Tham nhũng là triệu chứng chứ không phải căn bệnh

Print Friendly, PDF & Email

BN-LN931_corrup_J_20151203115906

Nguồn: Daron Acemoglu & James A. Robinson, “Corruption Is Just a Symptom, Not the Disease”, Wall Street Journal, 03/12/2015.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Để chấm dứt đói nghèo toàn cầu, cần dừng dung túng những thể chế trong nước phục vụ giới tinh hoa tham lam và bòn rút những nước nghèo.

Nếu bạn hỏi các chuyên gia về phát triển kinh tế, các chính trị gia Phương Tây và các học giả làm cách nào để chấm dứt đói nghèo, thì đây là câu trả lời bạn sẽ được nghe nhiều nhất: Chống tham nhũng. Thậm chí cả Giáo hội Công Giáo cũng đồng tình. Tại Nairobi tuần trước, Giáo Hoàng Francis hối thúc thanh niên Kenya, “Xin đừng dần quen với món mật ngọt được gọi là tham nhũng.” Trong một sân vận động chật kín người của thành phố, hồi tháng 7 Tổng thống Barack Obama thậm chí còn nhấn mạnh hơn: “Tham nhũng cản trở mọi mặt đời sống kinh tế và  cuộc sống dân sự. Nó là cái mỏ neo kéo bạn xuống và ngăn cản bạn đạt được những gì bạn có thể làm.” Tại Addis Ababa, Ethiopia, hai ngày sau, ông nói với Liên minh Châu Phi: “Không có gì sẽ giải phóng tiềm năng kinh tế của châu Phi hơn là chấm dứt ung nhọt tham nhũng.”

Tuy vậy, nhận thức thông thường này có chỗ chưa hợp lý.  Bất chấp tất cả những tác hại kinh hoàng của nó, tham nhũng chỉ là một triệu chứng, không phải một bệnh dịch. Để loại trừ tham nhũng (và, thêm vào đó, là đói nghèo toàn cầu), chúng ta phải xây dựng và tăng cường các thể chế phục vụ người dân của các nước đang phát triển hơn là tiếp tục dung thứ các cấu trúc hiện hữu vốn về cơ bản chỉ phục vụ tầng lớp tinh hoa nghiện hối lộ, thường bòn rút đến cạn kiệt những nước nghèo.

Tham nhũng ảnh hưởng tới mọi ngóc ngách của thế giới. Trong một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2009, 70% các công ty Brazil xác định hối lộ là một vấn đề chính. Tuy nhiên, dù có tính theo tiêu chuẩn của người Brazil, thì tầm cỡ của vụ bê bối gần đây liên quan công ty dầu mỏ khổng lồ Petrobras- vừa được mở rộng với việc bắt giữ một thượng nghị sĩ hàng đầu và một giám đốc ngân hàng đầu tư và có thể nhấn chìm tổng thống Dilma Rousseff – đã gây sửng sốt.

Công chúng Trung Quốc có thể đã quen hơn với những vụ như vậy. Có tin từ tháng Tám rằng nhà máy hóa chất bị nổ ở Thiên Tân, làm chết hơn 173 người, nhận được giấy phép thông qua các móc nối chính trị. Thứ 2 vừa rồi vừa có báo cáo cho rằng công ty J.P.Morgan Chase & Co. đã lấy lòng các lãnh đạoTrung Quốc một cách có hệ thống bằng việc cách tuyển dụng bạn bè và người thân của họ. Tham nhũng đã bôi trơn bánh xe của đợt bùng nổ xây dựng kéo dài của quốc gia này. Nỗ lực tạo nên các khu phức hợp nhà ở, nhà kho, cầu đường và đường sắt đã biến hàng trăm cán bộ địa phương và trung ương Trung Quốc thành các triệu phú.

Và còn cả Châu Phi. Ở Nigeria, Lamido Sanusi năm ngoái đã bị cách chức thống đốc ngân hàng trung ương bởi ông tiết lộ khoảng 20 tỷ doanh thu dầu mỏ đã biến mất. Ngay trong tuần này, 2 tỷ khác dành cho việc mua phi cơ và đạn dược để chống lại nhóm Boko Haram được thông báo đã biến mất.

Mức độ tham nhũng cũng gây sửng sốt ở Argentina, Ấn Độ, Pakistan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. WB cho rằng tiền hối lộ mỗi năm lên tới hơn 1 nghìn tỷ đô la trên toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng chi phí hối lộ trên thế giới chiếm hơn 5% tổng giá trị sản phẩm toàn cầu- nhưng ngay cả những con số này cũng bị đánh giá thấp, vì như một số nghiên cứu đã cho thấy tham nhũng còn làm trì trệ phát triển kinh tế.

Tham nhũng không phải tự nhiên mà có. Nó là hậu quả từ các thể chế kinh tế và chính trị trao quyền cho giới tinh hoa không đại diện cho người dân trong khi đóng chặt cửa với phần còn lại của quốc gia. Sự trao quyền đó đã cho phép các chính trị gia, quan chức và quân đội vơ vét tài nguyên và kiếm lợi từ hối lộ. Cái khiến họ có thể thoát tội là việc thiếu vắng trách nhiệm giải trình dân chủ và các biện pháp kiểm soát và cân bằng hiệu quả, như chế độ pháp quyền và tự do báo chí. Nếu không có những thay đổi căn bản ở những thế chế này thì những chiến dịch chống tham nhũng sẽ không thể cải thiện được đời sống kinh tế của người dân. Nhóm tinh hoa tham lam thống trị hầu hết các quốc gia nghèo sẽ tìm ra các cách khác để làm giàu cho họ từ việc hy sinh lợi ích chung.

