Nước Mỹ cảnh giác với “bẫy chiến lược” như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

us-military-bans

Tác giả: Lưu Minh Phúc (Trung Quốc) | Biên dịch và chú thích: Nguyễn Hải Hoành

Nước Mỹ có một đặc điểm quan trọng là luôn luôn giữ được sự cảnh giác chiến lược cao độ đối với các thế lực nước ngoài. Truyền thống chiến lược này bắt đầu từ nhà lãnh đạo khai quốc công thần Washington.

Washington nói: phải luôn luôn cảnh giác với mọi âm mưu quỷ kế của nước ngoài

Trong diễn văn từ biệt năm 1796, Washington từng nhắc nhở nhân dân Mỹ như sau: “Nên xoá bỏ phản cảm thâm căn cố đế có nguồn gốc từ lâu với một số quốc gia cá biệt cũng như tình cảm tốt đẹp mạnh mẽ đối với các quốc gia khác, không có gì quan trọng hơn điều này …… Để đối phó với mọi âm mưu quỷ kế của các thế lực nước ngoài …… một dân tộc tự do nên luôn luôn giữ đầu óc cảnh giác.”

Câu nói này của Washington là lời khuyên bảo chân thành nghĩa tình sâu nặng đối với nhân dân Mỹ, là lời cảnh báo đầy ý thức phòng xa, cũng là kết tinh trí tuệ chiến lược của bậc công thần khai quốc, là tổng kết kinh nghiệm cuộc đời đấu tranh của Washington.

Theo quan điểm của Washington, các thế lực nước ngoài đều có âm mưu quỷ kế; một dân tộc tự do chẳng những phải có tinh thần cảnh giác đối với các âm mưu đó mà còn phải thêm hai chữ “luôn luôn”, phải lúc nào cũng giữ được cảnh giác, một phút cũng không được lơ là, buông lỏng.

“Bẫy Bismarck” và “Mưu kế De Gaulle” 

Trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, “âm mưu quỷ kế của các thế lực nước ngoài” như Washington nói là thứ thường thấy không bao giờ hết. “Bẫy Bismarck” trong cuộc cạnh tranh Pháp – Đức thế kỷ 19 là một thí dụ điển hình. Trong chiến tranh Phổ-Pháp thời gian 1870 – 1871,[1] Phổ thắng Pháp, Hoàng đế Pháp bị bắt làm tù binh. Nhưng nội bộ nước Phổ xảy ra sự chia rẽ sâu sắc về chính sách đối với Pháp. Đại sứ Đức tại Pháp nhiệm kỳ đầu tiên là Harry von Arnim chủ trương khôi phục chế độ hoàng đế của Pháp. Nhưng xuất phát từ mục đích chiến lược muốn Pháp trở nên bị cô lập, rối ren và suy yếu để sau này khó có thể cạnh tranh với Đức, Bismarck chủ trương khôi phục nền cộng hoà Pháp. Bismarck cho rằng một chính quyền cộng hoà không ổn định sẽ ở vào trạng thái cô lập bị cách ly trong một châu Âu mà chế độ quân chủ chiếm địa vị thống trị. Năm 1872, trong một bản tấu trình, Bismarck viết: “Đối với châu Âu vương triều liên hợp, quả núi lửa Paris (chính quyền cộng hoà không ổn định) không có chút nguy hiểm nào, nó sẽ tự cháy tự tắt.” Bismarck kiên trì để Pháp lập chế độ cộng hoà, để Pháp như một núi lửa không ổn định suốt ngày phun ra dân chủ, rơi vào tình trạng rối ren mất ổn định – đây là trạng thái lý tưởng có lợi nhất cho nước Đức. Nhưng Arnim ngoan cố kiên trì ý kiến của mình, cuối cùng ông này bị cách chức và bị tố cáo phạm tội phản quốc.

