Mỹ và Hàn Quốc cần đổi cách tiếp cận với Bắc Hàn

Print Friendly, PDF & Email

_74437142_158342570

Nguồn: Chen Dingding, “Time to Rethink US and South Korean Approaches to North Korea,The Diplomat, 19/02/2016.

Biên dịch: Vũ Hồng Trang & Nguyễn Hồng Ánh

Để đối phó với Bắc Triều Tiên, việc lặp lại các trừng phạt sẽ không có tác dụng.

Một lần nữa, Bắc Triều Tiên lại đẩy tất cả các cường quốc tại Đông Á vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sau lần khiêu khích mới đây của đất nước này – phóng vệ tinh mới nhất sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo – Hoa Kỳ đã thể hiện sức mạnh và quyết tâm bằng việc cho các chiến đấu cơ F-22 Raptor bay thấp trên không phận Hàn Quốc. Hơn nữa, Hàn Quốc, sau một thời gian dài do dự, hiện đang kết hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ trong việc thảo luận về khả năng triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), điều gây quan ngại cho Trung Quốc.

Theo quan điểm của Trung Quốc, được gói gọn trong lời phát biểu ​​của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, ba nguyên tắc cần phải được tuân theo trong việc đối phó với thách thức Bắc Triều Tiên. Thứ nhất, không vũ khí hạt nhân; thứ hai, sự ổn định; và thứ ba, lợi ích quốc gia của Trung Quốc phải được tôn trọng. Cụ thể hơn, Trung Quốc đã nhất trí ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc mặc dù vẫn cho rằng bản thân các biện pháp trừng phạt không nên và không thể là mục tiêu của ngoại giao quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, cho dù là thông qua các cuộc đàm phán sáu bên hay một diễn đàn khác.

Tuy nhiên, tồn tại một số vấn đề với cách tiếp cận hiện nay. Thứ nhất, tất cả các biện pháp trừng phạt từ trước tới nay chưa thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiến gần tới việc trở thành cường quốc hạt nhân. Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng lần này sẽ thành công trong khi các lần trừng phạt trước đều không hiệu quả? Nếu trừng phạt quá nhẹ, Bắc Triều Tiên sẽ không cảm thấy tổn thất.  Nếu trừng phạt quá khắc nghiệt, Bắc Triều Tiên chỉ đơn giản sẽ sụp đổ hoặc hung hăng hơn với Hàn Quốc. Thật không may cho tất cả các cường quốc ở khu vực Đông Á, một Triều Tiên sụp đổ có lẽ là một kết quả tồi tệ hơn một Bắc Triều Tiên ổn định dù độc tài.

Ngoài ra, Hàn Quốc cần hiểu rằng đất nước này sẽ là nạn nhân lớn nhất của một Bắc Triều Tiên sụp đổ. Một cuộc tấn công quân sự trả đũa hoặc một cuộc khủng hoảng nhân đạo do người tị nạn có thể làm tê liệt nền kinh tế Hàn Quốc, đó là chưa kể đến việc Bắc Hàn sụp đổ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước. Theo nghĩa này, việc triển khai THAAD không phải là giải pháp tốt nhất cho vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ngoài ra, còn có một vấn đề khác trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ khi phô trương sức mạnh với Bắc Triều Tiên. Tất cả những động thái quân sự vừa qua sẽ chỉ làm tăng cảm giác bất an của Bắc Triều Tiên. Sau cùng, chúng ta không nên quên rằng tất cả các quốc gia trong môi trường quốc tế đều đặt vấn đề sự sinh tồn của mình lên hàng đầu và Bắc Triều Tiên chắc chắn bây giờ đang trong trạng thái chỉ đủ “sống sót”. Thật không may, Hoa Kỳ dường như bỏ qua thực tế cơ bản này. Bắc Triều Tiên sẽ chỉ trở lại bàn đàm phán nếu sự tồn tại của đất nước này được Hoa Kỳ đảm bảo. Bình Nhưỡng hiện cho rằng Hoa Kỳ, chứ không phải Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Trung Quốc, là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của mình.

Xem xét tất cả những phương diện này, giải pháp cuối cùng cho vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ bao gồm hai yếu tố. Đầu tiên là sự đảm bảo về an ninh (cho Triều Tiên) của Hoa Kỳ. Thứ hai, một thỏa thuận mà Bắc Triều Tiên có thể từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế từ tất cả các cường quốc trong khu vực có liên quan. Điều này cũng có nghĩa rằng chế độ Bắc Hàn – cho dù tàn bạo đến nhường nào – vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài. Điều này có thể không phải là một viễn cảnh tươi đẹp cho những người theo trường phái can thiệp kiểu tự do chủ nghĩa, nhưng lại là cách khả thi duy nhất. Tất cả các phương án khác sẽ mang lại tai họa cho các cường quốc liên quan, trong đó có Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Tranh luận: Có nên chào đón sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]