Một ‘ISIS Phật giáo’ từng tồn tại ở Mông Cổ

Print Friendly, PDF & Email

Baron_ungern

Nguồn: Nick Danforth, “ISIS, but Buddhist“, The Atlantic, 02/02/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Câu chuyện bị lãng quên về một Nam tước khát máu người Nga sẽ chỉ ra những điểm mới và cũ về Nhà nước Hồi giáo (IS).

Khi cuộc tranh cãi về mối quan hệ thực sự giữa IS và truyền thống Hồi giáo kéo dài, các nhà sử học nghiên cứu về Mông Cổ của thế kỷ 20 hẳn sẽ phải thắc mắc tại sao không ai đề cập đến Nam tước Roman Fedorovich von Ungern-Sternberg.

Vào đầu thập niên 1920, Ungern-Sternberg lập ra một nhà nước tự xưng lấy cảm hứng từ tôn giáo đóng tại Ulan Bator (Mông Cổ), khủng bố dân chúng của mình bằng những cuộc tàn sát tàn bạo công khai nhằm hiện thực hóa giấc mơ cứu thế của ông về việc khôi phục một đế quốc xa xưa. Câu chuyện về ông là một sự gợi mở cho bất kỳ ai đang cố gắng tìm hiểu những điểm đặc trưng và không đặc trưng của Nhà nước Hồi giáo.

Giống như mọi so sánh sử học khác, sự so sánh ở đây cũng không tuyệt đối: Ungern-Sternberg có một bộ ria mép lớn và rậm rạp, trong khi thủ lĩnh trên danh nghĩa của IS, Abu Bakr al-Baghdadi có một bộ râu xồm. Đồng thời, Ungern-Sternberg là tín độ đạo Phật. Nhưng khi đánh giá về IS ngày nay, cần nhớ rằng cách đây gần một thế kỷ, sự hỗn loạn và bạo lực của cuộc Nội chiến Nga đã giúp thúc đẩy một phiên bản đặc biệt tàn bạo của một tôn giáo mà ngày nay nổi tiếng hòa bình.

Ungern-Sternberg là một sĩ quan trong quân đội Nga và là hậu duệ một dòng dõi quý tộc gốc Đức lâu đời vùng Baltic vốn phục vụ cho Sa Hoàng. Nam tước này chiến đấu cho phe người Nga trong Thế chiến I, rồi tiếp tục chiến đấu bên phía Bạch Vệ chống lại phe Bôn-sê-vích sau cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. Năm 1920, khi cuộc xung đột đã lan rộng ra khắp Đế quốc Nga một vài năm, tình thế bắt đầu đổi chiều mạnh mẽ sang hướng có lợi cho phe Bôn-sê-vích. Ungern-Sternberg, vốn đang ở Siberia, đã lập ra một đội quân nhỏ từ tàn quân của Bạch Vệ và quyết định chinh phục Mông Cổ.

Từ lãnh thổ liền kề này, nằm giữa Nga và Trung Quốc, Nam tước và người của mình hy vọng tránh được cái chết dưới tay phe Bôn-sê-vích, trong khi tái huy động một chiến dịch giải phóng Nga khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Tuy nhiên, tại Mông Cổ, ông bị kéo vào một cuộc chiến trên hai mặt trận, không chỉ với phe Bôn-sê-vích, mà còn với quân đội Trung Quốc vốn đang kiểm soát quốc gia này. Ở thủ đô Ulan Bator, ông đã tìm cách giành được sự ủng hộ của dân chúng địa phương bằng việc cam kết giải phóng họ khỏi sự cai trị của Trung Quốc. Ông cũng đồng thời dựng lên hậu quả quá khủng khiếp của sự bội phản khiến không ai dám nghĩ tới điều đó.

Đối với trường hợp của IS, những chiến binh Sunni đang ở phía thua cuộc trong nội chiến Iraq đã thành lập ra một nhà nước ở Syria, sau đó quay trở lại Iraq để chiếm lại các thành phố như Mosul từ tay chính phủ Iraq – tương tự như Ungern-Sternberg lên kế hoạch giành lại Nga từ phe Bôn-sê-vích. Cuộc nội chiến đưa đến một bối cảnh mà cả thủ lĩnh IS lẫn Ungern-Sternberg đều phải dựa vào những hành vi tàn bạo có hệ thống và được quảng bá ra bên ngoài để cũng cố sự thống trị của họ, vào thời điểm khi mà sự bạo lực man rợ, vô tổ chức trong nhiều năm đã làm người dân vô cảm [trước bạo lực]. Giống như IS, Ungern-Sternberg đã tận dụng bạo lực để thiết lập một mức độ trật tự nhất định.