70 năm sau âm mưu của Bismarck, De Gaulle tiến hành phân tích thống kê vạch ra một cách rõ ràng nguyên nhân thất bại của Pháp. Ông cho rằng thất bại chiến lược của Pháp có một nguyên nhân quan trọng là trước chiến tranh, nội bộ nước Pháp diễn ra tình trạng các đảng phái đấu tranh gay gắt với nhau, chính phủ thay xoành xoạch làm cho nhà nước rệu rã kiệt sức. Chính là chế độ nghị viện của nền Cộng hoà thứ III dẫn tới “Trong 65 năm 1875 – 1940, nước Pháp đã thay đổi 102 khoá chính phủ mà Anh Quốc chỉ mới thay đổi có 20 khoá chính phủ, nước Mỹ chỉ mới thay có 14 nhiệm kỳ Tổng thống”. De Gaulle nhiều lần thấy bất cứ Thủ tướng nào mới nhậm chức liền phải hứng chịu vô số các đòi hỏi quá khắt khe và lời phê bình, “Cho dù cố gắng hết sức cũng vẫn chẳng thể ứng phó nổi, càng chưa nói tới việc nắm tình hình toàn cục. Nghị viện quyết không ủng hộ Thủ tướng, họ chỉ làm những việc kín đáo hãm hại Thủ tướng và từ bỏ Thủ tướng. Các bộ trưởng là kẻ địch chính trị của Thủ tướng. Dư luận báo chí và lợi ích đảng phái đều coi Thủ tướng là đối tượng dĩ nhiên để oán trách. Mọi người đều biết Thủ tướng chỉ có thể tại chức trong một thời gian rất ngắn, Thủ tướng cũng là người đầu tiên biết chuyện ấy.”

Bẫy Bismarck để lại di hại cho tới thập niên 1950. Nền cộng hoà thứ IV xác lập năm 1947 thay đổi xoành xoạch chính phủ. Thời gian 1947 – 1958 từng 24 lần thay đổi chính phủ, bình quân thời gian sống của mỗi chính phủ chỉ có hơn 5 tháng, hơn nữa có hai chính phủ chỉ tồn tại đúng một ngày: chính phủ Christian Pineau ngày 17-18/2/1955 và chính phủ Antoine Pinay ngày 17-18/10/1957. De Gaulle chủ trương Nghị viện lập hiến[2] có quyền lập pháp và quyền giám sát chính phủ nhưng không được thay chính phủ nắm chính quyền. Chính phủ nên “có chức, có quyền và ổn định”. Do chính phủ lâm thời chỗ nào cũng bị nghị viện lập hiến cản trở níu kéo, ngày 20/1/1946 De Gaulle tức giận từ chức. Mãi cho tới tháng 9/1958, khi bản hiến pháp nền Cộng hoà thứ V tăng cường đáng kể quyền lực của Tổng thống được thông qua, sau khi được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ một, De Gaulle mới có điều kiện triển khai hoài bão chính trị của mình.

Tích cực đẩy mạnh việc xây dựng nền dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc là một nhiệm vụ quan trọng. Nhưng một số thế lực nước ngoài lại cổ suý Trung Quốc nên thực thi chế độ đại dân chủ kiểu Mỹ, dùng đại dân chủ để làm Trung Quốc rối loạn, trì trệ. Đây là một cái bẫy, một âm mưu. Đối với vấn đề này Trung Quốc cũng phải ghi nhớ lời cảnh báo của Washington là luôn luôn cảnh giác với âm mưu quỷ kế của các thế lực nước ngoài.

Không thể không có tư tưởng đề phòng Mỹ: số phận lịch sử của “Thuyết âm mưu” và “Thuyết cạm bẫy”

Vấn đề chiến lược số một của dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 khi hướng ra thế giới là đối mặt với nước Mỹ; đối tượng Trung Quốc cần hợp tác nhất là Mỹ, đối tượng cần cảnh giác nhất cũng là Mỹ.

Mỹ là quốc gia luôn luôn cảnh giác với mọi âm mưu quỷ kế của các thế lực nước ngoài, và cũng là quốc gia giỏi sử dụng âm mưu quỷ kế, cài cạm bẫy chiến lược. Mỹ từng dùng cạm bẫy chiến lược chạy đua vũ trang để đối phó với Liên Xô. Mỹ là tay cự phách về chiến tranh lạnh, có truyền thống chiến tranh lạnh và nỗi lòng chiến tranh lạnh sâu nặng. Chiến tranh lạnh trên thực tế là cuộc chiến cạm bẫy, cuộc chiến âm mưu, cuộc chiến quỷ kế. Trung Quốc không thể không có tư tưởng đề phòng nước Mỹ.

