Quan hệ Liên Xô – Mông Cổ qua hồi ký một nhà ngoại giao Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Hoàng Tuấn Thịnh

Lời người dịch: Liên bang Nga đã xuất bản cuốn hồi ký của Mi-kha-in Ca-pi- xa dưới đầu đề “Ghi chép của nhà ngoại giao, chu du nhiều nước”. Điều đáng tiếc là một năm sau khi ông mất, quyển sách mới được ấn hành. Ông làm việc ở Bộ Ngoại giao Liên Xô khoảng 40 năm, từ cương vị Bí thư thứ nhất đến Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Mi-kha-in Ca-pi-xa không chỉ là nhà ngoại giao, mà còn là nhà bác học lớn. Chỉ riêng về quan hệ Liên Xô – Trung Quốc và về chính sách của Liên Xô đối với khu vực Viễn Đông, châu Á- Thái Bình Dương, ông đã viết nhiều tác phẩm và có trên 100 đề tài nghiên cứu. Ông cũng là người đứng đầu Viện phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trong thời gian 07 năm. Cuộc đời hoạt động phong phú của ông được thể hiện trong cuốn hồi ký “Ghi chép của nhà ngoại giao, chu du nhiều nước”. Dưới đây là phần lược dịch từ chương nói về quan hệ Liên Xô – Mông Cổ trong cuốn hồi ký của ông.

 * * * * *

Hơn 40 năm, bản thân tôi là người phụ trách mọi vấn đề trong quan hệ giữa Liên Xô với Mông Cổ và Triều Tiên, vì vậy tôi đã đến hai nước này rất nhiều lần. Là những nước láng giềng, lĩnh vực an ninh và hợp tác kinh tế với họ rất quan trọng đối với Liên Xô nên chúng ta cũng không thể bỏ mặc trước những khó khăn mà họ phải đương đầu. Chúng ta thường xuyên quan tâm đến sự bình yên của các nước đó. Bởi vì, mọi sự kiện xảy ra ở nước họ đều ảnh hưởng đến chúng ta, và mọi sự kiện xảy ra ở nước ta đều ảnh hưởng đến tình hình chính trị của Mông Cổ và Triều Tiên.

Trước hết, bằng những ngôn từ tốt đẹp, tôi muốn hồi tưởng về Yumjaagiin Tsedenbal. Ông là người uyên thâm, hiểu biết rộng, là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc. Tsedenbal cũng là nhà hoạt động chính trị mềm dẻo, thận trọng, dùng lời lẽ nhẹ nhàng, tình cảm và không dùng biện pháp cứng rắn đối với những người bất đồng quan điểm với mình; ông là người bạn tin cậy thực sự của chúng ta, và nhân dân Xô viết ai cũng biết ông và rất quí trọng ông. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của quân đội Liên Xô, ông có rất nhiều bạn hữu. Trước hết, phải kể đến Nguyên soái G. K. Zhukov. Các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng rất thiện cảm với Tsedenbal. Tại buổi chiêu đãi ở Điện Kremlin (tháng 12 năm 1939), khi nâng cốc, Stalin nói: “Chúc mừng sức khỏe đồng chí Tsedenbal!” Nhân dịp này, Khorloogiin Choibalsan[1] muốn giới thiệu Tsedenbal với Ban lãnh đạo Liên Xô trước khi trao chức Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ cho Tsedenbal chăng?[2]

Khrushchev cũng có mối quan hệ rất mật thiết với Tsedenbal. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là Alexei Kosygin cũng ủng hộ Tsedenbal, rất quan tâm giúp đỡ Mông Cổ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và công nghiệp.

Nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là lãnh đạo Mông Cổ bao giờ cũng làm theo mọi sự chỉ bảo của Moskva. Có lần, Khrushchev hỏi Tsedenbal: “Tôi nghe người ta nói ở Trung tâm Thủ đô Ulan Bato vẫn còn bức tượng Stalin, điều đó có đúng không?”. Tsedenbal từ tốn khẳng định, “Đúng thế, bức tượng đó đứng ở trước cổng chính Viện hàn lâm Khoa học Mông Cổ”. Khrushchev tỏ thái độ không hài lòng và nói: “Nhân dân Xô viết không hiểu được việc làm này của các đồng chí”. Nhưng Tsedenbal đáp lại: “Stalin có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của Mông Cổ, nếu chúng tôi hạ tượng Stalin thì nhân dân Mông Cổ lại cũng không hiểu tại sao chúng tôi lại làm điều đó”. Vấn đề này, Khrushchev không đề cập lại nữa, và bức tượng cũng không bị ai động chạm đến cho tới khi Tsedenbal mất chức thì bức tượng Stalin mới bị phá bỏ.