Ở Mông Cổ, Ungern-Sternberg tử hình những kẻ đào ngũ và những tân binh không đáp ứng được kỳ vọng của ông. Những câu chuyện về sự khát máu của Nam tước nhan nhản khắp nơi, và tác giả Peter Hopkirk đã tập hợp một vài mẩu chuyện tày trời nhất. Nhiều tù nhân được cho là đã bị chôn sống, bị hỏa thiêu, và bị ném vào nồi hơi tàu hỏa. Một nhân chứng khẳng định rằng ở Ulan Bator, Nam tước này đã kết tội một người học việc thiếu trung thực của một người làm bánh mỳ bằng cách nướng cho đến chết trong chính lò bánh của ông này. Một cáo buộc khác cho rằng vị Nam tước đã treo cổ ba người đàn ông bị buộc tội ăn cắp rượu ngay trên cửa của cửa hàng mà họ lấy trộm…cho đến khi chủ cửa hàng cầu xin ông gỡ bỏ những cái xác đó xuống vì sợ ảnh hưởng công việc kinh doanh.

Các nhà ghi chép tiểu sử đương thời của Ungern-Sternberg phải cố gắng vẽ ra một bức chân dung đáng tin cậy về người đàn ông này giữa những lời đồn và các nguồn thiếu chắc chắn. Nhưng các kết quả hầu như không thể minh oan cho ông. Ví dụ, trong nỗ lực chắt lọc bớt giai thoại khỏi thực tế, nhà sử học James Boyd lập luận rằng trái với một số tin đồn, vị Nam tước không cho phép cướp bóc tràn lan ở Ulan Bator, ông thậm chí ngăn ngừa tình trạng này bằng cách ngay lập tức treo cổ những kẻ cướp phá. Và Sergius Kuzmin đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã đưa ra một đính chính đáng chú ý rằng, “Ungern chặt tay chân bác sĩ Klingenberg không phải vì cái chết của Bayar Gung ở Kyahkhta, mà bởi vì ông đã không cung cấp hỗ trợ y tế cho những người Chakhar [một sắc dân thiểu số ở Mông Cổ] đang bị thương”.

Tính xác thực của câu chuyện mang tính quy kết của một trong những sĩ quan của Ungern Sternberg tên là Dmitri Alisohin cũng gây tranh cãi kịch liệt. Alioshin cáo buộc vị Nam tước đã đánh đập người dân cho đến chết, thiêu sống và vứt cho sói ăn. Nhưng Boyd lập luận rằng hình tượng sói có thể chỉ là một phép tu từ văn học. Một ghi chép lịch sử khác được Kuzmin đưa ra để bào chữa cho vị Nam tước, lột tả một cách sống động nỗi kinh hoàng của thời kỳ đó: hồi ký của Alioshin “mô tả câu chuyện A.F. Klingenberg đầu độc người bị thương tại bệnh viện dã chiến là theo mệnh lệnh của Ungern. Tuy nhiên, hồi ký của Golubev và A.S. Makeev cung cấp những dữ liệu chi tiết và đáng tin cậy hơn: trung tá Laurentz, thay mặt Nam tước, ra lệnh cho nhân viên y tế Logunov đầu độc người bị thương, hành động đã khiến ông này bị xử bắn theo lệnh của Ungern”. Nói cách khác, thậm chí cả các bản báo cáo cẩn trọng nhất cũng chỉ rõ rằng sự tàn bạo của Ungern-Sternberg trên thực tế là có thật.

