Ai đang thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh Trung Đông?

Print Friendly, PDF & Email

saudi-iran-630x350

Nguồn: Robert Harvey, “Who’s Winning the Middle’s East Cold War?”, Project Syndicate, 21/06/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra tại vùng chảo lửa của thế giới. Địa chính trị là nhân tố chủ chốt trong cuộc ganh đua phe phái giữa Hồi giáo dòng Shia và dòng Sunni tại Trung Đông, khi Iran đối đầu với Ả Rập Saudi và các đồng minh vùng Vịnh của nước này trong cuộc chiến giành vị thế thống trị khu vực.

Như cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, trong cuộc xung đột này, hai đối thủ chính không hề giao tranh quân sự trực tiếp, ít nhất là cho tới lúc này. Tuy nhiên cả hai bên đã đối đầu về ngoại giao, ý thức hệ và kinh tế – đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ – và thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, chẳng hạn như các cuộc xung đột tại Syria và Yemen. Ít có vấn đề nào tại khu vực Trung Đông mà không thể truy ngược nguồn gốc tới sự cạnh tranh quyền lực giữa Ả Rập Saudi và Iran.

Ở thời điểm hiện tại, Iran có vẻ đang thành công. Sau khi Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei quyết định chấp thuận một thỏa thuận quốc tế qua đó giới hạn các năng lực hạt nhân của Iran chỉ cho các mục đích hòa bình, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã được dỡ bỏ. Một khi các nước có thể thông thương với Iran, nền kinh tế kiệt quệ của nước này sẽ tăng trưởng. Trong khi đó, Iran đang tiếp tục dần dần sáp nhập trên thực tế nhiều vùng của Iraq – đáng kinh ngạc là với sự chấp thuận của Mỹ – bởi vì không ai trừ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là có can đảm để chống lại Iran.

Iran cũng có lợi thế nhân lực vượt trội với dân số khoảng 77 triệu người, trong khi Ả Rập Saudi chỉ có 28 triệu dân. Mặc dù quân đội Iran được trang bị kém xa so với đối thủ, nước này lại có quân số đông hơn. Hơn nữa, đồng minh Ả Rập chính của Iran – Tổng thống Syria Bashar al-Assad – vẫn chưa bị trừng phạt vì cuộc xung đột tại Syria còn kéo dài chưa kết thúc.

Điều này khiến Ả Rập Saudi cảm thấy bị bỏ rơi và tổn thương. Họ tin rằng đồng minh truyền thống và hùng mạnh của họ – nước Mỹ – đã phản bội họ khi kí kết thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong khi đó, họ cũng lo sợ rằng tình trạng hỗn loạn tại nước láng giềng Iraq đã đặt họ vào những rủi ro chiến lược kinh niên.

Ả Rập Saudi cũng đang chùn bước trước một loạt chỉ trích đối với tư tưởng Hồi giáo Wahhabi mà họ đang theo, vốn hay bị phê bình là giúp nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và truyền cảm hứng cho chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, hồ sơ nhân quyền của Ả Rập Saudi – bao gồm việc bác bỏ các quyền cơ bản của phụ nữ – luôn bị soi xét kỹ lưỡng.

Mặc cho những bất lợi trên, Vương quốc này vẫn đang chiến đấu với kẻ thù. Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud là lãnh đạo tối cao, nhưng con trai ông – Hoàng tử Mohammad bin Salman Al Saud – hiện đang nắm quyền rất lớn.

Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Mohammad đã và đang tiếp tục chính sách ủng hộ các nhóm nổi loạn chống Tổng thống Assad ở Syria, hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi phát động cuộc chiến chống lại các bộ lạc thân Iran tại Yemen (với tổn thất nhân đạo khổng lồ). Ông cũng ủng hộ, nếu không nói là phát động, một đợt tăng cường đàn áp trong nước và tiến hành tấn công kinh tế vào Iran, dẫn đến hậu quả có thể thấy gần đây là giá dầu toàn cầu giảm mạnh.