Có ai đó đã đề xuất nên đưa Mông Cổ trở thành một nước cộng hòa của Liên Xô. Khoảng đầu năm 1970, tôi không phụ trách khu vực Đông Nam Á nữa, mà quay trở lại phụ trách khu vực Viễn Đông, lúc đó Ngoại trưởng Andrei Gromyko hỏi tôi, nếu nước CHND Mông Cổ trở thành thành viên của Liên Xô thì đồng chí nghĩ thế nào. Tôi cương quyết phản bác vấn đề này và lập luận về sự suy giảm an ninh của Liên Xô trong điều kiện như vậy. Tôi cũng không biết là tại sao vấn đề này lại được nêu ra, bản thân Bộ trưởng nghĩ như vậy ư, hay là có ai đó đề xuất mà tôi không biết, hay là Ngoại trưởng nêu ra chỉ là để thăm dò quan điểm của tôi chăng. Bởi vì, ở thời điểm đó, một mặt, do quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mông Cổ và Trung Quốc; mặt khác, quan hệ của Mông Cổ với Liên Xô cũng đặc biệt hơn, nên Ban lãnh đạo Mông Cổ đã tính đến khả năng Mông Cổ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va, ký Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau.

Moskva tán thành vấn đề này, các nước thành viên đồng minh khác cũng không phản đối. Chỉ có Rumani nêu ra lý do về nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va là đảm bảo hòa bình ở châu Âu, cụ thể là bảo vệ các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Nicolae Ceaușescu nói cũng có mặt đúng của vấn đề. Nếu như kết nạp Mông Cổ vào Hiệp ước Vác-sa-va, thì mọi điều khoản của Hiệp ước lại phải soạn thảo hoàn toàn mới, vấn đề này không thể thực hiện được trong điều kiện thời bấy giờ. Do đó, đề nghị này không được tiến hành.

Trong các cuộc gặp gỡ và làm việc cấp cao, những vấn đề quan hệ của các nước được thảo luận rất chi tiết. Lúc đó, thường soạn thảo và đưa ra những quyết định rất khả thi. Tôi xin nói về Đoàn đại biểu cấp cao Mông Cổ lần đầu tiên sang thăm Liên Xô sau chiến tranh. Chuyến thăm này diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 5 năm 1957. Dẫn đầu Đoàn là Tsedenbal và nhiều nhà hoạt động chính trị – xã hội nổi tiếng của Mông Cổ tham gia. Cùng đi với Tsedenbal còn có phu nhân của ông là Anastasia Filatova, khoảng 35 – 37 tuổi, rất xinh đẹp và có mái tóc màu sáng.

Cuộc hội đàm cấp cao diễn ra tại Cung điện Kremlin. Theo yêu cầu của Chính phủ CHND Mông Cổ, Chính phủ Xô viết đã quyết định giúp đỡ kinh tế, khoa học kỹ thuật cho Mông Cổ để thực hiện kế hoạch (1958 -1960) phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, trước hết là phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng trọt, xây dựng hàng loạt xí nghiệp (nhà máy chế biến gỗ, nhà máy gạch xilicát), mở rộng nhà máy điện quốc gia ở Ulan Bato, đổi mới nhà máy làm sạch lông gia súc, thăm dò quặng sắt và các loại khoáng quặng khác. Liên Xô cho Mông Cổ vay 200 triệu rúp với lãi suất ưu đãi. Đáp lại, Mông Cổ có trách nhiệm cung cấp cho Liên Xô các loại sản phẩm của ngành chăn nuôi, khoáng sản và các loại sản phẩm khác của Mông Cổ.

Các cuộc gặp gỡ và làm việc khác cũng diễn ra tương tự như vậy. Tsedenbal tham dự tất cả các Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô và các ngày lễ kỷ niệm của Liên Xô. Ông nói tiếng Nga rất thông thạo, lại hiểu biết nhiều về Liên Xô, nhưng lại là người rất lịch lãm và khiêm tốn. Ủy ban liên Chính phủ của hai nước về vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật đã hoạt động thường xuyên. Các nhà ngoại giao, các chuyên gia kinh tế cũng chuẩn bị các văn kiện hiệp định rất nghiêm túc, nghiên cứu cẩn thận mọi nhu cầu, đòi hỏi của CHND Mông Cổ theo khả năng của Liên Xô để cố gắng giúp đỡ các đồng chí Mông Cổ. Bộ Ngoại giao của hai nước cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ. Nhiều vấn đề quốc tế được giải quyết bằng đường điện thoại nóng. Liên Xô thường xuyên quan tâm chú ý đến những nhu cầu, đòi hỏi của người anh em Mông Cổ.

