Thách thức lớn cho nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan

Print Friendly, PDF & Email

20160123_blp902

Nguồn: “The formidable challenge facing Taiwan’s first female president”, The Economist, 17/01/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Đó là một chiến thắng vang dội sẽ thay đổi nền chính trị Đài Loan và cũng có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc. Thái Anh Văn, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) có xu hướng ủng hộ Đài Loan độc lập, được trông đợi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 16 tháng 1. Bà luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​trong vòng nhiều tháng nay. Nhưng quy mô chiến thắng của bà vẫn là một bất ngờ. Giành 56% số phiếu bầu, bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của hòn đảo này. Ấn tượng hơn, trong các cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức cùng ngày, được gọi là Viện Lập pháp Đài Loan, đảng của bà giành được 68 trong tổng số 113 ghế, so với con số chỉ 35 ghế của Quốc Dân Đảng (KMT) cầm quyền. Đây là lần đầu tiên Quốc Dân Đảng và các đồng minh mất quyền kiểm soát quốc hội kể từ khi Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan năm 1949. Điều này đã khiến mối quan hệ với Trung Quốc trở nên bất định: phía đại lục không loại trừ việc sử dụng vũ lực để chiếm lại hòn đảo 24 triệu dân này nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Là một cựu giáo sư luật uyên bác, người đã giảm bớt giọng điệu ủng hộ tuyên bố độc lập lâu nay của đảng DPP, bà Thái hứa hẹn trong bài phát biểu chiến thắng của mình là sẽ đảm bảo mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Trung Quốc. Nhưng bà cũng cho hay, chiến thắng áp đảo của đảng DPP cho thấy Đài Loan mong muốn một chính phủ kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền hòn đảo. Bà nói với các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc rằng hai quốc gia nên tìm kiếm cách thức hợp lý để tương tác “dựa trên phẩm giá và nguyên tắc có đi có lại”. Bà cho rằng “các giá trị của nền dân chủ đã ăn sâu vào máu của người dân Đài Loan”.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng, người không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba theo quy định của Hiến pháp, là vị tổng thống thân Trung Quốc nhất trong lịch sử Đài Loan. Trong nhiệm kỳ tám năm của mình, ông Mã đã ký 23 hiệp định giữa hai bờ eo biển và thậm chí đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo hai bên. Nhưng cử tri Đài Loan đã trở nên cảnh giác trong việc để Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng đến hòn đảo của họ, và đó là một lý do cho sự thất bại của Quốc Dân Đảng.

Một lý do khác là nền kinh tế. Các cuộc bầu cử chủ yếu xoay quanh vấn đề cơm áo gạo tiền, chẳng hạn như tình trạng lương trì trệ và giá nhà đất tăng vọt. Việc tổng thống Mã không tận dụng được các mối quan hệ với Trung Quốc để khôi phục nền kinh tế đình đốn, cùng với tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng và một chiến dịch tranh cử được điều hành kém hiệu quả là lời giải thích cho thất bại tồi tệ nhất từ trước tới nay của Quốc Dân Đảng. Chu Lập Luân, ứng viên của đảng này, đã từ chức chủ tịch đảng. Cuộc bầu cử cho thấy Đài Loan muốn thay đổi; đám đông người ủng hộ bà Thái hô vang khẩu hiệu “Chính trị mới, kinh tế mới, Đài Loan mới” trong suốt quá trình kiểm phiếu.

Thoạt nhìn, có vẻ như bà Thái đang ở một vị trí thuận lợi để tạo ra một sự khởi đầu mới. Bản thân bà có quyền hành lớn và đảng DPP chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội vốn dĩ thường rất khó kiểm soát, tạo cho bà thêm một nguồn lợi thế và sự ổn định. Nhưng bà cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Một nét đặc thù của chính trị Đài Loan là bà chưa được chính thức đảm nhiệm cương vị tổng thống từ giờ cho đến ngày 20 Tháng 5. Tổng thống Mã vẫn sẽ là tổng thống đương nhiệm bị thất cử thảm hại nhất cho đến thời điểm đó.

Bà Thái sẽ tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế Đài Loan. Là một chuyên gia thương mại có công giúp Đài Loan đàm phán gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2002, bà đã vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng để chấm dứt việc nền kinh tế quá phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các mối quan hệ với phần còn lại của châu Á. Đảng DPP muốn Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó không bao gồm Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy các thay đổi về chính sách điều tiết sâu rộng và có lẽ sẽ gây sức ép với nông dân về vấn đề mở cửa nhập khẩu thịt lợn của Mỹ. Đảng Dân Tiến của bà Thái có xu hướng thiên tả, và bà cũng nhắm tới mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ và những kế hoạch tương tự, điều có thể gây tranh cãi.