Mỹ có nhiều chỗ có thể đặt cạm bẫy để đối phó Trung Quốc. Họ có thể cài cạm bẫy chính trị, xuất khẩu và đầu tư đại dân chủ vào Trung Quốc, làm cho Trung Quốc rối loạn. Họ có thể cài cạm bẫy kinh tế, gây khủng hoảng tài chính, chiến tranh tài chính, cuỗm lấy những đồng tiền mồ hôi và máu nhân dân Trung Quốc cần cù làm ra mà tiếc không nỡ tiêu pha. Họ có thể cài cạm bẫy quân sự, tạo điều kiện để Trung Quốc đánh trận thua ở một vùng nóng nào đấy xung quanh Trung Quốc. Họ có thể đặt cạm bẫy ngoại giao, xúi bẩy quan hệ, gây mâu thuẫn, hình thành một liên minh chống Trung Quốc nào đó. Tháng 1/2007, Giám đốc ban chính sách ngoại giao của “Trung tâm cải cách châu Âu” Mark Leonard cho rằng năm 2020 là năm ranh giới của thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền chính trị toàn cầu sẽ từ chính trị đơn cực chuyển thành chính trị đa cực. Chính sách gọi là “cân bằng quyền lực” mà Mỹ thi hành có hai vĩ độ: – duy trì địa vị một siêu cường của Mỹ; – tại từng vùng đều dùng phương thức ủng hộ chính quyền dân chủ để duy trì thế quân bình ở vùng đó. Thí dụ tại châu Âu, Mỹ lấy Liên minh châu Âu làm lực lượng cân bằng và ngăn chặn Nga; tại châu Á, Mỹ cùng Australia, Ấn Độ, Nhật kết thành liên minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Một nhân sĩ quốc tế cho rằng: thành tựu quan trọng nhất của sức mạnh mềm Trung Quốc là Bắc Kinh có thể phòng ngừa được bất kỳ liên minh quốc tế nào hình thành trên chiến lược ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế giới sau này sẽ không có “Liên minh chống Mỹ”. Nhưng thế giới sau này phải chăng nhất định không có “Liên minh chống Trung Quốc”?

Hãy ghi nhớ lời khuyên chân thành của Washington: Để đối phó với các âm mưu quỷ kế của thế lực nước ngoài, một dân tộc tự do nên luôn luôn giữ cảnh giác. Trung Quốc trước sau như một nên giương cao ngọn cờ lớn “Thuyết hợp tác”, “Thuyết hữu hảo”, “Thuyết bạn bè”, tranh thủ được càng nhiều càng tốt sự thống nhất nhận thức của cộng đồng quốc tế. Nhưng Trung Quốc cũng quyết không thể không nghe thấy tiếng chuông cảnh báo của “Thuyết ngăn chặn”, “Thuyết âm mưu”, “Thuyết cạm bẫy”, cần phải luôn luôn giữ tinh thần cảnh giác với các âm mưu quỷ kế của thế lực nước ngoài.

Lưu Minh Phúc là Đại tá, Giáo sư trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Nguồn:  Trích dịch từ 《中国梦》, 作者: 刘明, 出版社: 中国友谊出版公司

——————-

[1] Chiến tranh Phổ – Pháp: 6/1870 – 5/1871, Pháp tuyên chiến trước, kết quả Phổ thắng, đem lại sự thống nhất Đế chế Đức dưới sự cai trị của vua Wilhelm I và đánh dấu sự sụp đổ của Napoléon III và Đệ nhị đế chế Pháp, thay bằng nền cộng hoà thứ III. Vùng Alsace-Lorraine bị Phổ chiếm cho đến hết Thế chiến I. Bismarck là Thủ tướng phục vụ triều đình Wilhelm I.

[2] Nghị viện lập hiến:  constituent assembly.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]