Tuy nhiên, cũng có những tình huống khó khăn xảy ra. Đối với các cơ quan kinh tế của Liên Xô, trong khi xây dựng các xí nghiệp liên doanh thỉnh thoảng đã bộc lộ ý đồ giành phần hơn cho Liên Xô, không tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bình đẳng, chỉ nghĩ đến phần lợi cho mình. Ví dụ, khi đưa vào sử dụng giai đoạn đầu của nhà máy làm giàu quặng đồng-môlípđen ở Erdenet (một trong 10 mỏ đồng lớn trên thế giới – N.D) đã vi phạm nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Các cơ quan kinh tế Xô viết đã tìm mọi cách và muốn nhanh chóng thu lại số vốn đã cho Mông Cổ vay khi xây dựng nhà máy và cung cấp trang thiết bị; bằng cách chuyên chở hầu hết sản phẩm sau khi đã làm giàu quặng về Liên Xô; trong những năm đầu khai thác, người Mông Cổ thu được phần lợi nhuận rất ít ở nhà máy liên doanh này. Bộ Ngoại giao Liên Xô đã lưu ý đến vấn đề này, Lãnh đạo Xô viết cũng ủng hộ đề nghị của chúng tôi đưa ra là phải thay đổi điều kiện hợp tác. Chúng tôi cắt bỏ và sửa đổi một số điều liên quan đến nhà máy đồng- môlipđen; yêu cầu cắt giảm số chuyên gia Xô viết ngày càng gia tăng ở Mông Cổ, có thời kỳ con số này đạt tới 50 nghìn người; yêu cầu phải mạnh dạn đưa đội ngũ cán bộ Mông Cổ tham gia vào quá trình sản xuất và quản lý nền kinh tế của mình. Đội ngũ cán bộ đó đã được đào tạo ở các trường Đại học và thực hành ở các xí nghiệp của Liên Xô, không ngoài mục đích phục vụ cho chính Mông Cổ.

Chúng tôi thường xuyên yêu cầu phải xử lý nghiêm các binh sỹ và sỹ quan Xô viết vi phạm hình sự trên lãnh thổ Mông Cổ. Làm việc với người Mông Cổ rất dễ chịu; bởi vì, họ là những người tốt bụng, dễ gần, khiêm tốn và cần cù. Họ là đồng đội tin cậy trong cùng một chiến hào, luôn trung thành với bè bạn. Kỵ binh Mông Cổ đã từng tham gia giải phóng nhiều thành phố ở Mãn Châu và Nội Mông thoát khỏi ách chiếm đóng của quân phiệt Nhật Bản. Có thể nói, họ là một dân tộc dũng cảm nhưng không được băn khoăn Mông Cổ là một nước bé. Victor Hugo đã từng nói: “Trên thế giới không có dân tộc nào là nhược tiểu. Sức mạnh của con người không đo bằng chiều cao, cũng như sức mạnh của một dân tộc không tính đến dân tộc đó lớn hay bé”. Điều này hoàn toàn phù hợp đối với dân tộc Mông Cổ. Để minh chứng cho vấn đề này, tôi xin dẫn chứng về cuộc hội đàm Liên Xô và Mông Cổ trong việc phân định lại đường biên giới giữa Liên Xô và Mông Cổ thuộc khu vực nước Cộng hòa Tự trị Tuva.

Cuộc hội đàm này diễn ra trong những năm 1957 – 1958. Đứng đầu đoàn đàm phán của Liên Xô là Đại sứ Liên Xô tại Mông Cổ, V.M. Molotov; phía Mông Cổ do Bộ trưởng Ngoại giao đứng đầu. Đoạn đường biên giữa Liên Xô và Mông Cổ ở khu vực Tuva – Mông Cổ chưa được phân định rõ ràng. Mặt khác, do dân cư và nền kinh tế ở khu vực này ngày càng phát triển, nên nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Cần phải tiến hành đàm phán để khôi phục lại tình hình. Phái đoàn Liên Xô gánh vác sứ mệnh quá cao do sự áp đặt thường xuyên của các nhà chức trách của Cộng hòa Tuva đưa ra. Molotov là nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm. Trong mấy ngày đàm phán, ông đã kiên nhẫn, bình tĩnh và chịu đựng, còn Ngoại trưởng Mông Cổ Sonomyn Avarzed lại nóng nảy, có thái độ khiếm nhã. Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng NDCM Mông Cổ buộc phải can thiệp để tháo gỡ bế tắc. Ngày 26 tháng 03 năm 1958, hai bên đã ký hiệp định về việc phân định rõ thêm đoạn biên giới tranh chấp. Với tư cách là những nhà ngoại giao, chúng tôi muốn sau khi công việc hoàn tất, mọi điều khoản của hiệp định phải giải quyết một cách bình đẳng, không được làm phật lòng người Mông Cổ. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã quyết định kiến nghị về việc phân định rõ biên giới giữa Liên Xô và Mông Cổ cần phải nắn lại biên giới ở khu vực Cộng hòa Tuva và Mông Cổ, nếu như phía Cộng hòa Tuva lấn sang thì phải trả lại cho phía Mông Cổ. Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên Bộ Chính trị.