Vào đầu tháng Năm, bộ trưởng dầu mỏ lâu năm của Ả Rập Saudi – Ali al-Naimi đã được thay thế bởi Khalid al-Falih – một đồng minh của Mohammad. Việc cải tổ nhân sự là một dấu hiệu cho thấy Mohammad quyết tâm dùng giá dầu làm vũ khí chống lại Iran và đồng minh Nga của nước này. Là nước xuất khẩu dầu chủ chốt với nguồn dự trữ dầu giá rẻ vô hạn, Ả Rập Saudi có thể làm ngập hoặc bóp nghẹt thị trường nếu muốn.

Hiện nay, người Saudi đang làm ngập thị trường. Họ muốn khống chế Iran và Nga – cả hai nước đều cần giá dầu cao để duy trì tăng trưởng kinh tế. Họ cũng hi vọng các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ – vốn giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông – phải phá sản. Như Mohammad đã tuyên bố gần đây, Vương quốc này không bận tâm về giá dầu; “30 hay 70 đô la – với chúng tôi đều như nhau cả thôi.” Ngược lại, Iran và Nga cần một mức giá thấp nhất là 70 đô la/thùng.

Ngành công nghiệp khai thác dầu của Mỹ đã chứng minh sự thích nghi và linh hoạt cao hơn dự kiến; các khu khai thác dầu đá phiến rẻ hơn đã được đưa vào hoạt động ngay cả khi những khu khai thác cũ đã phải đóng cửa. Nhưng cuộc tấn công dầu mỏ của Ả Rập Saudi đã thuyết phục được Iran và Nga buộc Assad, dù không hề muốn, cũng phải đến bàn đàm phán.

Kế hoạch kinh tế mới của Mohammad – Tầm nhìn 2030 – được công bố vào tháng Năm là một mặt trận khác trong cuộc chiến kinh tế, được thiết kế để chỉ ra rằng Ả Rập Saudi miễn nhiễm trước các sức ép kinh tế trong nước vốn đang ảnh hưởng xấu đến Iran và Nga. Kế hoạch kêu gọi đa dạng hóa nền kinh tế và dự kiến thành lập một quỹ đầu tư quốc gia lớn để giảm nhẹ tác động do giảm doanh thu dầu mỏ, thứ mà giới cai trị lâu nay sử dụng để “mua” sự bình an trong xã hội.

Chiến lược của Ả Rập Saudi không phải không đi kèm chi phí. Viện trợ của các nước vùng Vịnh khoảng 10 tỉ đô/năm cho Ai Cập (nước cũng đang chịu áp lực kinh tế gia tăng và bị sụt giảm doanh thu du lịch chóng mặt sau các vụ khủng bố gần đây) đã giảm xuống còn khoảng 3 tỉ đô. Viện trợ cho Lebanon cũng bị cắt giảm gần hết.

Nhưng hệ quả lâu dài của cuộc chiến tranh lạnh này không khó đoán. Iran và Nga không bao giờ có thể trở thành cường quốc vững mạnh tại thế giới Ả Rập. Người Shia có thể duy trì ảnh hưởng tại Iraq, Syria và Lebanon (thông qua Hezbollah), nhưng họ sẽ không thể cạnh tranh trên quy mô rộng hơn nữa. 90% người Ả Rập theo Hồi giáo dòng Sunni, và vì vậy sẽ là những đồng minh tiềm năng của Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi có thể trở nên chín chắn hơn và bớt nghi ngại hơn. Mỹ nên tiến hành trấn an họ, trong khi không bao giờ nên giảm áp lực để nước này cải thiện nhân quyền và tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế.

Robert Harvey là cựu thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh và tác giả cuốn “Global Disorder and A Few Bloody Noses: The Realities and Mythologies of the American Revolution.”

Xem thêm:

Lý giải sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Saudi

Copyright: Project Syndicate 2016 – Who’s Winning the Middle’s East Cold War?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]