Nước Anh đâm đầu vào đá với ‘Brexit cứng’?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Philippe Legrain, “Brexit into Trumpland,” Project Syndicate, 19/01/2017.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Thủ tướng Theresa May đang đưa Vương quốc Anh vào một cuộc Brexit rất “cứng” vào năm 2019 – và có khả năng tệ hơn, nếu Anh rời EU mà không có một thoả thuận rời EU hay thỏa thuận thương mại. Trong bài phát biểu ngày 17 tháng 1, bà May vạch ra các mục tiêu đàm phán với EU, và tỏ rõ bà sẽ đặt những yêu cầu của phe ủng hộ Brexit cứng rắn lên các lợi ích kinh tế của đất nước.

Không ngạc nhiên khi bà May sẽ chọn một đường lối Brexit mà theo đó Anh sẽ rời cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan của EU: bà biết rất ít về kinh tế, và quan tâm đến nó còn ít hơn. Mục đích cuối cùng của bà là giữ được chức Thủ tướng, và bà tin rằng kiểm soát nhập cư – một mối ám ảnh cá nhân từ lâu – sẽ giúp bà được lòng các cử tri chọn rời EU, và việc chấm dứt thẩm quyền của Toà Công lý châu Âu ở Anh sẽ xoa dịu phe dân tộc chủ nghĩa trong Đảng Bảo thủ của bà.

Lập trường này loại trừ việc Anh tiếp tục là thành viên của thị trường chung. Cho đến nay, phe ủng hộ rời EU đã phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ sự đánh đổi chính trị nào giữa việc từ chối tự do đi lại và duy trì tự do thương mại với EU. Như ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồ đồ tuyên bố, người Anh có thể có cả hai. Bà May đã thừa nhận muộn màng rằng điều này là không thể.

Về mặt kinh tế, đây là một đề xuất cả hai cùng thua cho Anh khi nước này từ bỏ những lợi ích của việc trao đổi tự do với phần còn lại của EU, cũng như đóng góp của những người EU nhập cư làm việc chăm chỉ và trả thuế đầy đủ. Các nhà cung cấp dịch vụ có trụ sở ở Anh, đặc biệt là các công ty tài chính, sẽ mất đặc quyền về “hộ chiếu” vốn cho phép họ tự do hoạt động trong EU.

Bà May thậm chí còn thiếu trung thực hơn về những hệ quả của việc rời bỏ liên minh thuế quan. Bà muốn nước Anh tự đặt ra mức thuế và các cam kết thương mại khác tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và sau đó đàm phán độc lập các thoả thuận ưu đãi – được gọi với cái tên gây hiểu lầm là “các hiệp định thương mại tự do” – với một số nước.

Nhưng điều này sẽ đòi hỏi kiểm soát hải quan về thương mại giữa Anh và EU, bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ qua biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hoà Ireland. Một bộ máy hành chính về kiểm soát biên giới mới sẽ phải kiểm tra việc tuân thủ hải quan, tính toán thuế nhập khẩu dựa trên nguồn gốc hàng hoá, đảm bảo thanh toán, xác nhận hàng hoá đáp ứng các tiêu chuẩn EU, v.v… Điều này đặc biệt tốn kém và rối rắm cho các nhà sản xuất có chuỗi cung ứng “just-in-time” (đòi hỏi thời gian thông quan ngắn – NBT) phức tạp: xe hơi “sản xuất tại Anh” thực ra bao gồm nhiều thành phần đi qua biên giới nhiều lần trong quá trình chế tạo.

Thay vì thừa nhận sai lầm về điều này, bà May lại đang tìm kiếm kiểu thương mại “trơn tru” qua tư cách “thành viên liên kết” trong liên minh thuế quan, cho dù điều này trực tiếp mâu thuẫn với khẳng định của bà rằng nước Anh không muốn “nửa trong nửa ngoài” EU. Dù sao đi nữa, sự dàn xếp như vậy là bất khả thi về mặt chính trị và hậu cần, và bất hợp pháp theo luật WTO.

