Vấn đề của khái niệm ‘dân chủ phi tự do’

Print Friendly, PDF & Email

ildem

Nguồn: Jan-Werner Mueller, “The Problem with Illiberal Democracy”, Project Syndicate, 21/01/2016.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Động thái chuyển hướng sang chế độ chuyên chế của Ba Lan đã rung lên hồi chuông báo động cho Liên minh châu Âu và khối NATO. Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 10, Đảng Pháp luật và Công lý của Jarosław Kaczyński (PiS) đã tấn công Toà án Hiến pháp Ba Lan, chính trị hoá nhánh tư pháp và bộ máy công chức, đồng thời tấn công vào sự đa nguyên của giới truyền thông.

Những người phê bình chính phủ PiS do Thủ tướng Beata Szydlo dẫn dắt (Kaczyński điều hành từ hậu trường vì ông không có vị trí chính thức nào) đã miêu tả hành động của PiS là một cuộc tấn công bất ngờ nhằm thiết lập một nền “dân chủ phi tự do”, tương tự với điều Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã làm ở Hungary trong 6 năm qua. Tuy vậy, việc gọi những gì đang diễn ra ở Ba Lan là một nền “dân chủ phi tự do” là hoàn toàn gây hiểu lầm – và theo một cách nào đó sẽ làm xói mòn những nỗ lực nhằm kiềm chế những nhà độc tài tự xưng như Kaczyński và Orbán. Cuối cùng, không chỉ chủ nghĩa tự do bị tấn công, mà cả nền dân chủ cũng vậy.

Khái niệm “dân chủ phi tự do”, có nguồn gốc từ một bài luận năm 1997 của nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ Fareed Zakaria, là một nỗ lực nhằm miêu tả các chế độ tổ chức bầu cử nhưng không tuân theo nền pháp quyền và thường xuyên bỏ qua các cơ chế kiềm chế và đối trọng được quy định bởi hiến pháp trong hệ thống chính trị của mình. Khái niệm này được sinh ra từ sự vỡ mộng. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, một không khí dân chủ mạnh mẽ lan rộng (ít nhất ở phương Tây). “Sự cáo chung của lịch sử” đã diễn ra, và người ta nghĩ rằng các cuộc bầu cử, các thể chế đại diện, và nền pháp quyền có vẻ sẽ luôn đi cùng nhau.

Tuy nhiên, không lâu sau, các cử tri mới được trao quyền đã sớm bầu cho những phe đa số vốn dùng quyền lực của mình để đàn áp các nhóm thiểu số và vi phạm những quyền cơ bản. Rõ ràng chỉ dân chủ là không đủ. Chủ nghĩa tự do – sự bảo vệ các nhóm thiểu số và quyền tự do dân sự cá nhân – cũng phải được củng cố.

Thế nhưng, không phải mọi người cùng hiểu giống nhau về khái niệm “chủ nghĩa tự do”. Ở nhiều nơi, nó được dùng để miêu tả chủ nghĩa tư bản không bị trói buộc và tự do hoàn toàn trong việc lựa chọn lối sống cá nhân. Và những chính trị gia như Orbán và lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã dùng định nghĩa này để cổ suý cho một dạng thức khác của dân chủ số đông.

Nhấn mạnh đạo đức truyền thống của Hồi giáo, Erdoğan đã bắt đầu thể hiện mình như một “nhà dân chủ bảo thủ”. Trong một bài phát biểu gây tranh cãi năm 2014, Orbán tuyên bố khao khát tạo lập một “quốc gia phi tự do”. Gần đây, trong khủng hoảng người tị nạn, Orbán đã tuyên bố kết thúc kỷ nguyên mà ông gọi là “tự do vv…” (liberal blah blah) và dự đoán rằng châu Âu sẽ chuyển hướng sang quan điểm chính trị “Cơ đốc giáo và dân tộc chủ nghĩa” kiểu như của ông.

