Kinh tế toàn cầu 2016: Thách thức và giải pháp

Print Friendly, PDF & Email

globaleconomy

Nguồn: Christine Lagarde, “The Transitions of 2016,” Project Syndicate, 05/01/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng |Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 tại Paris và dòng người tị nạn vào châu Âu chỉ là triệu chứng mới nhất của những căng thẳng chính trị và kinh tế ở Bắc Phi và Trung Đông. Và những sự kiện này không chỉ xảy ra tại những nơi đó. Xung đột cũng đang hoành hành ở những nơi khác, và có gần 60 triệu người đang phải đi tị nạn trên toàn thế giới.

Hơn nữa, năm 2015 đã được dự báo ​​là một trong những năm nóng kỷ lục, với hiện tượng El Niño diễn ra cực kỳ mạnh mẽ, gây ra những thiên tai liên quan đến thời tiết ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Và việc Mỹ bình thường hóa lãi suất, cùng với sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, đã góp phần làm gia tăng sự bất ổn và biến động kinh tế trên toàn thế giới. Thật vậy, tăng trưởng thương mại toàn cầu đang giảm mạnh, với việc giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đã đặt ra nhiều vấn đề cho các nền kinh tế dựa vào tài nguyên.

Một lý do khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm là bảy năm sau khi tập đoàn Lehman Brothers phá sản (trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008), sự ổn định tài chính vẫn chưa được đảm bảo. Sự yếu kém của lĩnh vực tài chính xuất hiện ở nhiều quốc gia – và rủi ro tài chính đang gia tăng trong các thị trường mới nổi.

Xem xét toàn bộ những vấn đề trên, tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ đáng thất vọng và không đồng đều. Những triển vọng tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu cũng kém đi, do tăng trưởng tiềm năng đang bị kìm hãm bởi năng suất thấp, dân số đang già hóa, và những di sản của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nợ cao, đầu tư thấp, và các ngân hàng yếu kém tiếp tục đè nặng lên một số nền kinh tế phát triển, đặc biệt là ở châu Âu; còn nhiều nền kinh tế mới nổi thì tiếp tục phải đối mặt với những điều chỉnh sau bùng nổ đầu tư và tín dụng hậu khủng hoảng.

Viễn cảnh này chịu ảnh hưởng nặng nề của một số quá trình chuyển tiếp kinh tế quan trọng đang tạo ra những tác động lan tỏa (spillover) và tác động ngược trở lại (spillback) trên toàn cầu, đặc biệt là quá trình chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc và sự bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ. Cả hai sự chuyển dịch này đều cần thiết và lành mạnh. Chúng tốt cho Trung Quốc, tốt cho Mỹ, và tốt cho cả thế giới. Thách thức là phải quản lý chúng một cách hiệu quả và trơn tru nhất có thể.

Trung Quốc đã tiến hành những cải cách cơ cấu sâu rộng để nâng cao thu nhập và mức sống, tìm cách đạt được tình trạng “bình thường mới” với tăng trưởng chậm hơn, an toàn hơn, và bền vững hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ và tiêu dùng, và ít phụ thuộc vào đầu tư và sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên cơ bản. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải đối mặt với một sự cân bằng mong manh giữa hai mục tiêu: họ cần thực hiện những cải cách khó khăn này trong khi vẫn phải duy trì nguồn cầu và sự ổn định tài chính.

Một tác động lan tỏa của quá trình chuyển đổi này đã xuất hiện trong mùa hè vừa qua, khi những lo ngại của các nhà đầu tư về tốc độ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo thêm áp lực lên các thị trường hàng hóa cơ bản và gây ra tình trạng giảm giá tiền tệ lớn ở một số nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc. Khi giảm đầu tư thì cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa cơ bản – chẳng hạn như hiện nay, nước này tiêu thụ 60% quặng sắt trên thế giới – cũng giảm. Điều này sẽ góp phần giữ giá hàng hóa cơ bản ở mức thấp trong một thời gian dài, khiến các nhà hoạch định chính sách – đặc biệt là ở các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản lớn như Úc và Brazil – sẽ cần quản lý cẩn thận.

Chuyển dịch lớn thứ hai liên quan đến quyết định tăng lãi suất của Fed. Dù Fed đã cho thấy rõ ràng rằng lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian, quá trình chuyển đổi này phản ánh những điều kiện kinh tế tốt hơn ở Mỹ, và điều này cũng tốt cho nền kinh tế toàn cầu.

Lãi suất thấp khiến các nhà đầu tư phải tìm kiếm lợi tức (từ các kênh khác), khuyến khích mạo hiểm tài chính và đẩy giá lên cao đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, và trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy Fed cũng phải đối mặt với một cân bằng mong manh: bình thường hóa lãi suất trong khi phải giảm thiểu nguy cơ gián đoạn thị trường tài chính.

Chuyển biến này cũng mang lại một tác động lan tỏa tiềm năng. Thậm chí trước khi Fed tăng lãi suất hồi tháng 12, viễn cảnh Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ đã góp phần làm gia tăng chi phí tài chính của một số người đi vay, bao gồm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Đây là một phần của quá trình điều chỉnh cần thiết trong tình hình tài chính toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, quá trình này có thể trở nên phức tạp do những thay đổi cấu trúc trong các thị trường thu nhập cố định, vốn đã trở nên ít thanh khoản và mong manh hơn – một công thức có thể dẫn tới các phản ứng thái quá và gián đoạn thị trường.