Hứa hẹn của bà May về việc theo đuổi đồng thời một thoả thuận rời EU và thoả thuận thương mại – và cả hai trong vòng hai năm từ khi chính thức bắt đầu quá trình rút khỏi EU (mà bà đặt mục tiêu khởi động từ cuối tháng 3) – cũng bất khả thi như vậy. Thứ nhất, EU muốn giải quyết các điều khoản tách ly trước khi thảo luận bất kỳ mối quan hệ tương lai nào. Điều này không chỉ mang tính thủ tục: Mặc dù hai bên có thể đồng ý rằng công dân EU đang ở Vương quốc Anh và công dân Anh đang ở EU có thể ở lại, một nỗ lực của bất kỳ bên nào nhằm dùng vị thế của những người này như một con bài mặc cả có thể sẽ phản tác dụng. Hơn nữa, EU đang muốn có 60 tỷ EUR (64 tỷ USD) từ Vương quốc Anh để giải quyết các khoản nợ tồn đọng.

Lời đe dọa từ chối một thoả thuận bất lợi của bà May có thể đáng tin, vì bà có thể đổ lỗi cho EU về tình trạng hỗn loạn kéo theo. Nhưng không thể nói như vậy về lời đe doạ trả đũa EU bằng việc cắt giảm quy định và thuế của Anh. Có rất ít sự ủng hộ chính trị cho động thái như vậy, và cắt giảm các quy định tài chính sẽ khiến Anh vi phạm các cam kết quốc tế. Hơn nữa, bà May đã cam kết giúp đỡ tầng lớp lao động, củng cố các quyền của người lao động, và đảm bảo các doanh nghiệp toàn cầu sẽ trả thuế đáng kể cho Vương quốc Anh.

Ngay cả khi bà May đạt được một thoả thuận rời EU thì việc đàm phán và phê chuẩn một thoả thuận thương mại theo từng ngành trong vòng hai năm cũng là bất khả thi. Ví dụ, Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện EU-Canada đã mất bảy năm để đàm phán – và gần như đã phá sản vì nghị viện vùng Wallonia của Bỉ. Không thể “thực thi theo giai đoạn” một thoả thuận thương mại chưa hoàn thiện, do đó các công ty xe hơi, các thể chế tài chính, và các doanh nghiệp khác xuất khẩu sang EU ở Anh nên bắt đầu chuẩn bị đâm vào “vách đá” mà bà May muốn tránh.

Bà May không có nghĩa vụ với cử tri là phải theo đuổi một Brexit cứng. Nhiều người trong số 52% người Anh bỏ phiếu rời EU muốn ở lại thị trường chung, giống như tất cả những người bỏ phiếu ở lại. Hơn nữa, các nghị sĩ dân cử đã không được tham gia ý kiến trong việc thiết lập nghị trình đàm phán của chính phủ. Mặc dù bà May đã hứa cho họ một cuộc bỏ phiếu về thoả thuận cuối cùng, nước Anh sẽ vẫn rời EU nếu họ bác bỏ thỏa thuận đó.

Đây là một sự nhạo báng nền dân chủ. Và với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe doạ bắt đầu các cuộc chiến tranh thương mại và bỏ mặc châu Âu cho các cuộc săn mồi trả thù của tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là một thời điểm đặc biệt nguy hiểm nếu nước Anh đi một mình.

Bà May cho rằng Brexit sẽ cho phép Anh đạt được nhiều thoả thuận thương mại tốt hơn với các nước ngoài EU, và bà đang đặt hy vọng vào một thoả thuận nhanh với nước Mỹ dưới thời Trump. Nhưng khi Anh ở một thế đàm phán tuyệt vọng như vậy, ngay cả một chính quyền của Hilary Clinton cũng sẽ đưa ra thoả thuận khó nhằn thay mặt nền công nghiệp Mỹ. Ví dụ, các công ty dược phẩm Mỹ muốn hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) vốn cạn tiền trả nhiều tiền thuốc hơn.

Chính quyền Trump sẽ đưa ra một thoả thuận khó nhằn hơn nữa. Như Trung Quốc và Đức, Anh xuất siêu sang Mỹ. Trump ghét những khoản thâm hụt thương mại “bất công” như vậy, và đã tuyên bố sẽ xoá bỏ chúng. Vậy nên hãy cẩn thận với những gì bà đang ước, Thủ tướng Theresa May.

Philippe Legrain, cựu cố vấn kinh tế cho Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Brexit into Trumpland
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]