Nhưng những hoài nghi lớn nhất lại liên quan đến các mối quan hệ với Trung Quốc. Người Đài Loan ngày càng tự nhận mình là người Đài Loan, chứ không phải người Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ trưởng thành sau khi chế độ độc tài của Quốc Dân Đảng chấm dứt vào năm 1987. Tình thế trở nên bất lợi với tổng thống Mã sau khi lực lượng sinh viên, tự xưng là Phong trào Hoa Hướng dương, chiếm quốc hội trong vòng hơn ba tuần vào năm 2014 để phản đối một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Đảng chính trị ra đời từ phong trào này, Đảng Lực lượng Thời đại, đã giành được năm ghế và giờ là đảng chính trị lớn thứ ba của Đài Loan; một trong những người sáng lập đảng này là Freddie Lim, một ca sĩ nhạc heavy metal trong nhóm nhạc rock Chthonic. Đảng Lực lượng Thời đại ủng hộ nền độc lập chính thức của Đài Loan.

Số lượng thanh niên đi bỏ phiếu đã được cải thiện bởi một sự kiện đặc biệt vào ngày bầu cử: Châu Tử Du (Chou Tzu-yu), một ngôi sao nhạc pop 16 tuổi, đã đăng tải một đoạn video xin lỗi vì đã vẫy quốc kỳ Đài Loan trên một chương trình truyền hình Hàn Quốc. Có vẻ như cô đã bị các nhà quản lý ban nhạc người Hàn Quốc ép phải chịu bẽ mặt theo cách này bởi dường như họ không muốn làm mất lòng Trung Quốc. Đoạn video chiếu cảnh ca sỹ này mặc trang phục đen và trong bộ dạng ủ rũ đã lan truyền nhanh chóng trong ngày bỏ phiếu. Những người bình luận trên mạng so sánh nó với một video tuyên truyền của ISIS. Cả tổng thống Mã, ông Chu và bà Thái đều kịch liệt lên án video này. Rất có thể nó đã góp phần khích lệ người dân bỏ phiếu cho đảng DPP. Bà Thái cho biết công dân Đài Loan hoàn toàn có quyền vẫy cờ riêng của họ.

Bà Thái từ chối ủng hộ cái gọi là Đồng thuận năm 1992 giữa Quốc Dân Đảng và chính phủ Trung Quốc. Đồng thuận này nói rằng cả hai bên đều thuộc về một Trung Quốc, nhưng Trung Quốc nào thì có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Chủ tịch Tập đã từ lâu khẳng định rằng tất cả các nhà lãnh đạo Đài Loan đều xác nhận đồng thuận này. Do đó đã xuất hiện những lo lắng rằng Đài Loan một lần nữa có thể trở thành điểm nóng trong khu vực, như lần trước khi hòn đảo này bầu ra một vị tổng thống thuộc Đảng DPP, giai đoạn 2000-2008.

Trên các phương tiện truyền thông trong nước, Trung Quốc có ý hạ thấp những cuộc bầu cử Đài Loan, ví dụ như thường đề cập tới “cuộc bầu cử tổng thống” trong ngoặc kép và bỏ qua các cuộc tranh luận chính trị của hòn đảo. Điều đó phản ánh việc Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền của hòn đảo, hay đúng hơn là nền dân chủ của nó. Nhưng điều đó cũng phản ánh những lựa chọn khó khăn của ông Tập. Tập có thể áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Đài Loan, chẳng hạn bằng cách giảm lượng du khách Trung Quốc đến hòn đảo này, hoặc có thể chấm dứt cái gọi là “hưu chiến ngoại giao” mà qua đó Trung Quốc không gây khó dễ cho 22 nước vẫn còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Nhưng dù áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế hay ngoại giao thì chủ tịch Trung Quốc đều có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của người dân Đài Loan, những người mà chính Tập từng chia sẻ muốn chinh phục.

Tuy nhiên, ông Tập cũng đồng thời cần bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc trong vị thế của một cường quốc. Alexander Huang từ Đại học Tamkang cho hay: “Những gì Bắc Kinh không muốn là dòng tít: “Mọi thứ vẫn như bình thường” nếu Đài Loan bầu cho một tổng thống ủng hộ độc lập”. Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc bầu cử còn mờ nhạt và cho đến nay hầu như không có chỉ trích cá nhân nào đối với bà Thái. Cả ông Tập và bà Thái dường như đều đang dùng kế hoãn binh.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]