Nếu tham nhũng là vấn đề thật sự, thì việc giải quyết được nó sẽ mang lại thịnh vượng rộng khắp, nhưng chúng ta biết điều đó không đúng. Hãy nhìn Nam Phi trước 1994, những người da trắng nắm quyền đã mang lại một hệ thống hành chính chuyên nghiệp, có năng lực và một nền tư pháp tương đối độc lập. Dù có thể không có tham nhũng, nhưng chế độ phân biệt chủng tộc này đã thẳng tay đàn áp phần lớn người da đen nghèo khổ và tước quyền bầu cử của họ.

Hoặc như Cuba, nước được Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá là ít tham nhũng hơn Hy Lạp. Cuba giờ nghèo hơn so với thời cách mạng của Fidel Castro diễn ra năm 1958. Lý do ở đây không phải do hối lộ hay việc làm giàu của giới tinh hoa nước này. Vấn đề ở đây là chế độ cộng sản độc tài: Các thể chế kinh tế tạo nên bởi anh em nhà Castro không khuyến khích đầu tư, sáng tạo và khởi nghiệp.

Trừ khi các thể chế kinh tế và chính trị thay đổi thì dù có một chiến dịch phòng chống tham nhũng hiệu quả cũng không thể bảo đảm thành công. Sau cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2001, nước này đã thực hiện những cải cách kinh tế lớn dưới sự hướng dẫn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB. Một mục tiêu lớn là hệ thống mua sắm chính phủ khổng lồ và cực kỳ tham nhũng của Thổ Nhĩ Kỳ. Một đạo luật năm 2002 được thiết kế để giảm thiểu tham nhũng đã khiến quá trình mua sắm này trở nên minh bạch và cạnh tranh hơn. Nó đã có hiệu quả, nhưng chỉ trong một thời gian. Khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng cầm quyền của ông tập trung hóa quyền lực trong cả thập niên sau đó và dập tắp nhiều chỉ trích, đạo luật này đã yếu đi nhiều. Những phát giác hồi tháng 12 năm 2013 đã cho thấy mức độ tham nhũng chưa từng có ở các cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc nhìn nhận tham nhũng như một nguyên nhân hay triệu chứng đều có những hệ quả lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng tham nhũng phải bị xóa bỏ, nhưng ông chưa bao giờ chỉ ra vấn đề ẩn sau bên dưới: sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cái tiếp tục tạo ra bất cân bằng kinh tế, kiềm hãm cơ hội và làm giàu cho các thân hữu của đảng.

Tham nhũng thường nhận được sự chú ý của chúng ta vì những nguyên nhân sâu xa này của tình trạng bất ổn và nghèo đói khó giải quyết hơn. Nhưng các chính trị gia phương Tây, các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng thuận theo ý tưởng chống tham nhũng kiểu này vì các quy định hiện hành của các can dự quốc tế đã không xét đến gốc rễ chính trị của những vấn nạn này.

Hãy thử xem xét các Điều khoản thành lập của Ngân hàng Thế giới. Cán bộ ngân hàng, theo các điều này, “sẽ không can thiệp vào các vấn đề chính trị của bất kỳ thành viên nào; cũng không bị ảnh hưởng bởi đặc điểm chính trị của (các) thành viên liên quan khi đưa ra các quyết định. Chỉ có những cân nhắc kinh tế mới được áp dụng cho quyết định của họ.”

Thật không may cho Ngân hàng Thế giới và những người nghèo mà lẽ ra họ phải giúp đỡ, tách “những cân nhắc kinh tế” ra khỏi “đặc điểm chính trị” của một quốc gia là bất khả. Bất cứ ai muốn hiểu tại sao hỗ trợ phát triển đã có những kết quả đáng thất vọng như vậy trong vòng 50 năm qua đều nên bắt đầu với các điều khoản thành lập của Ngân hàng này. Sẽ thuận tiện hơn nhiều nếu đổ lỗi cho tham nhũng hơn là các thể chế chính trị vốn thực sự đã kéo lùi những nước nghèo.

Tổng thống Obama đã đến gần điểm cốt lõi hơn bất cứ đâu trong bài phát biểu tại Nairobi của mình vào mùa hè vừa qua, khi ông kêu gọi người Kenya tiếp tục “con đường của một nền dân chủ mạnh mẽ, bao trùm, có trách nhiệm và minh bạch”, và nói với các nguyên thủ Châu Phi rằng họ không nên nắm quyền vĩnh viễn. Giá như việc tập trung vào các thể chế chính trị này có thể lan ra các tổ chức tài chính quốc tế và lĩnh vực viện trợ, thì chúng ta có thể ngừng đổ thừa cho tham nhũng và tạo nên một vài bước tiến trong việc chấm dứt đói nghèo.

Các giáo sư Acemoglu và Robinson là đồng tác giả cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty ” (NXB Crown Business).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]