Tuy nhiên, cụm từ “dân chủ phi tự do” không nhất thiết tự mâu thuẫn. Trong suốt thế kỷ 19 và 20, nhiều nhà dân chủ Cơ đốc giáo ở châu Âu đã tự gọi mình là “phi tự do”. Thực tế, việc ai đó nghi ngờ quan điểm phi tự do hết mực của họ có thể bị coi là một sự xúc phạm.

Điều này không có nghĩa là họ không hiểu và nhận ra tầm quan trọng của quyền thiểu số trong một nền dân chủ hiệu quả (cuối cùng thì thiểu số có thể trở thành đa số trong cuộc bầu cử tiếp theo). Nó cũng không có nghĩa là họ tin rằng những thể chế không được bầu như toà án hiến pháp có thể theo một cách nào đó không dân chủ. Họ gắn “chủ nghĩa tự do” với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất, và rất thường xuyên, là với chủ nghĩa vô thần.

Các chính phủ ở Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đang đề xuất một điều hoàn toàn khác. Phê phán chủ nghĩa vật chất, vô thần, hay chủ nghĩa cá nhân là một chuyện. Nhưng cố gắng cản trở tự do ngôn luận và tự do tụ họp, sự đa nguyên của truyền thông, hay hạn chế bảo vệ thiểu số là một chuyện hoàn toàn khác. Điều thứ nhất thể hiện sự bất đồng về các triết lý chính trị biện minh cho dân chủ. Điều thứ hai là sự tấn công vào những nền tảng cơ bản nhất của dân chủ.

Một cuộc bầu cử có thể không dân chủ ngay cả khi đảng cầm quyền không gian lận tại các thùng phiếu bầu. Nếu các đảng đối lập bị ngăn cản trong việc tiếp cận cử tri, và nhà báo không dám viết về thất bại của chính phủ, thì gian lận bầu cử đã xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nền dân chủ được dựng lên sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đã thiết lập các toà án hiến pháp để bảo vệ các quyền và bảo tồn tính đa nguyên của truyền thông. Những thể chế này cuối cùng sẽ đảm bảo và duy trì dân chủ.

Chừng nào các nhà phê bình vẫn dùng cụm từ “dân chủ phi tự do” để miêu tả những gì đang diễn ra ở các nước như Ba Lan, các lãnh đạo như Kaczyński đơn giản sẽ nói “Chính xác!”. Cụm từ này không được xem như một lời phê phán, nó củng cố hình ảnh của những lãnh đạo đang phản đối chủ nghĩa tự do, trong khi cho phép họ tiếp tục nhắc đến những hành động của mình như những hành động “dân chủ”. Nền dân chủ, bất chấp những thất vọng trong một phần tư thế kỷ vừa qua, vẫn là điều kiện quan trọng nhất cho việc Ba Lan được tính vào khối địa chính trị “phương Tây”.

Hơn nữa, cụm từ “dân chủ phi tự do” khẳng định quan điểm rằng dân chủ là địa hạt của các chính phủ cấp quốc gia – và rằng chính Liên minh châu Âu đang thúc đẩy chủ nghĩa tự do phi dân chủ. Điều này cho phép những nhân vật như Kaczyński and Orbán khắc hoạ châu Âu như những đại diện của chủ nghĩa tư bản tràn lan hoặc đạo đức truỵ lạc.

Thực tế rằng những nhà độc tài mới của châu Âu đã giành được quyền lực thông qua bầu cử tự do và công bằng không mang lại tính chính danh cho những nỗ lực nhằm thao túng toàn bộ hệ thống chính trị của họ. Thay vì miêu tả họ là “phi tự do”, chúng ta nên gọi họ đúng như bản chất của họ: “phi dân chủ”.

Jan-Werner Mueller là Giáo sư ngành Chính trị tại Đại học Princeton. Cuốn sách mới nhất của ông là Contesting Democracy: Political Ideas in Twentieth-Century Europe.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Problem with Illiberal Democracy

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]