Tại sao Gibraltar là lãnh thổ của Anh?

Print Friendly, PDF & Email

gibraltar

Nguồn:Why is Gibraltar British territory”, The Economist, 07/08/2013.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tây Ban Nha đang một lần nữa phản đối Anh về một dải đá nằm ở lối vào Địa Trung Hải. Gibraltar, một bán đảo có diện tích 6,7 km vuông, nơi sinh sống của khoảng 30.000 người, vốn là một lãnh thổ thuộc Anh mà Tây Ban Nha từ lâu đã tuyên bố chủ quyền. Tuần này, cuộc tranh cãi cũ lại nổi lên khi các quan chức Tây Ban Nha tăng cường kiểm soát biên giới, làm giao thông ở khu vực biên giới chậm lại và Thủ tướng Tây Ban Nha cảnh báo áp đặt mức phí đi qua biên giới lên tới 67 USD, khiến người dân ở cả hai bên biên giới lo lắng. Các biện pháp này dường như là để phản ứng lại quyết định của chính quyền Gibraltar cho thả các khối bê tông có đinh nhọn xuống biển để ngăn chặn những ngư dân Tây Ban Nha bị cáo buộc đánh trộm cá của Gibraltar.

Lý do có lẽ thích đáng hơn là việc chính phủ Tây Ban Nha đang tuyệt vọng muốn đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi vụ bê bối gây quỹ cho đảng đang diễn ra vốn đe dọa nhấn chìm Thủ tướng Mariano Rajoy. Một cuộc điện đàm giữa ông Rajoy và Thủ tướng Anh David Cameron vào ngày 7/8 dường như đã làm giải tỏa bớt những căng thẳng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, tại sao Gibraltar, nằm cách London 1.000 dặm về phía Nam, lại là một vùng lãnh thổ của Anh?

Thời kỳ mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh đã qua lâu. Tuy nhiên, Anh vẫn nắm giữ 14 “lãnh thổ hải ngoại”, trải dài trên khắp thế giới từ Thái Bình Dương tới Nam Đại Tây Dương. Ngoại trừ lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh, một vùng hoang dã rộng lớn mà dân cư chỉ gồm một số ít các nhà khoa học và các chú chim cánh cụt, các lãnh thổ còn lại đều rất nhỏ. Quần đảo Pitcairn nằm gần chính giữa New Zealand và Peru là quê hương của khoảng 50 người; Bermuda, đông dân nhất trong số các vùng lãnh thổ, cũng chỉ có khoảng 65.000 người. Nhiều lãnh thổ trong số đó, bao gồm Gibraltar, là nơi đặt các căn cứ Hải quân Hoàng gia Anh. Ngày nay, những lãnh thổ này chủ yếu kiếm tiền thông qua du lịch và vai trò trung tâm tài chính hải ngoại (thiên đường thuế – NBT).

Gibraltar được nhượng lại cho Anh sau Chiến tranh Thừa kế Tây Ban Nha (1701-1714). Vua Charles II của Tây Ban Nha, người được biết tới với tên gọi “Người bị bỏ bùa” bởi những khuyết tật nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, mất năm 1700 mà không có người kế vị. Vấn đề người kế nhiệm không rõ ràng và nhiều cường quốc của châu Âu bắt đầu hậu thuẫn cho các ứng cử viên ưa thích của mình. Chiến tranh bùng nổ và vào tháng 8/1704, các binh sĩ Anh chiến đấu bên cạnh các đồng minh Hà Lan, đã chiếm được Gibraltar. Cuộc chiến này tiếp diễn tới năm 1713, khi Hiệp ước Utrecht xác định Philip V, cháu trai của Hoàng đế Pháp, sẽ thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha. Như là một phần của thỏa thuận này, một số vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha đã bị cắt cho các nước khác. Anh giành được Gibraltar cũng như Minorca, vùng đất đã đổi chủ nhiều lần trước khi quay trở về với Tây Ban Nha theo quy định của Hiệp ước Amien năm 1802.

Kể từ đó đến nay, Gibraltar vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Anh bất chấp những nỗ lực khác nhau nhằm giành lại bán đảo này, bao gồm một cuộc vây hãm không thành công của Tây Ban Nha kéo dài gần 4 năm cho tới năm 1783. Dưới chế độ độc tài của tướng Francisco Franco, Tây Ban Nha đã đóng cửa biên giới hoàn toàn với Gibraltar; và biên giới chỉ được mở lại hoàn toàn trước khi Tây Ban Nha gia nhập Liên minh Châu Âu năm 1985. Ngoài các thuyền đánh cá, không phương tiện nào khác được phép xâm nhập. Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tuyên bố Gibraltar là lãnh thổ của nước này.

Người dân sống trên bán đảo này không đồng ý: các cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1967 và 2002 đều nhất trí ủng hộ việc duy trì chủ quyền của Anh đối với Gibraltar. Anh hiện nay dường như vẫn sẽ tiếp tục giữ vùng lãnh thổ nhỏ bé ở bờ biển Địa Trung Hải. Điều này có thể cũng tốt cho Tây Ban Nha: Nếu Anh trao trả Gibraltar, người dân xứ Catalan, những người đánh mất quyền tự chủ của họ vào tay Tây Ban Nha do quy định của Hiệp ước Utrecht, có thể xem đó là một tiền lệ thú vị.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]