Ngày 17 tháng 09 năm 1971, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Kirill Mazurov, khi làm việc với Tsedenbal đã hỏi: “Nếu Liên Xô và Mông Cổ ký một hiệp định mới về biên giới Xô – Mông để phân định lại đường biên giới được hình thành từ thời kỳ Nga Sa hoàng và Vua Xi-nhi ở thế kỷ 18 – 19, thì có điều gì bất lợi không?” Tsedenbal đã thận trọng trả lời: “Về nguyên tắc phân định đường biên, Mông Cổ tán thành đề nghị của Liên Xô, nhưng sẽ có khả năng nảy sinh bất lợi”.

Bộ Ngoại giao và Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô đã quan tâm đến ý kiến của Tsedenbal nên đã xem xét lại vấn đề biên giới Xô – Mông và đề ra sách lược là cần phải giải quyết vấn đề biên giới một cách nghiêm túc, đi đến ký kết hiệp định về biên giới giữa Liên Xô và Mông Cổ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức được, việc phân định rõ đường biên và cắm cột mốc biên giới sẽ không được phép và không để gây ra những trở ngại liên quan đến sự hợp tác toàn diện của nhân dân hai nước anh em đang ngày càng được củng cố và phát triển.

Mục đích cơ bản của đường hướng đó là xóa bỏ những tồn tại bất bình đẳng, nắn lại đoạn biên giới ở khu vực Tuva – Mông Cổ. Phía Mông Cổ tán thành ý kiến sáng suốt của người bạn láng giềng phương Bắc của mình; phái đoàn của hai nước đã kiểm tra và phân định lại đường biên được hình thành từ thế kỷ 18 – 19. Ngày 19 tháng 10 năm 1976, hai nước đã ký hiệp định mới về việc phân định lại đường biên giới. Trong thời gian phân định lại đường biên giới, các nhà chức trách địa phương của Liên Xô đã gửi đơn về Moskva, khiếu nại là phía Liên Xô để mất một số đồng cỏ và nguồn nước. Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô trước sau như một vẫn kiên trì chủ trương, cái gì không thuộc quyền sở hưũ của mình thì phải trả lại; nếu địa phương nào có nhu cầu và nhất là đối với các cơ sở kinh tế muốn sử dụng vùng đất nào đó, thì phải thỏa thuận, làm việc với các nhà chức trách của Mông Cổ và phải thanh toán sòng phẳng.

Khi nói đến quan hệ liên minh chính trị, tôi muốn nhấn mạnh tới một việc. Trong khi Tsedenbal hoặc Jambyn Batmönkh sang Moskva có rất ít người tháp tùng, nhưng tháng 11 năm 1974 khi L.I. Brezhnev đến thăm Mông Cổ lại có rất nhiều thành viên, cố vấn, tuỳ tùng, các chuyên gia, bác sỹ, đầu bếp, nhân viên phục vụ, sỹ quan bảo vệ, nhân viên thông tin điện đài và lái xe. Tất cả khoảng 200 người, tôi rất băn khoăn và muốn cắt giảm số lượng, bởi vì với số lượng người như vậy thì các đồng nghiệp Mông Cổ đáng yêu sẽ vất vả như thế nào khi thết đãi khách và cả chúc rượu (khách lại là những người uống rất nhiều rượu). Để chuẩn bị chuyến thăm, tôi bay sang Ulan Bato để làm việc với các đồng nghiệp Mông Cổ, dè dặt đề cập đến chuyến thăm, nói rằng Mông Cổ không phải là nước giàu có và với việc nhiều người nhảy dù như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho một đất nước bé nhỏ như Mông Cổ nhưng các đồng nghiệp Mông Cổ đã không quan tâm đến ý kiến của tôi.

Tháng 11 năm 1974, Brezhnev, dẫn đầu Đoàn đại biểu chính thức thăm Ulan Bato. Lúc đó, tình hình kinh tế của Mông Cổ ngày càng có những dấu hiệu đáng lo ngại; đòi hỏi phải có chính sách mới nào đó. Vì vậy, cần phải có cuộc làm việc với lãnh đạo Mông Cổ.

Tháng 10 năm 1976, Tsedenbal dẫn đầu Đoàn đại biểu Mông Cổ hội đàm với Ban lãnh đạo Liên Xô tại Moskva. Brezhnev nhắc lại những kỷ niệm về chuyến thăm Ulan Bato hai năm về trước, quan tâm đến quá trình xây dựng Cung hôn nhân (phục vụ miễn phí cho các cặp đôi tiến hành hôn lễ – N.D), công trình quà tặng diễn ra như thế nào (nhân chuyến thăm Mông Cổ, Brezhnev đã tặng nhân dân Mông Cổ một khoản tiền để xây dựng Cung hôn nhân ở Ulan Bato – N.D). Tsedenbal đã cảm ơn Brezhnev và nói rằng, quá trình thi công do Anastasia Filatova (phu nhân của Tsedenbal) giám sát và công trình đã hoàn tất. Trong quá trình đàm phán về hợp tác kinh tế, hai bên đã nêu nhiều biện pháp, hình thức mới khả thi góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nền kinh tế, thúc đẩy tốc độ phát triển của Mông Cổ. Để tiếp tục tăng cường hợp tác song phương bằng hình thức xây dựng xí nghiệp liên doanh, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, cần phải thực hiện việc mở rộng và thiết lập quan hệ trực tiếp giữa các bộ, ngành, các cơ sở kinh tế, các cơ quan khoa học, văn hóa giữa hai nước. Nói cách khác, để cho vấn đề hợp tác được tiến hành nhanh gọn và đơn giản, các tổ chức, các xí nghiệp của Liên Xô cần phải kết nghĩa với các tổ chức, các xí nghiệp tương đương của Mông Cổ, cần phải giúp đỡ họ làm việc có hiệu quả; không cần phải thảo luận ở cấp chính phủ.