Ngoài các nền kinh tế phát triển, các nước khác nói chung nên chuẩn bị tốt hơn cho việc lãi suất tăng cao hơn so với trong quá khứ. Nhưng tôi lo ngại về khả năng đối mặt với biến động của họ. Nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ phản chu kỳ táo bạo. Bằng cách sử dụng những tấm đệm chính sách này, họ đã có khả năng dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu đúng lúc cần thiết. Và trong 5 năm qua, họ đã đóng góp gần 80% cho tăng trưởng toàn cầu.

Nhưng những sáng kiến ​​chính sáng này thường đi kèm với sự gia tăng đòn bẩy tài chính trong khu vực tư nhân, và nhiều nước đã mắc thêm nợ – một phần đáng kể trong số đó là nợ tính bằng USD. Vì vậy, việc Mỹ tăng lãi suất và một đồng USD mạnh hơn có thể làm lộ ra những bất cân xứng về tiền tệ, dẫn đến việc các doanh nghiệp vỡ nợ – và một đợt lây lan sang các ngân hàng và nhiều chính phủ.

Nhưng chúng ta biết rằng những rủi ro trên đều có thể được quản lý, bằng cách hỗ trợ nguồn cầu, duy trì sự ổn định tài chính, và tiến hành những cải cách cơ cấu. Hầu hết các nền kinh tế phát triển, ngoại trừ Mỹ và có thể là Anh, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mọi nền kinh tế phát triển cần cân nhắc toàn bộ các tác động lan tỏa khi ra quyết định và đảm bảo truyền đạt thông tin rõ ràng về vấn đề này.

Trong khi đó, khu vực đồng euro có thể có triển vọng tốt hơn bằng cách xử lý toàn bộ các khoản nợ xấu trị giá ước tính khoảng 900 tỷ EUR – một trong những di sản lớn chưa được giải quyết của cuộc khủng hoảng tài chính. Làm như vậy sẽ giúp các ngân hàng tăng nguồn cung tín dụng cho các công ty và hộ gia đình, qua đó tăng cường hiệu quả của chính sách tiền tệ, cải thiện triển vọng tăng trưởng, và củng cố niềm tin thị trường.

Các nền kinh tế mới nổi cần cải thiện việc giám sát rủi ro ngoại tệ của các công ty lớn. Họ cũng cần đảm bảo sự ổn định tài chính bằng cách sử dụng các công cụ vĩ mô để tăng cường sự bền vững của các ngân hàng trước sự tích tụ nợ doanh nghiệp và nợ nước ngoài.

Ở cấp độ toàn cầu, việc hoàn tất và triển khai chương trình cải cách điều tiết là một nhu cầu bức thiết – đặc biệt tập trung vào việc cải thiện tính minh bạch và việc giám sát các thể chế phi ngân hàng, hay các ngân hàng ngầm. Chúng ta cũng còn có một nhiệm vụ lớn trước mắt: nâng cấp khuôn khổ giải quyết (khủng hoảng) vốn chưa đầy đủ cho các thể chế tài chính mang tính hệ thống và toàn cầu.

Về mặt tài khóa, các nước cũng nên áp dụng những chính sách tài khóa linh hoạt và hỗ trợ tăng trưởng nhất có thể. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục khuyến nghị các nền kinh tế phát triển vẫn còn khả năng kích thích tài khóa nên sử dụng biện pháp này để tăng đầu tư công, đặc biệt là vào các cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Các kế hoạch tài khóa trung hạn đáng tin cậy cũng vẫn là một ưu tiên, nhất là với Mỹ và Nhật Bản.

Các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản nên dùng các biện pháp chính sách tài khóa để giảm tác động tiêu cực từ việc giá cả hàng hóa cơ bản giảm. Các nước khác nên dựa vào các biện pháp tái cân bằng tài khóa thân thiện với tăng trưởng – ví dụ như bằng cách thực hiện cải cách thuế và giá năng lượng, sắp xếp lại các ưu tiên chi tiêu, bao gồm cả bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương nhất.

Các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Chile, Colombia, Na Uy, và Botswana đã sử dụng sự bùng nổ giá hàng hóa cơ bản để tăng cường khuôn khổ tài khóa của họ nhằm chống lại những cú sốc. Điều này đã giúp họ kiểm soát tốt hơn tốc độ của các điều chỉnh tài khóa cần thiết, từ đó giúp duy trì tăng trưởng. Đây là bài học hữu ích cho những nước khác.

Cuối cùng, mọi quốc gia cần nâng cấp cơ cấu kinh tế của họ bằng cách cải cách các thị trường lao động và hàng hóa, các hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục, và chăm sóc y tế, và các chính sách thương mại. Đương nhiên, điều này yêu cầu sự khéo léo và hiểu biết trong hoạch định chính sách, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng thấp và bất ổn cao này. Và do bản chất tập thể của nhiều vấn đề liên quan – như biến đổi khí hậu, thương mại, di cư, và mạng lưới an ninh tài chính toàn cầu – tăng cường hợp tác quốc tế là cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Tôi rất vui khi thấy tinh thần này được thể hiện qua việc Liên Hiệp Quốc thông qua Các mục tiêu Phát triển Bền vững hồi tháng 9 và sau đó là tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu ở Paris vào tháng 12. Tương tự, cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Trung Đông và châu Âu không chỉ là một vấn đề nhân đạo; nó là một vấn đề kinh tế có ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Và tất cả chúng ta đều có bổn phận giúp đỡ họ.

Quả thật, những thách thức mà thế giới phải đối diện trong năm 2016 là rất lớn. Nhưng với những chính sách đúng đắn, sự lãnh đạo, và hợp tác, chúng ta có thể biến chúng thành lợi ích cho tất cả mọi người.

Christine Lagarde, nguyên Bộ trưởng Tài chính Pháp giai đoạn 2007–11, là Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Transitions of 2016
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]