Khía cạnh tôn giáo trong câu chuyện về ông cũng vậy. Trong một chuyến viếng thăm trước chiến tranh đến Mông Cổ, vị Nam tước đã cải đạo từ Cơ Đốc giáo sang một hình thái lạ lẫm của đạo Phật huyền bí. Thứ đức tin mà ông không bao giờ diễn giải rõ ràng, và đôi khi được ông trộn lẫn đôi chút với thuyết mạt thế của đạo Cơ Đốc, có lẽ cũng kỳ quặc với phần đông Phật tử như chính thứ đạo Hồi của IS đối với các tín đồ Hồi giáo ngày nay. Nhưng khi Ungern-Sternberg tích lũy được quyền lực, người ta có những nguyên nhân chính trị và cá nhân để chấp nhận ước muốn về tính chính danh tôn giáo của ông.

Một trong những bước đi đầu tiên của ông sau khi tấn công Ulan Bator là phóng thích nhà lãnh đạo Phật giáo của Mông Cổ và là vị vua cũ, Bogd Khan (vị Khan thứ tám của Mông Cổ), người đã bị giam lỏng bởi Trung Quốc. Bogd Khan là thành viên cấp cao trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng và sở hữu riêng một chương trình nghị sự chính trị cho Mông Cổ, thứ mà ông cảm thấy rằng vị Nam tước có thể giúp ông thúc đẩy. Và vì vậy Bogd Khan đã chính thức ban ân cho vị Nam tước, mang lại một sự công nhận về mặt tôn giáo cho sự cai trị của Ungern-Sternberg. Dựa theo một trong những ghi chép còn gây sốc hơn, ông này còn ban cho vị Nam tước danh hiệu “hiện thân của Thần Chiến tranh và Vua của Mông Cổ được ban ơn”. Nhiều học giả khác gọi danh hiệu này một cách khiêm tốn hơn là “Đại tướng quân anh hùng vĩ đại, người dựng xây Nhà nước”.

Bên ngoài các luận điệu, thật khó để nói chính xác Phật giáo đã định hình sự cai trị của Ungern-Sternberg như thế nào. Trong quá trình xâm chiếm Mông Cổ, vị Nam tước được cho là đã nhận lời khuyên từ các bộ giáp cốt của các nhà tiên tri và một biệt đội cảnh vệ của Đạt Lai Lạt Ma. Tin đồn lan xa rằng ông được hưởng sự phù hộ của thần thánh; rằng ông đã từng giết một sĩ quan Trung Quốc và hai tên lính chỉ với một que tre; và rằng trong một trận chiến khác, 74 viên đạn đã bắn vào áo choàng và yên ngựa của ông nhưng ông vẫn không hề hấn gì.

Ungern-Sternberg cũng đồng thời đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản trên khía cạnh tôn giáo rõ rệt, ông cho rằng phe Bôn-sê-vích, những kẻ cố gắng tiêu diệt tôn giáo, cần phải bị kháng cự quyết liệt. Đạo Phật có vẻ đã ảnh hưởng đến tham vọng chính trị cũng như thiên hướng bạo lực của vị Nam tước. Một vài nguồn tin khẳng định rằng Ungern-Sternberg đã mường tượng về “một Nhà nước vĩ đại từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tới bờ sông Volga”, trong đó “Đạo Phật sáng suốt sẽ trải dài sang đến phía bắc và phía tây”. Hoặc ông đã tưởng tượng về một “Đế quốc Mông Cổ trung tâm” dưới trướng Bogd Khan, nơi mà đạo Phật nhận được sự ủng hộ của hãn quốc Mãn Châu được khôi phục ở Bắc Kinh. Về việc bạo lực được tận dụng để hiện thực hóa mơ ước đó, Alisoshin phát biểu rằng các sư phụ Phật giáo của vị Nam tước đã dạy ông ta về thuyết đầu thai chuyển kiếp, và ông kiên định tin tưởng việc giết hại những kẻ yếu đuối là tốt cho họ, vì họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn ở kiếp sau.”

Đến năm 1921, Ungern-Sternberg đã củng cố vững chắc sự cai trị của ông ở Ulan Bator và quyết định trở về giải phóng nước Nga. Bị dẫn dắt bởi một chiến thuật hung hãn, bất cẩn, vị Nam tước đã lên đường đến Siberia. Trước khi xuất quân, ông đưa ra một mệnh lệnh có vẻ như là minh chứng cho sự điên cuồng của mình. “Các chính ủy, đảng viên cộng sản, và người Do Thái phải bị tiêu diệt cùng gia đình của chúng”. Ông được cho là đã tuyên bố: “Ngày nay, chỉ duy nhất một hình phạt được chấp thuận: cái chết ở các cấp độ khác nhau”.