Thế rồi, sấm sét bỗng nhiên xuất hiện giữa trời xanh. Năm 1983, chúng tôi nhận được tin Tsedenbal bị bệnh, trí nhớ bị giảm sút rất nhiều. Anastasia Filatova đang cố gắng thâu tóm quyền lãnh đạo vào tay mình. Damdinjavyn Maidar, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng NDCM Mông Cổ, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng nước CHND Mông Cổ, ủng hộ bà Anastasia Filatova; đã đề nghị thanh lọc bộ máy lãnh đạo nhà nước, cụ thể là muốn phế bỏ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Jambyn Batmönkh, Bí thư Trung ương Đảng NDCM Mông Cổ Đ. Mô-lôm-giáp và nhiều người khác. Tình hình này làm cho Moskva lo lắng, muốn bảo vệ các đồng chí Mông Cổ, không để xảy ra tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Tháng 10 năm 1983, A. Gromyko chỉ thị cho tôi đi Ulan Bato để gặp Tsedenbal và tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của ông. Đến Ulan Bato, tôi nói chuyện với Tsedenbal rất nhiều vấn đề. Ông xử sự rất lịch lãm, quan tâm nhiều đến các vấn đề quốc tế. Theo quan sát của tôi, bệnh tình của ông biểu hiện rất rõ rệt, lo lắng điều gì đó và rất sợ sệt. Tôi cảm ơn nhà lãnh đạo Mông Cổ và chúc ông chóng bình phục. Trở về Moskva, tôi báo cáo lại việc Tsedenbal hỏi rất nhiều về tình hình quốc tế, việc ông bị bệnh và cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần về một vấn đề. Ngoài ra, tôi không nói gì thêm với Gromyko. Tất nhiên, thông tin từ những nguồn khác cũng được báo cáo lên cấp trên.

Cần đưa ra kiến nghị có sức thuyết phục về việc ủng hộ Batmönkh thay thế Tsedenbal, mặc dù Batmönkh không có những thế mạnh như Tsedenbal, còn thiếu kinh nghiệm và không quyết đoán. Các đồng chí Mông Cổ cũng muốn chính quyền mới bắt đầu công việc của mình bằng chuyến thăm Moskva. Tôi hiểu rõ Batmönkh, vì vậy tôi đã phối hợp với chuyên gia các bộ, tích cực soạn thảo các văn kiện và đề xuất những quan điểm mới phục vụ cho chuyến thăm. Lúc đó, ở Liên Xô cũng xuất hiện nhà lãnh đạo mới, đó là Konstantin Chernenko, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, nhưng sức khoẻ của ông lại yếu, nên sự hiểu biết về Mông Cổ cũng không được nhiều; do đó, công việc chuẩn bị cho chuyến thăm cũng có phần vất vả.

Ngày 27 tháng 10 năm 1984, Đoàn đại biểu Mông Cổ đến Moskva. Quan sát hai nhà lãnh đạo của hai nước ngồi đối diện nhau giữa các thành viên khác, Batmönkh trông rất phong độ, nhưng kém tự tin, còn Konstantin Chernenko thì thở hổn hển và hầu như chỉ đọc tài liệu đã được chuẩn bị sẵn cho cuộc hội đàm. Trông thấy điều này tôi rất buồn lòng và xấu hổ. Phải chăng, Liên Xô không tìm được nhà hoạt động chính trị- xã hội nào ở độ 50 tuổi, khỏe mạnh và minh mẫn hay sao.

Đất nước Mông Cổ vẫn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, tốc độ phát triển bị chững lại trong thập niên 1970. Trong những năm 1961- 1980, được sự giúp đỡ của Liên Xô, hơn 400 công trình trong tất cả các ngành kinh tế và nhiều trung tâm công nghiệp mới đồ sộ mọc lên. Trong những năm 1981-1985, trên cơ sở phát triển công nghiệp, cơ khí hóa nông nghiệp, hiện đại hóa trang thiết bị – kỹ thuật cho các ngành kinh tế nhằm tạo thành tổ hợp kinh tế quốc dân thích hợp. Chú trọng đến việc nâng cao hơn nữa mức sống và văn hóa của nhân dân. Tổ hợp sản xuất Ba-ga-nô-rờ cũng nằm trong số 280 công trình được xây dựng.

