Hàn Quốc đối mặt với nỗi lo khủng bố Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

Seoul-Central-Masjid-Mosque

Nguồn: John Power, “On heels of North Korean threat, South Korea now fears Islamic terror, Asia Times, 21/01/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang

Đối với Hàn Quốc, mối quan ngại an ninh lớn nhất luôn luôn kề cận: Bắc Triều Tiên, một trong những quốc gia quân phiệt nhất thế giới và vẫn chìm trong chiến tranh lạnh với đối thủ phía nam kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào năm 1945. Nhưng giờ đây, một loạt các báo cáo tình báo và các vụ bắt giữ dấy lên những lo ngại về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trong một quốc gia mà hầu như trong lịch sử chưa từng nếm trải các cuộc khủng bố như vậy, trong khi phơi bày những chia rẽ giữa các đảng phái về vai trò của các cơ quan tình báo quốc gia.

Hôm thứ Tư, cơ quan của Hàn Quốc tương đương với CIA – Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) – cho các nghị sĩ biết 7 công nhân nhập cư đã gia nhập ISIS sau khi rời khỏi đất nước. Cũng tại cuộc họp cung cấp thông tin, được Lee Cheol-woo của Đảng bảo thủ Saenuri kể lại cho giới truyền thông, NIS công bố rằng 51 người nước ngoài đã bị trục xuất từ ​​năm 2010 do có liên quan tới các nhóm chiến binh, bao gồm ISIS.

Lee cho biết: NIS xác định được những người này bằng việc liên lạc với các cơ quan tình báo ở những nước sở tại của người di cư. Các báo cáo, không thể được kiểm chứng một cách độc lập, không đề cập đến quốc tịch của các tân binh ISIS bị cáo buộc, ngoài một trường hợp của một người Indonesia.

Những tuyên bố gần đây nhất theo sau một chuỗi các báo cáo của NIS về hoạt động của ISIS trong những tháng gần đây, và diễn ra khi Quốc hội vẫn còn bất đồng về việc thông qua một loạt các đạo luật chống khủng bố gây tranh cãi.

Vào tháng 10,  phát biểu tại một  phiên điều trần của Quốc hội, cơ quan tình báo cho biết họ đã chặn nhập cảnh 5 người nước ngoài mang theo amoni nitrat, có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ, và ngăn chặn 2 người Hàn Quốc có ý muốn tham gia ISIS.

Tháng sau đó, giám đốc NIS Lee Byung-ho nêu lên khả năng Bắc Triều Tiên câu kết với nhóm Hồi giáo cực đoan khét tiếng này, trong khi thừa nhận rằng không có bằng chứng rõ ràng. Bình Nhưỡng, nơi chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với chế độ Bashar al-Assad của Syria, chỉ trích nhận định này là nhảm nhí.

Song Dae-sung, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Konkuk và từng là thiếu tướng trong lực lượng không quân Hàn Quốc, nói với Asia Times rằng các thông tin tình báo từ NIS đòi hỏi một cách tiếp cận chống khủng bố mới.

Ông Song nói “Tôi cho rằng đây có thể là một mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc trong tương lai. Bắc Triều Tiên rất giỏi gây ra các khiêu khích vốn có thể làm thay đổi tư duy và các dự tính. ISIS cũng là một nhóm khủng bố tàn bạo. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên và ISIS liên kết với nhau, mối đe dọa đối với Hàn Quốc sẽ trở nên nghiêm trọng.”

Ông Song cho rằng thành viên ISIS có thể nhập cảnh vào Hàn Quốc, hoặc cộng sự của những người di cư đã gia nhập nhóm này vẫn đang sống tại đây.

Ông nói: “Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc thực sự cần một cách tiếp cận mới như chia sẻ chặt chẽ thông tin tình báo và biện pháp đối phó với các nước bạn bè như Mỹ và Israel”.

Với sự ủng hộ của Tổng thống Park Geun-hye và Đảng Saenuri của bà, NIS đã đôn đốc việc thông qua luật chống khủng bố mới để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo, bao gồm một dự luật được đề xuất lần đầu tiên sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Các đạo luật đã không đạt được tiến triển do sự phản đối của Đảng Minjoo theo xu hướng tự do vốn luôn cảnh giác với việc trao quyền hạn lớn hơn cho NIS.

Nhiều người Hàn Quốc mất niềm tin vào cơ quan tình báo do có dính líu tới một loạt các vụ bê bối trong nước, bao gồm nỗ lực gây tác động đến cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất làm lợi cho phe bảo thủ cầm quyền.

Robert E. Kelly, giảng viên về chủ nghĩa khủng bố tại Đại học Quốc gia Pusan, nói với Asia Times rằng phản ứng của Hàn Quốc với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cần tính đến mức rủi ro vẫn còn thấp đối với nước này.

Kelly cho biết: “Hàn Quốc, do có khu phi quân sự, và do biển ngăn cách, nên những người tị nạn không thể đặt chân tới đây. Những kẻ khủng bố khó có thể tới nơi này, tất cả người qua lại có thể bị kiểm soát kỹ lưỡng tại một số nhỏ các cảng nhập cảnh”.

Hàn Quốc có một cộng đồng người Hồi giáo nhỏ , chưa đến 0,5 % dân số, và cho đến nay mới chỉ có một công dân được xác nhận là đã ra nước ngoài để tham gia cuộc thánh chiến bạo lực. Đất nước này chưa từng chịu khủng bố Hồi giáo trên lãnh thổ của mình, mặc dù ba công dân Hàn Quốc đã bị các chiến binh Hồi giáo sát hại sau khi bị bắt làm con tin ở Iraq và Afghanistan lần lượt  trong năm 2004 và 2007.

Bắc Triều Tiên thường gây ra những vụ bạo lực nhằm vào người dân thường. Khét tiếng nhất là vụ các phần tử Bắc Triều Tiên đánh bom chuyến bay 858 của hãng Korean Air vào năm 1987, làm thiệt mạng 115 người.

Kelly cho rằng kinh nghiệm an ninh với Bắc Triều Tiên giúp Hàn Quốc có sự chuẩn bị để đối phó với các mối đe dọa khác, đồng thời nêu lên quan ngại về việc trao cho NIS nhiều quyền hạn mới.

Ông nói “Tôi nghĩ bài học lớn rút ra từ những người Mỹ sau sự kiện 11/9 là không phản ứng thái quá. Đó là những gì tôi thực sự lo ngại  – rằng họ sẽ cung cấp cho NIS 100 triệu đô la và bảo đi chống khủng bố đi, nhưng không ai hiểu điều đó có nghĩa là gì.”

John Power là một nhà báo đưa tin về Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ năm 2010. Những bài viết của ông được đăng trên nhiều hãng tin trong đó có The Daily Mail, The Christian Science Monitor, Mashable, NK News, Asian Geographic, The Diplomat, The Korea Herald và Narratively…

Hình: Nhà thờ Hồi giáo ở Seoul.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]