Saudi Arabia: Nỗ lực thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu lửa

Print Friendly, PDF & Email

saudi-arabia-oil

Nguồn: Gassan Al-Kibsi, “The Kingdom Beyond Oil”, Project Syndicate, 23/12/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng |Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Trong mấy tuần qua, chính phủ Saudi Arabia đã tiến hành một cuộc tổng kết chính sách chiến lược chưa từng có tiền lệ có thể ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội của quốc gia này. Chi tiết đầy đủ của cuộc tổng kết này được dự kiến công bố vào tháng 1/2016 nhưng rõ ràng là Saudi Arabia – nền kinh tế lớn thứ mười chín trên thế giới – đang cực kì cần một cuộc cải cách sâu rộng.

Có hai nguyên nhân lý giải tại sao việc thay đổi chính sách lại trở nên cấp thiết. Nguyên nhân đầu tiên là do giá dầu thế giới giảm đột ngột, từ trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống dưới 40 USD/thùng hiện nay. Với việc xuất khẩu dầu mỏ chiếm gần 90% thu nhập của chính phủ, nền tài chính của Saudi Arabia đang phải chịu áp lực cực lớn; cán cân tài chính chuyển từ thặng dư thấp năm 2013 sang thâm hụt hơn 21% GDP trong năm 2015, theo các dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nguyên nhân thứ hai là vấn đề nhân khẩu học. Trong 15 năm tới, khoảng 6 triệu thanh thiếu niên Saudi Arabia sẽ đến độ tuổi lao động, tạo ra một áp lực rất lớn lên thị trường lao động và có khả năng làm tăng gấp đôi quy mô thị trường này.

Hoàn cảnh “họa vô đơn chí” này rất dễ khiến người ta bi quan, và thực tế, nhiều nhà bình luận quốc tế cũng cảm thấy tương tự. Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để lạc quan, đáng chú ý nhất là việc giới lãnh đạo mới của Saudi Arabia chấp nhận thách thức và những khả năng có thể xảy ra khi giải quyết những thách thức đó.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, Saudi Arabia có tiềm năng tăng gấp đôi GDP và tạo ra thêm sáu triệu việc làm vào năm 2030, đủ để hấp thụ dòng lao động trẻ với số lượng nữ thanh niên ngày càng tăng tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Saudi Arabia sẽ phải giảm mạnh sự lệ thuộc tai hại vào dầu mỏ – đây là mục tiêu chiến lược đã được thảo luận từ lâu nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Saudi Arabia có nhiều lĩnh vực với tiềm năng mở rộng dồi dào. Quốc gia này có các mỏ kim loại và phi kim trữ lượng lớn chưa được khai thác, bao gồm phốt phát, vàng, kẽm, bô-xít và si-líc chất lượng cao. Khu vực bán lẻ của nước này đang phát triển nhanh chóng, nhưng lại tụt hậu trong các lĩnh vực như bán hàng điện tử (e-merchandizing) và hiệu suất của chuỗi cung ứng (supply chain efficiencies) thấp.

Lĩnh vực du lịch của quốc gia này có thể xem là khá phát triển và tiên tiến, không chỉ phục vụ hàng triệu người Hồi giáo hành hương đến thăm các thánh địa Mecca và Medina hàng năm, mà còn dành cho khách du lịch bình thường. Saudi Arabia có một đường bờ biển dài trên Biển Đỏ, cũng như các khu danh thắng thiên nhiên hoang sơ khác có thể thu hút khách du lịch. Lĩnh vực chế tạo cũng có thể phát triển thêm, hiện nay Saudi Arabia chỉ có một ngành chế tạo trong nước quy mô nhỏ mặc dù là một trong những thị trường tiêu thụ ô tô, máy móc và các mặt hàng thiết yếu khác lớn nhất trong khu vực.