Nhờ có sự tham gia tích cực của Bộ Ngoại giao, các cơ quan kinh tế Liên Xô đã phối hợp với các cơ quan hữu quan Mông Cổ cùng soạn thảo các văn kiện. Ở Ulan Bato, cũng như ở Moskva rất nóng lòng chờ đợi các văn kiện này. Ngày 29 tháng 8 năm 1985, tại Moskva, M. Gorbachev và Batmönkh đã ký “Chương trình phát triển dài hạn về hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật giữa Liên Xô và Mông Cổ”.

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị A.A. Gromyko sang thăm Mông Cổ dù ông đã đến Ulan Bato hai lần tháp tùng Đoàn đại biểu cấp cao. Trong khi đó, chúng tôi tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Mangalyn Dügersüren ở Moskva rất nhiều lần. A. Gromyko và M. Dügersüren thường phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, quan tâm đến quan hệ hai bên. Tháng 11 năm 1980, tôi cùng Dügersüren xuống thăm Baku, gặp làm việc với G.A. Aliyev và các quan chức khác, tham quan các khu di tích lịch sử và nhà máy sản xuất quạt điện. Nhà máy này đã gây nhiều ấn tượng đối với các vị khách Mông Cổ. Tháng 3 năm 1984, Dügersüren lại sang thăm Liên Xô, trao đổi về tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai. Nhưng Gromyko vẫn không sang thăm Mông Cổ với danh nghĩa là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Trong khi đó, Ngoại trưởng mới là Eduard Shevardnadze đã tán thành kiến nghị của chúng tôi đi thăm Nhật Bản, Triều Tiên và Mông Cổ.

Ngày 23 tháng 01 năm 1986, Shevardnadze bay từ Bình Nhưỡng sang Ulan Bato. Tôi tháp tùng Bộ trưởng. Ngày 24 tháng 01, đã diễn ra cuộc gặp thân mật giữa Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng NDCM Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ, Batmönkh và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Eduard Shevardnadze. Chúng tôi đã thảo luận với Dügersüren về quan hệ Xô – Mông, cũng như các vấn đề quốc tế cấp bách.

Từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 07 năm 1989, Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng NDCM Mông Cổ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước CHND Mông Cổ, Batmönkh sang thăm Liên Xô. Ngày 26 tháng 07, M. Gorbachev hội đàm với Batmönkh, hai bên chú trọng đến vấn đề nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện Xô – Mông trong thời điểm hiện tại cũng như sau này. Batmönkh tỏ ra tự tin hơn. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến vấn đề cải cách sâu rộng trong cơ chế hợp tác và chủ trương phấn đấu bình đẳng trong quan hệ giữa hai nước. M. Gorbachev bày tỏ sự hiểu biết của mình về tính đặc thù của nhiệm vụ kinh tế – xã hội mà Mông Cổ đang triển khai.

Tôi đến Mông Cổ rất nhiều lần, gặp gỡ và đàm thoại với Tsedenbal và Batmönkh, có mối quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Mangalyn Dügersüren và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Đ. I-ôn-đôn. Mangalyn Dügersüren nhiều năm giữ cương vị đứng đầu ngành ngoại giao của Mông Cổ. Ông là nhà ngoại giao khiêm tốn, kiên định, sử dụng thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh. Còn Thứ trưởng Đ. I-ôn-đôn là người thông minh, tháo vát, thường trực tiếp soạn thảo văn kiện bằng tiếng Nga cho lãnh đạo.

Năm 1971, các đồng chí Mông Cổ quyết định kỷ niệm lần thứ 50 ngày ký Hiệp ước Mông – Xô đầu tiên và mời Đoàn đại biểu Liên Xô sang dự. Dẫn đầu đoàn đại biểu là N.F. Va-xi-li-ép, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Nga; Đại sứ Liên Xô ở Mông Cổ X.N. Se-ti-nin; cô thợ dệt trẻ trung, tóc bạch kim, nữ anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa và tôi đã tham gia Đoàn. Chúng tôi được bố trí ở biệt thự trước đây của Choibalsan, cạnh biệt thự của Tsedenbal. Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô đọc lời chào mừng tại buổi mít tinh trọng thể kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, được tiến hành vào ngày 5 tháng 11. Đại sứ quán Liên Xô và Chính phủ Mông Cổ đã chiêu đãi chúng tôi nhân dịp ngày lễ lớn này. Trong khi Tsedenbal, Đ. Mô-lôm-giáp và tôi ngồi bên nhau nói chuyện vui vẻ, thì Anastasia Filatova cứ đi đi lại lại. Bộ Ngoại giao Mông Cổ đã tổ chức ngày sinh nhật của tôi rất chu đáo và thân mật. Tôi cũng thông báo cho lãnh đạo Mông Cổ nhiều tin tức về tình hình quốc tế. Các đồng chí Mông Cổ rất thích nghe thông báo của tôi. Sau đó, chúng tôi bay đến thành phố Xai-san (thủ phủ của tỉnh Nam Gô-bi, tiếp giáp với Trung Quốc – N.D), tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và thăm trung đoàn xe tăng thiết giáp của Liên Xô. Xe con phóng băng băng trên thảo nguyên, chúng tôi bắt gặp đàn ngựa hoang, chó sói và sơn dương đang chạy thục mạng khi thấy xe chúng tôi. Lần đầu tiên tôi tận mắt trông thấy những bức tượng đá giống hình người, lạc đà, ngựa được tạo nên do nắng, gió, bão tuyết và mưa sa bào mòn qua hàng nghìn năm. Trên thảo nguyên bao la, chúng tôi thưởng thức món xúp nấu theo kiểu của người đi săn, nguyên liệu của chúng tôi gồm có giò, thịt gà, cá, mì ống, khoai tây, hành, cà rốt, hạt tiêu; tất cả cho vào một cái chảo to đặt trên cái lò rực lửa, nấu thành món xúp ngon tuyệt vời, y như truyện thần thoại vậy.