So sánh giữa Ungern-Sternberg và Baghdadi

Tiêu chí so sánh 1920 2014
Lãnh đạo Roman Fedorovich von Ungern-Sternberg Abu Bakr al-Baghdadi
Tín ngưỡng tôn giáo về Đấng cứu thế bị lợi dụng Phật giáo Hồi giáo
Mục tiêu dài hạn khác thường bị khích động bởi tôn giáo Hãn quốc Mông Cổ trải dài từ Thái Bình Dương sang sông Volga Vương quốc Hồi giáo toàn cầu
Quan điểm của phong trào đối với người Do Thái Tàn sát Tàn sát
Quốc gia có nội chiến làm phát sinh quá trình Nga Iraq
Quốc gia xảy ra xung đột nội bộ bởi bên thua trận trong cuộc nội chiến nói trên Mông Cổ Syria

Nhưng người Nga đã có sự chuẩn bị. Hồng Quân phục kích lực lượng của Ungern Sternberg không lâu sau khi họ vượt qua biên giới, buộc họ phải rút lui và tập hợp lại. Ở nơi này, có vẻ như đội quân bạc nhược của vị Nam tước đã phản lại ông ta. Có một vài câu chuyện khác nhau về cuộc nổi loạn, nhưng khi lực lượng Xô-viết bắt được ông, vị Nam tước trước đó đã bị người của mình phản bội. Tại một phiên xét xử sau đó của Liên Xô, Ungern-Sternberg đã tỏ ra thách thức. Một báo cáo khẳng định, khi được bảo rằng ông ta có thể thoát tội chết bằng việc hát bài Quốc tế ca, một bài hát của phe Bôn-sê-vích, ông đã không hát mà thay vào đó lại thách các vị thẩm phán hát bài quốc ca cũ của nước Nga. Một bản tường thuật thú vị khác, từ nhà thám hiểm và nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng người Ba Lan Ferdinand Ossendowski, tin rằng vị Nam tước đã bị xử tử đúng vào ngày ông được tiên đoán qua đời bởi một nhà tiên tri Phật giáo.

Nếu không dựa vào các lời tiên tri như vậy, thì việc dùng các so sánh lịch sử để phán đoán tương lai quả là một việc làm nguy hiểm. Nhưng có một vài điểm ở đây đáng để xem xét liên quan tới Nhà nước Hồi giáo. Sự tàn bạo và bất thường trong quá trình cai trị của vị Nam tước rốt cuộc đã làm những người ủng hộ xa lánh, và thế giới quan về một đấng cứu thế của ông không nghe có vẻ thuyết phục với những người có tư duy chiến lược. Nhưng nếu những yếu tố đó đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Ungern-Sternberg thì cũng đáng để nhớ lại rằng, chính chiến thắng của lực lượng Xô-viết và sự thành lập của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ liên minh với Liên Xô vào năm 1924 sau cùng đã mang đến một hình thái chuyên chế của sự ổn định đến vùng đất này. So với vị Nam tước, sự tàn bạo của Hồng Quân ít rõ ràng hơn và tư duy kiểu đấng cứu thế của họ thế tục hơn. Tuy vậy, phong cách (cai trị) của họ không hẳn là hoàn toàn khác biệt.

Gác những tranh cãi quá mức về bản chất Hồi giáo của nhà nước IS sang một bên sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhìn thấy bối cảnh chính trị và cấu trúc của tổ chức này hơn: Cách mà sự tàn bạo của nhà nước Hồi giáo đã được xây dựng dựa trên những di sản của Saddam Hussein, Bashar al-Assad, và các xung đột rộng hơn ở Iraq và Syria. Điều đó cũng đồng thời gợi nên một viễn cảnh ghê rợn: bất kể thế lực nào thay thế cho Nhà nước Hồi giáo– dù là thế tục, Hồi giáo, thậm chí có là Phật giáo đi nữa – thì có lẽ nó cũng chỉ ít xấu xa hơn đôi chút so với những nhà nước đi trước.

Nick Danforth là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Georgetown.

Hình: Chân dung Roman Fedorovich von Ungern-Sternberg. Nguồn: Wikimedia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]