổi các thị trường, nguồn lực từ bên ngoài của họ. Vì vậy, tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và tôi hoàn toàn tin rằng xung đột nghiêm trọng có thể phòng tránh được.

Khi ta nỗ lực đánh giá về quan hệ Mỹ-Trung, nhìn lại quá khứ là rất quan trọng, cũng như mối quan hệ của người Athen và Sparta hay quan hệ Mỹ-Anh, quan hệ Anh-Đức. Ngày nay chúng ta chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ chưa từng có trong lịch sử loài người. Sự tiến bộ vượt bậc về xử lý thông tin đã làm thay đổi nhiều khía cạnh về quan hệ quốc tế và làm phức tạp hóa quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khác trên thế giới. Diễn biến này không thể tìm thấy trong sách lịch sử bởi nó chưa từng xảy ra trước đây. Điều đó có nghĩa là công nghệ không chỉ quyết định sức mạnh và sự giàu có của mỗi quốc gia mà còn làm thay đổi bản chất của quan hệ quốc tế.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ duy trì vị trí đi đầu về công nghệ trong 5 đến 10 năm nữa và có thể còn xa hơn thế, thậm chí có thể dự đoán trong 50 năm tới. Chi tiêu của Mỹ trong nghiên cứu và phát triển khoảng 2,9% GDP, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức vượt qua tỷ lệ này. Trung Quốc và châu Âu là khoảng gần 2% GDP. Yếu tố quan trọng không kém là văn hóa kinh doanh và khả năng đầu tư mạo hiểm tại Mỹ thúc đẩy công nghệ phát triển.

Tôi không lạc quan về Mỹ và triển vọng của nước này về khoa học và công nghệ trong tương lai nếu không có cải cách tiến bộ. Tôi lo rằng về mặt tổng thể sức mạnh của Mỹ có thể sụt giảm dần dần cả về tương đối và tuyệt đối.

Nếu ai đó nhìn vào lĩnh vực công nghệ mà vẫn thường được xem là tạo ra nhiều biến đổi trong thế kỷ này thì nhìn chung Mỹ vẫn duy trì vị trí hàng đầu. Điều này đúng trên lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ nanô và công nghệ thông tin.

Một số người cho rằng biến đổi khí hậu là một yếu tố thay đổi cuộc chơi với nhiều mức độ. Đầu tiên, phản ứng đối với biến đổi khí hậu yêu cầu một mức độ gắn kết mới giữa các quốc gia bình đẳng với nhau. Điều này gây khó khăn cho Mỹ. Thứ hai, biến đổi khí hậu nghĩa là Mỹ phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Cũng như Mỹ từng vượt qua Anh bởi Anh phụ thuộc vào than đá trong thế kỷ trước, liệu Trung Quốc có dễ dàng trở thành cường quốc năng lượng mặt trời và năng lượng gió vì Trung Quốc không phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều như Mỹ? Quân đội Mỹ không thể thay đổi nhanh chóng để đối phó với thách thức an ninh của biến đổi khí hậu vì Mỹ đầu tư nhiều vào vũ khí kiểu cũ.

Tôi cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề rất quan trọng. Trung Quốc hiện nay là quốc gia thải ra khí CO2 nhiều nhất thế giới và Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất. Đến những năm 2020, cuộc cách mạng về khí đá phiến đã có thể dẫn đến việc Bắc Mỹ không còn là nơi nhập khẩu năng lượng nữa. Khí đá phiến có thể thay thế than và dầu mỏ – yếu tố dẫn đến hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc cũng sẽ có nhiều nguồn khí đá phiến nhưng Trung Quốc sẽ khai thác nó chậm hơn. Về tổng thể, Mỹ vẫn vượt trội Trung Quốc trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Giải quyết biến đổi khí hậu đem lại sự phối hợp giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Không quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình cũng như thoát khỏi ảnh hưởng của nó.

Dù cường quốc Mỹ tồn tại lâu hơn nhiều người dự đoán, nhưng sự phát triển chóng mặt của công nghệ đã khiến “khoảng cách không còn là vấn đề” như Frances Cairncross đã nói, và Trung Quốc sẽ ngày càng trở thành một phần lớn của kinh tế Mỹ. Liệu rằng trong tương lai Mỹ sẽ hội nhập sâu sắc hơn với Trung Quốc, có thể đạt tới mức độ chưa từng có?

Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn, đây là điều tốt. Việc ngăn chặn các hành động phá hoại về quân sự hoặc trên mạng có thể dựa vào các yếu tố như sự chống xâm nhập, trừng phạt hoặc mối ràng buộc lẫn nhau. Cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ chịu thiệt hại nếu họ tiến hành tấn công hạt nhân hoặc phá hủy mạng lưới điện của mỗi nước. Điều này sẽ ngăn chặn những hành động nguy hiểm. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc không thể đủ nguồn lực để ném tiền của họ vào thị trường quốc tế bởi điều này làm tổn thương đến chính họ và ảnh hưởng cả đến Mỹ. Như tôi và Robert Keohance từng viết về sức mạnh và sự phụ thuộc lẫn nhau 40 năm trước, tức là nếu có sự phụ thuộc lẫn nhau thì sẽ không có quá nhiều sức mạnh.

Đây là bài phỏng vấn đầu tiên nằm trong một chuỗi các cuộc phỏng vấn do Viện nghiên cứu châu Á – một cơ quan nghiên cứu có uy tín của Mỹ tổ chức.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2014/10/25/su-suy-yeu-bi-thoi-phong-cua-hoa-ky/

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]