Tháng 7 năm 1978, vợ chồng tôi được Chính phủ Mông Cổ mời sang nghỉ mát. Chúng tôi nghỉ ở Ulan Bato mấy hôm, làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, thăm trường Đại học Tổng hợp và thăm quan cung vua Boóc-đô, người trị vì Mông Cổ từ năm 1911 đến năm 1924,[3] được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa.

Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khách sạn đầy đủ tiện nghi nằm sâu trong thung lũng núi ở thủ đô Ulan Bato (khách sạn này chỉ dành cho các khách cấp cao khi đến thăm Mông Cổ – N.D). Các dòng suối từ sườn đồi đổ dồn xuống con sông Thôn (con sông lớn chảy qua thủ đô Ulan Bato – N.D) thơ mộng. Khách sạn nằm phía nam sườn đồi, còn phía tây sườn đồi là một số khu biệt thự, nơi nghỉ mát của các nhà lãnh đạo cấp cao Mông Cổ. Các phòng khách được trang bị đầy đủ các tiện nghi đắt tiền, sàn được trải thảm Trung Quốc, trần nhà được treo các loại đèn chùm pha lê của Tiệp Khắc. Nhân viên phục vụ được trang bị tốt kiến thức chuyên môn, phục vụ các món ăn Âu và Mông Cổ.

Chiều xuống, sau buổi ăn tối, chúng tôi thong thả dạo mát dưới chân đồi. Đàn hươu bình thản ăn cỏ ven sườn núi. Thi thoảng, có một vài con chó sói từ sườn núi chạy xuống chân đồi, tiến gần đến khách sạn nhưng không tấn công ai cả. Điều đó cho thấy, cuộc sống nơi đây hiền hoà và thân thiện biết bao.

Tsedenbal và Anastasia Filatova mời chúng tôi uống trà, cà phê và nói chuyện với nhau khá lâu. Một lần nữa, tôi lại tự tin khẳng định, nhà lãnh đạo Mông Cổ Tsedenbal có thái độ rất mềm mỏng, lịch lãm, uyên bác và là người đọc rất nhiều sách, báo.

Chúng tôi nghỉ ở khu nghỉ mát Thê-rên-chờ cách thủ đô Ulan Bato khoảng 80 km. Gần khu nghỉ mát có con sông Thôn trong xanh chảy qua, hai bên bờ sông là hàng, dương, liễu, phúc bồn tử và các loại cây khác mọc rậm rạp. Tôi định xuống sông tắm và phơi nắng, nhưng không ngờ nước sông lại lạnh khủng khiếp như vậy. Đại sứ A.N. Smi-rờ-nốp thường đến thăm chúng tôi cùng câu cá, rồi nấu canh cá và ăn uống vui vẻ cùng nhau. Đại sứ A.N. Smi-rờ-nốp cũng rất thích câu cá; có lần tôi đã câu được một con cá rất to. Đầu bếp Mông Cổ nấu ăn rất ngon, bữa sáng họ thết đãi chúng tôi trứng ốp la, cháo sữa và bơ cùng váng sữa.

Chúng tôi được mời tham dự các hoạt động ngày Quốc khánh Mông Cổ (11/07 hàng năm), xem ba môn thể thao dân tộc của Mông Cổ: đua ngựa, bắn cung và đấu vật dân tộc. Hồi còn nhỏ tôi đã tập cưỡi ngựa, nên công việc này đối với tôi khá dễ dàng. Riêng vợ tôi cũng thử cưỡi ngựa, nhưng khi nhìn thấy người phụ nữ tóc vàng, thì con ngựa hí vang, cứ xoay vòng và không chịu bước đi.

