Điều kiện để Anh ở lại Liên minh Châu Âu

Print Friendly, PDF & Email

eu-uk-n

Nguồn: Philippe Legrain, “The Battle for Britain”, Project Syndicate, 08/12/2015.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc tấn công vào Paris tháng 11 vừa qua là cuộc khủng hoảng mới nhất làm trì hoãn nỗ lực của Anh trong việc đàm phán lại tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước khi diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý được trù định về việc có giữ mối quan hệ với EU hay không. Đầu tiên là khủng hoảng Hy Lạp, sau đó là vấn đề nhập cư, và bây giờ là chủ nghĩa khủng bố đã chiếm hết chương trình nghị sự ngoại giao.

Vào ngày 3 tháng 12, Thủ tướng của Đảng Bảo thủ David Cameron chính thức dập tắt hi vọng đạt được một thoả thuận với các lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 17-18 tháng 12. Giờ ông đang hướng đến một thoả thuận vào tháng 2 tới. Sự chậm trễ này gây nên một nỗi thất vọng lớn: Trong khi bản thân thoả thuận này khó có khả năng thuyết phục những người Anh đang lưỡng lự bỏ phiếu để ở lại EU, nhưng nó lại là điều kiện tiên quyết để Thủ tướng Cameron có thể bắt đầu chiến dịch vận động cho việc Anh ở lại khối này.

Chắc chắn là những lo sợ về an ninh sau tấn công Paris có thể đẩy nhiều người bỏ phiếu về phía ở lại EU. Khi người ta sợ, họ có xu hướng không muốn rủi ro và do đó sẽ có nhiều khả năng không muốn thay đổi nguyên trạng. Chống khủng bố xuyên quốc gia cũng là lĩnh vực nơi mà giá trị của việc hợp tác trong Liên minh châu Âu là hết sức rõ ràng. Trong bài phát biểu hôm 10 tháng 11 ở Chatham House, thủ tướng Cameron đã nhấn mạnh lợi ích của tư cách thành viên EU đối với an ninh quốc gia Anh.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa khủng bố, nhập cư và tư cách thành viên châu Âu cũng có thể đẩy người Anh sang hướng rời bỏ châu Âu. Các cuộc thăm dò cho thấy nhập cư là vấn đề cử tri Anh quan tâm nhất, và thực tế rằng có ít nhất một tên khủng bố ở Paris có thể đã vào châu Âu bằng cách giả vờ làm người tị nạn theo ngả Hy Lạp càng làm gia tăng nỗi sợ trong dân chúng.

Tuy nhiên đó không phải là lý do logic để rời bỏ châu Âu. Nước Anh không thuộc khối Schengen, do đó Anh có thể kiểm soát biên giới. Anh cũng đang không tham gia vào chính sách tị nạn của châu Âu, do đó cũng sẽ không tham gia vào việc tái định cư người tị nạn Syria. Tuy nhiên nỗi sợ có thể làm người ta tự đóng cửa nhà mình. Thật đáng ngại là trong một cuộc trưng cầu dân ý tháng này, cử tri Đan Mạch – vốn bị ảnh hưởng bởi những quan ngại về người tị nạn và khủng bố – đã bác bỏ những đề nghị hợp tác sâu hơn về cảnh sát xuyên quốc gia với châu Âu.

Giữa những cảm xúc lẫn lộn này, những mục tiêu tái đàm phán hạn chế của Cameron như được vạch ra trong một lá thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 10 tháng 11, có  vẻ gây nhiều tranh cãi. Cameron muốn giữ Anh ở lại EU, và những người đồng nhiệm châu Âu cũng vậy, nhưng không phải bằng mọi giá. Nhận ra giới hạn ảnh hưởng của mình, Cameron đã quyết định theo đuổi những thay đổi tương đối nhỏ trong bốn lĩnh vực: sức cạnh tranh, chủ quyền, các biện pháp phòng vệ của các thành viên không thuộc Eurozone, và vấn đề nhập cư.