Việc khai thác những cơ hội này sẽ đòi hỏi phải đầu tư hàng nghìn tỷ USD, cải thiện căn bản năng suất và một sự cam kết chặt chẽ, liên tục của chính phủ. Việc tăng gấp đôi GDP trong 15 năm tới sẽ cần khoảng 4 nghìn tỷ USD đầu tư và lượng tiền gấp 2,5 lần lượng tiền đã chảy vào nền kinh tế Saudi Arabia trong suốt thời kỳ giá dầu mỏ tăng cao 2003-2013.

Để đạt tới mức độ đầu tư này cần có những cải cách chính sách căn bản. Trong thời kỳ giá dầu tăng cao, nhà nước đã tăng lương khu vực công và phúc lợi xã hội, do đó đã đóng góp lớn cho sự thịnh vượng ngày càng tăng của các hộ gia đình. Khu vực công tiếp tục thống trị hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là việc làm, khoảng 70% người dân Saudi đang làm việc cho nhà nước.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nền kinh tế sẽ đòi hỏi sự tham gia của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Thực tế, chúng tôi tính toán rằng tới năm 2025, ít nhất 70% lượng đầu tư phải đến từ khu vực tư nhân. Để đạt được mục tiêu này sẽ đòi hỏi phải đại tu hệ thống điều tiết và pháp luật của quốc gia này.

Điều này cũng sẽ đòi hỏi sự cải thiện lớn về năng suất. Mức tăng năng suất của Saudi Arabia đã tụt hậu so với hầu hết các quốc gia G-20 khác, chỉ tăng 0,8% trong thập niên vừa qua. Cải thiện mức tăng năng suất sẽ đòi hỏi việc điều chỉnh các hạn chế của vương quốc này đối với các hoạt động kinh doanh và lao động. Hiện nay, nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc rất lớn vào lao động nước ngoài có mức lương và năng suất thấp, làm việc dựa trên các bản hợp đồng có thời hạn. Thực tế, những công nhân này đang nắm giữ hơn một nửa số việc làm ở quốc gia này. Thực tế đó sẽ phải thay đổi nếu nước này muốn nâng cao năng suất và hiện đại hóa các lĩnh vực phi dầu mỏ của nền kinh tế.

Giới lãnh đạo mới của vương quốc này cần phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn nhưng quan trọng khi đề ra một chiến lược kinh tế chi tiết. Những ưu tiên quan trọng nhất bao gồm thúc đẩy hiệu quả của chi tiêu chính phủ và phát triển các nguồn thu nhập mới để thay thế (nguồn thu từ) xuất khẩu dầu. Chính phủ có nhiều lựa chọn đối với nguồn thu nhập mới này, bao gồm một cuộc cải cách việc trợ cấp năng lượng lãng phí và áp dụng các khoản thuế theo chuẩn mực của nhóm G-20, như thuế giá trị gia tăng chẳng hạn.

Đưa nền kinh tế Saudi Arabia thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ sẽ không hề dễ dàng và những kết quả thực hiện mục tiêu này trong quá khứ của họ khá thất thường. Nhưng vẫn có những dấu hiệu đáng khích lệ về sự tập trung, năng lực, và quyết tâm của chính phủ. Một trong số đó là quyết định gần đây nhằm đánh thuế đối với các khu vực đất đai có thể dùng xây dựng nhà ở nhưng đang bỏ hoang. Thêm vào đó là cơ chế điều phối liên bộ mới đang diễn ra dưới sự bảo trợ của Hội đồng các vấn đề Kinh tế và Phát triển (Council of Economic and Development Affairs), một cơ quan được thành lập vào tháng 1/2015. Nếu chính phủ có thể duy trì quyết tâm trong suốt thời gian tới, họ có thể thiết lập một quỹ đạo mới vững chắc cho nền kinh tế, và vương quốc này sẽ được biến đổi triệt để – để trở nên tốt hơn.

Gassan Al-Kibsi là Giám đốc điều hành của McKinsey&Company ở Saudi Arabia.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Kingdom Beyond Oil
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]