Vào hè, hoa, lá, cây, cỏ trên thảo nguyên Mông Cổ thi nhau đâm chồi nảy lộc, trông thảo nguyên giống như tấm thảm muôn màu rực rỡ. Trong rừng, nấm dại mọc bạt ngàn, người Mông Cổ không có thói quen thu hái nấm. Dưới sông, cá nhiều vô kể, có thể câu được những con cá to, trên thảo nguyên, muông thú cũng nhiều không kém.

Ngày 29 tháng10 năm 1983, tôi sang Mông Cổ công tác một vài ngày, có lẽ cũng là lần cuối cùng ở Ulan Bato tôi làm việc với Tsedenbal.[4] Ngày hôm sau, tôi cùng Mangalyn Dügersüren bay đến thành phố Choibalsan và chúng tôi đi về khu vực sông Khan-khin Gon;[5] tại khu vực này có rất nhiều chó sói. Chúng tôi dùng xe con để săn bắn và đạt được kết qủa khá tốt, bắn được ba con chó sói to.

Sự hợp tác Xô – Mông đang ngày càng mở rộng và thuận buồm, xuôi gió, thì khó khăn xảy ra. Việc Liên Xô tan rã đã làm cho toàn bộ nền kinh tế Mông Cổ rơi vào trạng thái hỗn loạn, vô chính phủ. Nguồn cung cấp tín dụng, hàng hóa không còn; nhiều dự án xây dựng xí nghiệp bị ngừng, nguồn cung cấp vật tư, trang thiết bị cũng không còn; nguồn nguyên liệu chất đốt bị hạn chế ở mức tối đa; tất cả mọi hoạt động hợp tác bị gián đoạn. Phải có biện pháp khẩn cấp nhằm cung cấp chất đốt cho nhà máy làm giàu quặng đồng-môlípđen và thẩm định lại khả năng ngoại tệ mạnh đối với kế hoạch xây dựng các công trình công – nông nghiệp. Do quân đội Liên Xô rút khỏi Mông Cổ, nên những lúc thiên tai, hỏa hoạn xảy ra ở Mông Cổ không có nhân lực ứng cứu kịp thời.

Thế rồi, mọi khó khăn diễn ra ở Mông Cổ đều bị người ta phê phán và đổ tội lên đầu Liên Xô. Đúng là làm phúc mắc tội. Tất nhiên, đại đa số nhân dân Mông Cổ không bị mắc mưu trước những tuyên truyền quá khích đó. Tôi rất xúc động khi đọc bài thơ “Tôi yêu nhân dân Nga” do nhà thơ Mông Cổ O. Đas-ban-ba-rờ sáng tác, được đăng trên báo Mongoliin Ünen (Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ – N.D) vào ngày 19 tháng 04 năm 1993. Bài thơ đã toát lên tấm lòng thuỷ chung son sắt của nhân dân Mông Cổ đối với nhân dân Nga. Nhà hoạt động chính trị xã hội sáng suốt Punsalmaagiin Ochirbat, khi trở thành Tổng thống Mông Cổ đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm thiết lập quan hệ với Liên bang Nga. Nước Nga cũng vậy, không bao giờ lại bỏ rơi Mông Cổ, người bạn chí cốt của mình.

Hoàng Tuấn Thịnh dịch từ báo Tin tức Chính phủ Mông Cổ.

—————-

[1] Khorloogiin Choibalsan là người cùng với Damdin Sükhbaatar sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, năm 1923 Sükhbaatar bị tầng lớp sư sãi phản động Mông Cổ đầu độc, Choibalsan thâu tóm mọi quyền lực, ông mất năm 1952; sau khi ông mất, ông bị phê phán mạnh mẽ về tội sùng bái cá nhân – N. D.

[2] Tsedenbal giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng từ năm 1940 đến năm 1984, và sau khi Choibalsan mất, ông kiêm chức Thủ tướng cho tới năm 1972 – N.D.

[3] Năm 1921, Mông Cổ lật đổ nền quân chủ và thành lập chính quyền nhân dân, nhưng do tầng lớp sư sãi ở Mông Cổ lúc bấy giờ còn mạnh, nên chính quyền nhân dân còn non trẻ phải để nhà vua nắm quyền thêm một thời gian – N.D.

[4] Sau khi bị bệnh nặng Tsedenbal được đưa sang điều trị ở Moskva và tĩnh dưỡng ở đó cho đến khi ông mất vào ngày 21 tháng 04 năm 1991, thi hài của ông được đưa về nước và được an táng tại quê nhà – N. D.

[5] Nơi đây, vào năm 1939 đã diễn ra trận chiến ác liệt giữa Hồng quân Liên Xô, quân đội Mông Cổ với quân phiệt Nhật Bản, có đội quân trên 75 nghìn người, hơn 500 súng đại bác hạng nặng, 180 xe tăng và 300 – 350 máy bay chiến đấu; Nhật Bản đã thất bại, phải ký hiệp ước đầu hàng vào tháng 9 năm 1939 – N.D.