Yêu cầu đầu tiên, đòi hỏi một châu Âu tăng “sức cạnh tranh” và giảm rào cản kinh doanh – sẽ là yêu cầu dễ đạt được nhất. Đề xuất của Cameron giống với quan điểm của các quan chức EU (tới mức đáng tiếc là cũng giống các ngôn ngữ nặng tính trọng thương của họ).

Các yêu cầu về bảo vệ chủ quyền cũng sẽ không khó để đạt được. Một vài yêu cầu chỉ mang tính biểu tượng. Ví dụ, cam kết của Hiệp định EU về một “liên hiệp gắn kết hơn” rõ ràng không áp dụng cho một nước Anh đã lựa chọn vĩnh viễn không nằm trong Eurozone. Chính thức hoá bằng văn bản lựa chọn này là hoàn toàn khả thi. Những biện pháp phòng vệ thực chất, ví dụ như trao quyền cho các nhóm nghị viện quốc gia trong việc phủ quyết các đề xuất không mong muốn từ EU, sẽ khó hơn; nhưng cũng tương tự, các nhà đàm phán sẽ có thể tìm ra một giải pháp.

Mục tiêu quan trọng nhất của Cameron là đảm bảo rằng các thành viên Eurozone không cùng nhau chống lại Liên hiệp Anh và các quốc gia không thuộc Eurozone khác. Với những vấn đề mà EU không cần ra quyết định dựa trên đồng thuận, ví dụ như vấn đề thị trường chung, chỉ cần 19 quốc gia Eurozone là đã có thể tạo ra đa số cần thiết để thắng phiếu 9 quốc gia không thuộc Eurozone. Điều này chưa từng xảy ra, vì đến những quốc gia như Đức và Hy Lạp cũng chưa tới mức đối đầu nhau đến thế. Nhưng nếu muốn Eurozone hội nhập sâu hơn với những thể chế chung, Eurozone có thể sẽ phải áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia không thuộc Eurozone. Một giải pháp cho vấn đề này là một hệ thống bầu đa số kép, yêu cầu sự đồng ý  của cả các thành viên Eurozone và thành viên ngoài Eurozone, tương tự hệ thống đã được áp dụng trong quá trình thành lập liên minh ngân hàng Eurozone.

Yêu cầu gây tranh cãi nhất của Cameron là về vấn đề nhập cư. Anh muốn từ chối không cho người di cư từ các nước EU được hưởng các phúc lợi  – bao gồm khoản giảm thuế (tax credit) cho công nhân thu nhập thấp trong 4 năm. Nhưng Đức và các nước khác phản đối trên nguyên tắc việc phân biệt đối xử các công dân EU, và các quốc gia như Ba Lan và Cộng hoà Séc phản đối kịch liệt những biện pháp vốn có thể gây tổn hại đến công dân của họ này. Một giải pháp có thể là các nước EU khác cũng không cho công dân Anh được hưởng lợi ích như giảm thuế trong 4 năm (khi làm việc ở các nước EU khác).

Một thoả thuận là có thể đạt được. Nhưng ngay cả khi Cameron đạt được toàn bộ các mục tiêu, những nhà phê bình mong đợi nhiều thay đổi lớn hơn, ví dụ như định mức cho người di cư đến từ EU, vẫn sẽ không hài lòng. Và những vấn đề kỹ thuật, ví dụ như phòng vệ cho các quốc gia không thuộc Eurozone, không có nhiều khả năng làm thay đổi nhiều lá phiếu.

Vì thế, ưu tiên của Cameron nên là hoàn tất đàm phán lại càng nhanh càng tốt, tuyên bố thắng lợi, và bắt đầu chiến dịch vận động mạnh mẽ cho những lý do thuyết phục hơn tại sao Anh nên ở lại EU.

Các lãnh đạo EU khác cũng không thể tự mãn. EU đang dần tan rã, và nguy cơ Anh rời khỏi EU là hiện hữu. Trừ khi EU đạt được một thoả thuận thuyết phục trước tháng 3, thì nguy cơ đó hoàn toàn có thể trở thành sự thật.

Philippe Legrain, cựu Cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu, là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Battle for Britain

Xem thêm:

http://nghiencuuquocte.net/2015/11/10/chau-au-tan-ra-va-kha-nang-anh-roi-eu/
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]